Chỉ để kiến thức cần thiết trong SGK môn ngữ văn
Sẽ có nhiều thay đổi từ hình thức đến nội dung trong chương trình – sách giáo khoa môn ngữ văn, nhằm giúp học sinh yêu thích môn học này.
Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chương trình – sách giáo khoa môn ngữ văn nên theo các mô hình hoạt động – Ảnh: Minh Luân
Những vấn đề này được thảo luận trong hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”, diễn ra ngày 25.4 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Học nhiều nhưng lại thiếu kiến thức
Video đang HOT
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, chương trình – sách giáo khoa (CT- SGK) ngữ văn hiện nay có quá nhiều tác phẩm. Để theo kịp, cả giáo viên và học sinh (HS) đều phải chạy đua. Tuy học nhiều nhưng HS lại thiếu kiến thức lẫn kỹ năng giải quyết tác phẩm. PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Chúng ta không nên chạy theo số lượng tác phẩm mà cần phải chọn lọc để HS học cái gì chứ không phải học hết chương trình mà kiến thức có được chẳng đạt bao nhiêu. Có như vậy, chúng ta mới giảm được áp lực, nỗi khổ cho cả giáo viên và HS”.
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, Thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới CT-SGK phổ thông, cho rằng vì cứ chạy theo số lượng các tác giả, tác phẩm nên dù có cố gắng bao nhiêu vẫn không đủ được. Đó là chưa kể nội dung chương trình hiện hành còn chồng chéo, giẫm đạp lên nhau; vừa thừa, vừa thiếu.
Đổi mới theo hướng phát huy năng lực
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp để CT-SGK ngữ văn sắp tới thật sự hiệu quả, thiết thực với cả HS và giáo viên.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng hiện nay trên thế giới có 3 mô hình SGK ngữ văn chính: lý thuyết, kỹ năng, hoạt động. “Trong đó, mô hình hoạt động tôi thấy có nhiều điểm hay. Đây là loại sách triển khai nội dung theo chủ đề hoạt động của HS nhằm tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống, lấy các hoạt động đó làm môi trường giao tiếp để hình thành kiến thức, phát triển các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho HS”, ông Thuyết nhận định.
Theo PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, CT-SGK ngữ văn mới sẽ có rất nhiều thay đổi, nhằm phát triển năng lực HS. Chương trình sẽ không chạy theo số lượng mà chỉ lựa chọn những kiến thức cần thiết (tác giả, tác phẩm, đơn vị tiếng Việt các kiểu văn bản), tiêu biểu giúp cho việc hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như một số năng lực chuyên biệt, đặc biệt là năng lực giao tiếp và tiếp nhận, cảm thụ cái đẹp. Ngoài ra, chương trình mới cũng nhằm phát triển năng lực, yêu cầu HS vận dụng được kiến thức vào cuộc sống.
Theo TNO
Bộ GD xin rút báo cáo đề án đổi mới chương trình, SGK
Trước nhiều ý kiến băn khoăn của dư luận về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã xin rút báo cáo trước Quốc hội để hoàn thiện lại.
Sáng 25/4, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6. Theo kế hoạch làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ báo cáo về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội sáng 25/4.
Tuy nhiên, ngày 24/4, ủy ban đã nhận được công văn của Bộ GD-ĐT xin rút nội dung thảo luận về đề án này.
Trong cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã báo cáo lý do đưa ra quyết định này. Ông cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của các ủy viên thường vụ Quốc hội (ngày 14/4) về nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ cần phải bổ sung hồ sơ, trong đó có nội dung về kinh phí thực hiện.
Bộ trưởng Luận cho biết: "Hồ sơ đã được chuẩn bị cơ bản đầy đủ, riêng vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các cơ quan khác, sau đó là Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. Bộ đã xin ý kiến và được Thủ tướng đồng ý rút nội dung này".
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng xin rút báo cáo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trong kỳ họp Quốc hội để khẩn trương hoàn thiện và trình vào một thời điểm phù hợp.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội chấp nhận lý do xin rút và đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện hồ sơ về các nội dung, trong đó có vấn đề kinh phí.
Theo VNE
Ôn thi hiệu quả trong 3 tháng cuối Nếu bạn vẫn chưa biết làm thế nào để chinh phục ước mơ ĐH, hãy tham khảo một số lưu ý trong quá trình ôn thi mà phóng viên FMC tổng hợp! Thi thử và làm đề Thi thử và làm đề là một trong những phương pháp quan trọng giúp bạn làm quen với đề thi và áp lực thời gian trong...