Chỉ số S&P 500 ghi dấu ấn bảy phiên tăng liên tiếp
Diễn biến xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung và các số liệu mới về tình hình kinh tế thế giới là những nhân tố chính chi phối thị trường thị trường chứng khoán Mỹ tuần này.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/ TTXVN
Chỉ số S&P 500 đã trở thành “ngôi sao” trên Phố Wall, nhờ số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ.
Khép lại phiên cuối tuần, chỉ số này ghi dấu bảy phiên tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10/2017.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (1/4), chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng mạnh từ cuối tuần trước, khi giới đầu tư lạc quan về số liệu kinh tế vượt mong đợi của Trung Quốc và Mỹ.
Thống kê cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tích cực hơn so với dự đoán. Bên cạnh đó, tâm lý lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực đối với các thị trường.
Sau khi biến động trái chiều trong phiên giao dịch 2/4, Phố Wall đồng loạt tăng điểm trong phiên 3/4 với những nhận định khá lạc quan về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích đã viện dẫn thông tin được đăng tải trên tờ The Financial Times cho biết Mỹ và Trung Quốc đã giải quyết được hầu hết các vấn đề.
Video đang HOT
Giới quan sát cũng đưa ra những nhận định khá lạc quan về cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh, cho rằng hai bên đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại có thể giúp tránh được các mức thuế quan cao hơn.
Tới phiên giao dịch ngày 4/4, chứng khoán Mỹ trở lại diễn biến trái chiều giữa lúc các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Washington diễn ra khá suôn sẻ, song vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể như kỳ vọng của giới đầu tư.
Mặc dù tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lạc quan khi cho rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ khép lại trong vòng bốn tuần hay thậm chí là hai tuần tới khi khẳng định hai bên đang tiến “rất gần đến một thỏa thuận” và “tiến bộ đang đạt được với tốc độ rất nhanh chóng”, song giới đầu tư đã kỳ vọng vào việc thông báo ngày cụ thể về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm khép lại cuộc chiến thương mại hiện đã kéo dài chín tháng này.
Ngoài ra, vụ ly hôn giữa nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos và vợ MacKenzie, người nắm giữ 25% cổ phần của tập đoàn công nghệ này với trị giá 36 tỷ USD, cũng tác động tới thị trường.
Trong phiên cuối tuần (5/4), Phố Wall bừng sắc xanh, giữa bối cảnh số liệu khả quan về thị trường lao động Mỹ giúp xoa dịu những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 40,36 điểm (0,15%) lên 26.424,99 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 13,35 điểm (0,46%) lên 2.892,74 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 46,91 điểm (0,59%) lên 7.938,69 điểm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng Ba số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp Mỹ tăng 196.000, vượt mức dự báo tăng 18.000 của các nhà phân tích trước đó.
Số liệu trong tháng Hai cũng được điều chỉnh tăng 33.000 việc làm, so với con số đưa ra trước đó là 20.000 việc làm, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9/2017./.
Trà My (Tổng hợp)
Theo bnews.vn
Yếu tố chính tác động tới chứng khoán Mỹ tuần qua
Tuần qua, ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều.
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều. Ảnh minh họa: TTXVN
Tuần qua, ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, trước những thông tin về tình hình kinh tế cũng như diễn biến mới xung quanh cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,02%. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9%, đồng thời ghi dấu chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ cuối năm 1999.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (25/2), Phố Wall phản ứng tích cực với thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể lùi thời hạn áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong một phát biểu, Tổng thống Trump cho hay cuộc đàm phán tiến tới một thỏa thuận giữa hai bên đang "tiến triển", đồng thời tiết lộ ông sẽ có một cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận này.
Tới phiên ngày 26/2, Phố Wall khép phiên giao dịch trong sắc đỏ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhắc lại lập trường và cách tiếp cận ôn hòa đối với lộ trình nâng lãi suất trong tương lai.
Sang phiên 27/2, các chỉ số chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, với chỉ số công nghiệp Dow Jones lẫn S&P 500 đều sụt giảm, do bất ổn thương mại và cuộc xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite vẫn tăng nhẹ vào cuối phiên giao dịch, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư.
Trong phiên giao dịch ngày 28/2, thị trường chứng khoán Phố Wall đồng loạt đi xuống, sau số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2018.
Báo cáo từ Bộ thương mại Mỹ cho hay kinh tế nước này trong quý IV/2018 tăng trưởng 2,6%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 3,4% quý trước đó, dù vượt mức dự báo tăng 2,3% của giới phân tích.
Khép lại phiên cuối tuần (1/3), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 110,32 điểm (0,43%) lên 26.026,32 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 19,2 điểm (0,69%) lên 2.803,69 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 62,82 điểm (0,83%) lên 7.595,35 điểm.
Theo các chuyên gia, tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã hỗ trợ thị trường chứng khoán. Nhờ đó, thị trường cũng lờ đi số liệu bi quan về hoạt động chế tạo Mỹ và Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 28/2 cho biết Mỹ đã tạm ngừng kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định gia hạn nhằm tạo thêm thời gian tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Ngày 1/3 Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng dỡ bỏ tất cả các loại thế đối với nông sản của Mỹ bởi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đang tiến triển tốt.
Chiến lược gia Ryan Detrick, thuộc LPL Financial, tại Charlotte, North Carolina, cho rằng triển vọng về một giải pháp cho cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã làm lu mờ số liệu kinh tế bi quan.
Thống kê cho thấy chỉ số hoạt động chế tạo ISM tại Mỹ trong tháng Hai đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Trong khi đó, theo một khảo sát tư nhân, hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Hai.
Sau khi chứng khoán Mỹ tăng gần 20% giá trị kể từ cuối tháng 12/2018, một số nhà phân tích cho rằng thị trường sẽ khó tiếp tục tăng mạnh nếu thiếu chất xúc tác, chặng hạn như một thỏa thuận thương mại cuối cùng giữa Mỹ và Trung Quốc./.
Trà My (Tổng hợp)
Theo bnews.vn
Ba chỉ số chính sụt giảm kéo chứng khoán Mỹ vào tuần ảm đạm Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một tuần ảm đạm, với việc cả ba chỉ số chính đều sụt giảm, giữa bối cảnh chính sách lãi suất tại Mỹ và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu tác động đến tâm lý. Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN Thị trường...