Chi tiết Moxpad X3 – Giá rẻ, âm có rẻ?
Liệu Moxpad X3 có đủ khả năng đem lại chất lượng âm thanh như ý muốn cho người sử dụng phổ thông hay không?
Đối với những người lựa chọn một mẫu tai nghe in ear ở tầm giá phổ thông, nghĩa là những chiếc tai nghe có tầm giá dưới 1 triệu Đồng, họ thường rơi vào tình trạng khó khăn trong việc chọn lựa. Sở dĩ có tình trạng này là do những chiếc tai nghe giá rẻ như vậy (chúng ta sẽ tạm thời không bàn tới những tai nghe bán ngoài chợ với cái giá chỉ khoảng vài chục nghìn) thường không có được chất âm như ý muốn.
Hầu hết những mẫu tai nghe ở tầm giá như thế này thường có thiên hướng sở hữu chất âm trầm đục, khiến cho những người đam mê các dòng nhạc cần sự chi tiết của âm thanh nói chung, đặc biệt là hai dải mid và high thường bị thiếu hụt khá trầm trọng. Lý do một phần là về giá thành, phần nữa là hầu hết những tai nghe in ear ở tầm giá này đều sử dụng driver dynamic, và những khuyết điểm về mặt âm thanh thường bị bỏ qua với lý do mức giá.
Chính vì vậy, khi Moxpad giới thiệu mẫu tai nghe in ear mang tên X3, cùng lời giới thiệu sẽ trở thành mẫu tai nghe “bá đạo” trong tầm giá dưới 1 triệu Đồng, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ. Liệu X3 có đủ khả năng đem lại chất lượng âm thanh như ý muốn cho người sử dụng phổ thông hay không, hãy cùng điểm qua những điểm chính trong bài đánh giá chi tiết ngày hôm nay của GenK.
Rẻ nhưng cảm giác chuyên nghiệp
Công bằng mà nói, với cái giá 550 nghìn Đồng cho một chiếc headset Moxpad X3, người sử dụng đã có thể phần nào yên tâm về vẻ bề ngoài của mẫu tai nghe. Ở một chừng mực nhất định, moxpad X3 sở hữu ngoại hình khó lòng có thể chê trách. Sở hữu kết cấu của một chiếc in ear monitor thứ thiệt, người sử dụng sẽ dễ bị ấn tượng bởi hình dáng của mỗi bên tai kèm với vành đeo được thiết kế bằng một mảnh thép chạy dọc dây nối của tai nghe.
Điều này có nghĩa là, người sử dụng sẽ có thể dễ dàng uốn phần vành này theo hình dáng vành tai của mình để X3 có thể vừa vặn với tai của mình, đem lại trải nghiệm âm thanh vừa ý nhất. Thậm chí, với cái giá bỏ ra để sở hữu X3, bản thân tôi cũng khá bất ngờ khi cáp kết nối của cặp in ear này có thể tháo rời. Thông thường chỉ có những cặp in ear monitor đắt tiền mới sở hữu khả năng như thế này. Thêm vào đó, giống nhiều mẫu tai nghe khác, jack cắm 3.5 mm của chiếc tai nghe này cũng được mạ vàng. Một điểm cộng rõ ràng cho X3 trong nhiều trường hợp.
Bao bì đóng gói Moxpad X3 khá đơn giản khi chỉ cho người sử dụng sở hữu cặp tai nghe, một chiếc hộp đựng và vài cặp earbud với đủ kích cỡ cho người sử dụng. Nếu so sánh với nhiều tai nghe khác cùng mức giá, thì phụ kiện của X3 khó lòng chiều chuộng được người sử dụng.
Chất âm khác xa tầm giá
Với lời quảng cáo của nhà sản xuất cũng như nhà phân phối, sẽ chẳng có gì quá xa xỉ khi thưởng thức những bản nhạc lossless với Moxpad X3, để có được một trải nghiệm hoàn hảo nhất về khả năng trình diễn của chiếc tai nghe này.
Thử nghiệm đầu tiên với album Stax, album vốn được sử dụng để thử nghiệm âm trường của mỗi chiếc tai nghe, kết quả thu được của X3 là vô cùng ấn tượng. Dĩ nhiên, trong album này, bạn sẽ ít khi được nghe những bản nhạc được chuyên viên âm thanh mix như bình thường, mà thay vào đó, âm thanh sẽ được tái tạo giống như khi chúng ta nghe những âm thanh trong đời thực.
Vị trí của những người có mặt trong phòng thu âm, từng tiếng bước chân, hay tiếng nhạc nhẹ nhàng phát trên radio, tiếng vỗ tay, thậm chí là cả tiếng vọng lại trong phòng thu âm được X3 tái tạo rất tốt. Đó là lời khen cực kỳ khách quan, có điều đó mới chỉ mô tả được âm trường xuất sắc của X3 nếu so sánh với những chiếc tai nghe khác cùng tầm tiền.
Video đang HOT
Với nhiều người không có thói quen burn in cặp tai nghe, thì dải bass của Moxpad X3 vừa là một sự bất ngờ, tuy nhiên lại có chút gì đó đáng tiếc. Âm bass tái tạo trên X3 không hề giúp những bản nhạc trance hay dubstep thực sự bùng nổ, đem lại cảm giác “bay” đúng nghĩa.
Thay vào đó, thông qua những bản nhạc như Killing Me Softly của Judith Nijland (album Marantz audiophile) hay Về Quê của saxophonist Trần Mạnh Tuấn, âm trầm gọn gàng, tròn trịa và rất vừa vặn. Thiết kế sở hữu một lỗ thoát nhỏ trên vỏ (housing) hai bên tai nghe giúp cho âm trầm được kiểm soát tốt và vừa tai người nghe, đặc biệt với những người thưởng thức những thể loại nhạc như jazz hay acoustic.
Bất ngờ là ở chỗ đó, vậy còn phần thất vọng? Ban đầu, nếu không burn in, thử nghiệm với bản nhạc Whisper in My Ear cũng của Nijland, âm trầm của X3 bị rền, không gọn gàng một chút nào, khiến cảm giác bản nhạc ban đầu bị mất đi một phần tình cảm.
Nhiều người cho rằng, sau quá trình burn in, tình trạng rền và không gọn gàng của Moxpad X3 trên một số bản nhạc sẽ được cải thiện. Điều này đúng một phần khi sau giai đoạn burn in, quả thật dải bass của chiếc tai nghe này đã trình diễn có phần tốt hơn, nhưng để mong chờ một dải bass hoàn toàn lột xác thì đó là điều vô cùng khó.
Dải mid trong khi đó lại có phần yếu, một phần là do dải bass tràn, át đi âm mid của X3. Trên những bản nhạc như The Ancient Sun, Don’t Know Why hay Cỏ và Mưa của Tùng Dương chẳng hạn, dải mid được trình diễn với chất lượng không được như ý muốn. Thay vì trình diễn một cách chi tiết tiếng piano, tiếng saxophone hay tiếng hát của người ca sỹ, mid lại có phần chìm nghỉm giữa “một rừng bass” vốn đã vô cùng ấn tượng.
Cuối cùng là dải high. Với bass dày, mid chi tiết (nhưng hơi chìm), có thể các bạn đã phần nào đoán ra được chất lượng những nốt cao mà X3 trình diễn. Nhận định của không ít người nghe thử chiếc tai nghe này sau một quá trình dài thưởng thức nhiều mẫu in ear khác cho rằng, Moxpad X3 vẫn sở hữu chất âm ấm áp, chứ chưa đến mức tối như nhiều mẫu tai nghe khác.
Với những bản nhạc như Những Ngày Đẹp Trời của Bằng Kiều, This I Love của Guns n’ Roses hay A Winter’s Tale của Fracture Design, những nốt cao như giọng hát của ca sỹ, tiếng piano hay guitar có phần đuối, giống như dải mid như tôi đã mô tả ở trên.
Đó là phần so sánh chất âm một cách chi tiết. Đọc đến đây, không ít người sẽ cảm thấy X3 chỉ là một sản phẩm trung bình khá như bao chiếc tai nghe khác. Thế nhưng có lẽ các bạn đã quên đi mất một điều, đó chính là tầm giá của X3. So sánh với nhiều sản phẩm khác cùng tầm như SoundMagic PL30, Sony EX50 hay Skull Candy Ink’D, thì trải nghiệm âm thanh của Moxpad X3 là độc nhất, và những đối thủ cùng tầm giá không thể so sánh được.
Ứng cử viên đáng tiền
Đối với thử nghiệm cuộc gọi, chất lượng âm thanh của X3 khó lòng có thể chê trách khi kết nối với các thiết bị như iPhone hay những smartphone sử dụng Android. Tuy nhiên trong một số trường hợp, điển hình là với mẫu smartphone Xperia Arc S, khi kết nối Moxpad X3, chiếc điện thoại đã “thẳng thừng” từ chối với lý do: “Headset không được điện thoại hỗ trợ”.
Tựu chung lại, với chất âm vô cùng ấn tượng trong tầm giá rẻ, cộng thêm khả năng kết nối với các thiết bị smartphone để thực hiện cuộc gọi, một kết luận được đưa ra là đối với những người đam mê âm nhạc nhưng túi tiền không cho phép, Moxpad X3 là một trong những sự lựa chọn các bạn cần phải thử qua.
Theo VNE
Sony MDR X10 "Thiên đường" cho các basshead
Một tai nghe nặng về Bass. Basshead là gì? Hãy hiểu một cách đơn giản, khi chúng ta nghe nhạc, một số người chỉ cần nghe rõ nhạc và lời. Trong khi đó một số người khác thì muốn chất lượng âm nhạc phải thật hoàn hảo, giống như lúc chúng ta thưởng thức những bản nhạc qua những dàn loa vậy. Thật tiếc một điều là không phải chiếc tai nghe nào cũng có thể đem lại cảm giác ấy.
Quay trở lại với những basshead. Một định nghĩa vui, họ chính là những người nghe nhạc bằng... ngực. Họ muốn dải âm trầm trong mỗi bản nhạc không chỉ phải thật sự có lực, đầy sức mạnh, mà còn có thể cảm nhận chúng bằng cơ thể chứ chẳng riêng gì đôi tai. Ban đầu, khi bước vào thế giới âm thanh, những cặp tai nghe của Sennheiser đã khiến tôi bắt đầu có sở thích đối với những đôi tai có chất âm ấm áp và có dải bass đầy sức mạnh.
Chính vì thế, những mẫu tai nghe dành cho các basshead từ trước tới nay vẫn vô cùng được ưa chuộng, như một phần thị trường âm thanh toàn cầu. Trước đây, nếu các bạn còn nhớ, chiếc tai nghe Beats Studio chính là một trong những ví dụ nổi bật nhất về những tai nghe dành cho basshead: Dải high không quá chi tiết, thay vào đó là hai dải bass và mid được "đôn" lên tới mức nếu nghe những bài house hay dubstep, cảm giác sẽ không khác nhiều so với những hệ thống loa được lắp đặt tại nhiều địa điểm phục vụ âm nhạc tại nước ta hiện nay.
Và sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn nếu như chúng ta quên đi mất sự xuất hiện của Sony. Ông lớn xứ sở Hoa anh đào trong vài năm trở lại đây đã quyết định tạm gác sang một bên thành công và tiếng tăm của những huyền thoại tai nghe trong thế hệ trước đây như MDR V6, một trong những tai nghe phòng thu được ưa chuộng nhất, hay MDR M10, từng được mệnh danh là kiệt tác với cái giá không hề rẻ ở thời điểm hiện tại.
Thay vào đó, Sony tập trung vào việc phát triển những mẫu tai nghe mang phong cách trẻ trung, hiện đại, đánh vào đối tượng là những người sử dụng trẻ tuổi, với nhu cầu âm thanh không quá khắt khe nhưng vẫn muốn chất lượng bản nhạc được trình diễn tốt. Trong số đó, những mẫu tai nghe được đóng mác "Extra Bass" chính là những cái tên được Sony tạo ra dành cho những tín đồ của dòng nhạc điện tử, với dải bass được tinh chỉnh tạo cảm giác chân thực nhất.
Và cái tên được chúng tôi đánh giá chi tiết ngày hôm nay sẽ là MDR X10, một trong những mẫu tai nghe đầu bảng được tạo ra từ sự kết hợp giữa Sony và Simon Cowell, người đã tạo ra chương trình tìm kiếm giọng hát mang tên X Factor.
Vẻ ngoài sang trọng
Quả thật, flagship luôn có mặt mạnh riêng của nó. Chiếc hộp bao bọc X10 khá lớn với màu đỏ bắt mắt. Bên trong chỉ có một chiếc túi đựng tai nghe màu trắng bạc ở trung tâm, bên trọng là chiếc tai nghe, 2 cáp nối, một jack chuyển từ 3.5 sang 6.3 mm, cùng tài liệu hướng dẫn sử dụng chiếc tai nghe. Đối với một chiếc tai nghe full size, tuy rằng ngần đó là đủ, thế nhưng người sử dụng vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó sau khi tậu một chiếc tai nghe có giá hơn 5 triệu Đồng về nhà.
X10 được phát triển từ mẫu tai nghe mang tên XB800, một cái tên khác của Sony về mặt ngoại hình, nếu đặt hai chiếc tai nghe cạnh nhau, có lẽ chúng ta sẽ chẳng tìm thấy nhiều sự khác biệt ngoài phần trang trí hai bên loa. Nếu như ở XB800 có sự hiện diện của logo Sony lệch qua bên trái trên nền trơn, thì X10 sở hữu lớp vân tròn kim loại và logo chữ X khá ngầu cùng ở vị trí đặt logo Sony của XB800. Chiếc tai nghe có thể gấp lại một cách vô cùng gọn gàng để bỏ vào túi đựng.
Thiết kế của X10 vô cùng trẻ trung, với hai loa lớn, cùng với phần cầu nối được thiết kế dày dặn, mang đậm tính hiện đại giống như nhiều thiết bị công nghệ khác của Sony. Phần đệm tai phẳng, khá lớn, biến X10 trở thành một chiếc tai nghe được xếp vào loại Supra Aural, khi hai hoa đè lên vành tai trong quá trình sử dụng, thay vì ôm xung quanh tai như những mẫu tai nghe chẳng hạn như HD 598 của Sennheiser.
Như đã đề cập, phụ kiện đi kèm của MDR X10 không nhiều: Một cáp nối cành cho việc nghe nhạc, một cáp nối biến chiếc tai nghe trở thành một headset phục vụ nhu cầu liên lạc trên những thiết bị chạy HĐH iOS hay Android. Cả hai chiếc cáp này có thể tháo rời khỏi tai nghe một cách vô cùng dễ dàng để vận chuyển. Cuối cùng là một jack chuyển để người nghe có thể sử dụng X10 trên những hệ thống dàn âm thanh tại nhà.
Rất nhiều, rất nhiều bass!
Nếu như vẻ ngoài của chiếc tai nghe cuốn hút rất nhiều người trẻ tuổi như tôi, thì phần chất âm lại khiến tôi khá nghi ngờ vì không ít mẫu tai nghe ra mắt gần đây của Sony có chất âm hơi tối quá mức cần thiết. Thế nhưng vì đã hiểu trước được điều này nên X10 sẽ không được tôi thử nghiệm giống như cách tôi hay đánh giá những mẫu tai nghe khác. Thay vào đó, những bản nhạc phù hợp nhất với X10 sẽ được bật lên để chúng ta có được cái nhìn toàn diện nhất.
Bắt đầu với bản chillstep (một thể loại gần với dubstep nhưng nhẹ nhàng hơn) mang tên A Winter's Tale của Fracture Design. Sự bất ngờ đầu tiên của tôi là trong khi vẫn nghi ngờ chất âm của X10 sẽ vẫn tối, màn piano dạo đầu bản nhạc lại khá trong trẻo. Mặc dù chưa thể so sánh với những cái tên khác có dải high trình diễn tốt nhưng so với những cặp tai nghe thiên hướng bass thì dải high của X10 dừng lại ở mức tốt.
Đến phần nhịp bass điện tử thể hiện, cụm từ Extra Bass được Sony đặt cho X10 hóa ra lại vô cùng chính xác. Bass có lực rất mạnh, khiến tôi cảm nhận được từng nhịp bass mà DJ tạo ra trong khi trình diễn bản nhạc. Khó có thể mô tả nhịp bass của X10 tái tạo là tròn trĩnh, khi dải bass gần như nuốt trọn toàn bộ phần còn lại của bản nhạc, vừa đầy uy lực lại có phần rền trong tai. Rõ ràng với những gì nó thể hiện, bass của X10 không hề gọn gàng một chút nào. Điều này khiến nó vô cùng phù hợp với những bản nhạc điện tử theo thể loại house, dance, dubstep hay trance.
Nhận định này của tôi được khẳng định sau một vài bản nhạc kế tiếp như Forever Alone (3D Remix), Sun (Jesse Marco Remix), một bản nhạc trong bộ phim bom tấn Now You See Me, Hold Your Breath của Protohype hay Do I See Color của Adventure Club.
Riêng với Do I See Color, đoạn đầu không có sự xuất hiện của dải bass được thể hiện ở mức khá, khi dải high được boost lên 1 phần đối với MDR X10.
Lợi thế đối với nhạc dance của X10 đã rõ ràng, vì vậy tôi chuyển qua một số thể loại nhạc mình hay thưởng thức. Đầu tiên là bản jazz nhẹ nhàng When A Man Loves A Woman do nữ danh ca Judith Nijland trình bày. Ở mức volume cao, tiếng contrabass vẫn rất nổi bật, và ở một chừng mực nào đó, điều này khiến cho cả bản nhạc mất đi sự tự nhiên vốn có của nó, khi thử nghiệm với nhiều loại tai nghe khác, giọng hát của ca sỹ và tiếng piano nền được tôn làm trung tâm bản nhạc.
Chuyển sang bản nhạc Going Home của Kenny G, tiếng trống bass uy lực đã góp phần "dìm" tiếng saxophone ở dải high. Đến đây tôi có cảm giác sức mạnh của bass trong X10 đã khiến âm thanh một số nhạc cụ tạo âm trầm trở nên hơi giả tạo, giống như tiếng bomb nổ rền chứ không còn là âm thanh bập bùng đáng có trong quá trình thưởng thức âm nhạc.
Chỉ dành cho basshead
Ở tầm giá gần 300 USD, X10 gặp phải sự cạnh tranh của một số cái tên khác như Beats Studio hay Sennheiser Momentum. Nếu như chất âm của MDR X10 của Sony có phần tương đồng với Beats Studio ngoại trừ dải high có thể trình diễn ấn tượng hơn đôi chút thì việc đem so sánh giữa X10 với Momentum lại đưa ra kết quả khá lệch. Tuy rằng cũng sở hữu chất âm tối nhưng âm thanh mà Momentum tạo ra lại cân bằng và dễ nghe hơn rất nhiều so với X10 khi thử nghiệm với một số thể loại nhạc khác electronic hay dance.
Thử nghiệm nghe nhạc trong thời gian dài cho thấy, sau khoảng 4 tiếng thưởng thức âm nhạc với X10, tai không có dấu hiệu bị nóng và bí, thêm vào đó, phần đệm tai cũng tạo cảm giác khá thoải mái khi vành tai hầu như không bị đau trong quá trình sử dụng. Một điểm cộng cho mẫu tai nghe đến từ Sony.
Tuy nhiên, với chất lượng âm thanh mà nó mang lại, chúng ta có thể dẫn tới hai kết luận. Thứ nhất, giống với Momentum, X10 cũng có cái giá khá cao so với những gì nó thể hiện. Và thứ hai, nếu bạn là một basshead hạng nặng, mong chờ những chiếc tai nghe có thể trình diễn một cách ấn tượng như những dàn loa được trang bị trong những hộp đêm hay vũ trường, MDR X10 sẽ là một lựa chọn đáng để bạn thử qua.
Theo VNE
Koss Fit: Dòng tai nghe dành riêng cho phái nữ Bạn thích nghe nhạc nhưng nhiều lúc cảm thấy khó chịu với sức nặng của tai nghe? Koss Fit chính là giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này với đặc điểm siêu nhẹ, âm thanh tốt và giá chỉ tầm 600.000 VNĐ. Tuy nhiên tai nghe Koss Fit chỉ dành cho phái nữ và được "khuyến cáo" ngay trên hộp sản...