“Chiến lược Hoa Kỳ ở Biển Đông thất bại, Duterte đã cứu Mỹ một bàn thua”
Bằng cách chia sẻ quyền truy cập và đánh bắt cá trong đầm phá bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã âm thầm thực hiện một phần Phán quyết Trọng tài hôm 12/7.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: Feng Li / Getty Images / CNN Philippines.
CNN ngày 31/10 có bài bình luận của tác giả Ashley Townshend nhận định: Thỏa thuận giữa Rodrigo Duterte với Trung Quốc về bãi cạn Scarborough cho thấy sự thất bại của Hoa Kỳ. Bài báo viết:
“Tổng thống gây tranh cãi của Philippines, ông Rodrigo Duterte dường như đã nhận được đảm bảo về một sự nhượng bộ lớn từ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Nó xảy ra một cách lặng lẽ vào tuần trước, khi Trung Quốc bất ngờ nới lỏng phong tỏa bãi cạn Scarborough, cho phép ngư dân Philippines tự do vào đánh bắt trong đầm phá.
Nếu việc này kéo dài, nó có thể được xem như một chiến thắng của chiến lược đối ngoại xoay qua Trung Quốc mà ông Duterte theo đuổi, đồng thời trở thành một trở ngại địa chính trị đối với Hoa Kỳ.
Bằng cách lấy lòng Trung Quốc và thường xuyên chỉ trích Mỹ, Rodrigo Duterte đã đạt được cái mà Washington không thể cung cấp: Một giải pháp hòa bình cho bế tắc Scarborough.
Ý nghĩa của việc này không thể bị phóng đại.
Quay trở lại năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough bằng cách triển khai tàu hải giám mạnh mẽ của mình để xua đuổi tàu hải quân Philippines.
Với thái độ thận trọng, cảnh giác không phải vô cớ, Mỹ tránh không để bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc ở một vài mỏm đá không người ở trên Biển Đông.
Vì vậy Washington đã quyết định không làm rõ xem, liệu Hiệp ước Hỗ trợ quốc phòng lẫn nhau ký với Philippines có kích hoạt một phản ứng quân sự của Mỹ (trong vụ Scarborough) hay không.
Bắc Kinh đã đánh hơi thấy sự thiếu quyết đoán của Washington.
Vì vậy khi Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian môi giới thỏa thuận 2 bên cùng rút tàu khỏi Scarborough trước mùa mưa bão năm 2012, Trung Quốc và Philippines đã đồng ý.
Nhưng Bắc Kinh đã làm ngược lại những gì đã cam kết. Họ tiếp tục phái tàu đến phong tỏa bãi cạn.
Trong 4 năm sau đó, Washington tiếp tục thất bại trong việc xây dựng một chiến lược hiệu quả để đẩy tàu Trung Quốc ra khỏi Scarborough.
Ashley Townshend, ảnh: twitter.com/ashleytownshend
Video đang HOT
Chiến lược thất bại của Washington
Mặc dù sức mạnh quân sự mỹ chiếm ưu thế toàn diện, nhưng khả năng sử dụng nó ở Scarborough thì người ta không tin.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan và thái độ tỏ ra bất lực của Washington càng kích thích Bắc Kinh lấn thêm bước nữa ở Biển Đông, bằng việc xây dựng các tiền đồn quần sự (bất hợp pháp).
Ngược lại, ông Rodrigo Duterte dường như đã sử dụng một trong những đòn bẩy mà người Mỹ không có: Sự quyến rũ của một trong những đồng minh gần gũi nhất với Hoa Kỳ.
Những phát biểu gây sốc của ông về “chia tay Mỹ”, quay trở lại với Trung Quốc và một chính sách đối ngoại độc lập, chính xác là những gì Bắc Kinh muốn nghe.
Sự sẵn sàng của ông Duterte tham gia các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về một số vấn đề tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với đòi hỏi của Bắc Kinh.
Nới lỏng phong tỏa Scarborough sau đó là món quà Trung Nam Hải dành cho ông Duterte, để thưởng cho những phát biểu tấn công liên tục nhằm vào Hoa Kỳ.
Trong khi chưa có gì rõ ràng về những nhượng bộ ở Scarborough nếu có, cách tiếp cận này của Duterte đã được thừa nhận, cho đến bây giờ nó là tin tốt đối với hầu hết người dân Philippines.
Hiệu quả to lớn của chính sách đối ngoại Trung Quốc
Tất cả điều này có thể xem là hiệu quả to lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Họ đã chiếm được thiện chí của Manila và làm loãng quan hệ Mỹ – Philippines, chỉ đơn giản bằng cách (tạm) dừng các hoạt động bất hợp pháp của mình.
Hơn thế nữa, thực sự Bắc Kinh cũng chẳng mất gì. Họ vẫn không từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Scarborough, cũng chẳng có ngư dân Trung Quốc nào bị buộc phải rời khỏi bãi cạn.
Thậm chí tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn án ngữ ở đó chứ không rút về. Chúng tiếp tục tuần tra bãi cạn, mà chỉ cư xử tốt hơn (theo người viết là tạm ngừng xử tệ) với ngư dân Philippines đánh bắt tại đây mà thôi.
Trong thực tế, bằng cách chia sẻ quyền truy cập và đánh bắt cá trong đầm phá bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã âm thầm thực hiện một phần Phán quyết Trọng tài hôm 12/7, ngay cả khi họ vẫn công khai tuyên bố không thừa nhận phán quyết.
Rodrigo Duterte đã cứu Mỹ một bàn thua trông thấy
Trung Quốc đã chấp nhận một số nhượng bộ. Việc mở cửa đầm phá Scarborough cho tàu Philippines quay lại sẽ rất khó để tàu hút bùn Trung Quốc nạo vét, bồi đắp đảo nhân tạo.
Bởi nếu làm điều này, chẳng khác nào Bắc Kinh tự tay đập bỏ quan hệ chính trị mà họ đang cố gắng hết sức để nuôi dưỡng nó với Philippines.
Theo đó mục tiêu của Bắc Kinh biến bãi cạn này thành đường băng quân sự, trận địa tên lửa có tầm bắn đe dọa Manila đã bị vô hiệu hóa. Khả năng Trung Quốc gây sức ép với Philippines cũng đã giảm tối đa.
Mặc dù Bắc Kinh có thể dễ dàng phục hồi hoạt động phong tỏa Scarborough bất cứ khi nào họ muốn, nhưng điều này đồng nghĩa họ tự cắt bỏ các mục tiêu chính trị khác.
Nói cách khác, chỉ cần Bắc Kinh nâng thêm một nấc phong tỏa Scarborough là tự loại bỏ một nguồn lực, một đòn bẩy liên tục của Trung Quốc trong quan hệ với Philippines.
Điều này cho thấy Bắc Kinh đang nghiêm túc thực hiện thỏa hiệp để cải thiện mối quan hệ với Manila, để kéo nước này khỏi vòng ảnh hưởng của Washington.
Thỏa thuận đánh bắt cá giữa Philippines với Trung Quốc không nhất thiết tổn hại đến lập trường của Washington rằng, các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trừ phi Tổng thống Rodrigo Duterte đã thỏa hiệp về chủ quyền của Philippines ở Scarborough với Trung Quốc, một hành vi phạm tội phản quốc theo luật pháp Philippines, bất kỳ một hiệp định nào giúp dỡ bỏ phong tỏa của Trung Quốc với bãi cạn này đều là một sự phát triển tích cực.
Trong thực tế chiến thắng của Rodrigo Duterte đã giúp Washington loại bỏ một bài toán hóc búa, đau đầu.
Vài tháng qua, Scarborough đã một lần nữa trở thành thử nghiệm quan trọng trong cuộc so găng ý chí giữa Mỹ và Trung Quốc.
Washington triển khai các thiết bị quân sự tinh vi đến Philippines chỉ nhằm mục đích ngăn Bắc Kinh quân sự hóa bãi cạn này.
Đó là may mắn cho người Mỹ khi thỏa thuận nghề cá giữa Philippines với Trung Quốc đã giúp Mỹ ngăn chặn bước chân quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi hiện nay.” [1]
Nghi vấn Rodrigo Duterte vẫn nằm trong “bàn tay Phật Tổ”
Người viết cho rằng, bài phân tích của Ashley Townshend rất sâu sắc, nói đúng và nói trúng bản chất vấn đề, tưởng rằng không cần phải bình luận gì thêm.
Góc nhìn của Ashley Townshend là một tham chiếu chính sách rất tốt cho các nhà hoạch định chiến lược, cũng như cung cấp thêm một đánh giá phân tích sát thực cho dư luận quan tâm đến cục diện Biển Đông và cạnh tranh địa chính trị Trung – Mỹ ở Đông Nam Á.
Bởi những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc của các nước nhỏ ven Biển Đông lại gắn chặt với cạnh tranh, lên xuống, đổi chác của các siêu cường.
Nhận thức rõ thực lực của mỗi bên và xu hướng diễn biến để có giải pháp bảo vệ tốt nhất chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông mới là điều quan trọng.
Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại người viết vẫn có một cảm giác, có thể những gì đang diễn ra vẫn nằm trong tầm kiểm soát và đạo diễn của Hoa Kỳ.
Sở dĩ đặt ra nghi vấn này, vì ngay từ khi Tòa Trọng tài PCA công bố Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ kiện Biển Đông, Mỹ đã ráo riết vận động Philippines và các nước phản ứng kiềm chế với Trung Quốc. [2]
Có thể thấy những gì Tổng thống Rodrigo Duterte đang làm hoàn toàn phù hợp với “chỉ đạo” này của Hoa Kỳ.
Liệu đó là một sự ngẫu nhiên, hay là một tính toán chính trị nhằm giúp Mỹ tháo ngòi nổ Scarborough một cách êm đềm và cũng đỡ mất mặt?
Bởi lẽ như tác giả Ashley Townshend cho biết, vài tháng qua Mỹ đưa vũ khí tinh vi đến Philippines cũng chỉ nhằm ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa Scarborough.
Hơn thế nữa, đây cũng là giới hạn đỏ được cho là ông Barack Obama đã vạch ra khi nói chuyện với ông Tập Cận Bình đầu năm nay.
Nhưng cũng chính Ashley Townshend nhận định, Bắc Kinh bắt thóp được Washington, người Mỹ sẽ chẳng dám động binh giống như khi Bắc Kinh quân sự hóa bất hợp pháp 7 điểm ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Nên nếu dùng đe dọa vũ lực để ngăn chặn, sẽ chỉ càng làm Hoa Kỳ thất bại ê chề? Vì vậy Rodrigo Duterte là lựa chọn tốt nhất, khả thi nhất để tháo ngòi nổ xung đột Scarborough?
(Theo Giáo Dục)
Trung Quốc ép Philippines "xin phép" đánh bắt ở Scarborough bất thành
Philippines từ chối sử dụng từ "cho phép" hay "xin phép" khi nhắc tới quyền truy cập và đánh bắt của ngư dân Philippines tại Scarborough. Đó là điều không thể.
Philippines Daily Inquirer ngày 27/10 đưa tin, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa qua, phía Trung Quốc đưa ra dự thảo hợp tác nghề cá tại Scarborough, trong đó viết Bắc Kinh "cho phép" ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn này.
Manila lập tức phản đối, vì nó vi phạm Phán quyết Trọng tài trong đó nói rằng, Scarborough là ngư trường chung của ngư dân hai nước.
Tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây, rình rập và uy hiếp tàu cá Philippines đánh bắt tại Scarborough. Ảnh Forbes.
Đại diện đảng Kabayan tháp tùng ông Duterte đi Trung Quốc cho biết điều này trong buổi điều trần trước Hạ viện hôm qua. Đó chính là lý do tại sao hai bên không ký một thỏa thuận nào về Scarborough.
Philippines từ chối sử dụng từ "cho phép" hay "xin phép" khi nhắc tới quyền truy cập và đánh bắt của ngư dân Philippines tại Scarborough. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Scarborough nằm cách bờ biển Philippines 230 km, bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước này, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 800 km. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines sau một cuộc khủng hoảng nổ ra tháng Tư năm 2012.
Biết mình không thể dùng sức mạnh để lấy lại quyền kiểm soát bãi cạn này, tháng Giêng năm 2013 Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc ra Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 về ứng dụng, giải thích công ước.
Phán quyết Trọng tài 12/7 không giải quyết vấn đề chủ quyền ở Scarborough, nhưng xác định rằng đây là ngư trường chung của cả ngư dân Philippines lẫn Trung Quốc.
Về nguyên tắc, hai bên thỏa thuận đồng ý rằng ngư dân Philippines có thể quay trở lại đánh bắt tại Scarborough. Tuy nhiên khi đi vào đàm phán văn bản chính thức, từ ngữ trở thành trở ngại chủ yếu.
Hai bên đang tiếp tục làm việc để sớm có một thỏa thuận. Roque cho biết ông đề nghị từ "xác nhận" về quyền truy cập và đánh bắt của ngư dân Philippines ở bãi cạn này, nhưng có thể Trung Quốc không đồng ý vì từ này xuất hiện trong Phán quyết Trọng tài.
Trước đó hai nguồn tin giấu tên từ Trung Quốc đã tiết lộ với Reuters, Bắc Kinh đồng ý để ngư dân Philippines tái truy cập và đánh bắt ở Scarborough nhưng sẽ có điều kiện.
Theo Giáo Dục
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Nhật Bản, Trung Quốc Obama phải đối mặt với một viễn cảnh buồn khi rời Nhà Trắng: Chiến lược đối ngoại mang chữ ký của ông - xoay trục sang châu Á bị đánh chìm dưới sóng biển... Gideon Rachman, Giám đốc đối ngoại của Financial Times ngày 19/9 bình luận trên tạp chí này nhận định, chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống...