Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh 2016 của ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Hoa Sen
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Đại học Hoa Sen vừa công bố phương thức cũng như chỉ tiêu tuyển sinh 2016.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội dự kiến xét tuyển 6.000 chỉ tiêu với các phương thức tuyển sinh tương đương năm trước.
Trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi 3 môn của thí sinh tại kì thi THPT Quốc gia tại các cụm thi trên cả nước. Mỗi nhóm ngành đào tạo đều có chung mã xét tuyển do Bộ GD&ĐT ấn định, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm trúng tuyển.
Video đang HOT
Đại diện phòng đào tạo nhà trường cũng cho biết, tổ hợp 3 môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường trước đây (A, A1, D1, D3) và bổ sung thêm các tổ hợp môn thi khác (Toán – Hóa – Anh, Toán – Hóa – Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều lựa chọn.
Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận (180 phút). Đây là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.
Các ngành/chương trình đào tạo của trường được phân chia thành 24 nhóm như: Kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật hàng không, công nghệ chế tạo máy…
Đại học Hoa Sen dự kiến sẽ tuyển sinh 2.670 chỉ tiêu các ngành bậc Đại học, Cao đẳng chính quy, tương đương với năm 2015. Trong đó, trường dành trên 80% tổng chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường Đại học chủ trì; gần 20% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT hoặc điều kiện xét tuyển khác, tùy phương thức xét tuyển. Cụ thể, trường ĐH Hoa Sen sẽ tuyển sinh với các phương thức xét tuyển như sau:
Phương thức 1: Trường dành 2.070 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cho tất cả các ngành bậc Đại học và Cao đẳng của trường. Riêng 3 ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất (gọi chung là các ngành thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng) có xét tuyển thêm kết quả năng khiếu của thí sinh.
Phương thức 2: 130 chỉ tiêu dùng để xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT có năng khiếu về mỹ thuật, thiết kế, hội họa. Trường xét tuyển dựa trên điểm trung bình cộng của năm lớp 10, 11, 12, môn Văn và môn Sử đạt từ 6,0 điểm trở lên, có sơ tuyển năng khiếu.
Phương thức 3: 150 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm Trung học phổ thông và chứng chỉ Anh văn quốc tế. Các thí sinh Tốt nghiệp THPT với điểm trung bình cộng của năm lớp 10, 11 và lớp 12 đạt từ 6,0 điểm trở lên đối với bậc Đại học, 5,5 điểm trở lên đối với bậc Cao đẳng, có thêm chứng chỉ Anh văn quốc tế (Academic) đạt IELTS 6,5 trở lên.
Phương thức 4: Trường dành 250 chỉ tiêu xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT có kết quả học tập 3 năm học THPT (học lực) đạt từ loại giỏi trở lên và hạnh kiểm xếp loại tốt. Để xét tuyển theo phương thức này, thí sinh cần nộp thêm bài luận nêu rõ mục tiêu học tập, nghề nghiệp và lý do chọn trường Đại học Hoa Sen để thực hiện mục tiêu.
Phương thức 5: Trường dành khoảng 70 chỉ tiêu để xét tuyển các ngành tuyển sinh bậc Cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình cộng kết quả học tập năm lớp 10, 11, và 12 đạt từ 5,5 điểm trở lên thỏa điều kiện xét tuyển.
Theo infonet
Xung quanh những bất ổn tại ĐH Hoa Sen: Cần sự đồng hành nhà đầu tư và người làm giáo dục (07/02/2015)
Mâu thuẫn của trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) gây chú ý khá nhiều trong dư luận liên quan đến việc lợi nhuận hay phi lợi nhuận trong giáo dục. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến chuyên gia để có góc nhìn rõ nét hơn về bản chất sâu xa của giáo dục phi lợi nhuận.
Có thể khẳng định ngay rằng, với mô hình giáo dục phi lợi nhuận thì người được hưởng lợi nhất chính là sinh viên bởi mức học phí thấp, dành khoảng 10% tổng số học phí để trao học bổng lại cho chính sinh viên cùng những lợi nhuận khác sẽ dành để đầu tư cho nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, mở rộng nhà trường, hoạt động của sinh viên... mà không chia có cho cổ đông - những người góp vốn cho nhà trường. Ở mô hình giáo dục này, những người cổ đông góp vốn chỉ được hưởng lợi là mức lương theo quy định và số tiền thặng dư không vượt quá mức lãi của trái phiếu Chính phủ đề ra. Và, đây chính là nguyên nhân mà nhiều cổ đông góp vốn và Ban giám hiệu của trường ĐH Hoa Sen nảy sinh bất đồng bởi khi số tiền lợi nhuận của trường này sau nhiều năm hoạt động đã tăng lên, các cổ đông góp vốn muốn được hưởng lợi bằng cách chia phần trăm hàng năm theo cổ phiếu còn Ban giám hiệu lại muốn dùng số tiền lợi nhuận đó tiếp tục tái thiết, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để phát triển trường thêm vững mạnh. Lời giải cho mâu thuẫn của người góp vốn và người điều hành mô hình giáo dục phi lợi nhuận này đã được cụ thể hóa bằng những điều khoản trong Luật giáo dục mà Chính phủ đã nêu ra. Đó là tất cả số tiền thặng dư thu được từ mô hình giáo dục phi lợi nhuận sẽ được dùng để tái đầu tư chứ không đem chia cho những cổ đông. Ngoài ĐH Hoa Sen ở nước ta đã có nhiều trường tư thục khác cũng lấy tiêu chí phi lợi nhuận để phát triển như ĐH Hùng Vương, ĐH Phan Châu Trinh... và đều đem lại những lợi ích nhất định. Theo ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế-Luật, thuộc ĐHQG TP. HCM thì: "Muốn có mô hình giáo dục phi lợi nhuận đúng nghĩa cần làm rạch ròi mối quan hệ giữa người góp vốn và người điều hành, thông qua một số quy định chặt chẽ của Nhà nước. Nghĩa là khi đầu tư vào giáo dục phi lợi nhuận, người ta sẽ chỉ được hưởng lợi ở mức độ nào đó, còn số tiền thặng dư chung của mô hình này sẽ được tái thiết sử dụng tiếp. Tuy nhiên, cái khó chính là sự tin tưởng lẫn nhau bởi thực tế, mô hình này cũng vẫn là một doanh nghiệp, người bỏ tiền ra vẫn có tâm lý muốn biết đồng tiền đó đang và sẽ được sử dụng ra sao, vào mục đích gì. Vì thế, nó dẫn tới mâu thuẫn giữa người làm giáo dục phi lợi nhuận và người bỏ vốn đầu tư vào giáo dục phi lợi nhuận".
Những cổ đông đăng ký góp vốn ở ĐH Hoa Sen Vậy đâu là bài học cho những trường đại học muốn phát triển theo hướng phi lợi nhuận nhưng vẫn có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các cá nhân? Ông Điện cho rằng: "Thực tế thì lợi nhuận bền vững chính là ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư. Nghĩa là, các nhà đầu tư vẫn thu lợi từ mô hình giáo dục này nhưng ở mức thấp. Bù lại, cái mà họ được hưởng sẽ là lợi nhuận lâu dài chứ không ngắn hạn như những mô hình phát triển khác. Vì thế, đây sẽ là điểm tựa để nhiều người góp vốn xây dựng mô hình giáo dục phi lợi nhuận, kèm theo các chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước và xã hội. Mấu chốt vấn đề là các bên cần tôn trọng lợi ích của nhau giữa những người góp tiền vốn và những người điều hành và cả phía cơ quan chức năng". Theo bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, trường được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ là 15 tỷ đồng từ các cổ đông góp lại và đến năm 2014 vốn tăng lên là 92 tỷ đồng. Những giá trị góp phần làm tăng lợi nhuận của ĐH Hoa Sen không thuần túy chỉ là những người bỏ tiền góp vốn mà còn là công sức phấn đấu những cán bộ giảng viên, sinh viên, người điều hành cũng như hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, mặt bằng xây dựng cùng nhiều chính sách thuế ưu đãi... Để ĐH Hoa Sen phát triển bền vững và mang lại lợi nhuận ổn định lâu dài thì không cách nào khác là mô hình hoạt động phi lợi nhuận với những đầu tư quay vòng cho tương lai.
Theo Daidoanket.vn