Chiến thuật làm bài thi Vật lý THPT quốc gia 2020 điểm cao chót vót?
TS. Nguyễn Thành Nam, giáo viên môn Vật lý sẽ chia sẻ một số chiến thuật giúp thí sinh ôn luyện và làm bài thi Vật lý THPT quốc gia 2020 đạt hiệu quả cao nhất.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa qua Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh nội dung học tập học kỳ 2 cho phù hợp với thực tế dạy và học. Tiếp sau đó đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 cũng đã được công bố. Có thể thấy, nội dung đề thi tham khảo có một số thay đổi so với năm 2019, cả về phân phối nội dung và độ khó của đề thi.
Gần đây, một số đại học lại dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với cấu trúc đề thi khác hẳn so với kỳ thi THPT quốc gia. Những thay đổi dồn dập trong thời gian ngắn đã khiến cho học sinh lớp 12 lo lắng, ảnh hưởng không tốt tới việc học tập và ôn thi.
Để giúp các bạn học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, PV Vietnamnet có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Thành Nam, Chuyên gia giáo dục đồng thời là giáo viên Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Nội dung TS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ xoay quanh chiến thuật ôn thi nói chung và ôn thi môn Vật lý nói riêng cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
TS. Nguyễn Thành Nam
Thưa thầy, đối với các sĩ tử tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thầy có lời khuyên gì cho tất cả các bạn?
Trong mọi kỳ thi, để có thể tối ưu hóa được điểm số thì có một số điểm mà các em nên lưu ý để vận dụng thật nhuần nhuyễn trong quá trình ôn thi, đó là:
Thứ nhất, trong một môn thi thì sự phụ thuộc giữa điểm số đạt được vào năng lực (kiến thức, kỹ năng) của thí sinh có thể được mô tả như hình vẽ dưới đây. Đoạn đầu đồ thị, điểm số tăng rất nhanh theo trình độ thí sinh, nhưng càng lên mức điểm cao thì độ dốc của đồ thị càng giảm, điều đó có nghĩa là ở mức điểm thấp, thí sinh có thể nâng điểm rất nhanh mà không cần phải học quá nhiều và quá khó.
Như vậy để nâng cao tối đa điểm số, giữa các môn thi thì nên tập trung nhiều hơn vào những môn học mà các em còn yếu, và trong mỗi môn thì nên ưu tiên học trước và tập trung hơn vào những nội dung dễ và căn bản. Tuyệt đối không nên sa đà vào các nội dung khó, các dạng phức tạp nếu chưa nắm vững được các nội dung căn bản.
Thứ 2, các kỹ năng xử lý câu hỏi bao gồm kỹ năng nhận diện, tốc độ làm bài và kỹ năng tính toán chính xác là rất quan trọng.
Để cải thiện được kỹ năng nhận diện câu hỏi và tốc độ làm bài thì không có cách nào khác là phải luyện tập nhiều và đều đặn. Còn để rèn luyện cho được một kỹ năng tính toán chính xác thì trong quá trình làm bài tập có tính toán, mỗi phép tính các em chỉ nên bấm máy tính một lần duy nhất rồi lấy luôn kết quả, cố gắng hết sức để không phải bấm máy lần thứ hai.
Video đang HOT
Thứ 3, cần luyện tập làm bài thi theo chiến thuật phù hợp với mục tiêu điểm số. Chiến thuật này bao gồm việc phân phối thời gian làm bài, cách đánh dấu phân loại câu hỏi và kỹ thuật chọn đáp án ngẫu nhiên để xác suất đoán trúng là cao nhất. Phải căn cứ vào đề thi, đặc điểm thí sinh, và mục tiêu điểm số mà áp dụng chiến thuật làm bài thi cho phù hợp.
Chẳng hạn với môn Vật lý, một học sinh giỏi đặt mục tiêu điểm 10 thì phải làm đúng toàn bộ 40 câu hỏi trong thời gian cho phép, khi đó có thể phân phối thời gian làm bài như sau: dành 5 phút đầu cho 15 câu đầu tiên, dành 15 phút tiếp theo cho 15 câu tiếp theo, dành 10 phút cho 5 câu từ 31 đến 35, và dành 20 phút còn lại cho 5 câu hỏi cuối cũng là những câu khó nhất trong đề thi.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu là 9,0 điểm thì việc phân phối thời gian cần được điều chỉnh cho phù hợp như sau: dành 10 phút đầu cho 15 câu đầu tiên, dành 20 phút tiếp theo cho 15 câu tiếp theo, dành 20 phút cho 5 câu từ 31 đến 35, cuối cùng sẽ chọn đáp án ngẫu nhiên cho 5 câu còn lại.
Trong quá trình ôn tập lại kiến thức cũ nên vận dụng các phương pháp học thông minh như luyện trí nhớ bằng kỹ thuật giãn cách, vận dụng các loại công cụ tự duy để nâng cao hiệu quả ôn tập.
Xin thầy cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2020 có những thay đổi gì so với những năm trước và các bạn học sinh nên ứng phó với sự thay đổi đó như thế nào?
Ở đây có hai sự điều chỉnh lớn mà các em cần lưu ý là điều chỉnh nội dung thi và điều chỉnh cấu trúc đề thi, cụ thể:
Về việc điều chỉnh nội dung thi các em có thể tham khảo ở công văn của Bộ GD&ĐT, theo đó các nội dung ở Học kỳ I được giữ nguyên, chỉ điều chỉnh nội dung của Học kỳ II.
Các nội dung “không dạy”, “không làm”, “không thực hiện”, “khuyến khích học sinh tự học” sẽ không được ra trong đề thi. Các nội dung “tự học có hướng dẫn” thì vẫn có thể xuất hiện trong đề thi, nhưng với xác suất thấp nên trong trường hợp mục tiêu điểm số đặt ra không quá cao thì không cần ưu tiên học những nội dung này.
Về cấu trúc đề thi có sự điều chỉnh lớn, dễ hơn rất nhiều so với năm trước. Căn cứ trên đề minh họa thì đề thi năm nay có khoảng 35 câu ở Mức 1 (nhận biết) và Mức 2 (thông hiểu), chỉ có 5 câu ở Mức 3 (vận dụng) và Mức 4 (vận dụng cao).
Căn cứ theo công thức điểm Đ = 0,1875N 2,5 ta có thể thấy với học sinh giỏi, có đủ năng lực làm 35 câu và đoán ngẫu nhiên 5 câu khó nhất trong đề thi sẽ đạt được mức điểm trung bình là 9 điểm.
Phân phối nội dung và độ khó câu hỏi trong đề minh họa THPT quốc gia 2020 môn Vật lý.
Thông qua bảng tổng hợp ta có thể thấy có đến 23 câu hỏi bao gồm những câu khó nhất được ra trong trong ba chương đầu tiên được dạy trong học kỳ I của lớp 12. Nếu trừ 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 thì chỉ còn có 13 câu hỏi thuộc học kỳ II của lớp 12, và đó đều là các câu hỏi ở Mức 1 (nhận biết), chỉ hỏi kiến thức căn bản.
Do đó với 4 chương cuối cùng Vật lý lớp 12, các em chỉ nên học các kiến thức lý thuyết và bài tập căn bản, nên bỏ qua các câu hỏi khó và các tính toán phức tạp trong các phần này.
Trước tình hình một số đại học tổ chức kỳ thi riêng, thầy có lời khuyên gì cho các sĩ tử tham gia thi tuyển sinh đại học năm nay không ạ?
Các bạn có dự định tham gia kỳ thi tuyển sinh riêng của các đại học cần lưu ý là đề tuyển sinh đại học có chức năng hoàn toàn khác với đề đánh giá chất lượng.
Chức năng chính của đề thi THPT quốc gia là để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá năng lực của thí sinh xem có đạt được tiêu chuẩn chất lượng đầu ra của bậc học phổ thông hay không. Chức năng của đề tuyển sinh đại học hoàn toàn khác, nó được biên soạn nhằm mục đích dàn thí sinh trên thang năng lực để các đại học dễ dàng nhặt từ cao xuống thấp cho đến khi lấy đủ chỉ tiêu.
Đề thi tuyển sinh đại học cũng không nhất thiết phải tuân theo khung nội dung của đề THPT quốc gia. Mặc dù nội dung chủ yếu của đề tuyển sinh đại học nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng vẫn có thể có nội dung vượt hẳn ra ngoài chương trình phổ thông, ví dụ như nội dung về Logic hay Đọc số liệu trong kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức chẳng hạn.
Có nghĩa là nếu muốn tham gia thêm kỳ thi tuyển sinh đại học do các trưởng tổ chức, như kỳ thi của Đại học Bách Khoa Hà Nội chẳng hạn, thì ngay từ bây giờ các em cần học đầy đủ kiến thức của chương trình phổ thông, giống hệt chương trình ôn thi THPT quốc gia 2019 và những năm trước.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh
3 lưu ý vàng khi ôn luyện môn Toán thi THPT Quốc gia 2020
Tập trung ôn luyện đúng lộ trình, lưu ý phần hình học không gian cổ điển, rèn luyện kỹ năng phản xạ làm bài là 3 điều học sinh ôn luyện môn Toán thi THPT Quốc gia 2020 cần lưu ý trong giai đoạn này.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ 3 lưu ý khi thí sinh ôn luyện môn Toán chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Tập trung ôn luyện theo đúng lộ trình vạch ra
Đề thi môn Toán THPT Quốc gia bao gồm 90% kiến thức lớp 12 và 10% kiến thức lớp 11.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II năm học 2019-2020, tuy nhiên do tính logic, thống nhất của môn Toán nên việc điều chỉnh này không có quá nhiều sự thay đổi về mặt kiến thức. Do đó học sinh vẫn cần tập trung ôn luyện, học tập nghiêm túc theo đúng lộ trình, kế hoạch đã vạch ra trước đó.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên môn Toán
Các phần kiến thức thuộc học kì I lớp 12 khá quan trọng, học sinh cần chú ý ôn luyện kiến thức về vận dụng, vận dụng cao ở các chuyên đề: Hàm Số, Mũ - Logarit, Hình Học không gian cổ điển;
Câu hỏi kiến thức học kì II lớp 12 chủ yếu ở cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, ví dụ: Phần số phức, Hình học Oxyz, đây là phần thi giúp học sinh có cơ hội gỡ điểm vì lượng kiến thức không quá khó.
Từ đề tham khảo THPT quốc gia 2020 Bộ GD&ĐT đã công bố, phần vận dụng và vận dụng cao trong đề thi THPT quốc gia chính thức sẽ chiếm khoảng 30%. Các dạng câu hỏi ở phần này thường tập trung ở phần kiến thức học kì I lớp 12, ví dụ: Chuyên đề Hàm Số, Mũ - Logarit, Hình học không gian cổ điển.
Lưu ý với phần Hình học không gian cổ điển
Phần Hình học không gian cổ điển thường gây nhiều khó khăn đối với học sinh do cách tiếp cận học chưa hợp lý, chưa hiểu rõ bản chất của bài toán, từ đó cách tư duy và kỹ năng làm bài gặp nhiều hạn chế.
Trong đề thi môn Toán THPT Quốc gia, phần Hình học không gian cổ điển chiếm khoảng 6-8 câu xoay quanh kiến thức về: Tính khoảng cách, tính góc, tính thể tích khối đa diện, tính thể tích khối tròn xoay, tính diện tích xung quay, diện tích toàn phần của các hình - mặt khối tròn xoay và bài toán về mặt cầu ngoại tiếp khối đa diện.
Ảnh minh họa
Mỗi dạng câu hỏi đều có những phương pháp giải, hướng tiếp cận được đóng khung. Ví dụ: Dạng toán về khoảng cách, để làm tốt học sinh chỉ cần đưa ra những mô hình mà bài toán thường hỏi và cách dựng hình, xử lý; Các câu hỏi xoay quanh hình - mặt - khối tròn xoay thì học sinh cần nắm được các công thức một cách chính xác.
Để làm tốt phần Hình học không gian cổ điển, các em nên học theo phương pháp chia thành các mô hình bài toán nhỏ, hệ thống kiến thức một cách logic, xâu chuỗi các dữ liệu quan trọng để xử lý các dạng bài tập khác nhau. Bên cạnh đó, học sinh cần làm nhiều bài tập để rèn luyện thói quen phản xạ, kỹ năng xử lý bài toán chính xác.
Rèn luyện khả năng phản xạ, kỹ năng làm bài
Kỹ năng sẽ biến thành kỹ xảo vì vậy các em nên làm nhiều bài tập để rèn luyện phản xạ, phương pháp làm bài cũng như kỹ năng xử lý các dạng bài toán khác nhau.
Toán là môn học tổng hợp nhiều kiến thức từ các chuyên đề: Hàm số, Số phức, Hình học... Chuyên đề nào cũng có thể dễ mất điểm nếu học sinh học không nắm chắc kiến thức, ôn luyện không có hệ thống. Trong quá trình học tập, học sinh cần hiểu rõ bản chất vấn đề, rèn luyện các kỹ năng làm bài như: Phân bổ thời gian hợp lý; Trình bày bài thi khoa học; Đưa ra dẫn chứng lập luận chính xác thông qua việc làm nhiều bài tập.
Bên cạnh đó, để làm bài tốt bài thi môn Toán cần rất nhiều sự cố gắng, nỗ lực từ phía bản thân. Ngay bây giờ, các em cần chịu khó rèn luyện, làm nhiều bài tập để tăng khả năng phản xạ giải nhanh. Các em có thể áp dụng làm các đề thi thử bằng cách tự bấm giờ để tạo thử thách cho bản thân. Mỗi đề, sau khi hoàn thành, hãy ghi chú lại những câu hỏi hay, lạ, những ý tưởng mới và các phần kiến thức mình còn thiếu sót để kịp thời bổ sung.
Không có công cụ vạn năng nào giúp học sinh đạt điểm cao ngoài sự nỗ lực của bản thân, các em cần xây dựng phương pháp học tập hợp lý cố gắng, chăm chỉ làm nhiều bài tập sẽ khắc sâu được kiến thức, rèn luyện phản xạ xử lý nhanh trước mọi dạng bài. Đó là chìa khóa giúp các em hoàn thành bài thi môn Toán đạt kết quả cao.
Hoàng Thanh
Quận Cầu Giấy: Học sinh lớp 9 được hỗ trợ ôn tập qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm Để hỗ trợ học sinh lớp 9 ôn tập, ngành giáo dục quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm cho 7 môn học. Học sinh khối 9 đang phải đối mặt với kỳ thi vào lớp 10 với dự báo nhiều điều chỉnh trong đào tạo. Ảnh: Bảo Trọng Ngày 14/4, ông Phạm Ngọc Anh...