Chiến thuật làm bài trắc nghiệm đạt điểm cao
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 lần 1 đang đến gần. Thầy Nguyễn Tiến Long, điều phối chương trình Toán và Khoa học hệ thống giáo dục Vinschool, giảng viên Vật lý, CLB Trí Hiếu Study chia sẻ kỹ năng làm bài trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh để đạt kết quả tốt nhất.
Theo thầy Long, đến thời điểm hiện tại thì kiến thức gần như đã định hình, các em nên cải thiện về chiến thuật làm bài trắc nghiệm là chính. Trong những ngày cuối, ngoài giữ tâm lý thật thoải mái, các em có thể cải thiện thêm kĩ năng tô và đẩy tốc độ làm bài trắc nghiệm như sau:
Luyện kĩ năng tô, viết: Mục tiêu là viết, tô được nhanh, hạn chế động tác thừa và rủi ro khi làm bài. Các em nên mua hoặc tự in phiếu trắc nghiệm đúng mẫu chuẩn BGD&ĐT. Đồng thời chuẩn bị 2 bút bi, 2 bút chì loại 2B (cứng nhưng tô đủ đậm, đầu hơi tù để việc tô đậm được nhanh và đảm bảo) đã gọt sẵn, 1 tẩy, 1 tờ nháp trắng. Các em mua được bút chì khúc 2B cũng tốt vì nếu gãy chỉ việc rút thay chưa đến 1 giây, không cần gọt.
“Cá nhân thầy thấy chỉ nên dùng bút bi lúc bắt đầu viết thông tin cá nhân trên phiếu, còn lại nên dùng hết bằng bút chì trong quá trình làm bài. Nháp, tô hoàn toàn bằng bút chì tương ứng từng câu”, thầy Nguyễn Tiến Long chia sẻ.
Theo thầy Long, các em nên làm câu nào chắc câu đó. Câu nào chưa nghĩ ra hoặc chưa chắc thì chưa nên tô. Như vậy, khi soát lại trên phiếu trả lời cũng dễ dàng phát hiện để làm lại hơn, đặc biệt tiết kiệm được thời gian đổi bút và tránh tô nhầm bằng bút bi.
Kế đến là “chiến thuật ép tốc độ”.
Muốn làm được điều này, các em cần căn 2 mốc thời gian: còn 10 phút làm bài (tương ứng lần giám thị nhắc trong phòng thi để rà soát việc tô trắc nghiệm), và mốc tính hết giờ làm bài. Có thể căn bằng điện thoại hoặc căn bằng đồng hồ báo thức để bàn.
Mắt khác, đề thi trắc nghiệm đã sắp sẵn từ dễ tới khó, nên 30 câu đầu đối với mỗi bài thi trong đề thi tổ hợp khá dễ, các em cố gắng làm thật “nhanh và chắc”, lấy số điểm “an toàn”.
30 câu này trong khoảng 15-18 phút là “đẹp nhất”. Câu nào đọc cái biết đáp án hoặc nghĩ ra ngay hướng nên làm ngay thật cẩn thận và bình tĩnh.
Đối với 10 câu còn lại, có thể có 6 câu vượt qua kiến thức cơ bản nhưng các em vẫn có thể làm được, và 4 câu có thể rất khó. Với 6 câu vượt cơ bản một chút, các em dành thêm 12-15 phút để giải quyết, còn khoảng 20 phút (với môn lý-hóa-sinh) các em rà soát lại tổng thể, tập trung 4 câu khó hoặc cân đối các đáp án để đưa ra lựa chọn cuối cùng cho 4 câu này.
Giảng viên Vật lý mách nước sĩ tử vượt ải kỳ thi tốt nghiệp năm 2020
"Nhận đề thi, học sinh nên bắt tay vào làm luôn từng câu từ trên xuống dưới, tuyệt đối không vượt quá thời gian cho từng loại câu hỏi", thầy Nguyễn Quốc Huy nói.
Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra. Thầy Nguyễn Quốc Huy - giảng viên khoa Vật lý-trường Đại học sư phạm Hà Nội đã chia sẻ một số điểm mấu chốt để làm bài tốt với môn Vật Lý trong giai đoạn nước rút này.
Những "mẹo" khi làm bài
Thành bại tại lí thuyết, thủ khoa bởi kĩ năng. Thầy Huy khuyên các sĩ tử phải nắm chắc lí thuyết, bởi có tới 28 câu hỏi lí thuyết, nếu không các bạn sẽ sai tương đối nhiều và không thể vượt ngưỡng 9 điểm.
Thầy Nguyễn Quốc Huy. Ảnh: NVCC
Video đang HOT
Khi nhận được đề thi, học sinh nên bắt tay vào làm luôn từng câu từ trên xuống dưới, tuyệt đối không vượt quá thời gian cho từng loại câu hỏi, vì đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó.
Từ câu 31 thì phải đọc lướt xem câu nào quen thuộc, tránh trường hợp thi xong rồi mà có câu thuộc dạng đã ôn nhưng không kịp đọc đề.
Ngoài ra, những câu hỏi tính toán dễ thì cần chú ý đến đến đơn vị chuẩn của các đại lượng, không cẩn thận chúng ta sẽ sập "bẫy đơn vị".
Nhiều bạn nhầm lẫn về đơn vị của các đại lượng, các bạn không biết được đơn vị chuẩn của các đại lượng là gì, dẫn đến mặc dù biết công thức nhưng khi thay số vào lại tính ra 1 kết quả sai.
Do vậy, chỉ cần dành một chút thời gian để xem lại hệ thống đơn vị chuẩn và cách kiểm tra thứ nguyên thì sẽ tránh được lỗi không đáng có này.
Để tránh viết nháp nhiều trong khi làm bài thì tư duy giải nhanh là một trong những kĩ năng cần thiết. Các bạn nên tập cách tư duy nhanh nhưng đúng này, dần dần sẽ quen, nhuần nhuyễn là có thể áp dụng vào một số khâu của bài toán lớn và sẽ rút ngắn được thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Khi đọc lướt qua đề thấy hao hao giống với các câu đã từng làm thì đừng vội đưa ra công thức giải, cần đọc cẩn thận suy xét không lại sập bẫy "chủ quan " của chính mình. Chỉ cần một từ khác thì bài toán đã khác rồi.
Để nhớ được nhiều công thức giải nhanh mà không bị nhầm lẫn thì ta nên nhớ công thức gốc. Chỉ cần nhớ được công thức gốc rồi biết cách biến đổi nhanh để ra các công thức con. Không cần nhớ nhiều công thức con nhưng công thức nào hay sử dụng thì phải nhớ.
Với đề thi hiện nay sẽ không đòi hỏi học sinh phải biết quá nhiều công thức, thay vào đó đề thi thiên hướng hỏi với hiện tượng nhiều hơn.
Các bạn có thể lập ra một bảng riêng, đối chiếu sẽ phân biệt được sự khác nhau có tính quy luật của chúng.
Với những câu hỏi tính toán, sau khi đã viết được phương trình xác định đại lượng cần tìm thì sử dụng máy tính bấm chính xác, tránh bấm lại nhiều lần. Các bạn cần sử dụng thành thạo các tính năng quý báu của máy tính để giải quyết một số bài toán tổng hợp dao động hay điện xoay chiều.
Cuối cùng, đối với những câu hỏi khó hoặc cực khó chưa ra được đáp án, các bạn nên dành 2 phút cuối cùng trong thời gian làm bài để rà soát lại tất cả những câu đã tô đáp án.
Trong đó, các bạn thống kê xem có bao nhiêu câu chọn đáp án A, B, C, D. Đáp án nào được chọn ít nhất các bạn nên khoanh vào đáp án đó, bởi xác suất đáp án A, B, C, D khá bằng nhau là 25%. Việc đoán ngẫu nhiên này sẽ giúp cho xác suất vào câu đúng là cao hơn.
Chiến thuật ôn tập
Việc đầu tiên phải bám sát sách giáo khoa, các bạn tổng hợp lại toàn bộ lí thuyết 7 chương Vật lí lớp 12, đọc thật kĩ từng dòng, từng chữ, từng thí nghiệm nhỏ trong sách giáo khoa. Sau khi ôn tập tốt lí thuyết rồi thì các bạn nên dành thời gian để ôn tập các dạng bài tập đi kèm theo chuyên đề của từng chương.
Khi ôn tập chi tiết các dạng bài đi kèm theo chuyên đề nhỏ của từng chương, kế hoạch sẽ là ôn những câu mức độ nhận biết và thông hiểu trước (các câu loại này các bạn cứ lấy từ đề thi đại học, cao đẳng từ năm 2010 đến 2018 để ôn tập).
Tiếp theo, khi các bạn đã chắc lí thuyết và các câu loại nhận biết và thông hiểu rồi thì lập ngay kế hoạch ôn tập các câu loại bài vận dụng, vận dụng cao. Kết hợp với việc ôn tập, học sinh tiếp tục làm đề thi đại học, cao đẳng, đề thi thử của các năm trước và đề thi thử của năm nay để rèn luyện.
Việc hệ thống lại theo các chương lớn sẽ giúp các bạn dễ dàng nắm bắt và theo dõi, từ đó biết được mình đang bị hổng phần kiến thức nào để bù đắp kịp thời.
Các bạn có thể ghi lại những kiến thức cần lưu ý vào một quyển sổ riêng theo cách dễ hiểu nhất đối với bản thân, như vẽ sơ đồ tư duy, lập bảng tóm tắt, bảng so sánh, ghi chú các công thức hay mẹo tính nhanh... sẽ giúp các bạn nhớ sâu bài học, từ đó có thể giải quyết nhanh các dạng toán liên quan.
Các bài tập mức độ cơ bản phải làm thật chính xác, kỹ càng, không được chủ quan, hạn chế tối đa những sai sót có thể.
Song song đó, các bạn cần tập giải các đề thi mẫu, mỗi ngày 1 - 2 đề trong 2 tuần cuối cùng trước khi thi. Các bạn cần tự đặt mình trong điều kiện phòng thi để làm quen với áp lực về thời gian, nắm được kiểu ra đề.
Để nâng cao tối đa điểm số, giữa các môn thi thì nên tập trung nhiều hơn vào những môn học mà các bạn còn yếu; trong mỗi môn thì nên ưu tiên học trước, tập trung hơn vào những nội dung dễ và căn bản. Tuyệt đối không nên sa đà vào các nội dung khó, các dạng phức tạp nếu chưa nắm vững được các nội dung căn bản.
Thứ 2, các kỹ năng xử lý câu hỏi bao gồm kỹ năng nhận diện, tốc độ làm bài và kỹ năng tính toán chính xác là rất quan trọng. Để cải thiện được kỹ năng nhận diện câu hỏi và tốc độ làm bài thì không có cách nào khác là phải luyện tập nhiều và đều đặn.
Còn để rèn luyện cho được một kỹ năng tính toán chính xác thì trong quá trình làm bài tập có tính toán, mỗi phép tính các bạn chỉ nên bấm máy tính một lần duy nhất rồi lấy luôn kết quả, cố gắng hết sức để không phải bấm máy lần thứ hai.
Chiến thuật luyện đề
Bước 1: Chọn cho mình một chỗ yên tĩnh, cố gắng làm đề vào khung giờ ứng với giờ thi thật.
Bước 2: Tập cho mình thói quen làm đề ở nhà như trong phòng thi: Tự bấm thời gian, không sử dụng tài liệu, tắt chuông báo điện thoại.
Bước 3: Trong quá trình làm đề cần đọc kĩ đề, tóm tắt đề, gạch chân dưới những keyword, không được rối. Làm được câu nào, ăn chắc câu đó, không được sai những lỗi ngớ ngẩn. Làm câu nào, khoanh luôn câu đó vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Thực hiện chiến thuật phân bổ thời gian hợp lý. Sau khi làm xong đề, đầu tiên hãy kiểm tra đáp án để biết mình được bao nhiêu điểm.
Bước 4: Chữa đề
- Tự làm lại những câu mà mình chưa làm được trong thời gian làm bài.
- Giải chi tiết để biết cách làm của mình đã nhanh chưa.
Bước 5: Kiểm tra và ghi lại những công thức giải nhanh, những lỗi sai, khuyết điểm mà mình đã mắc phải trong đề thi (phân bố thời gian hợp lí chưa, còn sai những câu ngớ ngẩn nào, phần nào mình còn chưa chắc kiến thức...)
Bước 6: Lên kế hoạch ôn tập lại những phần kiến thức hổng mà đã ghi ở bước 5, làm một bảng kế hoạch có các cột như: Nội dung ôn tập, ngày ôn tập, kết quả kì vọng sau khi học xong.
Chiến thuật làm bài thi
Khi vào phòng thi, ngay sau khi phát đề, học sinh sẽ có khoảng thời gian ngắn để kiểm tra đề rồi mới bắt đầu tính thời gian làm bài. Hãy tận dụng ngay khoảng thời gian này để đọc đề một lượt.
Thầy Nguyễn Quốc Huy chia sẻ nguyên tắc làm bài: "Cẩn thận làm thật kỹ từ câu dễ đến câu khó", đề thi cũng sắp xếp lần lượt theo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng từ thấp đến cao.
Các bạn học sinh chỉ có 50 phút để hoàn thành 40 câu trắc nghiệm, bởi vậy, nếu các bạn không phân bổ thời gian hợp lí thì sẽ rất dễ bị sa đà vào những câu khó và bỏ qua câu dễ. Tuy nhiên, không vì làm nhanh mà dẫn tới làm ẩu, cần làm câu nào chắc ăn câu đó.
- Trong 28 câu đầu tiên cố gắng hoàn thành trước 15 đến 20 phút và không được phép sai bất kể một câu nào.
- Từ câu 29 - 32: Là những câu mang tính thông hiểu, thông thường những câu loại này chỉ 1 đến 2 phép tính là tối đa, để giải quyết các câu này học sinh cần nắm chắc kiến thức là làm trọn gói. Và đương nhiên 4 câu này các bạn hoàn thiện trong 5 đến 7 phút.
- Từ câu 33 - 36: Là những câu vận dụng, muốn làm được những câu loại này các bạn cần rèn luyện từ lúc học thật nghiêm túc. Các bạn cố gắng hoàn thành trong thời gian làm 10 phút.
- Và cuối cùng là các câu mang tính vận dụng cao, từ 37 đến câu 40, để giải quyết các câu loại này ngoài việc các bạn có sự luyện tập thì cần có sự tư duy, đương nhiên để chạm đến mức các câu này thì các bạn phải tiết kiệm tối đa thời gian các câu trước để có thời gian cho các câu loại này.
Đối với các câu hỏi khó, có tính vận dụng nâng cao, muốn đạt điểm 9, điểm 10 các bạn cần phải có cách học đột phá, biết cách ứng dụng toán học vào vật lí một cách tinh túy, thuần hóa các loại câu hỏi khó, biến chúng trở thành các câu dễ, giải nhanh đối với riêng mình.
Các bạn cần sưu tập và luyện nhiều bài tập có độ khó tương tự các câu hỏi khó trong các đề thi gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi bài nên tìm ra nhiều hướng giải khác nhau, sau đó so sánh, đúc rút ra cách giải hay nhất để ghi nhớ. Với một số câu, làm tự luận thì rất dài và khó nhưng trong trắc nghiệm nếu các trò để ý thì đa số các bài khó sau khi giải tự luận ta đều quy về được một công thức tính nhanh để thay số.
Ngoài ra, vì là đề thi trắc nghiệm nên sẽ có những câu thử ngay các đáp án để tính toán xem có phù hợp rồi sau đó kết luận đáp án đúng.
Các bạn học sinh làm bài lần lượt, gặp những câu khó thì đánh dấu lại để không bị bỏ sót và giải quyết lần lượt những câu dễ trước. Hãy dành 5 phút cuối để dò lại đáp án một lần nữa, tránh việc bỏ sót hay tô sai ở những câu dễ mà mất điểm oan.
Sau cùng, khi còn thời gian, các bạn hãy bình tĩnh để nhớ lại kiến thức của những phần khó. Trong trường hợp không trả lời được, các bạn có thể chọn đáp án ngẫu nhiên, tuyệt đối không bỏ trống bất cứ câu nào.
Thầy Huy khuyên bên cạnh việc trang bị cho mình vốn kiến thức vững chắc và đầy đủ, các sĩ cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Mùa thi là mùa hè, tình trạng mất nước và mệt mỏi rất dễ xảy ra, đặc biệt với các bạn hay bị căng thẳng và học quá sức.
Vì vậy, học tập phải song hành với nghỉ ngơi và ăn uống khoa học, tạo tâm lí thoải mái, tự tin. Học sinh cũng nên hạn chế dùng điện thoại nếu không cần thiết, vì trong thời gian này việc học tập đã làm cho thần kinh căng thẳng nên sau thời gian học tập mà dùng điện thoại để giải trí thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng hơn mà chúng ta không nhận ra.
Khuyến khích giảng viên Vật lý đẩy mạnh công tác nghiên cứu Chương trình phát triển Vật lý được triển khai đã góp phần nâng cao tỷ lệ giảng viên vật lý có trình độ tiến sĩ, góp phần nâng hạng vật lý Việt Nam trên trường quốc tế. Ảnh minh họa/internet Bộ GD&ĐT đã triển khai chương trình nghiên cứu Vật lý cấp bộ cho các tiến sỹ trẻ ngành Vật lý với 60...