Chỉ trích NATO đông tiến, Nga sửa đổi học thuyết hàng hải
Tổng thống Putin ngày 26/7 đã phê chuẩn học thuyết hàng hải phiên bản mới của Nga, trong đó kêu gọi duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Nga ở Đại Tây Dương và Bắc Cực, đồng thời chỉ trích sự mở rộng về phía đông của NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hàng hải mới. (Ảnh:Sputnik)
Theo Xinhua, bản học thuyết hàng hải mới dài 45 trang đã được điện Kremlin công bố trên trang mạng chính thức trong ngày 26/7. Theo đó, Nga coi Đại Tây Dương và Bắc Cực là các vùng quân sự chiến lược, cần “tiêu diệt mọi nguy cơ đối với an ninh quốc gia để duy trì sự ổn định chiến lược”.
Học thuyết hàng hải mới kêu gọi đảm bảo “sự hiện diện có hiệu quả của Hải quân Nga tại Đại Tây Dương”, trong khi nhấn mạnh “cần tăng cường năng lực của Hạm đội phương Bắ” nhằm tạo một nền tảng vững chắc bảo vệ lợi ích quốc gia tại vùng Bắc cực. “Nga cần củng cố vị thế dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển hàng hải tại Bắc Cực”, học thuyết nhấn mạnh.
Bao trùm các vấn đề về hải quân, đội tàu thương mại và khoa học hàng hải, học thuyết cũng xác định thêm vùng Nam Cực là khu vực lợi ích chiến lược đối với Nga.
NATO theo đuổi kế hoạch “không thể chấp nhận”
Xinhua dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin bình luận rằng Mátxcơva quyết định tăng cường sự hiện diện của Nga tại Đại Tây Dương là nhằm phản ứng trước các động thái của NATO.
Ông Rogozin cho rằng “NATO đang theo đuổi những kế hoạch “không thể chấp nhận” nhằm chuyển dịch cơ sở hạ tầng quân sự tới biên giới của Nga”. Ông cũng đổ lỗi cho NATO về tình hình an ninh đang xấu đi tại châu Âu, cũng như mối quan hệ rạn nứt giữa Nga và khối này.
Phó Thủ tướng Rogozin cũng nhấn mạnh học thuyết mới phản ánh “những thay đổi về tình hình chính trị quốc tế cũng như mục tiêu tăng cường sức mạnh của Nga như là một cường quốc hải quân”.
Video đang HOT
Trang bị hơn 20 tiêm kích hạm cho Hạm đội phương Bắc
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua cho biết, lực lượng hàng không của hải quân Nga sẽ được biên chế hơn 20 chiếc máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay MiG-29K mới.
RT dẫn thông báo từ Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/7 cho biết: Số tiêm kích hạm này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho một đơn vị hàng không mới thành lập trực thuộc Hạm đội phương Bắc.
“Để tăng cường bộ phận hàng không của hải quân, các máy bay chiến đấu MiG-29K đang được trang bị cho lực lượng hàng không của hải quân. Quá trình này bắt đầu từ năm 2013 và sẽ hoàn thành trong năm nay- 2015″, tuyên bố cho hay.
Trước đó trong ngày, Tư lệnh Hạm đội phương Bắc, Đô đốc Vladimir Korolev cho biết, hạm đội đã bắt đầu thành lập bộ phận không quân và phòng không, mặc dù trước đó một số hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-300, S-400, Buk và Pantsyr-S đã được điều động đến khu vực này.
Nga đã và đang tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực kể từ cuối năm 2014 khi nước này sửa đổi học thuyết quân sự nhằm tuyên bố khu vực chiến lược nhiều tiềm năng này trở thành khu vực quan tâm của họ.
Bắc Cực là một mối quan tâm chiến lược của Nga. Khu vực này được cho là có nguồn dự trữ dầu khí khổng lồ chưa được khai thác. Bên cạnh đó, trong bối cảnh trái đất đang nóng lên làm lớp băng tại đây tan chảy, ít gây cản trở tới việc di chuyển của tàu bè, Bắc Cực đang trở thành một trong những tuyến hàng hải quan trọng.
Bạch Trúc
Theo Dantri/RT, Xinhua
Singapore "trình làng" 2 mẫu tàu mới đối phó nguy cơ trên biển
Singapore đã cho ra mắt 2 loại tàu tuần tra cao tốc mới nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa hàng hải, dấu mốc mới trong việc nâng cấp năng lực quốc phòng của quốc gia này.
Một trong những tàu tuần tra mới của Singapore. (Ảnh: Bộ an ninh nội địa Singapore)
Báo Nhật The Diplomat đưa tin, Singapore ngày 21/7 đã cho ra mắt 2 loại tàu tuần tra cao tốc mới nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa hàng hải mà nước này đang phải đối mặt.
Lực lượng cảnh sát bảo vệ bờ biển Singapore (PCG) đã tiếp nhận 11 tàu tuần tra (PIBs) và 6 tàu đánh chặn lớp PK. Đích thân Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền đã chủ trì buổi lễ bàn giao.
Trong bài phát biểu tại lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Trương Chí Hiền đã nhấn mạnh việc đưa vào sử dụng các loại tàu này "đánh một dấu mốc quan trọng trong việc đổi mới và nâng cấp" năng lực quốc phòng của Singapore.
Cụ thể hơn, hai loại tàu này sẽ tăng cường khả năng đánh chặn từ xa, cho phép Singapore đương đầu một cách quyết liệt hơn với sự xâm nhập của các tàu lạ vốn ngày càng nhanh hơn và được trang bị đầy đủ hơn.
Theo The Diplomat, các tàu PIBs có thể đạt đến tốc độ hơn 45 hải lý/h, đồng thời được trang bị lớp giáp bảo vệ hiện đại cùng với hệ thống súng đặc chủng của Hải quân, có thể tự động truy đuổi mục tiêu với độ chính xác cao. Ngoài ra, tàu còn có khả năng áp sát bờ biển để có thể tấn công các mục tiêu trên cạn nếu cần thiết.
Trong khi đó, tàu đánh chặn lớp PK sẽ được trang bị cho lực lượng Special Task Squadron, chuyên phụ trách các nhiệm vụ phản ứng nhanh trước các hành động gây hấn và đe dọa bằng đường biển. Để thực hiện nhiệm vụ này, tàu lớp PK được tăng cường đáng kể về khả năng cơ động cũng như tốc độ, đạt tới 55 hải lý/h - một con số ấn tượng so với tốc độ nhanh nhất 45 hải lý/h của tàu chiến hiện nay.
Báo Nhật dẫn lời Phó Thủ tướng Trương khẳng định các nâng cấp này là bắt buộc giữa bối cảnh gia tăng các tranh cãi phức tạp về hàng hải cũng như các nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Đất nước "nằm sát các nguy cơ"
Mặc dù có vùng lãnh hải nhỏ, Singapore lại có vị trí nằm trên các tuyến đường hàng hải trọng yếu và sở hữu một trong những hải cảng sầm uất nhất thế giới. Khoảng cách từ bờ biển Singapore tới vùng lãnh hải quốc tế ở nhiều chỗ chưa tới 500m, tức là mất chưa tới 1 phút để tàu thủy tiếp cận bờ biển. Điều này khiến lực lượng cảnh sát biển có rất ít thời gian và không gian để phản ứng với các nguy cơ đe dọa thương mại hàng hải.
Ngoài ra, Singapore cũng phải đối mặt với các nguy cơ đang gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu, nhập cư trái phép và nạn cướp biển. Ông Trương nhấn mạnh rằng al-Qaeda đang kêu gọi phá hoại giao thương và vận tải hàng hải toàn cầu thông qua vấn nạn cướp biển, trong khi buôn lậu đang ngày càng trở nên tinh vi và có tổ chức hơn. Năm 2014, Singapore đã bắt giữ 46 người nhập cư trái phép và ngăn chặn hơn 7.000 tàu khả nghi xâm nhập lãnh hải.
Trong khi khẳng định những tàu mới này sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn từ xa của Singapore, Phó Thủ tướng Trương cũng nhấn mạnh Chính phủ đang nỗ lực tăng cường khả năng ở các lĩnh vực khác.
PCG sẽ phải áp dụng 3 hướng tiếp cận gồm phát hiện, ngăn ngừa và đánh chặn. Để tăng cường khả năng phát hiện, ông Trương khẳng định Singapore sẽ tăng gấp đôi số lượng camera xung quanh đảo quốc để giám sát vùng biển, đồng thời cải tiến khả năng ra lệnh, điều khiển và giao tiếp của hệ thống.
Về năng lực ngăn ngừa, PCG sẽ tăng gấp đôi chiều dài của các barie xung quanh bờ biển để ngăn chặn các cuộc xâm nhập bất hợp pháp.
Quan trọng không kém việc nâng cấp thiết bị, ông Trương cũng giao nhiệm vụ cho PCG phải chú ý tập trung huấn luyện các sĩ quan để có thể vận hành tốt các trang thiết bị mới.
"Các sỹ quan của chúng ta phải liên tục rèn luyện các kỹ năng để hoàn toàn làm chủ các trang thiết bị này, sẵn sàng chiến đấu một cách hiệu quả và nhanh chóng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình".
Khánh Trần
Theo Diplomat
Nga thay đổi chiến lược hải quân để đối phó NATO Ngày 26.7, Nga tuyên bố thay đổi học thuyết hàng hải, theo đó tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương nhằm đối phó với sự gia tăng mà Moscow gọi là 'không thể chấp nhận được' của NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Ngày Hải quân Nga 26.7 ở Kaliningrad - Ảnh: AFP Hhọc...