Chi phí sinh hoạt tăng mạnh, chính trị gia Anh tìm cách đóng băng giá trần năng lượng
Đảo Lao động đối lập của Anh cho rằng quốc hội nước này cần được triệu tập vào ngày 22/8 để đóng băng mức giá trần năng lượng cho mùa đông này, trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất hàng chục năm qua.
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng gần Fleet, Tây Nam London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Yêu cầu trên được đưa ra khi mức giá trần năng lượng được dự đoán sẽ tăng lên vào ngày 26/8 tới, khi Quốc hội Anh bước vào kỳ nghỉ mùa hè.
Thủ tướng Boris Johnson đang chịu sự chỉ trích cả từ trong và ngoài đảng của ông rằng ông phải chịu trách nhiệm về một chính phủ không có định hướng và không sẵn sàng giúp đỡ người dân với chi phí năng lượng tăng mạnh. Các tổ chức từ thiện tại Anh đang cảnh báo rằng hàng triệu người có thể bị đẩy vào đói nghèo nếu chính phủ không đưa ra một gói hỗ trợ mới.
Đảng Lao động kêu gọi đóng băng mức giá trần năng lượng để giúp người dân ứng phó với một đợt tăng mạnh khác trong hóa đơn nhiên liệu. Tổ chức dự báo Cornwall Insight ước tính hóa đơn tiền điện và khí đốt trong 12 tháng của các hộ gia đình Anh trung bình sẽ tăng lên 3.582 bảng Anh (khoảng 3.610 USD) vào tháng Mười và 4.266 bảng Anh vào tháng Một năm sau.
Nếu cầm quyền, Đảng Lao động cho biết sẽ giữ giá trần năng lượng ở mức hiện tại là 1.971 bảng Anh (2.386 USD)/năm trong sáu tháng từ tháng Mười và sẽ chi trả cho chương trình này bằng cách gia hạn thuế với các công ty dầu khí.
Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết các quyết định lớn về chi tiêu công sẽ do thủ tướng kế nhiệm đưa ra và chính phủ hiện tại đã đề xuất một gói hỗ trợ trị giá 37 tỷ bảng Anh.
Những kịch bản tiếp theo cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
Dưới đây là những điều chỉnh, dự báo về 4 kịch bản tiếp theo của các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương về cuộc xung đột ở Ukraine.
Các lực lượng Ukraine tập trận gần Kiev ngày 13/7. Ảnh: EPA
Vào đầu tháng 3, ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ- gồm Barry Pavel, Peter Engelke và Jeffrey Cimmino) đã dự báo bốn kịch bản về diễn biến của cuộc xung đột. Vào thời điểm đó, họ lưu ý rằng một số yếu tố cho thấy diễn biến đang có lợi cho phương Tây, như sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine, quyết tâm chiến đấu của Kiev và tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương mới được phục hồi. Kể từ đó, các cuộc tấn công ban đầu của Nga đã chậm lại, các đồng minh và đối tác xuyên Đại Tây Dương trở nên táo bạo hơn trong các hành động của họ, và NATO sẵn sàng kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Video đang HOT
Đến nay, các chuyên gia nhận thấy cần phải đánh giá lại dự báo của mình với những giả định và kịch bản cần được điều chỉnh cho phù hợp với các sự kiện thực tế. Nếu các kịch bản được xây dựng dựa trên các giả định sai lầm, hoặc nếu chúng được hiệu chỉnh không sát với các sự kiện trên thực tế, chúng sẽ không hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách đề ra các chiến lược rõ ràng. Dưới đây là những điều chỉnh, dự báo về 4 kịch bản tiếp theo về cuộc xung đột ở Ukraine:
Kịch bản thứ nhất: Ukraine giành ưu thế trên chiến trường
Kịch bản này được dự báo là ít có khả năng xảy ra vào đầu tháng 3, nhưng cuộc kháng cự mạnh mẽ bất ngờ của Ukraine buộc Nga phải rút lui ở một số khu vực.
Cập nhật trong tháng 7: Được tăng cường bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc cung cấp các thiết bị quân sự ngày càng hiện đại, Ukraine đang làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông. Với trang thiết bị tốt hơn, tinh thần binh lính cao hơn, khả năng lãnh đạo và chiến thuật phù hợp, Ukraine đã tiến hành phản công như ở xung quanh Kharkiv hay như ở Mariupol và các vùng lãnh thổ khác dọc theo Biển Azov ở phía Nam, đẩy các lực lương Nga khỏi một số khu vực ở Donetsk và Luhansk.
Những tiến bộ của Ukraine đã vấp phải những lời cảnh báo leo thang ngày càng gay gắt từ Điện Kremlin. Cả cơ quan tình báo phương Tây và Ukraine lần này đều lo ngại về mối đe dọa hạt nhân hơn vì họ cho rằng việc tấn công Crimea có thể là "lằn ranh đỏ" thực sự đối với Moskva.
Tuy nhiên, đây là thời điểm mà Nga và Ukraine có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Theo đó, Ukraine đồng ý đứng ngoài NATO, trong khi Nga đồng ý tôn trọng các biên giới trước năm 2014 của nước này (trừ Crimea) và tư cách thành viên EU của Kiev.
Trong kịch bản này, Nga vẫn là quốc gia có ảnh hưởng vì sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng các lực lượng thông thường của họ đã bị tổn thất. NATO được mở rộng với sự tham gia của Phần Lan và Thụy Điển. Nhìn chung, tình hình an ninh châu Âu tốt hơn cho NATO, với việc Nga đã phần nào suy yếu và không thể tiếp tục các cuộc phiêu lưu quân sự khác trong khi các thành viên NATO đoàn kết hơn.
Kịch bản thứ hai: Sa lầy
Trong kịch bản này, các chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương dự báo khả năng - có thể xảy ra vào đầu tháng 3 - về việc Nga tìm cách kiểm soát Kiev. Tuy nhiên, họ cũng dự báo một "chiến thắng với cái giá đắt" của Nga, vì người Ukraine đã xây dựng một "lực lượng nổi dậy trên diện rộng, được trang bị tốt và được phối hợp tốt". Mặc dù kịch bản này không diễn ra như dự báo, nhưng một số yếu tố của nó cho thấy rằng xung đột cường độ thấp ở Ukraine sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới.
Cuộc xung đột đang gây tổn thất nặng nề cho cả Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters
Cập nhật trong tháng 7: Mặc dù Nga không hiện thực hóa mục tiêu chiến tranh tối đa ban đầu của mình, nhưng nước này vẫn củng cố các chiến tuyến mới ở miền Đông và miền Nam Ukraine: kiểm soát một cây cầu trên bộ tới Crimea ở phía Nam và bảo vệ các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở phía Đông. Trong khi các lực lượng Ukraine kiểm soát hoàn toàn Kiev, họ không thể đẩy các lực lượng Nga về vị trí như trước ngày 24/2. Cuộc giao tranh dần lắng xuống thành một "cuộc xung đột gần như đóng băng", không bên nào có thể giành được chiến thắng.
Trong kịch bản này, cuộc xung đột trở thành một thách thức kéo dài nhiều năm đối với châu Âu do những khó khăn kinh tế liên quan đến các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt. Viễn cảnh về một cuộc xung đột châu Âu mới gia tăng hoặc rộng hơn vẫn còn tồn tại ở châu lục này, trong khi các chính phủ phải vật lộn với áp lực trong nước về mức độ hỗ trợ Ukraine. Nga có thể tìm cách gây áp lực với Kiev và các thành phố ở miền Tây Ukraine bằng các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, trong khi giao tranh nổ ra thường xuyên dọc chiến tuyến.
Một Ukraine ngày càng được trang bị vũ khí tốt có thể ngăn cản các cuộc tấn công trên bộ của Nga, nhưng nhìn chung, họ không thể chiếm lại các vùng lãnh thổ ly khai, các vị trí cố thủ của Nga, đặc biệt là ở Crimea. Mặc dù được củng cố bởi mối quan hệ sâu sắc với EU, nền kinh tế Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc Nga liên tục siết chặt phong tỏa các cảng trên Biển Đen.
Ở trong nước, Moskva có thể khẳng định một chiến thắng nào đó, khi đã giành được quyền lợi lãnh thổ ở miền Đông và Đông Nam Ukraine và củng cố vững chắc sự kiểm soát ở Crimea. Nhìn chung, vị thế của Nga ở Ukraine là ổn định, mặc dù nước này sẽ phải sử dụng các nguồn lực đáng kể để đảm bảo lợi ích của mình. Tuy nhiên, Moskva tiếp tục phải đối mặt với sức ép kinh tế và ngoại giao nghiêm trọng từ nước ngoài, đặc biệt là khi châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn được áp dụng.
Kịch bản thứ ba: Một bức màn sắt mới
Trong kịch bản này, các chuyên gia dự báo khả năng - được coi là hợp lý vào đầu tháng 3 - cuộc xung đột mở ra tiền tuyến của Bức màn sắt mới chia cắt Nga với phương Tây.
Cập nhật trong tháng 7: Mặc dù Nga không kiểm soát được toàn bộ Ukraine, nhưng ít nhất nước này đã củng cố lợi ích ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Khu vực biên giới với các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông và miền Nam Ukraine tiếp tục bùng phát thành xung đột công khai, mặc dù việc giành được quyền kiểm soát lãnh thổ lâu dài là khó khăn đối với cả Moskva và Kiev.
Bức màn sắt mới sẽ mở rộng ra ngoài biên giới của cuộc xung đột đóng băng bên trong Ukraine: Giống như Bức màn sắt cũ, nó chạy từ Bắc xuống Nam trên khắp châu Âu, nhưng bắt đầu ở cực Bắc của Phần Lan và chạy về phía Nam dọc theo các quốc gia Baltic và biên giới của Ba Lan với Nga và Belarus, sau đó hướng theo biên giới phía Bắc của Ukraine với Belarus và đi xuống lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Trong kịch bản này, với căng thẳng tăng cao, hầu hết các nước Đông Âu đều tăng gấp đôi đầu tư cho quốc phòng. Bị cô lập ở châu Âu, Nga sẽ tìm cách củng cố một số quan hệ đối tác còn lại của mình khi nước này chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài với NATO.
Châu Âu sẽ ở trong một tình huống giống như thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh: hai khối đối kháng cảnh giác lẫn nhau qua một đường ranh giới quân sự kéo dài. Mặc dù sự chia rẽ về ý thức hệ không giống như trong Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có mâu thuẫn cơ bản về thế giới quan, với một liên minh dân chủ phương Tây đối đầu với Nga. Hoàn cảnh hiện tại nguy hiểm hơn so với thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh do đang có một cuộc chiến tranh nóng trực tiếp trên lãnh thổ giữa hai khối lực lượng vũ trang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kịch bản thứ tư: Chiến tranh NATO-Nga
Trong kịch bản này, các chuyên gia dự báo khó xảy ra vào đầu tháng 3 về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Họ đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến một cuộc xung đột như vậy: do sự can thiệp của NATO hoặc từ các cuộc tấn công của Nga (vô tình hoặc cố ý) vào các quốc gia thành viên NATO.
NATO đã tăng cường triển khai lực lượng ở sườn phía Đông kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ảnh: BBC
Cập nhật trong tháng 7: Một kịch bản xung đột trực tiếp vẫn có thể xảy ra. Những nguyên nhân trên vẫn hợp lý, với một số điều chỉnh: Hiện tại, các chuyên gia cho rằng sự can thiệp trực tiếp của NATO vào Ukraine có xác suất thấp hơn so với 4 tháng trước, dựa trên hiệu suất chiến trường của quân đội Ukraine (giờ đây, có rất ít lời kêu gọi của Ukraine về sự can dự trực tiếp của NATO, chẳng hạn như thiết lập khu vực cấm bay do NATO thực thi). Tuy nhiên, như trước đây, điều đó có thể thay đổi. Các chuyên gia lo ngại nhất về sự leo thang, đặc biệt là việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể khiến NATO can thiệp trực tiếp.
Ngoài ra, Nga vẫn có thể vô tình tấn công lãnh thổ của một thành viên NATO gần biên giới với Ukraine hoặc những nơi khác, có thể là ở Baltic, thông qua sự cố thiết bị hoặc tính toán sai lầm của giới chỉ huy.
Tóm lại, bằng chứng từ 4 tháng giao tranh gần đây cho thấy các lực lượng vũ trang của Ukraine, với sự hỗ trợ đáng kể và ngày càng tăng của phương Tây, rất quyết tâm và có khả năng không chỉ ngăn chặn mà còn phản công trước các lực lượng Nga. Phương Tây cũng đã thực hiện các biện pháp trừng phạt mới, mặc dù EU vẫn không thống nhất về việc loại bỏ dần tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, một cuộc phản công quy mô và thành công của Ukraine dẫn đến việc giải quyết cuộc xung đột có lợi cho Kiev là điều chưa chắc chắn và các kịch bản nêu trên vẫn có thể xảy ra, thậm chí trong một số trường hợp có thể xuất hiện sự đan xen giữa các kịch bản, ví dụ, một sự kết hợp của các kịch bản hai và ba.
Có rất nhiều điều không chắc chắn, như mức độ (và những loại) hỗ trợ quân sự mà phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine; sự ủng hộ phổ biến ở các nước phương Tây liệu có suy giảm vì đã dành nguồn lực đáng kể để hỗ trợ Ukraine; liệu các đồng minh và đối tác phương Tây có đoàn kết với nhau về các vòng trừng phạt bổ sung và cắt đứt nguồn năng lượng của Nga hay không;...
Các cuộc chiến tranh thường hiếm khi diễn ra theo một kịch bản và cuộc xung đột này đã diễn ra với những bước ngoặt không thể đoán trước. Cuộc xung đột này sẽ kết thúc ra sao, trong điều kiện nào và những tác động lâu dài của nó đối với trật tự toàn cầu như thế nào, tất cả sẽ bắt đầu được làm rõ trong những tháng tới.
Lào tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu xăng Bộ Tài chính Lào đã chỉ thị cho các ngành liên quan và các chốt biên giới tạo điều kiện cho hoạt động nhập khẩu xăng, bằng cách dỡ bỏ mọi thủ tục gây tắc nghẽn xe bồn chở xăng. Người dân Lào mua xăng tại một trạm xăng ở thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Bá Thành/Pv TTXVN tại Lào Theo một thông...