Chia sẻ của một nhà giáo: Đứng giữa “tâm bão”
Mấy tuần nay, nhiều vụ việc bạo hành, đánh phạt học sinh sai quy cách xảy ra liên tiếp. Mới gần hết học kỳ một thôi, mà sao áp lực nặng nề, khó khăn. Là một nhà giáo, tôi cảm thấy buồn lắm khi cảm nhận cái đẹp của công việc trồng người như dần vơi đi theo từng vụ việc xảy ra…
Người ta vẫn biết trong một tổng thể của bức tranh, những cái đẹp ai cũng thấy trước mắt, nhưng ít khi ca ngợi, hoặc truyền tin cho nhau nghe, nhưng chỉ cần một vết mực loang trên bức tranh ấy thì người ta đua nhau phân tích, đua đuổi đến tận cùng. Lên án với cái xấu là điều nên làm, để những người đi sau cần phải rút ra kinh nghiệm cho mình, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Phải làm sao, làm thế nào để đứng vững trong tâm thế một nhà giáo dục với phương châm, đường lối “Giáo dục là kỷ cương – tình thương – trách nhiệm”.
Phải chăng, trước sự phát triển của thời đại, nghề giáo rất cần phải nâng cao năng lực, kỹ năng, đạo đức, phải học tập nhiều hơn nữa. Chúng ta đang có một bộ phận nhà giáo không quan tâm đến những vấn đề cấp bách của thời sự, lười biếng đọc sách, xem báo, những cuộc họp hội đồng nhà trường không bao giờ nêu lên chính kiến, vướng mắc trong công tác. Bởi vì, trong tâm lý của họ có quá nhiều cái sợ. Từ đó, họ âm thầm chịu đựng, rồi dồn nén lên học sinh của mình. Chúng ta đã thấy những sự việc xảy ra trước mắt, mà nhận ra, một bộ phận giáo viên hiện nay kém quá, kém về cách xử lý, kém hiểu biết đối nhân xử thế.
Nhưng chúng ta có nhận ra được họ cũng đang chịu đựng trên vai những áp lực mà chính những người lảnh đạo quản lí, phụ huynh học sinh, và cách nhìn của xã hội đặt lên vai họ. Có nhiều câu hỏi mà chính người trong cuộc cũng không thể lý giải được hết. Những khối u không thể hiện, nhưng hễ bùng phát lên là tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, cái xấu lấn át hết cái tốt. Hình ảnh nhà giáo xấu dần đi trong tâm trí nhiều người.
Giữa tâm bão của xã hội thì trường mầm non nơi tôi công tác đón một đoàn sinh viên thực tập. Phải nói rằng, trò chuyện với các em, nghe các em nói, tôi mới thấy các em cũng đang trong tâm trạng rất lo lắng, sợ sệt, các em cảm thấy không biết mình có vượt qua được những áp lực của nghề mình đã chọn không. Bao nhiêu năm đèn sách ở giảng đường đại học, giờ đi vào thực tế, tiếp xúc với học trò, những đứa trẻ luôn nghịch ngợm, bày trò, không vâng lời, không chú ý, và những điều buộc phải làm được cho một tiết dạy, các em thể hiện sự nản chí, e sợ.
(Ảnh minh họa)
Là một giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em, tôi nhận ra vô vàn trạng thái bất an. Trong đợt thực tập, mỗi em phải thực hiện ở các khối lớp các hoạt động dạy, vui chơi, ăn uống, vệ sinh cho học trò, để hoàn thành hồ sơ thực tập. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với việc một giáo sinh trở thành giáo viên thật sự. Việc học từ trường lớp, trên lý thuyết và thực tiễn cần được vận hành hợp lí với nhau. Cách xử lý tình huống với học sinh, với phụ huynh là việc các em cần phải học.
Hai tháng không dài, thời gian trôi qua rất nhanh với khối lượng công việc luôn tay. Nhưng với thời gian đó, tôi cố gắng truyền đạt tới các em ngọn lửa đam mê của việc dạy học, đó chính là sự kiên nhẫn, không ngại khó khăn. Có lần, một em trong số thực tập sinh ở lớp tôi, hỏi tôi:
- Chị ơi, sao khó quá, chắc em không lên tiết nổi, em không biết mấy làm học cụ dạy học, em quản trẻ không được, học sinh không nghe lời em. Chẳng lẽ em bỏ cuộc quá chị ơi.
- Tại em chưa tìm được nguồn động lực thôi, em hãy lấy sổ ghi lại hết những hoạt động hàng ngày chị giao tiếp với học sinh, hãy quan sát từng biện pháp mà chị sử dụng trong giờ học, em sẽ thấy học sinh sẽ học rất ngoan, các cháu sẽ chú ý cô, hiểu bài. Là khi đó em thấy mình hạnh phúc, từ đó em sẽ yêu nghề và rèn luyện thêm mỗi ngày, em sẽ thấy mọi việc rất dễ dàng, không khó như em tưởng.
Những ngày sau đó, tôi tận tình chỉ bảo từng bước, cách soạn giáo án, chuẩn bị giờ học, rồi cho các em từng bước lên tiết dạy. Các em cảm thấy mọi việc không quá khó khăn, khi đó các em cảm nhận được niềm vui của việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Trong giao tiếp, thỉnh thoảng các em cũng bàn tán xôn xao về các sự việc xảy ra với ngành giáo dục trên mạng xã hội với trạng thái lo lắng, băn khoăn. Còn tôi cùng các đồng nghiệp vẫn nhiệt tình với công việc ươm mầm của mình.
Video đang HOT
(Ảnh minh họa)
Ngày chia tay, sau đợt thực tập, có một em mang đến tặng tôi bó hoa để chào tạm biệt.
- Cảm ơn cô, đã chỉ bảo cho em, đã truyền kiến thức, kinh nghiệm và cả những bài học của nghề giáo cho em. Em sẽ luôn ghi nhớ để trở nên yêu nghề như cô.
Lúc đó, tôi không biết phải nói gì, mọi ngôn từ trở nên rời rạc, cảm xúc không xâu chuỗi được thành câu. Trong tâm trí, lúc đó nhìn lại quãng thời gian qua tôi tự hỏi không biết mình đã là một tấm gương hoàn hảo chưa. Chỉ biết là tôi đã cố hết sức mình, chỉ là trong tôi còn có những ước mơ góp màu sắc tươi sáng hơn cho một ngành nghề đang bị dư luận xôn xao chú ý. Để trong số các em được thực tập trong lớp tôi, mai này sẽ là một giáo viên đến với nghề bằng tình yêu thật sự với trẻ, bằng lý tưởng, nhiệt huyết góp phần xây dựng xã hội, chứ không chỉ vì một lý do là có việc để làm.
Tôi nắm tay em, xiết bàn tay thật chặt, nói lời tạm biệt:
- Cảm ơn em đã lắng nghe cô trong hai tháng qua.
Hạnh phúc của nghề giáo là nhận được những lời cảm ơn từ phụ huynh học sinh, hạnh phúc lại càng nhân lên khi truyền đạt tình yêu nghề nghiệp đến cho một người nữa, vài người nữa, những ngọn lửa ấm áp sẽ được thắp sáng lên, mang đến cho thế hệ tương lai những thầy cô giáo có tâm. Tôi giờ đây đang có hạnh phúc đó, thì dù đang đứng trong một tâm bão thì tôi vững đứng vững không lung lay.
Tôi đã sống bằng trái tim của nghề, bằng tình yêu với nghề thật sự, thì dẫu con đường đi còn có gập ghềnh, tôi vẫn vững tin vào ngày mai. Những giáo viên trẻ sẽ được học tập và rèn luyện thật sự để trở thành những giáo viên tốt, đủ năng lực giảng dạy, biết nói không với cái xấu, cái tiêu cực. Ngày mai tâm bão sẽ tan, niềm tin sẽ được củng cố bền chắc trở lại. Khi những câu thơ, điệu múa, bài toán khó trở thành niềm hứng khởi cho mỗi người làm nghề giáo bước vào ngày mới.
Hồ Xuân Đà
(TPHCM)
Theo Dân trí
Nhiều nhà giáo đang quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"
Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng: Phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ...
Sự việc cô giáo tại Quảng Bình phạt học sinh nói tục bằng cách cho các học sinh khác tát bạn đến sưng má, phải nhập viện đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Từ câu chuyện đau lòng này, rất nhiều vấn đề được đặt ra như thưởng phạt trong giáo dục nên như thế nào cho phù hợp; chúng ta phải dạy học sinh như thế nào để các em biết phản biện, biết đấu tranh, dám bày tỏ suy nghĩ của mình và không bị lôi kéo vào những hành vi không đúng; tiêu chí thi đua khen thưởng trong giáo dục cần thay đổi như thế nào để áp lực thi đua không trở thành gánh nặng, thành "bệnh thành tích".
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với Nhà giáo Nhân dân (NGND), PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người xung quanh vấn đề này.
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh.
PV: Câu chuyện cô giáo ở Quảng Bình buộc học sinh tát bạn gây xôn xao dư luận những ngày qua gợi cho ông điều gì?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Ngày nay, nghề giáo có nhiều áp lực, áp lực về cuộc sống riêng tư của gia đình, áp lực mưu sinh; áp lực về công việc nhà trường; áp lực của cộng đồng xã hội đối với giáo viên khi xã hội luôn đòi hỏi giáo viên phải là con người hoàn thiện, gương mẫu, toàn tâm toàn ý để dạy học. Những áp lực, mâu thuẫn này đòi hỏi nhà giáo cần phải giải quyết, làm cho đầu óc họ không được thảnh thơi như thầy giáo ngày xưa.
Từ những áp lực đó, khi có những hành vi, hiện tượng mà mình cảm thấy bất lực do học sinh gây ra như học sinh thích làm theo ý mình, không thích nghe lời thầy cô, đã khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, thậm chí là stress. Và một số giáo viên (như trường hợp của cô giáo ở Quảng Bình) đã xả tress bằng những hành vi không kiểm soát là cho học sinh tát bạn, vi phạm thân thể học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Ngày xưa, thời chúng tôi đi học, các thầy nho có đánh bằng roi khi học trò mắc lỗi và trong nhiều tình huống, cách xử phạt này có mang lại hiệu quả. Song "thương cho roi vọt" là cách giáo dục cũ, không còn phù hợp. Ngày nay đứa trẻ được bình đẳng, người thầy phải bỏ quan điểm người thầy quyền uy, thay vào đó phải là người thầy thân thiện, chủ động tương tác với học trò để thấu hiểu, dạy cho trẻ điều hay, lẽ phải.
PV: Yêu cầu của xã hội đối với người giáo viên luôn rất cao. Vậy công tác đào tạo người giáo viên tương lai tại các trường sư phạm hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: So với ngày trước, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hiện chưa đảm bảo mục tiêu đào tạo. Thực tế cho thấy, muốn trở thành giáo viên, trước hết phải yêu nghề. Nhưng hiện nay, đa phần học sinh vào sư phạm không phải xuất phát từ lòng yêu nghề.
Rất nhiều em chọn sư phạm vì không có khả năng thi vào các trường có đầu vào cao hơn; vào sư phạm vì được miễn học phí, phù hợp với điều kiện gia đình; thi vào sư phạm với hy vọng sau này sẽ được trở về quê hương cho nên chất lượng đào tạo ngay từ đầu vào đã không được như trước. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, chương trình, nội dung đào tạo hiện vẫn nặng về kiến thức, thiếu kỹ năng.
Lẽ ra, phải đào tạo giáo viên là người tốt, sau đó mới thành nhà giáo tốt, tức là nhà giáo phải cao hơn so với người thường một bậc. Nhưng do yếu tố này chưa được chú trọng nên nhiều nhà giáo quên mất mình là "kỹ sư tâm hồn"; ngộ nhận về việc mình có quyền ra uy với học trò, chỉ có ra uy học trò mới sợ. Quá trình đào tạo lại thì cũng chủ yếu đào tạo kiến thức chứ không đào tạo cách ứng phó với cuộc sống, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống.
PV: Chúng ta đang nói về cách xử lý tình huống. Theo ông, trong tình huống của cô giáo Quảng Bình, giáo viên nên xử lý thế nào?
NGND, PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong tình huống cụ thể này, có một số kịch bản. Thứ nhất, người giáo viên lờ đi và coi như không biết, tức là không giáo dục gì. Thứ hai, giáo viên có thể nhắc nhở, chỉ bảo để đứa trẻ không tái diễn, ví dụ khuyên răn, bắt trẻ phải hứa không tái phạm. Thứ ba là đưa ra hội đồng kỷ luật và gọi phụ huynh đến. Sau khi đưa ra các tình huống, giáo viên phải lựa chọn, cân nhắc xem tình huống nào là phù hợp và hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, nếu chọn tình huống một sẽ mất tính sư phạm. Nếu chọn tình huống thứ ba, cũng sẽ quá nặng nề cho đứa trẻ. Nên chọn tình huống thứ hai là phù hợp. Giáo viên có thể mời phụ huynh đến, chia sẻ với phụ huynh về cháu bé, tuy học được nhưng cháu vẫn còn hay nói bậy, nhờ phụ huynh nhắc nhở, giáo dục thêm con ở nhà. Đồng thời, yêu cầu học sinh viết cam kết không nói bậy, đọc lên cho cả lớp nghe, sau đó yêu cầu cả lớp vỗ tay khen bạn vì đã biết nhận lỗi và khắc phục. Cách giải quyết tình huống như thế sẽ giúp đứa trẻ không mặc cảm, tự ti mà ngược lại, các em nhận thức được giá trị của việc biết nhận lỗi, từ đó sẽ có động lực để cố gắng.
PV: Theo ông, có nên sử dụng "hình phạt" trong giáo dục và nếu sử dụng thì nên sử dụng thế nào cho đúng?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trong giáo dục cần khuyến khích việc nêu gương và cố gắng xem đây là phương pháp chính. Bên cạnh đó, cần đưa ra các quy chế (nội quy, quy định) để học trò thực hiện và luôn nhắc đi nhắc lại các quy định này cho học sinh thấm nhuần.
Còn khi có những hành vi sai trái, thầy giáo phải nhắc nhở, khuyên bảo để cho trẻ tránh hành vi đó đi, hạn chế tối đa việc xử phạt bằng các phương pháp bạo lực hoặc phạt tiền; không lấy tiêu cực khác để đối phó với hành vi tiêu cực. Cố gắng hạn chế chữ phạt, thay vào đó, tăng cường các giải pháp khuyên bảo, tư vấn, hướng dẫn cho học trò nhận thức được đúng, sai.
PV: Có ý kiến cho rằng, sự việc cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát bạn chính là "cái tát" vào bệnh thành tích trong giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này?
NGND, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: Chúng ta không nên lấy một sự việc, một hiện tượng để rồi quy chụp thành bản chất cho toàn hệ thống vì như thế sẽ là phiến diện. Thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tất nhiên, đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để mà phấn đấu. Còn nếu đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi giáo viên, nhà trường vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực, dễ dẫn đến bệnh thành tích. Đây có lẽ cũng là điều mà công tác thi đua khen thưởng nói chung, thi đua khen thưởng trong ngành Giáo dục nói riêng cần phải suy nghĩ, nghiên cứu để điều chỉnh trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bởi lẽ, chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục không nên đo bằng các tiêu chí định lượng. Đánh giá phải là đánh giá quá trình chứ không thể cho ra ngay kết quả cụ thể bằng những con số, hay tỷ lệ phần trăm. Ngoài ra, kết quả đầu ra của học sinh trong giai đoạn tới là đánh giá năng lực, phẩm chất thì lại càng không thể đưa số liệu về chất lượng giáo dục một cách cụ thể, tường minh. Các nhà trường muốn đạt chuẩn số cho phù hợp, tức vô tình họ lại bị mắc "bệnh thành tích". Điều này cho thấy, chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác, bệnh thành tích cũng nhờ đó mà sẽ được đẩy lùi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
HuyềnThanh (thực hiện)
Theo cand
Nhà giáo có nhất thiết phải học sư phạm? Nhà giáo có phải học sư phạm; nên bỏ hay giữ bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người học trường khác là vấn đề cần bàn luận thêm. Quốc hội vừa thống nhất dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp...