Chỉ nên có một bộ SGK thống nhất, có chính sách phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm
Là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên họp thứ 31 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thảo luận về báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), chiều 21-2.
Thống nhất SGK để tránh “mạnh ai người nấy làm”
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày, liên quan đến việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông hiện còn hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với việc luật hóa, nhằm hạn chế bất cập về chương trình giáo dục phổ thông và SGK hiện nay là nặng lý thuyết, giáo điều, cứng nhắc, hạn chế quyền lựa chọn của giáo viên và người học… Chính phủ đồng tình với ý kiến này của đa số Nhân dân.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, chương trình giáo dục phổ thông nên thống nhất trong cả nước để đảm bảo chuẩn đầu ra và không làm khó cho học sinh do hoàn cảnh của gia đình phải chuyển trường, chuyển chỗ ở, nhưng không đồng ý mỗi môn học có một số SGK, mà mỗi chương trình có một số bộ SGK. Bộ SGK được sử dụng chỉ sau khi đã được thử nghiệm ít nhất một năm học (trọn bộ). Các bộ SGK phải chuyển thành sách điện tử. Không nên xã hội hóa biên soạn SGK vì có thể dẫn tới trường hợp không bảo đảm chất lượng trong giảng dạy và học tập…
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình cao với báo cáo của Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; hoan nghênh Chính phủ đã gửi báo cáo từ rất sớm để có đủ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên bà đề nghị cần thận trọng trong vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK. “Cần lựa chọn ý kiến sâu rộng và thận trọng đối với cấp tiểu học. Càng cấp cao có thể 1 chương trình nhiều bộ SGK để lựa chọn, còn ở tiểu học nên thận trọng vì liên quan rất nhiều người dân”, bà Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với điều này, cho rằng chương trình SGK thì nên thống nhất. “Nếu Chính phủ tiếp thu ý kiến xã hội hoá SGK thì rất khó và gay. Theo tôi, SGK cần thống nhất trong cả nước chỉ có 1 loại, những loại khác chỉ là sách tham khảo, nếu không sẽ “mạnh ai người nấy làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói. Ông cũng đánh giá đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, ổn định hay không chính là vấn đề chương trình SGK.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với điều kiện của chúng ta hiện nay trước hết nên có 1 bộ SGK thống nhất, dùng chung. Nghị quyết của Trung ương cũng đã hướng tới cho xây dựng nhiều bộ SGK. Do vậy, theo lộ trình tới khi trình độ dân trí, nhận thức xã hội nâng cao hơn thì sẽ hướng tới mục tiêu một chương trình nhiều bộ SGK. Còn hiện tại đa số Nhân dân và đại biểu Quốc hội mong muốn có một bộ SGK thống nhất cho các trường.
Quản sát sao đầu vào sư phạm và đặt hàng để đào tạo cho phù hợp
Liên quan đến việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có hai loại ý kiến. Trong đó, đa số các ý kiến góp ý phải có quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập. Cũng có ý kiến đề nghị cần có chính sách khuyến khích thông qua học bổng tín dụng và phân công công tác, tuyển dụng, chế độ lương. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị, trong bối cảnh chưa sửa được Luật Viên chức, để thu hút thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm, cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm ngành giáo dục nên nghiên cứu quy hoạch tuyển giáo viên và sử dụng giáo viên. Trong đó, giáo viên là nghề đặc thù nên được ưu tiên ngang với lực lượng vũ trang và nên chăng tuyển giáo viên theo cách của Quân đội. “Nghĩa là cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu và ra trường là phân việc ngay, không có chuyện phải thi công chức, tránh tình trạng sinh viên giỏi ra trường lại thất nghiệp hoặc làm việc khác”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, vấn đề cử tuyển, điều động hay phân công công tác như Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề cập là lý tưởng. Tuy nhiên hiện tại theo xu thế chung chúng ta sẽ cố gắng làm phương án như Chính phủ trình. “Tức là tới đây Luật sẽ quy định rất rõ trách nhiệm của các trường sư phạm, quản thật sát sao đầu vào và có định hướng đặt hàng theo số lượng để cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhu cầu về biên chế giáo viên ở trường công và nhu cầu giáo viên ở trường tư thục, để chúng ta có số lượng đào tạo phù hợp”, Phó Thủ tướng lý giải. Theo đó, Chính phủ sẽ bổ sung một khoản hoặc một điều trong dự thảo Luật quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cũng có ý kiến đề nghị không nên có chế độ tuyển dụng cho riêng một ngành nào chứ không chỉ riêng ngành giáo dục, bởi vì nó sẽ phá vỡ, vô hiệu hoá vấn đề tuyển dụng trong Luật Viên chức. Còn việc nơi này thừa nơi kia thiếu sẽ được điều hoà để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. “Tôi đồng ý có chính sách phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhưng phải đảm bảo vấn đề tuyển dụng của Luật Viên chức. Tức không có tuyển dụng đặc thù riêng cho ngành nào.” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phiên họp thứ 31 UBTVQH cũng đã bế mạc chiều cùng ngày
Quỳnh Vinh
Theo cand
Tuyển dụng giáo viên nên theo cách như của quân đội
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khi thảo luận về nội dung nhà giáo tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - chiều nay (21/2).
Ảnh minh họa/internet
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, ngành GD Nghiên cứu về quy hoạch tuyển giáo viên và sử dụng giáo viên. Nếu giáo viên là ngành đặc thù, đặc biệt quan trọng thì nên có ưu tiên, có thể ưu tiên ngang với lực lượng vũ trang.
Vấn đề tuyển dụng giáo viên nên tuyển theo cách như của quân đội là tốt nhất, cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu. Sinh viên sư phạm ra trường là xếp việc, không phải thi công chức, viên chức. Và chúng ta phải đào tạo theo chỉ tiêu, có chỉ tiêu rõ ràng và thi tuyển nghiêm túc vào trường sư phạm. Sau khi ra trường sinh viên sẽ phân công công việc ngay.
Sau khi ra trường, phân công về địa phương nào nhất thiết họ phải thực hiện. Nếu không thực hiện thì nhất định sẽ không chấp nhận. Và khi đã không hoàn thành nhiệm vụ ở ngành GD thì các ngành khác cũng sẽ không nhận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phải quản lý như vậy, học sinh mới yên tâm vào ngành sư phạm. Nhất thiết phải có kỷ luật, kỷ cương và làm đúng. Có như vậy chất lượng giáo viên mới được nâng cao.
Cho ý kiến về nội dung phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tất cả HS đã học sư phạm sẽ đương nhiên bố trí công việc. Nhưng để vào học sư phạm thì phải thi đầu vào với điểm rất cao.
Khi sinh viên đã vào được trường Sư phạm yên tâm sẽ được bố tri công việc. Theo đó, sẽ phân bổ theo hướng: nơi nào cần sẽ bố trí, điều động đến đó để dạy học. Nếu có chính sách chặt chẽ ngay từ khi đầu vào thì sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm và những người được vào sư phạm sẽ cảm thấy đó là một niềm vinh dự.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến: nếu đã là phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp thì phải có ràng buộc rõ ràng.
Minh Phong
Theo giaoducthoidai
Mổ xẻ kết quả "đẹp như vẽ" khi lấy ý kiến người dân về luật Giáo dục sửa đổi Phiên họp thứ 31 diễn ra ngày hôm nay, 21/2, UB Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Thông tin Bộ GD-ĐT công bố vừa qua có 31 nội dung được lấy ý kiến, số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất...