Chiến sự đến chiều 25.6: Tên lửa Nga ‘trút như mưa’ khắp Ukraine
Giới chức Ukraine cho hay lực lượng Nga bất ngờ phóng tên lửa đến hàng loạt địa phương sau thời gian tập trung tại miền đông.
Một binh sĩ Ukraine tại đống đổ nát ở Kharkiv do bị trúng tên lửa Nga vào ngày 24.6. Ảnh AFP
Hãng Reuters đưa tin tên lửa Nga ngày 25.6 trút xuống như mưa khắp Ukraine, phóng trúng các cơ sở quân sự ở phía tây, phía bắc và phía nam, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow bước sang tháng thứ 5.
“Có đến 48 tên lửa hành trình vào ban đêm khắp Ukraine. Nga vẫn đang cố gắng dọa dẫm Ukraine, gây hoảng loạn và khiến mọi người lo sợ”, theo cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine.
Tỉnh trưởng Lviv Maxim Kozytskyi cho hay 6 tên lửa phóng từ biển Đen nhằm vào căn cứ Yavoriv, trong đó có 2 tên lửa bị đánh chặn. Tỉnh trưởng Zhytomyr Vitaliy Bunechko cho biết một mục tiêu quân sự bị tấn công khiến ít nhất 1 binh sĩ thiệt mạng.
“Gần 30 tên lửa được phóng từ một cơ sở hạ tầng quân sự rất gần thành phố Zhytomyr”, ông Bunechko cho hay và nói thêm rằng gần 10 tên lửa đã bị đánh chặn.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga qua 4 tháng, Ukraine nhận tin vui từ EU, vũ khí tầm xa từ Mỹ
Hãng Ukrinform ngày 25.6 dẫn lời người đứng đầu lực lượng quân sự vùng Chernihiv ở Ukraine Vyacheslav Chaus cho hay quân Nga đã bắn rốc két vào làng Desna thuộc vùng này.
“Làng Desna hứng chịu thêm một đợt tấn công rốc két. Chi tiết sẽ được thông báo sau”, quan chức này viết trên Telegram.
Người dân tại các tỉnh Kyiv, Lviv, Kharkiv, Zhytomyr và Ternopil cũng nghe những tiếng nổ tương tự.
Trước đó vào ngày 24.6, Nga đã tấn công Mykolaiv, Kharkiv và Odessa. Tại Odessa, phía Nga đã phóng khoảng 70 tên lửa khiến 10 người thiệt mạng và 29 người bị thương, theo thông tin từ phía Ukraine chưa được Nga xác nhận.
HIMARS khai hỏa ở Ukraine
Theo Reuters dẫn lời Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi, các hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ cung cấp đã hoạt động và công kích các mục tiêu tại những khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Trang Army Recognition đưa tin lính tình nguyện Pavlo Narozhnyy tại Ukraine vừa tung ra đoạn phim cho thấy pháo M142 của Mỹ gửi đến Ukraine đã được lực lượng nước này sử dụng trong chiến đấu.
Mỹ hiện cam kết viện trợ an ninh gần 6,8 tỉ USD cho Ukraine kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, bao gồm gần 6,1 tỉ USD kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Trong những đợt viện trợ quân sự mới có 4 hệ thống HIMARS (M142), 36.000 viên đạn 105 mm, 18 xe chiến thuật để kéo pháo 155 mm, 1.200 súng phóng lựu, 2.000 súng máy, 18 xuống tuần tra, cùng phụ tùng và các thiết bị khác.
Nga thay tướng?
Cũng trong ngày 25.6, Trung tâm Liên lạc chiến lược và An ninh thông tin Ukraine cho rằng phía Nga đã thiệt hại 34.700 binh sĩ trong chiến dịch, bên cạnh 1.511 xe tăng và 217 máy bay. Phía Nga chưa bình luận về thông tin này.
Theo tờ The Guardian dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Anh, quân đội Nga đang có sự sắp xếp lại lớn kể từ đầu tháng 6, với sự xuống chức của chỉ huy lực lượng lính dù là thượng tướng Andrei Serdyukov và chỉ huy lực lượng phía nam (SGF) là tướng Alexandr Dvornikov.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, tướng Dvornikov dường như có thời điểm là tư lệnh chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Báo cáo cho rằng chức chỉ huy SGF dường như được chuyển cho thượng tướng Sergei Surovikin, trong bối cảnh SGF tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch của Nga ở Donbass. Trong hơn 30 năm, sự nghiệp của ông Surovikin bị vướng các cáo buộc tham nhũng và bạo lực, theo báo cáo. Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.
EU tung "vũ khí" làm khó Nga xuất khẩu dầu ra thế giới
Ngoài bổ sung lệnh cấm vận với dầu nhập khẩu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) cũng có bước đi khác nhằm khiến Moscow gặp khó khăn trong việc đưa dầu đi ra thị trường toàn cầu.
Một cơ sở lọc dầu của Nga (Ảnh: Reuters).
Trong gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã thống nhất về lộ trình dừng nhập 90% dầu từ Moscow trong năm nay. Đây được xem là một trong những lệnh cấm vận mạnh mẽ nhất phương Tây áp lên Nga trong vài tháng qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong gói trừng phạt mới nhất của EU, còn có một biện pháp được xem là cũng sẽ gây tác động mạnh tới Nga. Cụ thể, EU đã cấm các công ty của các nước thành viên liên minh được "bảo hiểm và cung cấp tài chính cho việc vận chuyển" dầu của Nga tới các nước thứ ba sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 6 tháng. Hay nói cách khác, EU đã cấm các doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm cho tàu dầu Nga.
Điều này có thể khiến Nga gặp khó trong việc vận chuyển hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày cho các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như toàn cầu vì các công ty lớn cung cấp dịch vụ bảo hiểm phần nhiều nằm ở EU.
Chuyên gia thị trường Matt Smith cho rằng, việc nhằm mục tiêu vào hạng mục bảo hiểm là cách tốt nhất để có thể ngăn chặn luồng dầu thô xuất khẩu của Nga thay vì chỉ chuyển hướng chúng.
Anh có thể cũng sẽ tham gia vào biện pháp trừng phạt của EU. Đây được xem là động thái tác động mạnh hơn tới Nga khi Anh từ lâu vốn là trung tâm của thị trường bảo hiểm hàng hải.
Trong thời gian qua, Nga đã đối phó với việc châu Âu giảm mua dầu của Moscow bằng cách thu hút khách hàng khác với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, nếu như các con tàu vận tải không có bảo hiểm cho các chuyến giao hàng, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới Nga.
Chuyên gia cho rằng, động thái của EU sẽ làm khó Nga trong nỗ lực chuyển hướng dầu xuất khẩu từ EU sang Ấn Độ và Trung Quốc về cả khía cạnh chính trị và kinh tế.
Trong vài tháng qua, Nga đã tăng vọt sản lượng dầu xuất khẩu sang 2 thị trường lớn ở châu Á để đối phó với các lệnh cấm từ EU. Vì vậy, động thái mới của châu Âu là nhằm đối phó với tình trạng này.
Các tàu hàng không có bảo hiểm sẽ không được phép đi vào các cảng lớn, hoặc di chuyển qua các tuyến vận tải quan trọng như eo biển Bosporus hoặc kênh đào Suez. Nó sẽ không chỉ tác động tới Nga mà còn ảnh hưởng tới nhiều nhóm đối tượng khác trong giao dịch với Moscow.
Chuyên gia nhận định rằng, EU đang biến bảo hiểm trở thành "vũ khí" nhằm tác động tới Nga.
Mặc dù vậy, Nga tuyên bố sẽ đối phó với động thái của EU bằng cách dựa vào các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước. Reuters cho biết Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Nga - một doanh nghiệp quốc doanh - hiện là nhà tái bảo hiểm chính cho các tàu của Nga.
Chuyên gia cho rằng, động thái của EU sẽ làm khó Nga, nhưng không thể cấm hoàn toàn được dầu Moscow.
Mặt khác, động thái của châu Âu không phải là không có rủi ro. Việc cố gắng đẩy dầu của Nga - một trong những cường quốc năng lượng hàng đầu thế giới - ra khỏi thị trường, sẽ có nguy cơ đẩy giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng vọt trong bối cảnh châu Âu và Mỹ đang nỗ lực xử lý tình trạng lạm phát kỷ lục.
"Nga sẽ mất doanh thu nhưng Mỹ và châu Âu cũng sẽ chịu thiệt hại vì giá dầu toàn cầu tăng", chuyên gia kinh tế Olivier Blanchard cảnh báo.
Nga cấm Thủ tướng Australia và New Zealand nhập cảnh Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Australia và New Zealand để đáp trả những lệnh trừng phạt của hai nước này nhằm vào Moscow. Ngày 7/4, Nga đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với các nhà lãnh đạo của Australia và New Zeland nhằm đáp trả sau khi Canberra...