Chỉ học nghề mới được giảm
Sinh viên ở nhiều địa phương phản ảnh đến nay vẫn chưa nhận tiền học phí được miễn, giảm năm học trước theo quy định của Chính phủ. Theo lý giải của các địa phương và cả nhà trường, nguyên nhân do quy định cũ không rõ ràng.
Theo quy định mới, sinh viên ngành hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) không được hưởng chế độ miễn giảm 70% học phí – Ảnh: Trần Huỳnh
Nhiều địa phương vẫn lúng túng hoặc mỗi nơi làm mỗi kiểu trong thực hiện quy định này.
Nhiều nơi không cấp
Video đang HOT
Ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ông Thiên Bảo An bức xúc: “Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ năm học 2012-2013 của con để được hỗ trợ miễn, giảm học phí thuộc đối tượng là sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nhưng cán bộ nói huyện chưa nhận được vốn để trợ cấp tiền cho sinh viên. Tháng sau tôi lại lên huyện hỏi vẫn là câu trả lời cũ”. Ông Nguyễn Lành có con đang theo học ngành khoa học môi trường ở Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng thắc mắc: “Tôi nghe nói sinh viên học những ngành độc hại được giảm 70% học phí, nhưng con tôi đã học được một năm nay sao không thấy được miễn giảm?”.
“Trước phản ảnh nhiều sinh viên không nhận được tiền miễn giảm, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo việc chi trả học phí cho sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại được nhà trường xác nhận theo quy định cũ” Ông Bùi Hồng Quang (phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính, Bộ GD-ĐT)
Sinh viên Đ.H. đang học CĐ hệ chính quy chuyên ngành công nghệ môi trường tại Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM bức xúc: “Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ từ năm học 2012-2013 để được hỗ trợ miễn, giảm học phí thuộc đối tượng là sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nhưng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành, Tiền Giang nói là huyện đã ngưng việc trợ cấp tiền đối với sinh viên học ngành độc hại”.
Trong khi đó, Đinh Hồng Chiến – sinh viên Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) – cũng thắc mắc: “Tôi học ngành bác sĩ y học dự phòng có được miễn giảm 70% học phí theo thông tư của Bộ LĐ-TB&XH không? Tôi được biết Trường ĐH Y Hải Phòng các bạn cùng ngành được nhận…”. Một số sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật ôtô ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phản ảnh dù được nhà trường xác nhận là đang theo học ngành độc hại nhưng không được các địa phương giải quyết giảm học phí theo quy định.
Quy định mù mờ
Theo ông Nguyễn Anh Đức, trưởng phòng công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trở ngại lớn nhất là thực hiện giảm học phí cho sinh viên thuộc các chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại do quy định trước đây về việc này chưa rõ ràng. Theo thông tư 29 do liên bộ GD-ĐT, Tài chính, LĐ-TB&XH ban hành ngày 15-11-2010 hướng dẫn thực hiện nghị định 49, các đối tượng được giảm 70% học phí bao gồm các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất lại nằm ở cụm từ “một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại”. Nhiều chuyên gia khi trao đổi với Tuổi Trẻ cũng cho rằng thông tư 29 có vấn đề, quy định của Bộ
LĐ-TB&XH có nội dung về điều kiện lao động thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, không ghi rõ ngành học cụ thể. Theo đó, các trường có đào tạo nhiều ngành: thực phẩm, hóa học, môi trường, sinh học… sinh viên chỉ tiếp xúc với hóa chất độc hại trong các buổi thực hành; các ngành công nghệ thông tin, vật lý, cơ khí, xây dựng, điện tử… là ngành nặng nhọc, nguy hiểm. Với quy định này đã phát sinh hàng loạt ngành học thuộc diện giảm học phí.
“Các quyết định đó ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ đối với người lao động, không phải là các chuyên ngành đào tạo. Việc áp dụng những quy định này vào việc giảm học phí cho sinh viên là không khả thi… Thực tế, sinh viên theo học các ngành trên ở trường ĐH, CĐ chỉ tiếp xúc với môi trường độc hại, nguy hiểm trong thời gian rất ngắn vào các giờ thực tập, thực hành” – ông Đức cho biết.
Việc quy định nhóm ngành độc hại… mù mờ này dẫn đến lượng sinh viên được hưởng chính sách độc hại rất nhiều. Đơn cử chỉ riêng tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có đến 18/21 ngành học là ngành độc hại, nguy hiểm. Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ngoại trừ ngành toán – tin học, còn lại có đến 12/13 ngành là độc hại, nguy hiểm. “Theo quy định này, hầu hết các ngành học của Trường ĐH Bách khoa đều là ngành độc hại, nguy hiểm. Trường có đến 5.000 sinh viên được xác nhận học ngành độc hại, nguy hiểm. Rõ ràng quy định này là không hợp lý” – ông Võ Tấn Thông, trưởng phòng công tác chính trị – sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), nhận định.
Chỉ áp dụng với dạy nghề
Nhận thấy quy định này bất cập, nghị định 74 đã ra đời. Nghị định 74/2013 sửa đổi nghị định 49/2010 đã sửa đổi rất cơ bản đối tượng được giảm 70% học phí. Theo đó, chỉ một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở lĩnh vực dạy nghề mới được giảm 70% học phí. Đối với học sinh, sinh viên ĐH, CĐ sẽ không có đối tượng giảm 70% học phí. Và việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho sinh viên thông qua cơ sở đào tạo thay vì thông qua gia đình người học như thông tư 29.
Nghị định 74 nêu rõ: các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định. “Trong lĩnh vực dạy nghề, 75% chương trình đào tạo là giờ thực hành, thực tập nên học sinh thường xuyên tiếp xúc với công việc, môi trường độc hại, nguy hiểm… Vì vậy, các em được giảm học phí là hợp lý” – trưởng phòng công tác chính trị sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM nhận định.
Phải đảm bảo quyền lợi cho người học Kể từ ngày 1-9-2013, sinh viên các trường ĐH, CĐ sẽ không được miễn giảm, chỉ sinh viên, học sinh các trường nghề mới được hưởng chế độ miễn giảm 70% độc hại. Còn thời điểm từ ngày 31-8 trở về trước, sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đương nhiên vẫn được giảm 70% học phí theo thông tư 29. Tuy nhiên, theo sinh viên của nhiều trường ĐH, CĐ, dù đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn trả học phí được miễn giảm từ hồi học kỳ 1 năm học 2012-2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền cấp bù học phí. “Hiện nay nhiều trường hợp sinh viên vẫn chưa được địa phương chi trả tiền miễn giảm học phí theo nghị định 49. Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo toàn ngành và các địa phương tiếp tục giải quyết những tồn đọng của năm học trước, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên” – ông Đức kiến nghị.
Theo Tuoitre