Chị Phan Hồ Điệp gợi ý 14 điều cha mẹ nhất định phải giúp con thực hiện trong kì nghỉ dài phòng dịch Covid-19
Tự làm việc nhà, học tiếng Anh, đi thăm ông bà… là những việc quan trọng mà chị Phan Hồ Điệp khuyên cha mẹ nên giúp trẻ thực hiện trong đợt nghỉ học phòng dịch này. Mỗi việc đều mang lại những giá trị to lớn cho quá trình phát triển của trẻ.
Ba tuần, thậm chí phần lớn học sinh, sinh viên trong cả nước được nghỉ học 4 tuần đã gây không ít xáo trộn trong cuộc sống của phụ huynh lẫn bản thân các em. Thời gian này đi du lịch cũng không được, ở nhà mãi cũng không xong, nhiều cha mẹ thật sự bối rối, mình cần làm gì để giúp con “giết thời gian” suốt nhiều ngày liền?
Nếu biết cách, cha mẹ hoàn toàn có thể biến kì nghỉ “bất đắc dĩ” này trở thành cơ hội dạy cho trẻ những điều quan trọng. Còn nếu không, rất có thể chỉ là những ngày nghỉ dài đằng đẵng vô nghĩa, mệt mỏi của cả mẹ và con.
Mới đây, chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ 14 điều cha mẹ nên giúp con thực hiện trong kì nghỉ này và nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Tất cả trong số đó đều không phải to tát gì, ngược lại vô cùng đơn giản và dễ thực hiện. Thế nhưng, những hành động nhỏ bé ấy lại có đóng góp to lớn tới tâm trạng, tính cách và sự phát triển của trẻ:
1. Để các con tự rửa chén bát, trẻ em học về giá trị của lao động từ việc làm cụ thể.
2. Cho con tự làm bữa trưa đơn giản. Để các con tự làm đồ ăn con thích.
3. Học 5 từ tiếng Anh mỗi ngày theo cùng một chủ đề và cố gắng viết một đoạn văn/ câu chuyện có 5 từ đó vào một cuốn sổ tay riêng.
4. Hãy thăm ông bà, họ hàng và để con cái mình gắn bó với họ. Tình yêu và sự ủng hộ tinh thần của người thân tốt cho con cái bạn.
5. Nếu được phép, hãy đưa con tới chỗ làm để các con hiểu bạn đã làm việc vất vả như thế nào khi gánh vác gia đình.
6. Nhẹ nhàng khuyến khích con gieo một hạt giống, chăm một cây xanh. Biết về cây cối là một phần trong sự trưởng thành của con cái bạn.
7. Kể cho các con về tuổi thơ của bạn vì mình tin hầu như bố mẹ nào cũng có những kỉ niệm về việc ở nhà một mình rồi trông em, nấu cơm, đi chợ, leo cây, đuổi bắt… Điều đó khiến con thấy việc ở nhà của mình sao mà “đã” quá.
8. Để các con chơi ngoài trời vào buổi chiều, khi bạn về nhà. Đừng lo lắng quá mức nếu con lỡ bị thương, bị bẩn. Không có hại nếu thỉnh thoảng các con bị té ngã hay bị đau. Cuộc sống ấm êm trên chiếc ghế bành có thể khiến các con lười biếng.
9. Hãy khuyến khích con tìm hiểu hoặc tự chăm sóc một con vật cưng khi con đang nghỉ học.
10. Khuyến khích con chơi một số trò chơi dân gian trong nhà, ví dụ Thả đỉa ba ba, chơi ô ăn quan. Cho con một bức tường trống để tự do vẽ. Nghĩ ra những trò chơi để con có thể vận động trong nhà như đóng giả và đi như các con vật, giữ cho bóng bay không rơi xuống đất, đi trên đường ziczac đã kẻ sẵn.
11. Mua tặng các con vài cuốn sách truyện và ghi bên ngoài: Kỉ niệm con để đánh dấu những ngày mà nhà mình chính là trường học chẳng hạn. Con sẽ lưu giữ những điều đó lâu lắm ấy.
12. Giúp các con tránh xa tivi, điện thoại, thiết bị điện tử, máy tính vì chúng sẽ có cả đời để gắn bó với những thứ này. Cho con khoảng thời gian để học trực tuyến và thực hiện bài tập 30 phút dùng thiết bị/ngày, vậy là đủ rồi.
Video đang HOT
13. Hãy gợi ý cho con những hoạt động thủ công đơn giản ví dụ, cắt một đĩa giấy, trên đó con chia thành các “miếng” tương ứng với các loại đồ ăn và xem “miếng” nào nên to nhất. Làm thế các con sẽ hiểu về việc nên ăn uống lành mạnh.
14. Mỗi ngày, khi trở về nhà, hãy nhìn vào mắt con bạn và cảm ơn vì bạn có chúng – một món quà tuyệt vời. Trong vài năm nữa, các con rồi sẽ lớn vống lên, những kì nghỉ như thế này sẽ là kỉ niệm thú vị. Và bạn cũng sẽ khám phá ra năng lực của con và của chính bạn nữa, rằng trong hoàn cảnh nào cũng tìm được cách vượt qua.
Chị Phan Hồ Điệp bên chồng và con trai Đỗ Nhật Nam.
Chị Phan Hồ Điệp kết lại bằng một câu nói yêu thích với đầy sự lạc quan: “Suy cho cùng, ai cũng tìm được cách tồn tại dưới ánh mặt trời! Vì thế, mình tin, chỉ cần biết tổ chức cuộc sống, mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Kể cả dịch Covid-19 cũng chấp!”
Vài nét về tác giả:
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai – “thần đồng” Đỗ Nhật Nam – người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào”, “Những con chữ biết hát”, “Bố mẹ đã cưa đổ tớ”…
Theo Trí Thức Trẻ
Bản thân là giảng viên nhưng mẹ Thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng ngậm ngùi thừa nhận lỗi lầm trong quá trình dạy con học
Vì cách dạy này của chị Phan Hồ Điệp mà Nhật Nam phải mất đến 3 năm để sửa chữa.
Được sự động viên của Nam, mình sẽ ghi lại những... lỗi lầm trong quá trình nuôi và dạy Nam với hy vọng sẽ giúp các bố mẹ có những lựa chọn tốt hơn cho con.
Những điều này chỉ khi đi qua ngoái đầu lại mới biết là mình đã sai ở đâu, đã lầm chỗ nào. Và rồi chặng đường tiếp theo có thể lại vẫn có vô số sai lầm.
Nhưng có sao đâu nếu mình thành ý. Nhưng có sao đâu nếu mình tin rằng, không chỉ trẻ con mà ngay cả bố mẹ cũng cần bề bộn để trưởng thành.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào giờ đã là tân sinh viên tại Mỹ.
VIẾT VĂN HOA MỸ
Hồi nhỏ, mình rất chú ý kèm cặp Nam môn văn. Vốn liếng đọc và viết của mình được đem ra sử dụng tối đa.
Và Nam thực sự thích viết, viết nhanh, viết tốt ( theo cảm nhận nói chung của mọi người).
Mình luôn hướng dẫn Nam cách triển khai, theo kiểu:
Ví dụ: Tả một người đi trong mưa
Hãy tả cảnh cơn mưa, chú ý các từ tượng thanh, tượng hình. Ví dụ như cơn mưa ào ạt, tiếng mưa rơi ầm ầm, mưa đan chéo mặt sân, những hạt mưa như nhảy múa...
Tả người trong mưa, bao gồm: Hình dáng bên ngoài (quần áo ướt sũng, bết vào người, tay cầm ô...), hoạt động (chạy, đưa tay vuốt nước trên mặt)...
Tả các cảnh vật xung quanh: Đất trời, những ngôi nhà, con đường ngập nước mưa.
Và với mỗi ý, mình luôn nói với Nam là em hãy viết cho thật đầy đủ, chi tiết. Ví dụ riêng tả cảnh mưa, em có thể triển khai thành 10 câu.
Ngoài ra mình luôn khuyến khích Nam nên dùng nhiều từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa.
Và mình sẽ ví dụ như: Từng hạt mưa rơi mà như nhảy múa trên mặt sân. Hạt mưa vừa đậu xuống sân đã vỡ tan thành các vụn nước li ti, trắng xóa. Mưa thánh thót rên mái nhà nghe như bản hòa âm rộn ràng của đất trời, đôi khi vút cao thanh thoát có lúc lại trầm ấm mênh mang...
Kiểu như thế.
Và Nam thường có cách triển khai rất tốt những gì mẹ dạy.
Nhưng hôm qua Nam bảo: Mẹ có biết không, em phải mất 3 năm để sửa lại cách làm văn mà mẹ dạy em.
Hả?, mình ngạc nhiên.
Nam kể: Thời kì đầu khi em học ở một trường bình thường, các thầy cô dạy Văn khen em quá trời. Tất cả các bài văn của em đều được đem ra để làm mẫu. Và em tin rằng mình viết rất tốt.
Nhưng đến khi em vào một trường tốt hơn thì mọi việc khác hẳn.
Khi ấy em vô cùng ngạc nhiên vì khi em viết rất dài, rất dạt dào cảm xúc thì điểm lại không cao như bạn chỉ viết có đoạn ngăn ngắn.
Và cô dạy Văn luôn nói với em: Nam, em hãy tiết chế lại, tập trung vào ý chính. Cô còn nói, nếu các bạn khác cô mong viết được 5 trang thì với Nam, cô mong em sẽ viết 3 trang.
Có hôm cô còn gọi em lên và hỏi: Nếu cô gạch đi cả một đoạn này thì em có cảm thấy không thoải mái không.
Tất nhiên là em không vấn đề gì. Và cô bắt đầu dạy cho em cách "tiết chế".
Cô dạy một cấu trúc chặt của một bài luận. Cách triển khai ý cho rõ ràng nhưng không quá cầu kì, hoa mỹ. Quan trọng nhất là mình tìm ra được "câu khóa" cho đoạn mở bài với những ý tưởng mới mẻ sáng tạo sau đó, mình sẽ triển khai các ý thật chặt theo ý tưởng đó.
Một đoạn văn đẹp là đoạn văn với số từ miêu tả vừa đủ, không quá thừa thãi và không quá "loong coong".
Giống như một bữa ăn, món ngon chỉ nên có một hoặc hai.
Vậy nên, với đoạn văn tả người đi trong mưa, mình chỉ cần tập trung vào các ý miêu tả về dáng vẻ của người đó, những hoạt động với nét đặc trưng trong mưa, trong đó có lồng cảm xúc của người miêu tả.
Kể từ đó, mỗi lần viết văn, để sửa lỗi sai của mẹ em sẽ:
1. Làm dàn ý thật chặt
2. Đọc lại bài ít nhất 5 lần. Mỗi lần lại đề ra mục tiêu là cắt bớt. Em sẽ cắt bớt từ rườm, cắt bớt đoạn không cần thiết. Sửa lại những chỗ diễn đạt ngây ngô.
Và với 5 lần em ngạc nhiên thấy bài sau khi sửa gần như khác hẳn bài ban đầu.
Mình nghe xong mà cảm động lắm ấy.
Cảm động vì Nam đã được học những thầy cô tốt. Và bản thân mình, thời gian gần đây, mình cũng nhận thấy những điều Nam nói là chính xác.
Mình cũng bắt đầu thấy sợ những bài văn mà toàn các từ rất đẹp, đọc lên nghe lanh canh nhưng sáo rỗng. Ví dụ để tả về cảm giác trống trải mà sử dụng một loạt những từ như: bần thần, lơ thơ, ngơ ngác, ngác ngơ...
Mình cũng thích hơn cách làm văn ngắn gọn, chân phương, mộc mạc.
Và mình cũng sợ tư duy đo bài làm văn dài để cho điểm cao của nhiều giáo viên.
Bài học rút ra là: Viết văn ngắn gọn nhưng súc tích, đủ ý. Các từ láy miêu tả dùng tiết chế. Không sử dụng các từ có nghĩa giống nhau chỉ để miêu tả về một sự vật. Viết dài không có nghĩa là tốt, là hay.
Vài nét về tác giả
Chị Phan Hồ Điệp (sinh năm 1975) là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con trai - "thần đồng" Đỗ Nhật Nam - người được biết đến với bảng thành tích đáng nể: Tổng biên tập tờ báo Creative Melange (tờ báo tuổi Teen của Đông Nam Á), kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất và là tác giả nhiều cuốn sách "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào", "Những con chữ biết hát", "Bố mẹ đã cưa đổ tớ"...
Theo Helino
Cậu bé lấy đồ của bạn bị bố mẹ dẫn tới đồn công an, dù hiệu quả bất ngờ nhưng chị Phan Hồ Điệp chỉ ra sai lầm tai hại Chị Phan Hồ Điệp đã đưa ra những cách xử trí tinh tế trong trường hợp con lấy đồ của bạn. Chuyện "cầm nhầm đồ" có thể xảy ra đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Khi gặp tình huống này, bố mẹ cần có cách xử lý thật khéo léo, tinh tế. Bởi nếu quá nóng giận, bố mẹ có thể khiến...