Chỉ viết luận liệu có vào được đại học?
Nhiều ý kiến cho rằng, Đại học quốc gia TP HCM thay đổi mạnh tư duy tuyển sinh, thông qua bài luận, thư giới thiệu để tìm hiểu đam mê ngành học của thí sinh là một bước đi đột phá.
Trước khi ban hành thông tin chi tiết về quy chế tuyển thẳng, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc Gia TP HCM – đã trao đổi với Zing.vn về kế hoạch sơ bộ chắc chắn triển khai trong năm nay. Theo đó, điểm bài luận và thư giới thiệu sẽ là tiêu chí để xét tuyển thẳng thí sinh từ 82 trường THPT chuyên, năng khiếu.
Nội dung bài luận và thư giới thiệu
Theo ông Chính, thí sinh xét tuyển thẳng chỉ viết tay một bài luận, không giới hạn số chữ. Nội dung là một câu hỏi duy nhất: Vì sao bạn chọn ngành học này?
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Bài luận của thí sinh phải cho thấy các em có phù hợp và đam mê với ngành không, có khả năng với ngành đấy không? Bài viết phải có 2 vế: bạn là ai và ngành bạn muốn nhập học như thế nào? Trường đã chuẩn bị bộ phận sàng lọc, chấm bài luận.
Với thư giới thiệu, giáo viên cần cho biết đã làm việc với học sinh bao lâu, đánh giá thế nào về học sinh và sự phù hợp của em đó với ngành học định chọn. Thư giới thiệu có thể viết theo nhiều phong cách, nhưng nếu một học sinh đặc biệt, thư giới thiệu cũng sẽ đặc biệt.
Giáo viên viết thư giới thiệu cho thí sinh có thể là bất cứ thầy cô nào đã tham gia giảng dạy, tiếp xúc với em đó trong quá trình học THPT. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng có thể làm công việc này.
Sắp tới, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ công bố quy chế cụ thể và gửi thông tin về các trường THPT được chọn tuyển thẳng.
Háo hức xen lẫn băn khoăn
Thông tin Đại học Quốc gia TP HCM xét tuyển thẳng bằng bài luận, thư giới thiệu đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều từ thí sinh và cộng đồng mạng. Nhiều người nhìn nhận đây là cách tuyển sinh tiến bộ, giống các nước Anh, Mỹ.
Cách làm hứa hẹn mở rộng cửa hơn cho những bạn thực sự có đam mê, hoài bão với ngành học. Một số bạn thi đại học năm ngoái bày tỏ tiếc nuối vì năm nay trường mới triển khai cách tuyển sinh này.
Từng trải nghiệm tuyển sinh tại đại học Mỹ, Châu Thanh Vũ – nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Harvard – bày tỏ hứng thú với cách làm mới của một trường đại học top đầu Việt Nam. Nam sinh hy vọng việc thí điểm này sẽ thành công để trường tiếp tục mở rộng chỉ tiêu.
Video đang HOT
“Việc trường thay đổi mạnh tư duy tuyển sinh, thông qua bài luận để tìm hiểu đam mê, các khía cạnh con người thí sinh là bước đi đúng hướng. Nói như thế vì các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia dù là sân chơi rất tốt, lại không phải điều kiện cần để học sinh xuất sắc ở bậc đại học” – Thanh Vũ nhận định.
Theo cựu học sinh trường Phổ thông năng khiếu TP HCM, đây là cơ hội để các em học sinh tập trung học những môn liên quan đến ngành mình yêu thích, nhưng lại không bị áp lực thi cử và phải có giải quốc gia. Ngoài ra, một điểm mạnh nữa là tuyển sinh như thế này sẽ giảm được áp lực kỳ thi đại học cho các học sinh đứng top, giúp các em yên tâm học để biết hơn là học để thi.
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, cũng có những quan điểm lo ngại mô hình này sẽ phát sinh tiêu cực vì bài luận có thể chép, nhờ người làm, hoặc hối lộ giáo viên nhằm có thư giới thiệu đẹp.
Cách làm không mới ở nước phát triển
Trước những lo ngại về việc gian lận hay tiêu cực ở hình thức xét tuyển mới, Ngô Di Lân – nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Brandeis (Mỹ) – cho biết, các nước phát triển đã có cách để hạn chế những việc này.
Trường có thể kiểm soát được vấn đề sao chép bài luận nếu có hệ thống phần mềm kiểm tra được lỗi trùng lặp. Chuyện nhờ người viết hộ đương nhiên khó kiểm soát, ngay cả ở Mỹ.
Các giáo viên ở Mỹ thường không dám giới thiệu bừa, ai họ thấy có năng lực mới nhận lời giúp. Khi viết thư giới thiệu là họ đánh cược uy tín của chính mình vào học sinh. Nếu nói học sinh này rất giỏi mà vào trường năng lực kém thì giáo viên sẽ rất mất uy tín. Giáo viên cũng không thể rập khuôn những dòng khen ngợi, tâng bốc.
Theo Mai Nguyễn Phương Linh (Đại học Brandeis), thư giới thiệu phải nhận xét chân thật nhất về cá tính và khả năng của ứng viên. Nữ sinh từng giành học bổng đại học top đầu nước Mỹ cho rằng, nên chọn những vị giáo sư có thể hiểu rõ và viết chi tiết về mình nhất thay vì những người có tiếng tăm hoặc chức vụ lớn trong trường.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất chắc chắn vẫn là cách bạn thể hiện tính cách và khát vọng của mình trong những bài luận. Vì vậy, việc bắt đầu viết bản nháp từ 3 hay 4 tháng với sinh viên Mỹ là rất cần thiết.
Theo Zing
Đề xuất ưu tiên vào đại học không quá 3 điểm
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - đề xuất, xét tuyển vào đại học với tổ hợp 3 môn thi có tổng 30 điểm, cộng ưu tiên không nên quá 3 điểm.
Điểm ưu tiên trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2015 là chủ đề được quan tâm và tiếp tục bàn luận trong thời gian Bộ GD&ĐT chưa đưa qua quy chế tuyển sinh 2016.
Vấn đề nóng trong tuyển sinh
Ngô Vương Minh (cựu học sinh chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) là thủ khoa kép kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với 29,75 khối B và 29,5 khối A. Tuy nhiên, trong danh sách xếp hạng của Đại học Y Hà Nội, Vương Minh không dẫn đầu, thậm chí có thời điểm xếp thứ 34 ở ngành Bác sĩ đa khoa. Nguyên nhân là nam sinh này không được cộng điểm ưu tiên như một số thí sinh khác.
Tại trường đại học có điểm chuẩn top đầu cả nước là Đại học Y Hà Nội, có thí sinh được cộng tới 6,5 điểm ưu tiên (3,5 điểm ưu tiên khu vực 1 và 2 điểm dân tộc cùng 3 điểm khuyến khích do đoạt giải nhì quốc gia môn Sinh học).
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, việc cộng điểm ưu tiên có công bằng, khi trong kỳ thi các thí sinh cạnh tranh nhau từ 0,25 điểm.
Thí sinh làm thủ tục thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Sau khi chốt điểm trúng tuyển, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, 90% thí sinh trúng tuyển vào trường được cộng điểm ưu tiên. Con số này vì quá cao nên đã không còn nhiều ý nghĩa.
Ông Hinh đánh giá, đối với vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc..., việc ưu tiên là cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội đề nghị nên xem xét lại các khu vực, trường hợp đặc biệt mới được ưu tiên.
Ngoài chính sách về điểm ưu tiên gây nhiều tranh cãi, những bất cập về điểm ưu tiên cũng khiến nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt, trượt thành đỗ trong mùa tuyển sinh 2015.
Tại Đại học Huế, 33 thí sinh đủ điểm trúng tuyển bỗng... trượt đại học do nhầm lẫn điểm ưu tiên. Nhà trường, sau khi nhận hồ sơ không kiểm tra kỹ, vẫn dựa vào đó để phát giấy báo trúng tuyển. Tại tỉnh Phú Yên, sai sót từ trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cũng khiến 20 em bị cộng thừa điểm ưu tiên.
Cộng điểm ưu tiên trong phần mềm tuyển sinh cũng gặp sai sót. ĐH Mở TP HCM ghi nhận một số thí sinh đến làm thủ tục nhập học được thông báo không trúng tuyển, do phần mềm tuyển sinh cộng sai điểm ưu tiên khu vực.
Ngày 15/8/2015, Cục Đào tạo - Tổng cục Chính trị công an nhân dân, Bộ Công an cũng có công văn kèm minh chứng cụ thể gửi Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục xin ý kiến xác định khu vực ưu tiên, khi cùng một thí sinh nhưng phần mềm của Bộ GD&ĐT lại xác định khu vực ưu tiên khác, không trùng với khu vực đã được phần mềm xác định trước đây.
Cần thiết nhưng nên có giới hạn
PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên là chính sách hợp lý. Học sinh miền núi có môi trường sống, học tập còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo viên cũng hạn chế. Cơ sở vật chất trường lớp phục vụ học tập yếu kém, đường xá xa xôi. Về kiến thức, học sinh miền núi không được đi học thêm, không được bồi dưỡng. Vì vậy, việc áp dụng điểm ưu tiên đúng cả lý và tình.
Tuy nhiên, để điểm ưu tiên thực sự có hiệu quả và công bằng, PGS Văn Như Cương đề xuất, Bộ GD&ĐT cần có giới hạn số lượng ưu tiên các em miền núi và vùng sâu vùng xa. Thầy Cương cho rằng, điểm cộng ưu tiên cho mỗi thí sinh không nên quá 2 điểm (với tổng điểm xét tuyển đối đa là 30 cho một khối thi).
Thêm nữa, ưu tiên không có nghĩa cộng điểm, có thể mở rộng mô hình học bổ túc, dự bị để cho những học sinh chưa đủ trình độ vào đại học có nhiều cơ hội hơn.
Đồng tình với ý kiến này, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, cộng điểm ưu tiên là chính sách hoàn toàn hợp lý, vì các địa phương có điều kiện phát triển không đồng đều. Tuy nhiên, điểm ưu tiên cần có giới hạn, nếu không sẽ dẫn đến việc đào tạo kém chất lượng. Học sinh vùng sâu, vùng xa tốt nhất nên cho vào các trường dự bị để bồi dưỡng kiến thức, thay vì cộng nhiều điểm ưu tiên.
PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, điểm cộng (ưu tiên và khuyến khích) không nên quá 10% tổng điểm xét tuyển. Ví dụ, để xét vào đại học với tổ hợp 3 môn thi có tổng tối đa 30 điểm, điểm cộng không nên quá 3 điểm. Một học sinh thuộc diện được hưởng nhiều chế độ ưu tiên và khuyến khích như khu vực, dân tộc, học sinh giỏi quốc gia, chỉ nên chọn chế độ có điểm cộng cao nhất.
Theo ông Nhĩ, việc không kiểm soát được điểm ưu tiên sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực như chạy hộ khẩu, chạy hồ sơ, học bạ... Những tiêu cực này cần được xử lý nghiêm.
Bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nhận xét: Những người làm chính sách phải tính toán con số tối đa một thí sinh được nhận điểm ưu tiên và lý giải để học sinh và phụ huynh rõ, dựa trên những cơ sở, số liệu khoa học. Không nên để một thí sinh được cộng quá nhiều điểm ưu tiên, đến 5, 6 điểm, trong khi nhiều trường hợp 0,25 điểm đã xác định đỗ hay trượt.
Thông tin về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT chỉ quy định mức điểm cộng chung theo khu vực và đối tượng với tối đa là 3,5 điểm. Trong đó, chính sách ưu tiên theo khu vực được cộng tối đa 1,5 điểm, giữa mỗi khu vực ưu tiên chênh lệch 0,5 điểm đối với thang điểm 10.
Ngoài ra, thí sinh có thể được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng: Con của người có công với cách mạng, người khuyết tật nặng... Người có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.
Tuy nhiên, tùy từng trường đại học sẽ có quy định riêng cho những em được giải quốc gia, quốc tế. Vì vậy, những thí sinh đạt điểm ưu tiên cao do đều thuộc đối tượng ưu tiên và khuyến khích.
Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh chính sách ưu tiên
Chiều 18/2, Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách này chuyển trường về những khu vực khó khăn, nhằm được cộng thêm điểm.
Theo đó, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp trung học phổ thông tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu trong 3 năm học trung học phổ thông có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào, hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối tượng 01 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1.
Khu vực 2 cũng được thông tư quy định rõ hơn, gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương (trừ các xã thuộc khu vực 1).
Năm 2015, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới phát hiện hồ sơ có vấn đề, dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi.
Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Theo Zing
Đại học Huế tuyển sinh 12.780 chỉ tiêu năm 2016 Đại học Huế vừa công bố kế hoạch tuyển sinh 2016. Trường dự kiến tuyển 12.780 chỉ tiêu cho 11 đơn vị thành viên. Năm 2016, Đại học Huế tổ chức một Hội đồng tuyển sinh chung để tuyển sinh cho tất cả các trường thành viên. Các trường thành viên bao gồm: Đại học Khoa học, Đại học Sư phạm, Đại học...