Chiến tranh hủy hoại xuất khẩu vũ khí Ukraine
Hiện tại, cả Iraq lẫn Indonesia đều hắt hủi xe thiết giáp chở quân BTR-4 của Ukraine.
Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn ở Đông Nam Ukraine, trên các mạng xã hội đã xuất hiện bức ảnh được cho là chụp một xe bọc thép chở quân BTR-4 của Quân đội Ukraine gắn tấm biển “Moskvich” (một hiệu xe con của Nga).
Xét đến cuộc chiến tranh đang diễn biến không ngơi nghỉ, trong đó cả hai bên liên tục đăng tải những hình ảnh được xử lý đặc biệt để nhằm chứng minh lý lẽ nào đó thì việc xác định tính chân thực của tấm ảnh trên thật sự là việc khó khăn.
Video đang HOT
Xe bọc thép chở quân BTR-4
Chắc chắn là các xe bọc thép đó đang được Quân đội Ukraine sử dụng nhưng không biết dân quân ly khai đã chiếm giữ được bao nhiêu chiếc trên thực tế. Cần nhớ rằng thiết giáp BTR-4 đang tham gia chiến dịch chống khủng bố chính là những chiếc xe tai tiếng mà năm ngoái đã bị chính phủ Iraq từ chối tiếp nhận.
BTR-4 không phải quá tồi như một số ấn phẩm chuyên ngành tô vẽ. BTR-4 có hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống truyền động và động cơ khá hiện đại khiến nó trở thành địch thủ đáng gờm của các xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh và xe chiến đấu đổ bộ đường không chiến lợi phẩm của dân quân ly khai.
Trong khi thành tích chiến đấu thực tế của BTR-4 còn chưa rõ nhưng trên thị trường vũ khí thế giới, các nhà xuất khẩu vũ khí Ukraine lại chịu thất bại tiếp theo.
Gần nhất, đến lượt Indonesia từ chối mua BTR-4 cho Thủy quân lục chiến của họ. Hợp đồng mua 50 xe đã bị đình chỉ vào đầu tháng 5/2014 mà theo lý giải chính thức là “do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine”. Nhiều khả năng là một phần trong số các xe BTR-4 được sản xuất theo hợp đồng với Indonesia đã có mặt ở chiến trường Đông Nam.
Dĩ nhiên đây không phải là thất bại tầm cỡ như hợp đồng với Iraq, song đối với hãng xuất khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine thì đây vẫn là con số ít dễ chịu. Ở đây, cần tính đến việc chưa có sự rõ ràng về kế hoạch sản xuất xe bọc thép Ukraine ở Kazakhstan theo hợp đồng năm 2012.
Nhưng không chỉ BTR-4 mà cả em út của nó là BTR-3 vào tháng 6/2014 cũng đã được bổ sung cho kho vũ khí kỹ thuật tham gia “chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông.
Theo thông tin từ Lực lượng Cận vệ quốc gia Ukraine (NGU), BTR-3 hiện đã có mặt tại trung tâm huấn luyện của NGU. Sau khi huấn luyện xong các kíp xe, chúng sẽ được đưa tới Đông Nam nước này.
Đáng lưu ý là các xe bọc thép chở quân BTR-3E ban đầu được sản xuất dành cho khách hàng nước ngoài, đó chính là Thái Lan. 30 xe hoàn chỉnh từ mùa xuân đã nằm lại Ukraine do chiến tranh nổ ra.
Không rõ ai là người đề xướng quyết định này. Hoàn toàn có thể đó là phía Ukraine do họ đơn giản là không có tiền để vận chuyển các xe bọc thép này sang Thái Lan. Theo hợp đồng, việc vận chuyển do phía Ukraine chịu trách nhiệm, sau khi hoàn thành bàn giao, trừ các chi phí vô căn cứ, chi phí vận chuyển sẽ được bên đặt hàng bù đắp.
Thay vì Thái Lan, các xe BTR-3 với màu sơn ngụy trang rừng rậm kiểu pixel lại có mặt trong biên chế NGU. Câu hỏi là ai trả tiền? Theo báo chí Ukraine, một phần số tiền đã được đối tác trả cho Ukraine. Vậy ai sẽ trả lại tiền và điều gì sẽ diễn ra sau đây với hợp đồng khá lớn đó?
Dường như trong cuộc giao tranh với các nước cộng hòa ly khai tự xưng Donetsk và Lugansk, chính phủ Ukraine cũng chẳng hơi đâu mà nghĩ đến chuyện này. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường vũ khí thế giới, Ukraine sẽ vẫn tiếp tục mang tiếng là nhà cung cấp không tin cậy. Hay là ở Ukraine người ta thực sự nghĩ rằng các xe BTR-4 và BTR-3 đang đánh nhau ở Donbass thực sự sẽ được Indonesia và Thái Lan trả tiền?
Tháng 2/2014, Ukraine đã chuyển giao cho Thái Lan 5 chiếc đầu tiên trong số 49 xe tăng Oplot đặt hàng. Hiện nay đã xuất hiện câu hỏi liệu các xe tăng Oplot chưa chuyển giao có lại trang bị cho lực lượng tham gia chiến dịch chống khủng bố thay vì gửi sang Thái Lan hay không? Điều này rất có thể sẽ xảy ra và như vậy chắc khó có khách hàng nào dám ký tiếp những hợp đồng vũ khí với Ukraine nữa.
Theo Tri Thức