Chiêm ngưỡng những mẫu máy ảnh “xấu xí” nhất mọi thời đại
Từ trước đến nay, những nhà thiết kế máy chụp hình luôn để tâm chăm chút cho sản phẩm, “đứa con tinh thần” của họ để nó sở hữu ngoại hình ưa nhìn cũng như bắt mắt nhất, từ đó thúc đẩy doanh thu từ những khách hàng ưa những thiết bị đẹp đẽ. Nhiều mẫu máy ảnh cơ cũng như kỹ thuật số đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người nhờ vào thiết kế cân bằng cũng như các chi tiết mỹ thuật công nghiệp xuất sắc. Bằng chứng là đã có không ít những mẫu máy ảnh đã trở thành hiện thân cho những thời kỳ lịch sử, như mẫu Leica M2 hay những chiếc máy ảnh chụp lấy ngay nổi tiếng mang thương hiệu Polaroid.
Trái ngược lại với những thiết kế “mỹ miều” và bắt mắt, đôi khi, vì một vài lý do chủ quan cũng như khách quan, mà các nhà sản xuất lại cho ra mắt thị trường những mẫu máy ảnh với thiết kế vô cùng dở tệ cả về cảm quan lẫn sử dụng. Các blogger của trang tin công nghệ nổi tiếng Gizmodo đã thu thập cũng như bầu chọn danh sách những chiếc máy ảnh “xấu xí” nhất được liệt kê ngay sau đây:
Apple Quicktake 200 – 1996
Đây là một trong những mẫu máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên có mặt trên thị trường. Nhờ có sản phẩm này của Apple mà thị trường nhiếp ảnh đã được lật sang một trang mới. Tầm quan trọng của Quicktake 200 đã khiến cho chiếc máy này được vinh dự có mặt trong danh sách 100 thiết bị công nghệ quan trọng nhất do tạp chí Time bầu chọn.
Tuy nhiên những vinh quang mà Quicktake mang lại đều chỉ dựa trên khả năng sử dụng mà nó mang lại. Khi xét tới ngoại hình thiết kế, thật không may, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác đối với chiếc máy ảnh của Apple. Sở hữu bộ cánh bằng nhựa tổng hợp với 2 màu chủ đạo là đen và nâu xỉn, chiếc máy ảnh hẳn sẽ đánh mất rất nhiều thiện cảm của người sử dụng công nghệ, nhất là khi họ đã quen với những thiết bị với thiết kế tinh xảo cùng lớp vỏ ngoài “bóng loáng”.
Canon Powershot SX150 – 2011
Video đang HOT
Chiếc máy ảnh đến từ Nhật Bản này là mẫu máy ảnh mới nhất trong danh sách. Phải đồng ý là chiếc máy ảnh gia đình của Canon sở hữu những đường cong giúp xóa nhòa đi sự thô kệch và nặng nề của SX150, tuy nhiên sự “bướng bỉnh” trong tư duy thiết kế của những người tạo ra Powershot SX150 đã góp phần “giúp” chiếc máy có chỗ đứng trong bản danh sách những chiếc máy ảnh xấu xí nhất.
Casio QV-2900UX – 2001
Không ít nhà sản xuất thiết bị nhiếp ảnh đã cố thử đưa những ống kính có khả năng quay quanh một trục cố định vào các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên chẳng mấy hãng thành công với ý tưởng này. Lý do chủ yếu là kích thước của chúng quá cồng kềnh so với khả năng mà máy ảnh mang lại cho người sử dụng. Một trong những thất bại rõ ràng nhất là chiếc QV-2900UX của Casio, ra mắt năm 2001.
Hasselblad H4D-40 Ferrari Edition – 2010
Những hãng sản xuất thiết bị điện tử luôn có xu hướng muốn hợp tác với những nhóm thiết kế của các thương hiệu nổi tiếng để cho ra đời những thiết bị mang “luồng gió mới” thay đổi cách nhìn của người sử dụng về thiết kế vốn có của hãng đó. Áp dụng công thức này, hãng sản xuất máy ảnh Hasselblad đã cộng tác với đội ngũ thiết kế của hãng xe hơi nổi tiếng của Ý Ferrari để cùng cho ra mắt chiếc máy ảnh “Ferrari Edition” của chiếc máy H4D-40. Và quả thực, việc thay đổi màu sắc cùng với việc “đè” lên chiếc máy logo chú ngựa nòi của Ferrari chỉ mang một mục đích duy nhất: Biến chiếc máy ảnh H4D vốn cồng kềnh trở thành một cục gạch theo đúng nghĩa đen với bộ cánh màu đỏ bao phủ hầu hết chiếc máy.
Kodak Easyshare C653 – 2007
Bước tiến của Kodak vào mảnh đất máy ảnh kỹ thuật số màu mỡ hóa ra lại quá đỗi gian truân. Mẫu máy được trang bị cảm biến 6.1 megapixel này hoàn toàn có thể thay thế cho những mẫu máy ảnhsố dành cho gia đình khác. Tuy nhiên triết lý thiết kế xưa cũ đã phản lại Kodak. Quá vuông vức, nhỏ nhắn “quá mức cần thiết”, thêm vào đó là phần gồ lên bên cạnh ống kính, vốn là bộ phận giúp người sử dụng dễ cầm nắm thiết bị, thì nó lại vô tình biến chiếc máy ảnh trở nên “vô duyên” do thiết kế quá đỗi ngô nghê và góc cạnh.
Konica Minolta DiMAGE Z20 – 2005
Có vẻ như trong những năm đầu thập kỷ 2000, triết lý thiết kế của liên minh sáp nhập của Nhật Bản Konica Minolta là “bo tròn góc ở mọi nơi có thể”. Bằng chứng cụ thể nhất các bạn có thể thấy ở ngay chiếc máy ảnh to lớn và cũng không kém phần kỳ dị mang tên DiMAGE Z20. Bỏ qua ngoại hình kỳ quái, chiếc máy vẫn nhận được những lời tán dương nhờ vào chất lượng ảnh chụp mà nó mang lại.
Olympus AZ-330 – 1990
Mẫu máy ảnh phim duy nhất trong danh sách của chúng ta cũng có thể được coi là mẫu máy xấu xí nhất. Chiếc máy ra mắt vào năm 1990 này không hiểu vì lý do gì lại được Olympus “gia cố” thêm ở phần ống kính, khiến cho người sử dụng cảm thấy đây như một chiếc máy ảnh bình thường nhưng lại “mọc” một cục u khổng lồ ở bên cạnh phải.
Sony F505 – 1999
Sony, với thương hiệu máy ảnh CyberShot, đã cho ra mắt giới hâm mộ công nghệ cũng như những đối tượng sử dụng bình dân những mẫu máy ảnh với thiết kế hết sức tinh tế. Tuy nhiên có vẻ như không phải lúc nào ông lớn cũng thành công với thiết kế của mình. Một trong những mẫu Cybershot đầu tiên được bán ra mang tên F505 lại sở hữu ngoại hình cồng kềnh với những nút bấm phức tạp ngay trên phần ống kính.
Theo ICTnew