Chỉ thị visa mới sẽ gây hại cho cả nước Mỹ lẫn du học sinh quốc tế
Đối với sinh viên quốc tế đang học tập trên đất Mỹ, chính sách thị thực mới sẽ mang đến một tương lai đầy bất ổn, trong khi khiến Mỹ trở thành điểm đến giáo dục kém hấp dẫn hơn.
Trong một thông báo hôm 6/7, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cho biết sinh viên quốc tế sẽ không được ở lại Mỹ nếu chỉ tham gia các khoá học trực tuyến vào kỳ học mùa thu năm nay. Những sinh viên này có nguy cơ bị trục xuất nếu không chuyển sang hình thức học trực tiếp.
Theo lời bình của The New York Times, chính sách mới là một động thái chính trị, buộc hệ thống giáo dục phải mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đối với cộng đồng sinh viên quốc tế, quyết định của ICE sẽ phá vỡ cuộc sống hiện tại và mang đến một tương lai đầy bất ổn.
Đánh mất sự đa dạng
Viện Chính sách Di cư cho biết chính sách thị thực mới của Mỹ có thể sẽ gây ảnh hưởng tới 1,2 triệu sinh viên quốc tế thuộc 8.700 cơ sở đào tạo trên toàn quốc. Hơn một nửa trong số đó, tương đương với khoảng 600.000 sinh viên, đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Chính sách mới buộc hệ thống giáo dục phải mở cửa trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: Bloomberg.
Hàng trăm nghìn người đã ký thỉnh nguyện thư để yêu cầu chính phủ cân nhắc quyết định trên, đồng thời kêu gọi các trường đại học đứng ra bảo vệ sinh viên quốc tế. Một số tổ chức giáo dục cũng phải điều chỉnh chương trình giảng dạy để mở lớp trong kỳ học mùa thu năm nay.
Với mục tiêu ngăn chặn chính sách mới, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã kiện chính quyền Trump lên toà án liên bang, cáo buộc động thái chính trị này gây tổn hại cho lĩnh vực giáo dục. Nhiều trường đại học và cao đẳng khác cũng cố gắng trấn an sinh viên song nỗi lo sợ vẫn còn đó.
Macarena Gonzalez đang hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành sinh lý học ứng dụng tại Đại học Delaware. “Người Mỹ không muốn chúng tôi ở đây và chính quyền Trump đang làm rõ điều này theo nhiều cách. Đáng lẽ tôi không nên đến đây”, Gonzalez chia sẻ.
Cũng theo nghiên cứu sinh người Tây Ban Nha, chính sách thị thực mới khiến Mỹ đánh mất bản sắc đa dạng, vốn là điểm nổi bật trong lĩnh vực giáo dục của nước này.
Tiến thoái lưỡng nan
Đối với nhiều sinh viên quốc tế, Mỹ là “thiên đường của sự tự do”. Ifat Gazia sinh ra và lớn lên tại vùng Kashmir của Ấn Độ. Cô đi du học Mỹ từ tháng 8/2019, cũng là thời điểm chính phủ Ấn Độ phong toả quyền truy cập Internet của Kashmir với mục đích kìm kẹp lãnh thổ đang bị tranh chấp này.
Video đang HOT
Trong thời gian học thạc sĩ hay tiến sĩ, nhiều sinh viên quốc tế còn lập gia đình và sinh con tại Mỹ. Ảnh: New York University.
Dịch vụ Internet 2G đã được nối lại từ hồi đầu năm song người dân vẫn không thể gọi điện qua Skype. Ở Mỹ, Ifat Gazia không liên lạc được với cha mẹ trong suốt nhiều tháng. “Tôi từng cảm thấy may mắn khi đến Mỹ. Giờ đây, chính sách mới làm tôi vỡ mộng”.
Trong thời gian học thạc sĩ hay tiến sĩ, nhiều sinh viên quốc tế còn lập gia đình và sinh con tại Mỹ. Khi chính sách thị thực có hiệu lực, những gia đình đa sắc tộc này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.
Đến từ Cộng hoà Trinidad và Tobago, nghiên cứu sinh Naette Lee đang theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Maryland. Cô đã lấy chồng người Bỉ và có một đứa con mang quốc tịch Mỹ.
Chính sách mới có thể khiến Lee bị trục xuất khỏi Mỹ song gia đình nhỏ của cô chưa tìm ra điểm đến nào khả thi. Hiện các nước châu Âu, bao gồm Bỉ, đang cấm du khách mang quốc tịch Mỹ còn Cộng hoà Trinidad và Tobago không cho người nước ngoài nhập cảnh.
Mỹ không còn là lựa chọn hàng đầu
Một nghiên cứu sinh khác tại Mỹ, Kanal Singh, cũng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Singh không thể bay về quê hương Ấn Độ vì nước này đã đóng cửa biên giới từ tháng 3 để chống dịch.
Với Singh, việc lấy bằng tốt nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn khi Mỹ áp dụng chính sách thị thực mới: “Nếu biết trước điều này, tôi đã không đăng ký học tại Mỹ. Tôi sẽ đi học ở Australia hoặc Anh”.
Lo ngại về tương lai bất ổn, nhiều gia đình quyết định gạt bỏ Mỹ ra khỏi kế hoạch học tập của con cái. Ông Andres Jaime, 48 tuổi, cho con trai nghỉ học tại Học viện Âm nhạc Berklee ở Boston để quay về Colombia.
Đa số các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đều chưa công bố kế hoạch cho học kỳ mùa thu. Ảnh: The New York Times.
“Khi có dịch, chương trình giảng dạy chuyển sang hình thức trực tuyến thì học phí nên được giảm”, yêu cầu này của ông Jaime từng bị nhà trường từ chối. Đến khi ICE công bố chính sách thị thực mới, ông Jaime quả quyết cho con trở về nhà.
Không được chào đón ở Mỹ, sinh viên quốc tế sẽ cân nhắc các lựa chọn giáo dục khác. Andy Mao, một sinh viên người Trung của Đại học New York, cho biết: “Tôi sẽ tham khảo việc học thạc sĩ ở các trường tại Canada và Singapore. Tôi vẫn thích Mỹ song mọi chuyện đang trở nên khó khăn hơn”.
Đa số các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đều chưa công bố kế hoạch cho học kỳ mùa thu. Song một vài trường, bao gồm Đại học Hawaii, đã thông báo giảng dạy toàn bộ chương trình học trên nền tảng trực tuyến.
Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho biết hơn 1 triệu du học sinh tại Mỹ chiếm 5,5% tổng số sinh viên bậc đại học trong năm học 2018-2019. Năm 2018, du học sinh đóng góp 44,7 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ, tiếp tục là nguồn thu chính của nhiều cơ sở giáo dục sau đại dịch Covid-19.
Du học sinh lo lắng trước nguy cơ bị trục xuất
Việc Mỹ quy định du học sinh không được học toàn bộ qua mạng không chỉ gây khó khăn cho sinh viên quốc tế mà còn làm suy giảm sức cạnh tranh của Mỹ trên thị trường du học sôi động.
Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ngày 6/7 thông báo ngưng cho phép sinh viên nước ngoài học 100% qua mạng vào kỳ học mùa thu 2020. Trước đây, sinh viên nước ngoài ở Mỹ không được phép học toàn bộ trực tuyến, nhưng chính quyền đã cho ngoại lệ trong kỳ mùa xuân và kỳ hè năm nay, vì dịch Covid-19.
Với quyết định lần này của ICE, hai nghiên cứu sinh Việt tại Mỹ nói với Zing rằng du học sinh trở thành đối tượng bị chính quyền liên bang đẩy ra trong kế hoạch ép buộc các trường phải mở cửa trở lại, một phần trong chiến lược tổng thể để đưa nền kinh tế vận hành lại bình thường như giai đoạn trước dịch Covid-19.
Đại học Harvard đã thông báo hình thức giảng dạy toàn bộ qua mạng cho học kỳ mùa thu 2020. Hiện Harvard đã kiện chính quyền Mỹ liên quan tới chính sách visa mới. Ảnh: Getty.
Đây có thể xem như công cụ của chính quyền Trump nhằm buộc kinh tế mở cửa lại hoàn toàn. Bởi vì các trường đại học Mỹ theo cơ chế tự chủ nên chính phủ liên bang không có quyền ép họ mở cửa lại hoặc trở lại mô hình giảng dạy truyền thống trên lớp.
"Chính phủ Trump thông qua quy định này của ICE để gây sức ép lên sinh viên quốc tế, có hiệu lực toàn quốc", Định Nguyễn, nghiên cứu sinh tại Đại học George Mason GMU, bang Virginia, đồng tình với nhận định trên.
Ngày 8/7, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã khởi kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ sau khi cơ quan này công bố quy định mới này.
"Trên mọi phương diện, quyết định của ICE phản ánh âm mưu của chính quyền liên bang buộc các trường đại học mở lại các lớp học thông thường. Tác động, và có lẽ là mục đích, là nhằm tạo ra hỗn loạn cho các trường học và sinh viên quốc tế nhiều nhất có thể", Đại học Harvard cho biết trong một thông cáo báo chí.
Harvard và MIT đã nộp đơn khởi kiện, đề nghị áp dụng lệnh phong tỏa tạm thời đối với chỉ thị di trú mới ban hành. Hai trường này cho rằng chỉ thị di trú mới của ICE đã vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính của Mỹ.
Theo Định, nhóm sinh viên quốc tế cũng là một nguồn thu đáng kể của các trường. Nếu các trường không muốn bị mất nguồn thu này, họ buộc phải mở lại một số lớp học truyền thống như yêu cầu của ICE.
Khi trường học mở cửa lại thì sẽ kéo theo những dịch vụ hỗ trợ như một hiệu ứng dây chuyền. Qua đó nền kinh tế cũng sẽ dần khôi phục theo đúng ý muốn của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Minh Lê, nghiên cứu sinh tại Đại học Bang Michigan, cho rằng ở mặt khác, hệ thống giáo dục Mỹ đang bị trì trệ và học online không hoàn toàn hiệu quả cho sinh viên.
Định Nguyễn (thứ 2 từ phải qua) được trao giải bài thuyết trình xuất sắc tại các tổ thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức Trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019. Ảnh: doanthanhnien.vn.
Nếu sinh viên đang ở Mỹ mà chỉ hoàn toàn học qua mạng thì không có mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ cả; chẳng hạn về số lượng sinh viên đăng ký, hoặc tiền học và các khoản phí khác mà sinh viên đóng sẽ giảm đi.
"Tôi nghĩ trong tình hình dịch hiện nay thì càng ít người nhập cảnh vào thì mối bận tâm xã hội của chính quyền cũng sẽ giảm bớt đi", Minh nói.
Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này cũng đồng tình quy định của ICE không cân nhắc đến những khó khăn thực tế hiện nay của sinh viên quốc tế, như buộc sinh viên về nước nhưng họ không thể.
Chẳng hạn tôi cũng muốn về nước, nhưng được biết là sẽ không có chuyến bay thương mại nào trở về Việt Nam cho đến tháng 9. Các chuyến bay "giải cứu" của nhà nước thì số lượng ít ỏi mà nhu cầu lại quá cao", Minh nói.
Không màng lợi ích của sinh viên quốc tế
"Tôi nghĩ đây là một quyết định hết sức vô lý và đáng xấu hổ. Việc ICE ép buộc sinh viên phải đăng ký những lớp học ngoại tuyến trong bối cảnh dịch bệnh chính là sự đánh đổi lợi ích và sức khoẻ của sinh viên quốc tế với lợi ích kinh tế của nước Mỹ", anh Định nói.
Theo anh, quyết định này cũng gây bất lợi cho chính nước Mỹ, khi hình ảnh nước này bị xấu đi đáng kể với những người ấp ủ con đường du học.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng khi trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, thay vì đưa ra những chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế, chính phủ Mỹ lại ban hành quy định gây khó khăn như vậy. Điều này sẽ làm thị trường du học Mỹ trở nên kém cạnh tranh, kém sức hút hơn.
Theo anh Minh Lê, một số sinh viên không dám chấp nhận rủi ro sức khoẻ, không muốn đăng ký những môn học tại lớp, và trở về nước. Tuy vậy theo anh nhóm này sẽ không nhiều.
"Còn đa số sẽ chấp nhận tuân thủ, tìm cách ở lại Mỹ để tiếp tục việc học. Bây giờ nhiều nước đóng cửa biên giới rồi, sinh viên muốn về cũng không được", anh Minh Lê nói. "Tuy nhiên, nhìn chung, về khía cạnh nào thì sinh viên quốc tế luôn chịu bất lợi".
Ngoài vai trò sinh viên, anh Minh Lê còn là trợ giảng nên phải tiếp xúc rất nhiều người. "Việc bắt buộc sinh viên quốc tế phải đăng ký các môn có giảng dạy tại lớp thực sự gây bất lợi cho tôi, nhưng cũng phải chấp nhận thôi", anh Minh Lê nói.
Quyết định mới của chính phủ Mỹ buộc du học sinh phải chấp nhận rủi ro về sức khoẻ để đăng ký một số lượng tối thiểu các môn học có giảng dạy tại lớp. Ảnh: Newsy.
50 cuốn sách sinh viên đại học hàng đầu Mỹ cần đọc Những tác phẩm văn học này nằm trong chương trình giảng dạy ngành Tiếng Anh, Ngôn ngữ và Văn học tại 30 trường hàng đầu ở Mỹ. Đa phần trong đó là tiểu thuyết phương Tây kinh điển. Năm 2018, dự án Đề cương mở (OSP) là một cơ sở dữ liệu trực tuyến với 1 triệu chương trình giảng dạy đại học,...