Chi phí nuôi trẻ ở Hàn Quốc cao nhất thế giới
Viện Nghiên cứu dân số tại Bắc Kinh ( Trung Quốc) mới đây đã xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi con cao nhất thế giới, trong đó Hàn Quốc đứng đầu danh sách, tiếp theo là Trung Quốc.
Các bà mẹ thực hành chăm sóc bé sơ sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn nguồn nghiên cứu cho biết chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, đây là mức cao nhất trên thế giới. Trung Quốc đứng thứ 2 với chi phí cao gấp 6,9 lần, tiếp đó là Đức (3,64 lần); Australia (2,08 lần) và Pháp (2,24 lần).
Giới trẻ ở Hàn Quốc và Trung Quốc cho hay chi phí sinh hoạt và giáo dục cao khiến họ ngại kết hôn và sinh con. Năm ngoái, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con trung bình mà một phụ nữ dự kiến sẽ sinh trong đời) là 0,78, thấp nhất thế giới, trong khi con số này của Trung Quốc là 1,1.
Các nghiên cứu tại Hàn Quốc cho rằng chi phí chăm sóc trẻ đắt đỏ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến ý muốn có con của giới trẻ, vì thế cần có các chính sách ở cấp quốc gia về giảm chi phí nuôi con cho các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ.
Hiện Hàn Quốc đã có các chính sách cụ thể như trợ cấp tiền mặt và thuế, trợ cấp mua nhà, xây dựng thêm trung tâm chăm sóc trẻ, tăng chế độ nghỉ phép, cho phép sắp xếp công việc linh hoạt, đảm bảo quyền sinh sản của phụ nữ độc thân, cải cách hệ thống trường học…
Lạm phát giá lương thực ở Anh tăng cao kỷ lục
Tình trạng khan hiếm trái cây và rau củ đã đẩy lạm phát giá lương thực của Anh lên mức cao kỷ lục trong tháng 3/2023, cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này vẫn chưa lắng dịu.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) cho biết, trong tháng 3, lạm phát giá thực phẩm tính theo năm tại Anh đạt 15%, tăng từ mức 14,5% trong tháng 2 và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Mặt hàng tăng giá mạnh nhất là thực phẩm tươi sống, với mức tăng 17%.
Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành của BRC, nhận định sản lượng thu hoạch kém ở châu Âu và Bắc Phi khiến tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả ở Anh trở nên tồi tệ hơn, trong khi đồng bảng Anh yếu hơn đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Giá trái cây và rau trồng trái vụ trong nhà kính ở Anh và các nước Bắc Âu khác cũng bị ảnh hưởng do chi phí năng lượng cao.
Bà Dickinson cũng cho biết chi phí sản xuất đường tăng cao cũng dẫn đến giá sôcôla và các loại đồ ngọt khác cao hơn, khi kỳ nghỉ lễ Phục sinh đến gần. Lạm phát giá lương thực ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo nhất vì việc mua sắm thực phẩm chiếm phần lớn hơn trong chi tiêu của họ.
Ông Mike Watkins, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và kinh doanh Insight tại NielsenIQ, cho biết áp lực lạm phát đã buộc người tiêu dùng phải thay đổi thói quen. Theo ghi nhận của các nhà bán lẻ, người tiêu dùng mua ít thực phẩm hơn và có xu hướng tìm kiếm mức giá thấp nhất.
Dữ liệu của BRC cũng cho thấy tốc độ tăng giá của thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng trong tháng 3. Vào tháng 2, lạm phát giá lương thực của Anh đạt 18,2%, mức cao nhất trong 45 năm qua, theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố tuần trước. Dữ liệu cho thấy lạm phát tại Anh tăng vọt lên 10,4% trong tháng 2, từ mức 10,1% của tháng 1. Ngân hàng trung ương Anh, vốn đặt mục tiêu lạm phát 2%, sau đó đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,25% trong nỗ lực kiềm chế áp lực tăng giá.
Bà Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt "không có mấy dấu hiệu lắng dịu".
Nhật hoàng Naruhito cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật hoàng Naruhito vừa bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước những gì mà người dân tại các khu vực xung đột trên toàn cầu đang phải hứng chịu và cầu nguyện cho hòa bình ở Nhật Bản và phần còn lại của thế giới. Nhật Hoàng Naruhito tại buổi lễ mừng Năm mới ở Tokyo, ngày...