“Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?”
“Từng đấy năm tôi đào tạo nhiều học sinh thành đạt. Ngồi quán nước có đứa nói nửa đùa, nửa thật : Vậy là hè này thầy mất dạy rồi à? Tôi nghe đau xót lắm!”.
“Chúng tôi cống hiến chưa bao giờ đòi hỏi gì?”
Ngay cả trong những giấc mơ, thầy cô cũng không dám nói thú nhận về mức lương của mình: 1.210.000 đồng là mức lương của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức; 1.244.000 đồng là lương giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.
Thậm chí người đi phục vụ ở các hàng quán: Làm nửa buổi/ ngày thì mỗi tháng cũng được trả khoảng 2 triệu đồng/ tháng.Hiện nay, nếu thống kê thì có bao nhiêu nghề trong xã hội có mức thu nhập như trên?
Trong khi đó những giáo viên hợp đồng được xã hội gọi là nghề cao quý. Hằng ngày lên lớp đều đặn, đào tạo bao thế hệ học sinh, nhiều nhân tài cho đất nước chỉ có vỏn vẹn 1,2 triệu đồng/ tháng.
Với mức lương đó thì sống như thế nào? Bao nhiêu người can đảm dám nhận công việc với mức lương như trên không chỉ 1 tháng, 1 năm mà 20 năm.
Thế nhưng từng đấy năm hơn 340 giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì vẫn chưa từng đòi hỏi, lên tiếng yêu cầu bất kỳ một quyền lợi nào.
Giáo viên hợp đồng 3 huyện và thị xã Sơn Tây xuống Hà Nội để kêu cứu (Ảnh: Vũ Ninh)
Đúng như lời của thầy Phùng Đức Tăng, trường Trung học Cơ sở Phú Sơn nhận định: “Giáo viên là tầng lớp hiền lành, cam chịu nhất”.
Thầy Tăng công tác trong ngành giáo dục được 18 năm. Từng đấy năm công tác nỗi ám ảnh của thầy và nhiều giáo viên hợp đồng chính là cái thẻ ATM và ngày nhận lương.
Thầy Tăng tâm sự: “Trước đây chưa có trả lương qua thẻ đến tháng nhìn đồng nghiệp nhận vài triệu đồng trong khi đó mình chỉ có hơn 1,2 triệu đồng thấy ngượng lắm.
Thi thoảng đi họp lớp, bạn bè cứ hỏi lương của mày được bao nhiêu? Tôi nói cái đấy làm gì gọi là lương, chỉ gọi là tiền công thôi. Mà các ông hỏi lương tôi làm gì?”.
Mới đây khi câu chuyện giáo viên hợp đồng các huyện xôn xao dư luận. Học trò, bạn bè mới vỡ lẽ về mức lương thật của giáo viên hợp đồng.
Nhiều học trò còn nửa đùa, nửa thật hỏi thầy Tăng: “Thầy ơi, thế từ hè này là thầy mất dạy thật à?”.
Thầy Tăng chua xót: “Nghe chúng nó nói vậy tôi cảm thấy đau đớn lắm, uất nghẹn. Có cái gì đó vừa chua xót vừa tủi thân.
Trong khi đó dạy ở trường mình chuyên môn hay công việc mình hoàn thành có thua kém ai đâu.
Nhiều thế hệ học trò tôi đào tạo có nhiều em rất xuất sắc”.
Nỗi ám ảnh cái cây ATM của thầy Tăng cũng là nỗi ám ảnh của cô Nguyễn Thị Quy (Mỹ Đức).
Cô Quy tâm sự: “Mỗi tháng nhận lương tôi đều phải đợi mọi người rút xong thì mình mới vào rút. Cầm có 1,2 triệu đồng/ 1 tháng mà thấy ngại lắm.
Chắc mọi người ai cũng nghĩ giáo viên là nghề cao quý nhưng có ai biết được rằng đấy là mức lương thật của chúng tôi”.
Giáo viên hợp đồng vẫn chờ đợi một câu trả lời chính thức của thành phố (Ảnh: Vũ Ninh)
Ngược dòng thời gian, năm 2001, thầy Tăng được Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì ký hợp đồng 1 năm.
Từ đó đến nay hợp đồng của thầy cũng chỉ được gia hạn từng năm 1. Tình trạng này cũng diễn ra đối với tất cả các giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì.
Về mức lương: Các giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì chỉ nhận được mức lương tối thiểu kể từ khi đi làm.
Chẳng hạn đối với trường hợp của thầy Tăng: Lương ban đầu của thầy là 160.000 đồng tăng dần theo mức tăng của lương cơ bản và hiện nay là 1.244.000 đồng. Bảo hiểm các thầy cô được đóng từ ngày 1/1/2006.
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của luật sư Quách Thành Lực, đoàn luật sư thành phố Hà Nội về hợp đồng của một số giáo viên.
Theo luật sư Lực: “Trong trường hợp người lao động được ký hợp đồng 1 năm trong 3 năm liên tiếp thì hợp đồng đó sẽ được chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo tinh thần của bộ luật lao động”.
Trong khi đó hợp đồng của thầy Tăng và nhiều giáo viên hợp đồng khác đều đủ điều kiện trên tức là hợp đồng không xác định thời hạn nhưng lại không được hưởng các chế độ tương xứng.
Giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đã nhiều lần ra thành phố để kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Vũ Ninh)
Đến thời điểm này nhiều giáo viên mới vỡ lẽ về hợp đồng của mình. Thầy Tăng cho biết: “Quả thực chúng tôi không để ý gì vấn đề hợp đồng của mình. Từng đấy năm cống hiến, đi dạy cũng không có bất cứ yêu cầu gì.
Video đang HOT
Đến nay sự việc vỡ lở thì mới biết đến chuyện hợp đồng 1 năm được ký 3 năm liên tiếp sẽ chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn.
Chúng tôi cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục nhưng bây giờ họ có nghĩ gì cho chúng tôi đâu”.
Những số phận bị “bỏ quên”
Chuyện giáo viên hợp đồng tại Hà Nội ngày hôm nay là hậu quả của một cuộc “bỏ quên” lịch sử mà theo như các giáo viên họ gọi mình là: nạn nhân của lịch sử.
“Điều 14. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chứcTheo đó năm 2012, nghị định 29/2012/NĐ-CP: Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định về xét đặc cách viên chức cho hợp đồng thâm niên và đủ điều kiện. Cụ thể:
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức quy định tại Điều 4 Nghị định này và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn), gồm:
Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;
Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu;
Cán bộ, công chức cấp xã;
Người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
b) Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống.
c) Trường hợp đã là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”.
Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây không hề biết về đợt xét đặc cách viên chức năm 2013 (Ảnh: Vũ Ninh)
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng: Năm 2013, nhiều huyện tại Hà Nội đã “bỏ quên” giáo viên hợp đồng tiểu học và trung học cơ sở. Các thầy cô đều không biết có đợt xét đặc cách này mà chỉ mới biết gần đây.
Theo thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng thị xã Sơn Tây cho biết: “Năm 2013 chỉ xét đặc cách cho giáo viên mầm non hoàn toàn không nhắc gì đến giáo viên tiểu học và trung học cơ sở.
Hệ quả là từ đó đến nay chúng tôi vẫn không được giải quyết vấn đề hợp đồng.
Trong khi đó năm 2013 có đợt xét đặc cách cho giáo viên các khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhưng chúng tôi không được thông báo”.
Câu chuyện trên cũng xảy ra ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Đông Anh…
Cô giáo Nguyễn Thị Quy, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức nói: “Năm 2013 chúng tôi cũng không hề được thông báo về đợt đặc cách dành cho giáo viên.
Năm đó ở huyện cũng chỉ đặc cách cho các giáo viên hợp đồng mầm non. Từ đó đến nay chúng tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này”.
Giáo viên hợp đồng vẫn tiếp tục chờ đợi trong sự mệt mỏi, vô vọng (Ảnh: Vũ Ninh)
Những “nạn nhân lịch sử” khác đó là các thầy cô hợp đồng huyện Ba Vì.
Thầy Phùng Đức Tăng: “Năm 2013 có đợt xét đặc cách giáo viên hợp đồng thâm niên thành giáo viên biên chế.
Chúng tôi cũng không được thông báo gì. Sau này chúng tôi mới biết là có đợt xét đặc cách đấy.
Một số giáo viên mầm non được xét đặc cách. Nhưng giáo viên hợp đồng tiểu học, trung học cơ sở lại không hay biết gì về chuyện trên.
Thành ra lãnh đạo vẫn gọi chúng tôi là nạn nhân của lịch sử để lại”.
Nói về “tình thương”, sự “nhân đạo” mà lãnh đạo Huyện hay nói. Cô N.T.T, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức bình luận:
“Lãnh đạo nói vì thương chúng tôi, vì nhân đạo nên không cắt hợp đồng.
Nhưng thương kiểu gì mà bao nhiêu năm nay trả lương chúng tôi sai quy định, sử dụng hợp đồng của chúng tôi không đúng luật.
Thương kiểu gì mà việc đóng bảo hiểm được chăng hay chớ. Thương kiểu gì mà năm 2013 lại quên mất chúng tôi. Tôi nghĩ họ không quên đâu.
Vì nếu quên tại sao khối mầm non lại được xét đặc cách còn chúng tôi lại không hề hay biết gì.
Cuối cùng chỉ có giáo viên hợp đồng là khổ nhất. Nên đừng nói là vì thương hay vì nhân đạo để bây giờ đá chúng tôi không thương tiếc”.
Trong khi đó theo thầy Nguyễn Viết Tiến, tại thị xã Sơn Tây hơn 20 năm qua các bộ môn cơ bản về văn hóa như Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh không có một kỳ thi tuyển viên chức nào.
Đó cũng là lý do vì sao nhiều giáo viên hợp đồng không có cơ hội để thi viên chức.
Đằng sau chuyện kêu cứu của giáo viên hợp đồng tại các huyện (Hà Nội) có rất nhiều vấn đề: Vấn đề về tiền lương, bảo hiểm, chế độ. Vấn đề về sử dụng lao động. Vấn đề về kỳ thi tuyển viên chức. Vấn đề bỏ quên xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng thâm niên theo nghị định 29.
Để giải quyết triệt để việc giáo viên hợp đồng không chỉ cần đảm bảo các thầy cô có thể tiếp tục công tác mà còn phải đảm bảo cả chế độ lương, bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
Thầy N.M.T, giáo viên Ba Vì bày tỏ: “Chúng tôi là nạn nhân của lịch sử. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa lịch sử thì không thể sửa sai.
Tất nhiên không ai có thể quay về lịch sử để sửa sai nhưng những người đương thời vẫn có thể sửa sai và bù đắp cho thanh xuân của chúng tôi.
Chúng tôi rất mong câu trả lời của lãnh đạo thành phố”.
Vũ Ninh
Theo giaoducnet
Nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bị trầm cảm khi tương lai vô định
"Ròng rã hơn 2 tháng nay, đêm nào tôi cũng trằn trọc, mất ngủ vì không biết công việc sẽ đi về đâu. Nhiều đồng nghiệp của tôi bị trầm cảm, bị stress nặng".
Tương lai của giáo viên hợp đồng: Không biết đi về đâu!
"Đã có lúc chúng tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng, đã có lúc chúng tôi khóc như một đứa trẻ khi nghĩ rằng việc của mình sẽ được giải quyết đến nơi rồi".
Đó là những tâm sự tận đáy lòng của một giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cô Nguyễn Thị Thơm.
Kể từ ngày 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn làm đơn kêu cứu gần 2 tháng qua họ vẫn chưa nhận được một câu trả lời, văn bản chỉ đạo chính thức.
Mọi người cũng chỉ biết thông qua báo chí mong các lãnh đạo có cho chúng tôi một câu trả lời để chúng tôi chấm dứt những ngày tháng như thế này". "Đến thời điểm này chúng tôi gần như tuyệt vọng.
Những ngày tháng mà theo cô Thơm miêu tả đó là những ngày tháng kinh khủng nhất trong nhiều năm giảng dạy và công tác: Mệt mỏi, chờ đợi, hồi hộp, lo lắng.
Nhiều giáo viên sinh ra trầm cảm, stress. Cô Thơm nói:
"Đồng nghiệp chúng tôi nhiều bạn bị trầm cảm do suy nghĩ nhiều.
Bây giờ đã gần đến tháng 6 - cũng là thời điểm chuẩn bị thi viên chức. Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào.
Bên nọ đánh công văn sang cho bên kia, còn chúng tôi thì cứ chờ đợi không biết đến bao giờ mới giải quyết vấn đề của các giáo viên hợp đồng.
Giá như mà lãnh đạo đừng nói trước. Nhiều khi chúng tôi tưởng được giải quyết đến nơi rồi, ấy thế mà không".
Thầy N.V.T một giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn kể: "Sau khi chúng tôi kêu cứu trên báo đài được vài ngày có một cán bộ bảo rằng: Việc này đáng lẽ ra các anh không nên kêu đến báo chí thành ra bây giờ khó xử lý.
Ý của họ trách do mình kêu cứu lên báo chí nên Huyện bị ảnh hưởng.
Vợ của một lãnh đạo Huyện cũng cho chúng tôi xem một văn bản của Sở Nội vụ trong đó có kiến nghị giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.
Lúc đó chúng tôi nhảy cẫng lên gần như là phát khóc. Nhưng sau hôm đó cũng không thấy gì. Chúng tôi hụt hẫng lắm!".
Tâm sự với phóng viên, một giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh chia sẻ: Chúng tôi gần như buông xuôi và bất lực.
Vẫn chưa có phương án chính thức giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng tại Hà Nội (Ảnh: Vũ Ninh)
Cô H.T.Y chia sẻ: " Đến thời điểm này gần như mọi người đã hết ý chí rồi. Nhiều người chấp nhận và về vườn. Một số thầy cô vẫn sẽ được trường ký hợp đồng.
Tuy nhiên điều chúng tôi buồn nhất đó là thái độ của Huyện. Hôm chúng tôi nộp đơn lên Huyện người nhận đơn hẹn đến ngày 23 tháng 5 sẽ gặp mặt và giải quyết.
Nhưng ngày 24 tháng 5 là ngày tổng kết thì họ có gặp giáo viên hợp đồng hôm đấy cũng chẳng nghĩa lý gì".
Thầy T. nói trong nước mắt: "Nguyện vọng của chúng tôi là được một lần gặp chủ tịch Chung.
Nhưng hôm Chủ tịch về Sóc Sơn chúng tôi có đến nhưng bị đuổi ra ngoài.
Thậm chí lãnh đạo Huyện còn đến động viên: Mọi người cứ về đi rồi gặp Chủ tịch sau. Công an, bảo vệ cũng ra đuổi chúng tôi về.
Nghĩ tủi thân nhiều thầy cô khóc nức nở. Chúng tôi không thể nghĩ được có một ngày cái nghề của mình lại phải đi lạy lục như thế này".
"Tôi sợ rằng chẳng có ai còn tin vào nghề giáo nữa"
Vụ giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bắt đầu gây xôn xao dư luận với việc 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn làm đơn kêu cứu.
Sau đó đến lượt giáo viên hợp đồng các huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Vì cũng làm đơn kêu cứu.
Nguyện vọng của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội mong muốn thông qua báo chí để lên tiếng phản ánh tình trạng trên.Đến nay,Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được nhiều đơn thư từ tập thể, cá nhân giáo viên hợp đồng.
Cũng thông qua vụ việc này nhiều vấn đề trong việc ký hợp đồng với giáo viên của các Huyện tại Hà Nội cũng được phát hiện.
Chẳng hạn, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng với mức lương rất thấp và không được đóng bảo hiểm.
Tương tự giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì nhiều người chỉ được nhận 1.300.000 đồng/ 1 tháng.
Đằng sau câu chuyện này nhiều giáo viên hợp đồng cho biết: Thứ mà họ mất nhiều nhất đó chính là niềm tin.
Cô Y. bộc bạch: "Chuyện giáo viên hợp đồng được ký, trả lương thấp hàng chục năm nay không một ai giải quyết.
Chỉ đến khi chúng tôi cầu cứu, báo chí vào cuộc thì xã hội mới biết, mới quan tâm.
Nhiều học trò của tôi, bạn bè, bà con mới ngỡ ngàng: Bây giờ em mới biết lương cô thấp như vậy.
Nếu chỉ coi nghề giáo viên là nghề mưu sinh bình thường có lẽ chúng tôi đã không gắn bó với nghề đến ngày hôm nay.
Nhiều giáo viên vẫn đi làm thêm sau giờ dạy để duy trì cuộc sống".
Một số giáo viên hợp đồng cho rằng: Sau vụ việc này niềm tin vào nghề của giáo viên sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Thầy T. ấm ức: "Chúng tôi hơn 200 con người trong tổng số hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội chưa bao giờ nhận được một câu xin lỗi, một câu nhận trách nhiệm của lãnh đạo.
Chúng tôi bị đẩy ra ngoài đường, mất công việc. Tôi tự hỏi rằng nhiều năm nay vấn đề giáo viên hợp đồng không được giải quyết nhưng họ vẫn ồ ạt tuyển dụng hàng năm.
Vụ việc này lẽ ra phải được giải quyết nhưng họ cứ ngâm thời gian như vậy. Đến thời điểm này liệu chúng tôi kêu cứu có được gì.
Sau vụ này liệu bao nhiêu người có niềm tin về nghề giáo khi nhận ra rằng nghề giáo là nghề lương thấp, lại không được quan tâm".
Nói về kỳ thi viên chức sắp tới, tâm lý chung của nhiều thầy cô là không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính nghiêm minh của kỳ thi này.
Những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương và những giáo viên hợp đồng có thể sẽ bị lãng quên (Ảnh: Vũ Ninh)
Cô Thơm bộc bạch: "Tôi từng biết nhiều trường hợp thi được điểm gần như tuyệt đối mà vẫn trượt.
Ngược lại có nhiều người thi đỗ viên chức khi về trường dạy chuyên môn còn không bằng chúng tôi.
Thậm chí hiệu trưởng còn phải cắt cử giáo viên hợp đồng kèm cặp cho giáo viên biên chế được nhận vào trường. Thử hỏi như thế thì làm sao chúng tôi tin tưởng và an tâm thi được".
Gần đến thời điểm thi viên chức số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng đang bị bỏ ngỏ.
Nếu thành phố không có phương án xét đặc cách thì chắc chắn họ sẽ bị cắt hợp đồng vì có rất nhiều người không đăng ký thi viên chức.
"Tôi cũng như hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn chỉ mong lãnh đạo có một buổi tiếp xúc với chúng tôi.
Hoặc có văn bản cụ thể chỉ đạo để chúng tôi có thể biết được tương lai đi về đâu.
Còn như bây giờ chúng tôi thấp thỏm không yên vì không biết kết quả cuối cùng như thế nào" - cô Thơm kết thúc câu chuyện.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
"Dở khóc, dở cười" vì không thể thanh toán tiền lương cho giáo viên hợp đồng Ngày 28-4, liên quan đến vấn đề xã hội đang gây bức xúc trên địa bàn, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cơ quan này sẽ sớm có văn bản tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán lương cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng đến ngày 30-6. Nhiều cơ sở giáo...