“Chỉ có một bộ sách giáo khoa là điều đáng tiếc!”
Việc có nhiều SGK không ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo chất lượng sách, chất lượng dạy và học, thậm chí còn tốt hơn lên bởi có cạnh tranh tích cực.
Nghị quyết 88 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2014 “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”. Sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành, nhiều nhóm tác giả đã tiến hành làm sách để “đón đầu” cho việc triển khai chương trình vào những năm học tới.
Tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chiều 21/2/2019, một số ý kiến nêu ra với điều kiện đất nước hiện nay, trước hết vẫn nên có một bộ SGK thống nhất dùng chung; còn lộ trình hướng tới cho xây dựng nhiều bộ SGK sẽ tiến tới khi trình độ dân trí, nhận thức xã hội nâng cao hơn.
Bộ sách giáo khoa VNEN là một trong những bộ đang được đưa vào nhà trường.
GS Nguyễn Minh Thuyết, từng là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng: Nhìn ra nước ngoài, các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” từ lâu, không có vấn đề gì; nhưng một số nước châu Phi gặp khó khăn, đang quay lại chính sách “một chương trình, một bộ SGK”. Do đó, để thuyết phục được Quốc hội và một bộ phận dư luận về việc thực hiện một chương trình nhiều SGK thì Chính phủ, cụ thể là Bộ GD-ĐT, cần đưa ra được những giải pháp thật sự thuyết phục, khả thi, làm cho mọi người yên tâm.
Theo GS Thuyết, việc có nhiều SGK không ảnh hưởng gì đến việc đảm bảo chất lượng sách, chất lượng dạy và học, thậm chí còn tốt hơn lên bởi có cạnh tranh tích cực.
“Nếu trước mắt nếu chỉ áp dụng 1 chương trình 1 bộ SGK là một điều rất đáng tiếc”.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc GD-ĐT TP.HCM ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” và phân tích: Muốn thay đổi nội dung một Nghị quyết của Quốc hội (vì lý do nào đó) phải đưa ra xin ý kiến Quốc hội để bổ sung, điều chỉnh hoặc hủy bỏ cái cũ.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) nhớ lại: Trước khi có chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, đã có 4 chương trình cùng 4 bộ SGK và tài liệu (165 tuần, 120 tuần, 100 tuần và Công nghệ Giáo dục) được song song đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông.
Đó là chủ trương đúng đắn và mang tính tất yếu của phát triển giáo dục, phù hợp với xu thế hiện đại và toàn cầu; mang lại sự dân chủ hóa trong giáo dục.
Video đang HOT
“Các nước Bắc Âu, hay ngay cả gần chúng ta là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ hàng chục năm nay họ đã thực hiện một chương trình giáo dục quốc gia, cùng với nhiều bộ SGK khác nhau. Giáo viên tại các trường học phổ thông ở Mỹ được tự mình lựa chọn SGK hay tài liệu dạy học cho học sinh của lớp mình. Như vậy, chúng ta đổi mới giáo dục quá chậm, giữ mãi quá lâu quan điểm giáo dục lạc hậu, cũ kỹ ở những năm của giai đoạn thế kỷ 19, thế kỷ 20″- ông Ân cho hay.
Theo ông Ân, SGK chỉ là một phương án mở giúp giáo viên hướng dẫn học sinh trải nghiệm các đơn vị kiến thức. Tuy được chọn một bộ SGK, nhưng mỗi giáo viên vẫn có thể tham khảo cách giải quyết cùng một vấn đề ở các bộ SGK khác. SGK chỉ là một trong những công cụ giúp học sinh bày tỏ những tư tưởng, cách nghĩ, cách thể hiện của mình, để rồi đưa ra những cách nhìn khác nhau và cùng thảo luận, hợp tác về những điều đó.
Ông Phạm Phúc Thịnh, Phó Hiệu trưởng khối Phổ thông trường Việt Mỹ, cho rằng thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, kể từ khi từ khi Bộ GD-ĐT cho phép dạy học theo chủ đề, dạy học theo dự án, việc quy định số tiết thực hiện cho các đơn vị kiến thức trong SGK không còn ràng buộc chặt chẽ chính xác như 10 năm trước, đặc biệt là đẩy mạnh việc dạy học theo hướng phát huy năng lực người học. Vì vậy đa phần đối với giáo viên giỏi thật sự, với giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, SGK đang dần trở thành sách … tham khảo.
Theo thầy Thịnh, điều đó có nghĩa dựa trên khung phân phối chương trình, dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng quy định…giáo viên sẽ tự biên soạn ra một tập bài giảng bao gồm lý thuyết và bài tập phù hợp nhất với đối tượng học sinh mình đang dạy (khuynh hướng dạy học cá thể).
Nguyên một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM quả quyết, cứ tư duy phải có bộ SGK chung thì không biết khi nào giáo dục của Việt Nam mới theo theo kịp giáo dục thế giới.
Ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, thời gian qua, một số địa phương, tổ chức (trong đó có TP.HCM) đã bắt tay vào việc tiến hành biên soạn SGK. Việc làm này đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, đầu tư nhiều chất xám, công sức, tài chính lẫn tinh thần của các tổ chức, cá nhân được mời tham gia biên soạn SGK.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng băn khoăn, từ khi Bộ GD-ĐT bắt đầu công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (ngày 12/4/2017), đặc biệt là từ khi công bố dự thảo các chương trình môn học (ngày 19/1/2018), nhiều nhà xuất bản đã đứng ra tổ chức, nhiều nhóm tác giả đã tập hợp nhau để viết sách và có thể nói nhiều quyển sách bây giờ đang ở giai đoạn hoàn thiện. Do đó, các chủ trương mới cần hết sức cân nhắc bởi có thể gây sự hụt hẫng cho các tổ chức, cá nhân đang hăm hở đóng góp, tham gia vào việc viết SGK.
Khẳng định không nên thay đổi chủ trương này, ông Đặng Tự Ân bày tỏ: “Có lẽ việc trọng tâm và cấp thiết hệ trọng lúc này là Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GD-ĐT có những việc làm cụ thể để các NXB có chức năng làm được bộ SGK có chất lượng, được cạnh tranh công khai, công bằng và các trường học được dân chủ, khoa học lựa chọn bộ SGK phù hợp nhất cho giáo viên và học sinh của mình”.
Theo ông Ân, có thể nói, khi có nhiều bộ SGK, sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Tương đồng, thay đổi định hướng cải cách giáo dục từ trên xuống.
“Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới khi thực hiện cơ chế nhiều bộ SGK với cùng một chương trình, giai đoạn đầu cũng gặp phải những bất cập và rủi ro nhất định: Móc ngoặc, tham nhũng, lợi ích nhóm và cạnh tranh tranh không lành mạnh trong việc bán và mua SGK. Và để giải quyết thì các cấp cần thực hiện đúng chức trách mà mình được phân công” – ông Ân khẳng định
Lê Huyền – Thanh Hùng
Theo vietnamnet
SGK của Bộ GD-ĐT sẽ có phiên bản điện tử công khai
Trong văn bản giải trình về một số vấn đề cử tri quan tâm trước kỳ họp Quốc hội tới, như chương trình - sách giáo khoa mới, thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều thông tin mới cũng như giải pháp khắc phục những bất cập về các nội dung này.
Sắp tới học sinh sẽ có sách giáo khoa phiên bản điện tử miễn phí - ĐÀO NGỌC THẠCH
Có một số SGK cho mỗi môn học
Giải trình về chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) mới, Bộ GD-ĐT cho hay: Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới phải gia hạn theo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện CT-SGK GDPT mới.
Nguyên nhân là do việc xây dựng chương trình GDPT mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Quá trình dự thảo chương trình và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội. Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) cần có thời gian, nguồn lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương.
Bộ GD-ĐT cũng dẫn Nghị quyết 88 của QH về việc "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học" và cho rằng chủ trương này phù hợp với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa một số quy định về CT-SGK trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi); nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 thành các quy định của luật. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rõ: "Theo quy định của QH, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh (HS) sử dụng rộng rãi, bình đẳng".
Có phương án cụ thể về giá và quyền lựa chọn SGK
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.
Khi biên soạn sách mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm sách và các sở GD-ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để HS có ý thức giữ gìn, bảo quản đảm bảo sách được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.
Về lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, Bộ GD-ĐT thông tin đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở GDPT trên cơ sở nguyện vọng của HS và phụ huynh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, người đứng đầu cơ sở GDPT trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của HS và phụ huynh.
Báo cáo Chính phủ về lộ trình áp dụng CT-SGK mới
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết sau khi ban hành chương trình GDPT mới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH, đồng thời đảm bảo chất lượng CT-SGK mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.
Chấm thi THPT quốc gia theo cụm
Về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT khẳng định: Phương thức tổ chức kỳ thi sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2018, nhất là khâu chấm thi, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình GDPT mới.
Trước mắt, để tổ chức tốt kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT chỉ đạo toàn ngành thực hiện các giải pháp cơ bản: rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi, đảm bảo tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của HS. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, đảm bảo đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi và thời gian làm bài của thí sinh. "Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và HS làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018 - 2019 và ôn thi năm 2019", báo cáo giải trình nêu.
Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm bảo nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Kết quả trung thực, khách quan sẽ là cơ sở quan trọng để các trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.
Theo thanhnien
Nhất trí quan điểm bổ sung đối tượng cử tuyển đối với học sinh các dân tộc thiểu số rất ít người Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực ủy ban (TTUB) nhất trí với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có chính sách nâng chuẩn đào tạo...