Chia sẻ của nữ giáo viên muốn mang Văn đến gần hơn với đời
Cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) dạy Văn thông qua những trải nghiệm thực tế dành cho học trò.
Không có quá nhiều thăng trầm trong việc chọn lựa nghề, cô Kim Anh yêu thích và kiên trì theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn từ khi còn trẻ. 27 năm công tác, cô dành trọn vẹn tâm huyết và không ngừng thay đổi phương pháp truyền đạt môn học này tới học trò.
Cô chia sẻ, việc áp dụng các phương pháp mới trong dạy bộ môn Văn rất quan trọng giúp cho giờ học có sinh khí, dễ tiếp nhận và tăng sức gợi mở. Trong đó phải kể đến những tiết mà học sinh được trải nghiệm thực tế tại những địa điểm lịch sử hay ngay tại lớp học bằng bài giảng mà cô dày công tìm tòi, nghiên cứu và thiết kế.
“Bài học dạy người trẻ nên tôi không dại gì mà từ chối dùng phương tiện, công cụ hỗ trợ”, cô Kim Anh nói.
Cụ thể, học sinh lớp 12 các khóa của cô đều được tham gia trải nghiệm Hành trình tri ân. Gần đây nhất là “Hành trình yêu thương, thắp lửa tri ân giữa lòng đất nước” tại các nghĩa trang dọc dải đất miền Trung Việt Nam kéo dài 3 ngày 2 đêm. Sau chuyến đi, rất nhiều học sinh đã làm thơ, tản văn cảm động về nơi các em đến. Đằng sau những bài thơ, bài văn ấy là cả trường cảm xúc mà không bài học, sách vở nào có thể mang lại.
“Hay như chuyến đi thực tế có cả học sinh và phụ huynh trên cầu Hiền Lương. Tôi cùng toàn bộ học sinh và phụ huynh đứng ở một bên vạch trắng, cả đoàn vừa hát vừa chạy về phía bên kia cầu. Giây phút ấy rất cảm động, chúng tôi trào nước mắt và thấu hiểu giá trị lịch sử thiêng liêng. Tôi nghĩ, những chuyến đi ấy sẽ ý nghĩa, sâu sắc hơn biết bao nhiêu bài văn, bài sử mà các con học trên lớp”, cô Kim Anh chia sẻ thêm.
Chị Minh An, một phụ huynh bày tỏ, chị thấy may mắn khi có con là học trò của cô Kim Anh. Thông qua chuyến trải nghiệm cùng cô giáo, các con được trải nghiệm, cảm nhận cuộc sống, xây đắp tâm hồn, biết sống nhân văn hơn.
“Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn chưa thể quên chuyến trải nghiệm cùng các con ở cầu Hiền Lương. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi cảm nhận được giá trị lịch sử một cách sống động nhất. Tôi vui vì các con cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết những điều mà thường ngày chúng tôi khó lòng có thể dạy được”, chị Minh An nói.
Tuy nhiên, kinh phí cũng là vấn đề lớn nên không thể liên tục tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm cho học sinh. Theo đó, cô hướng cho học sinh cách trải nghiệm gần gũi hơn, thông qua hoàn cảnh của học sinh hay cho đề văn hơi “bẫy” và đề nghị các em viết sự thật. Cô chấm cả những phần học sinh đã gạch đi, nhất là những phần gạch dài. Cô bảo, đấy mới là tâm sự, chia sẻ thật và là tiếng lòng của các con.
Video đang HOT
Khi được hỏi ý kiến về việc áp dụng phương pháp mới trong dạy Văn, cô Kim Anh bày tỏ, làm thầy thời nay nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể để việc dạy học tốt hơn. Dạy Văn càng cần vậy.
“Nếu tôi hát hay tôi sẽ hát một bài thơ được phổ nhạc khi giảng bài thơ ấy. Nếu tôi có tư liệu phim hay hình ảnh quý tôi sẽ chia sẻ cho học sinh. Tôi trọng cách dạy truyền thống vì văn là ngôn từ, là cảm thụ, là bồi dưỡng tâm hồn, là rèn tư duy, rèn cách lập luận… Nhưng tôi cũng luôn nghĩ, văn trước hết là đời, nên tôi không khước từ những gì làm cho văn gần với đời hơn. Bài học dạy người trẻ nên tôi không dại gì mà từ chối dùng phương tiện, công cụ hỗ trợ tốt để học trò thấy học Văn không già, không cũ”, cô Kim Anh chia sẻ.
Nuôi dưỡng tâm hồn học sinh qua văn hóa đọc
Không chỉ là người đi đầu trong các hoạt động sáng tạo và truyền cảm hứng khi giảng dạy môn Văn, cô Kim Anh còn là người đi đầu trong việc xây dựng và là trưởng nhóm câu lạc bộ “Văn hóa đọc” cho học sinh tại trường THPT Phan Huy Chú.
Cô Kim Anh chia sẻ, học sinh bây giờ lười đọc sách bởi đây là hoạt động cô đơn. Thêm vào đó, mạng xã hội cũng như nhiều hình thức giải trí hiện đại khác đang cuốn các em đi. Cô mong muốn, thông qua đọc sách, các em ngẫm, sống chậm và sâu sắc hơn. Tuy nhiên, để thu hút các em đến với hoạt động này không dễ dàng.
Cô Kim Anh trình bày báo cáo trước Hội đồng chuyên môn của Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ 2.
Trăn trở rất nhiều về cách làm thế nào thu hút học sinh với hoạt động đọc sách, cô Kim Anh quyết định xây dựng quy trình trước, trong và sau đọc sách cho học sinh. Mỗi em sẽ có nhật ký cho việc đọc sách. Không chỉ dừng lại ở việc đọc sách đơn thuần, sau quá trình đọc, học sinh sẽ sáng tác nhạc, thơ, vẽ tranh, thuyết trình về nội dung cuốn sách, về nhân vật, về tác giả… tùy vào khả năng. Ở trường THPT Phan Huy Chú, văn hóa đọc đã trở thành môn học và được tính vào điểm Giáo dục công dân nhằm thúc đẩy học sinh tham gia tích cực hơn vào hoạt động này.
“Thông qua hoạt động đọc sách, tất cả khả năng đều được huy động. Trang sách trở thành nhịp cầu kích thích phát triển sự sáng tạo, tư duy và kỹ năng toàn diện cho các con. Con giỏi vẽ, con mong muốn mọi người nhìn thấy tranh của con thì con phải đọc sách để vẽ. Con mê âm nhạc, con cũng phải đọc sách thì mới có thể tìm ra chất liệu để sáng tác. Con thích thơ, con cũng cần đọc cuốn sách đó để tìm ra tứ thơ… Cứ thế, tất cả học sinh cùng khả năng tiềm ẩn của mình bị cuốn hút vào hoạt động đọc”, cô Kim Anh chia sẻ.
Liên quan đến việc làm sao để nâng cao hiệu quả học Văn của học sinh hiện nay, cô Kim Anh cho biết, học sinh học Văn chưa tốt một phần do cách dạy. Ở đâu cách dạy Ngữ văn vẫn còn trong vòng đọc chép, hay nhìn màn hình mà chép bài mẫu thì sẽ chưa thể thuyết phục người học. Thêm vào đó, công nghệ thông tin phát triển, cuộc sống hiện đại, sôi động đã kéo người ta ra khỏi vùng nội tâm và văn chương. Lúc này, người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và thu hút các em.
Với những tâm huyết và sáng tạo của mình, cô giáo Kim Anh đã được chọn tham gia xét giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 – 2018. Hồ sơ tham dự của cô được đánh giá là một trong những hồ sơ có nhiều đóng góp giá trị cho việc dạy và học môn Văn trong nhà trường phổ thông. Đại diện Hội đồng chuyên môn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo Hệ thống Giáo dục Hocmai nhận định, sự sáng tạo, nhiệt huyết của cô Kim Anh đã góp phần mang lại sức sống cho môn Văn. Với cách dạy giàu trải nghiệm, hướng học sinh tới cách sống và cảm nhận sâu sắc của cô, các em sẽ dần yêu môn Văn theo cách tự nhiên nhất.
Thế Đan
Theo VNE
Học văn có lăn tăn?: Những tiết học 'nối văn với đời'
Nếu không hữu dụng tức thì cho việc làm văn thì cũng là bài học sống để dạy chữ không xa với dạy người... Đó là mong muốn của giáo viên dạy văn luôn trăn trở với nỗi lo học sinh sẽ không còn thấy môn học này cần cho cuộc sống.
Học sinh học trồng lúa để hiểu hơn những câu ca dao, tục ngữ về nông thôn - LẠI PHÚC
Cô giáo "tiếp thị" cho môn văn mỗi ngày
Theo cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), người thầy phải như nhà "kinh doanh", sống còn với sản phẩm của mình. Với tâm niệm ấy, cô Kim Anh chia việc "tiếp thị" môn văn với học sinh (HS) thành các bước cụ thể để các em thấy được sự cần thiết và bổ ích của văn học. Làm sao để người học cần thấy vui với niềm vui được hiểu biết và có thể vận dụng trong đời sống. Sau đó mới bàn tới khoái cảm văn chương, khoái cảm thẩm mỹ...
Mỗi học kỳ, cô đều cố gắng tổ chức cho HS 2 buổi học thực tế. Cô đưa học trò đi thăm bảo tàng văn học, nhà lưu niệm nhà thơ, thăm mộ nhà văn, dự ngày thơ VN, các lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà văn do Hội Nhà văn tổ chức. Nếu khó sắp xếp, cô tham dự rồi quay, chụp ảnh để cài vào bài dạy cho HS. Đó cũng là cách làm sống động bài dạy và tạo ấn tượng cho học trò.
Học để ứng phó với thực tế cuộc sống
Với trẻ thành phố, những hình ảnh về người nông dân "một nắng, hai sương", cây lúa, con trâu, cánh đồng trong các câu ca dao, tục ngữ càng trở nên xa lạ với cuộc sống hiện đại. Vậy làm sao để HS có thể biến những kiến thức sách vở khô cứng ấy trở nên sống động và thực sự có cảm xúc khi nghe đến bài ca dao: "Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"...
Từ trăn trở ấy, thầy cô Trường phổ thông liên cấp Olympia hiểu rằng không bài học nào, lời giảng nào quý giá bằng những kiến thức do chính HS đúc kết được thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế.
Vì vậy, các thầy cô đã thực hiện dự án học tập tích hợp liên môn, trong đó có môn văn với chủ đề "Tìm hiểu nền nông nghiệp lúa nước" kéo dài suốt 8 tháng (từ 12.2017 - 8.2018) dành cho HS khối 11 tại một xã ngoại thành của Hà Nội.
Tham gia dự án, HS sẽ trở thành những người nông dân thực thụ khi trực tiếp thực hiện tất cả các công đoạn như: gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, gặt, phơi thóc, xay xát... Quá trình thực hiện dự án là cơ hội để HS chiêm nghiệm lại các kiến thức đã học trong các tác phẩm văn học viết về nông thôn và người nông dân. Ngoài ra, HS còn phải tính toán, lên kế hoạch tài chính để giải bài toán kinh tế chi phí đầu vào - đầu ra (bán thành phẩm có lãi). Điều quan trọng và ý nghĩa nhất của dự án là số tiền lãi thu được sẽ sử dụng trong các hoạt động phục vụ cộng đồng. Đây là một trong những nội dung giáo dục của nhà trường, hướng HS tới cách ứng xử văn minh, nhân hậu, xem xét bản thân với tư cách là một thành viên của cộng đồng.
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán, HS khối 10 được tìm hiểu về văn học dân gian (vè, ca dao, dân ca, tục ngữ) qua dự án học tập mang tên "Hội xuân làng Chòng". HS có chuyến đi về quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh) để trực tiếp tìm hiểu và trải nghiệm không gian văn hóa làng quê Bắc bộ xưa với những làn điệu dân ca quan họ trữ tình do chính các liền anh, liền chị thể hiện...
Với những bài học như vậy, HS không chỉ được thu nạp kiến thức sách vở mà còn được vận dụng kiến thức của nhiều môn học vào trong các hoạt động, sự việc cụ thể nhằm phát huy sự sáng tạo, chủ động ứng phó với mọi tình huống thực tế của cuộc sống.
Học văn qua mạng xã hội
Hơn 10 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Quang Trung và tổ xã hội của Trường THPT chuyên ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã áp dụng phương pháp "trả tác phẩm về cho HS" để dạy môn ngữ văn.
Với phương pháp học này, mỗi lớp được chia làm 2 nhóm để chuẩn bị về một tác phẩm trong khoảng 2 tuần tới 1 tháng theo các ban: Ban tiểu phẩm có nhiệm vụ dàn dựng tiểu phẩm khoảng 10 phút dựa vào nội dung tác phẩm thành kịch nói, múa, hát, ngâm thơ, nhạc kịch, thời trang, hoạt cảnh... Ban đạo cụ chuẩn bị trang phục, phông màn, trang trí cho tiết mục. Ban tiểu luận có trách nhiệm soạn thảo văn bản phần nội dung tiểu luận, cuộc đời, sự nghiệp của tác giả; về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, phân tích đánh giá về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ban hội thảo chịu trách nhiệm về những câu hỏi thảo luận xung quanh tác giả, tác phẩm và chủ trì buổi thảo luận. Sau đó, mỗi nhóm sẽ trình bày trước lớp "tác phẩm của mình".
Còn tại Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội), các thầy cô giáo còn áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới để việc "học đi đôi với hành". Ngoài ra, học văn qua Facebook cũng là một phương pháp được nhiều HS hứng thú. Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên dạy văn của trường này, cho biết: "Các thầy cô giáo sẽ chia lớp thành từng nhóm để lập và quản lý các trang Facebook của một tác giả văn học nào đó. Muốn có được những dòng trạng thái (status) hay, HS phải tự tìm kiếm trên internet, qua sách báo... Như thế, nội dung của những tác phẩm văn học sẽ được HS tiếp thu qua quá trình sàng lọc thông tin mà không phải ngồi học thuộc lòng như cách học văn cũ".
Theo thanhnien
Giáo viên bỏ trường công sang trường tư vì thu nhập Thời điểm giữa năm học cũ và năm học mới cũng là lúc một số quản lý, giáo viên ở TPHCM rậm rịch chuyển từ trường công lập sang trường quốc tế, tư thục. Việc này đã diễn ra nhiều năm gần đây và cứ như "đến hẹn lại lên"... Bắt đầu từ đầu tháng 6 vừa rồi, thầy T., một giáo viên...