Chí Phèo là “một phần của cuộc sống”, sao phải bỏ?
Liên quan đến chuyện đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, nếu được truyền thụ, hướng dẫn chu đáo, giới trẻ sẽ cảm nhận được nhiều giá trị qua tác phẩm Chí Phèo.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. (Nguồn: dangcongsan.vn)
Ông suy nghĩ như thế nào về việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa?
Là người được học, tôi thấy đó là một tác phẩm có ý nghĩa rất lớn trong kho tàng văn học Việt Nam. Chí Phèo không chỉ là một đại diện ưu tú của dòng văn học hiện thực phê phán, mà còn là “đứa con tinh thần” của nhân dân được thai nghén, nuôi dưỡng, sinh nở và sống vượt qua thời kỳ tăm tối dưới ách thực dân, phong kiến trước cách mạng.
Ai đó nói, văn là con người, là cuộc sống, là đạo đức. Bởi vậy, trước khi đưa đề xuất loại bỏ bất kỳ tác phẩm nào, chúng ta phải hiểu đó là tác phẩm văn học trong thời kỳ nào, giai đoạn xã hội nào.
Có thể nói, đây là kiệt tác vượt qua thời gian, như bông hoa trí tuệ, góp phần hình thành tâm hồn Việt. Từng hình ảnh, âm thanh trong Chí Phèo đã là “ một phần của cuộc sống”, quen thuộc, dung dị, đủ chất thôn dã, định dạng người nông dân với nỗi truân chuyên… Vì thế, theo tôi, chẳng có lý do gì lại loại tác phẩm này.
Chí Phèo được đánh giá là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa giáo dục, quan trọng là chúng ta đọc bằng cả trái tim hay chưa? Nếu loại bỏ tác phẩm này, chúng ta sẽ để mất gì?
Theo tôi, nếu Chí Phèo bị loại khỏi sách giáo khoa, chúng ta sẽ mất đi niềm tự hào văn học, mất đi sự hiểu biết được vẽ thành tranh một thời kỳ hỗn mang dưới ách thực dân, phong kiến. Đồng thời, chúng ta còn mất đi hình ảnh, sản phẩm của xã hội ấy.
Tất cả những nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo đến lối hành văn, triết lý nhân sinh trong đêm đen là một kho báu. Những âm thanh của Chí Phèo dường như vẫn cứ âm ỉ cháy khi thầy cô ngừng giảng, khi đã gập sách lại. Sẽ rất thiệt thòi nếu thế hệ sau này không được chiêm ngưỡng tuyệt phẩm đó trên ghế nhà trường.
Chỉ khi đọc bằng cái tâm, bằng cả sự chân thành của trái tim sẽ hiểu được giá trị giáo dục nhân cách con người qua tác phẩm. Đó là những con người đau khổ trong xã hội ấy đã dũng cảm đứng lên giành quyền làm người lương thiện. Chung quy lại, nếu bỏ tác phẩm Chí Phèo, học sinh sẽ thiếu, sẽ mất một góc nhìn về xã hội thời ấy.
Video đang HOT
Theo ông, tác phẩm Chí Phèo có thực sự ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho giới trẻ hay không?
Tác phẩm này như một rường cột lớn của văn học Việt Nam. Nếu bỏ sẽ tạo sự trống vắng, thiếu thốn, làm nhạt đi vị mặn mồ hôi của văn học trong nhà trường. Một người nông dân bị bần cùng hóa muốn vươn lên làm người lương thiện… nếu tắt ngấm, lấy gì tạo nên nền tảng tâm hồn trẻ thời nay?
Lẽ nào thời đại 4.0 thì bỏ văn học truyền thống? Chẳng lẽ, người ta dễ quên những viên gạch đất nung của văn học Việt xa xưa để thay thế bằng bê tông, cốt thép? Giới trẻ ngày nay có thể có suy nghĩ khác nhưng tôi cho rằng, nếu được truyền thụ, hướng dẫn chu đáo thì họ sẽ có thể cảm nhận nhiều điều qua Chí Phèo, có thể tự hào về áng văn đẹp đó, có thể sánh với những tác phẩm lớn và đẹp của nước ngoài.
Biết rằng, mỗi người có quyền được thể hiện chính kiến của mình. Tuy nhiên nếu nói tác phẩm này làm lệch lạc nhận thức của thế hệ trẻ là chưa thỏa đáng, phiến diện. Bao nhiêu người đã học Chí Phèo và nhân cách của mỗi người như thế nào, dĩ nhiên không phải do tác phẩm này mà ra.
Có thể nói, trẻ cần phải học nhiều, vấp ngã nhiều mới trưởng thành. Nhưng thực tế, cha mẹ đang định đoạt sự phát triển của con, không dám cho con được thử thách, được thua cuộc. Vì thế, con mãi non nớt, vẫn là đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch”. Ai đó nói, cuộc đời không trong vắt, sạch sẽ như trường lớp. Nhưng việc hình thành nhân cách cho trẻ phải được xây dựng từ nhỏ, ngay trong gia đình chứ không phải do một tác phẩm.
Trong khi đó, Chí Phèo mang đầy đủ cốt cách, giá trị như phản ánh lịch sử, xã hội, giá trị nghệ thuật, nhân văn… Nếu như cho rằng tác phẩm này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới trẻ thì hãy nhìn lại “Túp lều bác Tom” của Harriet Beecher Stowe hay “Những người khốn khổ” của Victor Hugo sẽ được cho là tác phẩm có nhiều nhân vật không mang tính giáo dục hay sao?
Không riêng Chí Phèo mà khi loại một tác phẩm văn học cần phải có một quá trình dài hơi?
Tôi không trách người đề xuất nhiều, nhưng rõ ràng cần phải “chiếu nghỉ cầu thang” để tìm hiểu một cách cẩn trọng, đừng vội “ném đồ vào sọt rác”.
Tại sao lại cắt cụt hết bài học của trẻ? Để trưởng thành và sâu sắc hơn, hẳn các bạn trẻ cần được đọc và cảm thụ nhiều hơn, cảm nhận và trăn trở nhiều hơn qua các tác phẩm. Thay vì để trẻ được tiếp xúc, va chạm, tại sao chúng ta lại cách ly trẻ với mọi thứ? Rõ ràng, khi trẻ càng biết nhiều sẽ dễ miễn dịch, còn nếu không biết sẽ dễ mắc bệnh. Nói là trẻ con cần được cách ly với cái xấu, càng sống trong lồng ấp, trẻ sẽ càng dễ tổn thương.
Vì thế, không riêng gì Chí Phèo, khi loại bỏ một tác phẩm văn học hẳn cần phải có một quá trình dài hơi. Cũng giống như làm luật, phải đánh giá tác động xã hội trên mọi phương diện. Câu hỏi đặt ra là: tại sao lại loại bỏ một tác phẩm có sức sống dường như rất mãnh liệt ra khỏi đời sống học đường? Cái được là gì? Cái mất là gì? Hay đơn giản chỉ là ý thích tầm thường? Hay là một sự phản bội khoa học? Tôi cho rằng, cần phải thận trọng suy xét, đánh giá, cân nhắc, nếu không sẽ hối tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Baoquocte.vn
Tranh luận về đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa
Theo nghiên cứu sinh Sóng Hiền (ĐH Newcastle, Australia), tác phẩm Chí Phèo có thể tác động tiêu cực tới học sinh nên đề xuất bỏ khỏi sách giáo khoa.
Nhà văn nào khai sinh nhân vật Chí Phèo?
Đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền (Đại học Newcastle, Australia) về việc loại tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong dư luận.
'Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của người học'
Anh Sóng Hiền cho rằng, ở góc độ giáo dục, truyện ngắn Chí Phèo có thể tác động tiêu cực đến nhận thức của học sinh đang ở tuổi chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội. Trẻ vị thành niên có sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi nên dễ bị tiêm nhiễm cái xấu.
Trong khi đó, tác phẩm Chí Phèo kể về "con quỷ của làng Vũ Đại" suốt ngày chỉ biết uống rượu, rạch mặt ăn vạ, xin đểu, đốt quán, thậm chí cưỡng hiếp (với Thị Nở), giết người (Bá Kiến)... nhưng vẫn được cho rằng đáng thương, đáng cảm thông vì xuất phát là nông dân hiền lành, bị xã hội phong kiến lưu manh hóa.
Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao được điện ảnh hóa thành bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy.
"Việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hóa nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá. Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội", anh Hiền phân tích.
Nghiên cứu sinh ngành giáo dục và nghệ thuật đồng thời chỉ ra việc Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở là hành vi phạm pháp, đáng lên án, nhưng lại được nhiều nhà phê bình, học giả xem đó là sự thức tỉnh của tính thiện trong con người Chí.
"Chúng ta đâu dám chắc được rằng các giáo viên liệu có đủ thời gian để truyền tải hết giá trị nhân văn của tác phẩm khi chính tác phẩm đó không được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ (bản in trong sách giáo khoa hiện đã lược đoạn viết về cảnh ân ái của Chí Phèo với Thị Nở). Cũng đâu ai dám chắc được rằng tất cả học sinh có thể nhận thức được cái hay của tác phẩm, hay chỉ nhìn vào những cái xấu của nhân vật Chí để bắt chước", anh Hiền nói.
Anh Hiền quan niệm, giáo dục phải hướng tới hạn chế tối thiểu những mặt trái, tác động tiêu cực đối với trẻ em. Do đó, khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy, nhà quản lý, giáo viên cần nhìn thấu đáo, toàn diện, xem nó lợi ích hay tác hại và phù hợp như thế nào với yêu cầu của thực tế cuộc sống. "Đừng bao giờ vì giá trị hàn lâm của kiến thức mà bỏ quên và xem nhẹ những giá trị giáo dục đối với học sinh", anh Hiền nói.
Cảm thụ văn chương không thể theo kiểu xã hội học dung tục thế kỷ trước
Ts văn học Trịnh Thu Tuyết.
Trái ngược với quan điểm của tác giả đề xuất, phần đông ý kiến tranh luận của giới chuyên gia, giáo viên Ngữ văn và học sinh lại cho rằng nên giữ tác phẩm Chí Phèo. Tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết phản biện, khi đọc và cảm thụ văn học phải đặt nó vào tác phẩm, bối cảnh lịch sử chứ không thể nhìn theo kiểu "xã hội học dung tục từ thế kỷ trước". Nhân vật Chí Phèo ban đầu đến với Thị Nở bằng bản năng của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một kẻ lưu manh. Tuy nhiên, sau đó tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần "người", phần lương thiện vẫn còn sót lại đâu đó trong "con quỷ của làng Vũ Đại". Chí đã biết nói lời yêu thương thay vì chỉ chửi đổng và có ý thức sâu sắc về sự cô độc, những điều hắn đã bị tước đoạt, về con đường hoàn lương...
Sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí mới lôi rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh và càng đau đớn cho bi kịch cuộc đời mình. Chí cầm dao đi định trả thù cô cháu Thị Nở nhưng vô thức lại đi thẳng tới nhà Bá Kiến. "Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ súy cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng đó chỉ là hành vi của kẻ côn đồ say rượu", TS Tuyết phân tích.
Bà cho rằng, cách nhìn nhận của Sóng Hiền không liên quan đến văn chương và lệch lạc. Với giá trị một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định, truyện ngắn Chí Phèo "luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó".
Là học sinh lớp 12 THPT Việt Đức (Hà Nội), Kiều Đức Mạnh cho biết không bị tác động tiêu cực nào khi học tác phẩm Chí Phèo trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Ngược lại, em học được nhiều điều từ nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội phong kiến bị cường quyền áp bức, như nhân vật Chí với nỗi khổ không được làm người.
"Em biết xã hội ngày trước có những cái xấu như thế nào và cảm thấy may mắn, trân trọng hơn cuộc sống tự do, dân chủ mình đang được hưởng thụ. Tác phẩm cũng gợi thêm những điều trắc ẩn trong em, khiến em cảm nhận về cái tốt, cái xấu toàn diện hơn, không giản đơn như ngày trước", Mạnh nói.
Một học sinh ở tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, được giáo viên truyền tải rất rõ giá trị nhân văn của truyện ngắn Chí Phèo. Đây là một trong số ít tác phẩm văn học được nam sinh theo ban tự nhiên này nhớ kỹ.
Theo VNE
Thưa các tiến sĩ, người dân không cần lý thuyết suông! Khác với làn sóng phản ứng dữ dội đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền xem xét đưa truyện ngắn "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa, một vị tiến sĩ văn học vừa lên tiếng đồng tình, bảo vệ và cho rằng, phương án đưa tác phẩm nói trên giảng dạy ở bậc đại học "là một lựa chọn chuẩn...