Chỉ 20% số hồ đập có phương án an toàn
Trong tổng số 166 đập thủy điện, chỉ có 36 đập có phương án bảo vệ được phê duyệt, báo cáo tại hội nghị chính phủ về an toàn hồ chứa hôm qua cho hay.
Tổng hợp báo cáo tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về an toàn hồ chứa ngày 29/8, Bộ Xây dựng cho hay, các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Tổng cộng có 144/166 đập đã đến hoặc quá kỳ hạn kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ nhưng hiện chưa tới 1/3 tổng số thực hiện xong và chỉ 36 đập có phương án bảo vệ đập được phê duyệt
Trong khi đó, đối với các hồ thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoàng Văn Thắng cho biết, cả nước hiện có gần 320 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối. Trong đó có trên 60 hồ chứa dung tích trên 3 triệu m3 bị thấm ở đập hư hỏng thân cống, tràn xả lũ… Ngoài ra, nhiều địa phương có hàng chục hồ bị xuống cấp nặng như Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Định… Riêng ở Thanh Hoá có hơn 90 hồ hư hỏng bao gồm 17 hồ ở mức “quá nguy hiểm”, không cho tích nước. Tổng công ty Cà phê VN có 28 hồ bị hư hỏng.
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp cảnh báo, các công trình “có vấn đề” cần phải đặc biệt quan tâm và có biện pháp đảm bảo an toàn vì nếu bị sự cố sẽ gây nhiều thiệt hại. Bộ Nông nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt kinh phí hỗ trợ địa phương sửa chữa cấp bách các hồ chứa bị hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn trong năm 2013, hỗ trợ kinh phí theo kế hoạch có mục tiêu từ 2014 để các địa phương chủ động thực hiện.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị nên để các chủ đập bỏ kinh phí duy tu bảo dưỡng. Các hồ nằm trong phạm vi một tỉnh thì giao UBND tỉnh điều phối, còn nhiều tỉnh thì có liên tỉnh điều phối. Để hạn chế các sự cố xuất phát từ kẽ hở pháp lỹ, ông An đề nghị sửa Nghị định 72 theo hướng phải nói rõ cấp phê duyệt trước khi tích nước. Ngoài ra, cần bổ sung cụ thể hơn quy chuẩn về lún sụt… để áp dụng thống nhất.
Ruột đập thủy điện Ia Krel 2 sau khi bị vỡ vào tháng 6 vừa qua. Ảnh: Tùy Phong.
Chia sẻ với đề nghị hoàn thiện văn bản pháp lý trong đó có Nghị định 72, Chủ tịch Hội Đập lớn Phạm Hồng Giang khẳng định, an toàn đập luôn là chủ đề quan trọng nhất trong tất cả các hội nghị về đập trên thế giới. Các đập ra đời trong các điều kiện khác nhau, do mọi đơn vị quản lý… nhưng nhìn chung đều tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn. Trong khi các hồ ở rất gần các đô thị lớn chỉ 7-10 km, thậm chí ngay cạnh bên, nếu vỡ đập thì không chỉ hạ du bị tàn phá mà còn gây vỡ đê với sức nước lớn.
Video đang HOT
Ông Giang nêu, thực tế một số đập ở phía Bắc chịu sự chi phối nước từ Trung Quốc (trong khi hồ ở Trung Quốc có dung tích lớn). Nếu các hồ không có dung tích phòng lũ thì khi lũ ở thượng nguồn đổ về sẽ xảy ra kịch bản lũ nguy hiểm cho hạ du.
Vị Chủ tịch hội đề xuất nên có cơ quan chuyên trách về an toàn đập và Chính phủ nên cho thành lập Uỷ ban An toàn đập. Để tránh “vênh nhau” giữa các cơ quan quản lý, Uỷ ban này chỉ chuyên về an toàn đập, còn quản lý, khai thác… thì do các cơ quan khác.
Trước đề xuất này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, việc thành lập ủy ban cần xem lại vì ở Trung ương đã có Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, phía dưới có các bộ thành viên. Sắp tới, theo Luật Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai sẽ có Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố… “Vấn đề là tăng cường thêm trách nhiệm, phân công để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn đập”, ông Hải nêu.
Về tình hình chung, Phó thủ tướng nhìn nhận, đáng lo nhất là các hồ chứa dưới 3 triệu m3 và công trình thủy điện dưới 30 MW. Các hồ dạng này số lượng lớn, quản lý thiếu sâu sát hơn và thiếu vốn hơn so với các hồ lớn nên khó duy tu, sửa chữa.
“Sự cố vỡ đập Ia Krel 2 (Gia Lai) vừa qua là hồi chuông cảnh báo từ trung ương đến địa phương. Nếu không có biện pháp thì sẽ đối mặt với thảm hoạ”, Phó thủ tướng nói. Ông cũng yêu cầu cần tập trung vào rà soát quy hoạch. Khi đầu tư các hồ nhỏ phải rà soát chặt chẽ để phát hiện các sai phạm. “Quản lý Nhà nước còn dễ dãi quá mà sự cố thuỷ điện, thuỷ lợi thì không cho cơ hội rút kinh nghiệm. Một địa phương có hàng trăm hồ nhưng quên một hồ là trả giá ngay”.
Cũng theo Phó thủ tướng, về lâu dài, Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước nêu nếu không có biện pháp tiết kiệm thì trong tương lai sẽ rất “gay go”. Cho rằng “sống chung với hồ chứa” hay “đưa quả bom trên đầu” là đúng với thực tế hiện nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hồ đập phải thiết kế theo đúng chuẩn động đất. Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay cũng cần xem xét lại chuẩn đó đã đáp ứng được chưa để nâng lên cao hơn.
Theo Bộ Tài chính, kinh phí duy tu, sửa chữa hồ đập hiện rất khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay nên chỉ có thể “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể dàn trải. Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư thống nhất đề xuất Thủ tướng cho ứng trước 525 tỷ đồng của năm 2014 để hỗ trợ các tỉnh nghèo sửa chữa những công trình cấp bách.
Hiện, cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Trong đó, không kể các dự án thủy lợi kết hợp làm nhà máy phát điện thì có trên 260 công trình đã vận hành khai thác và 211 công trình đang thi công xây dựng. Số còn lại là các công trình thủy lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công. Kết quả kiểm tra các công trình thủy điện có công suất lớn hơn 50MW, công trình thủy lợi có chiều cao đập hơn 50m được nghiệm thu trong thời gian qua là an toàn, phát huy hiệu quả.
Trước yêu cầu của Phó thủ tướng, nói rõ về sự cố vỡ đập Ia Krel 2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự cho hay, chủ đầu tư dự án thuê tư vấn giám sát nhưng không chặt chẽ, để chủ đầu tư tự ý và dẫn đến vỡ đập. Tỉnh đã tiến hành điều tra và bảo vệ hiện trường để cơ quan chức năng điều tra làm rõ. “Qua sự cố này, các ngành cũng rất lúng túng, Công thương hay Xây dựng? Vấn đề là do bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng. Do vậy cần điều chỉnh quy định hiện hành”, ông Lự nói. Theo vị Phó chủ tịch tỉnh, sự phối hợp các ngành các cấp chưa chặt chẽ trong quản lý, xây dựng, kể cả các hồ thuỷ điện do EVN quản lý. Như quy trình vận hành còn nhiều bất cập khi ở trên thì xả, mà ở dưới không biết. Khẳng định chủ đầu tư dự án “làm rất bậy”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xử lý nghiêm.”Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không cho làm tiếp chờ các bộ ngành kiểm tra xác minh, nếu không đủ năng lực thì giao cho người khác. Địa phương đánh giá lại toàn bộ và có biện pháp xử lý, còn các bộ sau đợt này phải tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm trên toàn quốc”, Phó thủ tướng nói.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Sụt lún đất gần hồ thủy lợi Đắk Long Thượng
Khoảng 5.000 m2đất trồng cà phê 7 năm tuổi của một hộ dân ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), gần hồ thủy lợi Đắk Long Thượng bất ngờ bị sụt lún.
Ông Nguyễn Quang Sanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi cho hay, việc sụt lún này xảy ra vào đầu tháng 10.2012 trên khu đất trồng cà phê của gia đình bà Nguyễn Thị Tiềm ở địa phương.
Việc sụt lún này tạo ra một rãnh hình vòng cung với chiều dài khoảng 200 m, rộng từ 10 - 20 m và có độ sâu từ 7 - 10 m. Xung quanh còn có rất nhiều khe nứt với chiều rộng dao động từ 5 - 50 cm, dưới chân taluy có ụ đất cao khoảng 60 - 70 cm trồi lên với diện tích khoảng 60 m2.
Khu vực trồi đất và sụt đất này nằm ở lưng chừng một sườn đồi, cách tim đập hồ thủy lợi Đắk Long Thượng (H.Bảo Lâm) chừng 250 m về phía hạ lưu công trình.
Hiện trường sụt lún
Theo gia đình bà Tiềm, ban đầu chỉ xuất hiện những vết nứt nhỏ, nhưng sau đó vết nứt cứ lớn dần và sụt lún lớn như hiện nay. Nhà bà Tiềm cách khu vực sụt lún khoảng 40 m, vẫn đang sinh hoạt bình thường. Trừ những hôm trời mưa to thì gia đình bà không dám ở nhà mà phải đi ở nhờ nơi khác và cũng không vào khu vực canh tác.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh, huyện đã đến kiểm tra hiện trường và nhận định sơ bộ, việc trồi đất và sụt lún do phần phía dưới khu vực này chứa nhiều nước, và do áp lực nước phía trên dồn xuống gây nên hiện tượng trồi đất, sụt lún.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, việc sụt lún ở đây mang tính cục bộ, trong phạm vi hẹp và nằm ngoài hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc sụt lún đất này đã chia tách khu canh tác thành 2 khu bằng một rãnh khá rộng và sâu nên việc đi lại chăm sóc cà phê rất khó khăn, nguy hiểm đến bất kỳ lúc nào. Việc sụt lún vẫn có thể còn tiếp diễn, đặc biệt vào mùa mưa sẽ làm sạt lở toàn bộ sườn đồi phía trên gây hậu quả về người, tài sản trong khu vực.
Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương mời các nhà khoa học, chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu tìm nguyên nhân và đề ra phương án khắc phục.
Ông Sanh cho biết, đây là hiện tượng bất thường, bởi từ xưa đến nay chưa có vụ sụt lún tương tự nào xảy ra, nên địa phương cũng lo lắng không biết có phải do rò rỉ nước từ lòng hồ Đắk Long Thượng hay không? Hiện địa phương cũng vận động gia đình bà Tiềm di dời nhà đi nơi khác và mong nhà nước hỗ trợ việc di dời này cũng như hỗ trợ thiệt hại về hoa màu trên diện tích đất bị sụt lún...
Công trình thủy lợi Đắk Long Thượng có dung tích hơn 11,6 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới tiêu cho hơn 3.076 ha cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho 3.000 hộ dân trong khu vực.
Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 370 tỉ đồng. Trong đó phần cụm công trình đầu mối (đập đất, cống, tràn) do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư (127 tỉ đồng), còn lại phần kênh mương, đền bù giải tỏa do Trung tâm Quản lý đầu tư - khai thác Thủy lợi Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 7.2011.
Theo TNO
Hà Tĩnh mưa như trút nước, ngập úng nhiều nơi Sáng nay 7/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, mưa lớn liên tục trút xuống địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gây ngập úng tại TP Hà Tĩnh và đe dọa lũ lớn ở nhiều nơi. Theo ghi nhận của PV Dân trí, mưa nhu trút nước bắt đầu đổ xuống địa bàn Hà Tĩnh từ khoảng 7h sáng nay, kéo dài...