Chiến tranh lạnh, ai mở miệng trước?
Chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng em kéo dài. Cứ thế này có lẽ tiếp sau sẽ là ly hôn.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em đang chiến tranh lạnh. Cả hai không nói chuyện với nhau đã hơn tháng nay rồi. Giờ cơm chồng vẫn về nhà bình thường, nhưng ăn xong là ra ghế ngồi coi ti vi, chơi với con. Lúc đi ngủ thì em ngủ trong phòng, chồng ngủ ở phòng khách.
Tuần trước em đã định làm lành, nhưng thấy chồng mua một cái túi ngủ về, coi bộ cố thủ ở phòng khách luôn, em ghét quá không thèm bắt chuyện nữa. Những lúc ngồi một mình nghĩ lại em thấy cũng hơi nguy hiểm.
Tuần đầu không nói chuyện với nhau, em thấy nhà ngột ngạt nặng nề. Nhưng dần dần, em thấy không nói chuyện vậy, mình em bức bối thôi chứ chồng coi bộ cũng… bình thường. Trước đây, chồng em chưa bao giờ để vợ giận lâu, hễ có chuyện gì em im lặng chừng nửa ngày thôi là ổng đã tự làm lành. Lần này, coi bộ ổng quyết “lì”, chắc cho tới khi nào em chịu mở miệng trước.
Em không giặt đồ ủi đồ, chồng tự giặt ủi, em không để phần cơm, chồng tự chế mì gói hay chạy ra mua cơm hộp về ngồi ăn. Em nghĩ chắc sống với nhau lâu, tình cảm cũng nguội lạnh, nên chồng không còn quan tâm đến vợ, vợ có giận cũng mặc kệ.
Nếu không còn tình cảm với nhau, sớm muộn cũng ly hôn phải không chị? Cứ nghĩ tới các con, em thấy buồn, em khóc một mình suốt. Chẳng bao giờ em nghĩ mình lại phải sống trong sự im lặng ngột ngạt này, như người câm. Giờ em phải làm sao đây hả chị?
B. Thúy (TP.HCM)
Video đang HOT
Chiến tranh lạnh cũng để lại nhiều thương tổn – Ảnh minh họa
Em Thúy thân mến,
Chiến tranh lạnh hay không lạnh cũng gây tổn thương, thậm chí chết người. Việc ưu tiên số một bây giờ là chấm dứt chiến tranh trong nhà mình. Đó là việc cần làm ngay em ạ. Có nhiều cách để phá vỡ tảng băng im lặng đã đông cứng giữa hai vợ chồng. Em có thể thử, với điều kiện mình gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên. Đừng nghĩ nếu làm vậy là mình “thua”, trong thế trận này, chấp nhận thua một bước, em sẽ được rất nhiều thứ. Còn hơn cứ làm cho đã nư, khăng khăng giành phần thắng, để rồi cuối cùng mất sạch những gì mình yêu quý, nâng niu.
Mình không còn trẻ như thuở đôi mươi mà hờn dỗi ngúng nguẩy, mình đã là một phụ nữ trưởng thành, làm vợ, làm mẹ, cư xử biết người biết ta, đằm thắm, cũng là thể hiện trách nhiệm và đẳng cấp của bà chủ gia đình, phải không em?
Em nên mở lời với chồng đi. Thời bây giờ, có bao nhiêu cách, không muốn mở miệng nói thì đã có tin nhắn điện thoại, có email, có Facebook của chồng, và em còn có cả hai đứa con xinh xắn của em nữa – hãy nhờ chúng chuyển thông điệp cho ba.
Em cũng có thể hẹn chồng đi cà phê nói chuyện, thoát ra khỏi không gian cố định của ngôi nhà, câu chuyện sẽ dễ nói hơn, tâm trạng của mình và người ta cũng thoải mái để lắng nghe hơn. Nhiều cô nàng còn chọn cách nhờ mẹ chồng, gọi điện thoại tâm sự với mẹ, để mẹ mở đường cho mình. Nhiều cô vợ khác chọn vũ khí mạnh của phụ nữ, là nước mắt. Sao em đóng cửa phòng khóc một mình làm chi cho đau đớn? Cứ thử khóc khi có mặt chồng, em sẽ thấy có tác dụng ngay thôi mà.
Phụ nữ mình nhiều khi vào “cơn”, cứ tự gồng lên, tỏ ra mình cũng cứng rắn, cũng sắt đá như ai. Em hãy cứ là người đàn bà yếu đuối, lo lắng, cần một bờ vai để dựa, cần một vòng tay để bảo bọc… rồi em sẽ thấy chồng em vẫn là người đàn ông mà em yêu ngày xưa, chứ không phải là đối phương trong cuộc chiến.
Xét thời gian xảy ra chiến tranh đã lâu rồi, mình cũng cần chuẩn bị nguồn lực để tái thiết gia đình thời hậu chiến. Sau cuộc nói chuyện, mình phải chăm sóc, nâng niu những kết quả của nó. Em đừng bỏ bê chồng, người ta cũng là con người như mình thôi, cũng cần được yêu thương chăm sóc, để rồi có thể yêu thương chăm sóc lại người khác. Những thứ mình cho đi cũng là những thứ mình sẽ nhận về. Chúc em hạnh phúc với tổ ấm của mình.
Chồng thà bỏ tôi chứ không bớt nhậu
Anh nhậu mỗi ngày bất chấp ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Dù khi về, anh không quậy, chỉ ngủ, tôi vẫn thấy buồn.
Cưới nhau hơn 15 năm, hiện tôi 38 tuổi, còn chồng 43, có hai con, một trai một gái. Tôi làm dâu. Vợ chồng cùng làm việc tại doanh nghiệp nhà chồng. Về mặt tình cảm, chúng tôi đều rất tốt. Bằng linh cảm của phụ nữ, tôi tin tưởng chồng tuyệt đối. Chồng tôi hay ghen. Lần thứ nhất là với em rể của anh, lần thứ 2 là người làm việc cho nhà chồng, lần thứ 3 là bạn thân của anh. Cả ba lần tôi đều mời gia đình của người đó qua giáp mặt nói chuyện với ba mẹ chồng. Cuối cùng tôi cũng được giải oan. Tôi phát hiện chồng rất đa nghi và có phần hoang tưởng. Chẳng may hôm nào đó trên bàn nhậu, chuyện xấu của ai đó được kể ra là vài ngày sau tôi lãnh đủ (3 lần ghen trước cũng vậy).
Khi mới cưới, tôi giữ tiền. Dần dần chồng tỏ vẻ không tin tưởng, cuối năm tổng kết sổ, anh cứ tra khảo vì sao số thu so với tiền thực không khớp. Tôi giải thích và đưa sổ chi cho anh xem nhưng không được, cuối cùng phải nhờ ba chồng ra mặt vì mọi thu chi của tôi đều thông qua ông. Tôi lại được giải oan nhưng thấy lo lắng nên đưa hết tiền cho chồng giữ, còn mua hẳn két sắt để anh tự khóa bằng mã chỉ mình anh biết. Đến nay cũng được 5-6 năm, những thứ cần mua cho con hay chi xài trong gia đình, tôi mua về rồi đưa hóa đơn cho chồng thanh toán lại. Còn mua sắm hay chi trả khám bệnh cho bản thân, tôi dùng tiền của ba mẹ mình (tôi thấy hơi thiệt thòi cho gia đình mình nhưng cho qua vì của ba mẹ rồi cũng để cho tôi, giờ là lúc tôi cần).
Hàng tháng nhà chồng trả lương cho tôi 10 triệu nhưng tôi không lấy nên mẹ chồng đưa cho anh giữ luôn. Tôi không lấy tiền vì có lần anh bóng gió rằng tôi đem tiền về nhà ngoại. Dù buồn, tôi vẫn chịu và bỏ qua để nhà cửa được ổn định, hơn nữa có nói cũng không lại. Mùa hè, vợ chồng tôi dẫn con về ngoại (cách 350 km) chơi kết hợp du lịch đây đó. Mỗi hè, chồng đưa tôi 20 triệu để về ngoại nhưng thực chất đủ chi cho chuyến du lịch 4 người.
Anh nhậu mỗi ngày, về không quậy, chỉ ngủ nhưng tôi buồn vì thời gian anh nhậu nhiều hơn dành cho gia đình. Lúc trước con nhỏ, lại bận bịu công việc, tôi không có cách giải quyết. Cách đây 3 năm, anh bị xuất huyết não, bác sĩ khuyên không nên nhậu nữa, nhưng anh không nghe. Phần vì lo, phần vì lúc này tôi rảnh hơn nên đưa ra quy định: một là anh nhậu phải về trước 10 giờ tối (vì thường nhậu từ 4-5 giờ chiều, có khi từ 8 giờ sáng); hai là nếu đi nhậu, phải nói hoặc nhắn tin cho tôi biết. Tuy nhiên, anh nói chỉ có ly dị chứ không làm theo được. Chúng tôi lục đục suốt 3 tháng nay. Có khi đang vui mà bạn gọi nhậu, anh đi một lèo, vợ chồng lại chiến tranh lạnh cả tuần.
Tôi có nên ly dị không? Trước đây, con trai tôi không bướng bỉnh nhưng dạo này bắt đầu bướng, đi chơi không xin mẹ như trước nữa. Có phải vì bắt chước cha hay vì con tôi đang ở lứa tuổi 16? Tôi rất buồn và rối. Ban ngày làm việc, tối tôi lại rơi vào vòng luẩn quẩn: chờ chồng, giận chồng, mất ngủ, tâm trạng không tốt cả tuần. Chẳng lẽ tôi phải sống vậy đến hết đời hoặc đến khi chồng đột quỵ do di chứng xuất huyết não vì nhậu nhiều? Tôi không muốn sống như vậy nhưng chỉ vì lý do này mà ly hôn liệu có đáng không? Trong lòng tôi, ý định ly hôn ngày càng lớn dần. Rất mong nhận được lời khuyên của chuyên gia và ý kiến của mọi người. Tôi xin cảm ơn.
Dương
Chuyên gia tâm lý Vũ Huệ gợi ý:
Chào bạn,
Qua thư, tôi nhận thấy vấn đề chính của bạn là chồng dành quá nhiều thời gian cho việc nhậu và ít thời gian cho gia đình. Bạn nghĩ đến ly hôn nhưng đang phân vân, cho thấy bạn còn tình cảm với chồng. Bởi vậy bạn hãy bình tâm và thử suy nghĩ về các gợi ý sau.
Bạn đã đưa ra các quy định với chồng về việc nhậu dựa trên tình yêu và lời khuyên của bác sĩ. Tuy nhiên chồng bạn lại nói "Chỉ có ly dị chứ không làm theo được". Điều này đã khiến bạn hụt hẫng và tổn thương. Để thay đổi thói quen của một người, để một người chấp nhận quy định của người kia trong cuộc sống chung không hề dễ dàng. Muốn làm được điều đó, bạn cần tìm thời điểm phù hợp và lựa chọn cách nói. Bạn có thể chia sẻ hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu tiếp tục duy trì thói quen xấu. Hãy khơi gợi tính trách nhiệm của anh ấy với vợ, với con. Quan trọng nhất là cùng chồng đưa ra các quy định mà anh ấy có thể thực hiện được. Quy định tự xây dựng sẽ dễ thực hiện hơn các quy định bị áp đặt.
Bạn cũng suy nghĩ xem điều gì ở chồng khiến bạn yêu nhất? Điều chồng mong nhất ở bạn là gì? Đôi khi những ý nghĩ của người này lại không phải là mong muốn của người kia dù đã chung sống với nhau nhiều năm. Vì thế bạn có thể tâm sự với chồng để hiểu anh ấy và cũng để anh ấy hiểu bạn hơn. Khi đáp ứng đúng mong muốn của đối phương, việc "lái" ai đó theo mong muốn của mình sẽ dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tôi mong bạn suy nghĩ về một số câu hỏi sau để có một gia đình bền vững:
(1) Bạn đã trải qua 3 lần chồng ghen tuông vô lý mà bạn cho rằng có phần hoang tưởng, cảm giác của bạn lúc đó thế nào? Mỗi lần chồng đi nhậu về có việc gì xấu là bạn lãnh đủ. Phải chăng bạn đang ở trong thế bị động trước dư luận? Vậy bạn hãy chủ động chấm dứt nguồn cơn của những ghen tuông vô lý đó. Hãy đặt mình vào vị trí của chồng để xem xét tại sao anh ấy ghen, do mình hay hoàn toàn do chồng hoang tưởng để chấm dứt sự bị động.
(2) Bạn dùng tiền của bố mẹ đẻ để tiêu xài cho cá nhân. Khoản tiền này có đảm bảo cho bạn cả đời? Có khi nào bạn cảm thấy mất động lực làm việc? Làm việc để được nhận lương, tăng lương? Bạn có nghĩ về việc báo đáp công ơn nuôi nấng của bố mẹ mình bằng những món quà do chính sức lao động của bản thân làm ra mà không bị chồng nói mang tiền về cho nhà ngoại?
Còn vấn đề của con trai bạn, cậu bé đang ở lứa tuổi đi tìm bản sắc cá nhân, có thể làm trái ngược với điều mà trước kia vẫn làm. Vì vậy, bố mẹ lúc này hãy là người bạn đồng hành cùng con, tăng cường kết nối với con, cung cấp cho con những thông tin cần thiết, quan tâm và tôn trọng tính độc lập của con.
Chúc bạn sáng suốt gỡ từng nút thắt để có sự bình yên trong tâm trí.
Vừa thất nghiệp vừa chiến tranh lạnh với chồng Gần 2 tháng trời tôi và chồng không nói chuyện với nhau. Chúng tôi kết hôn được 10 năm, có bé trai 9 tuổi. Chồng 37 tuổi, nhỏ hơn tôi một tuổi. Anh biết thương con, chịu khó làm ăn nhưng tính tình trẻ con, sĩ diện cao, hay ăn nhậu và mỗi lần say là không kiềm chế được lời nói lẫn...