Chi 10 triệu đồng/tháng thuê “bảo mẫu voi” cho voi nhà sắp sinh con
Trong suốt gần 30 năm qua, tại tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận được trường hợp nào voi nhà sinh sản. Vì vậy, việc voi cái Ba Nang đang mang thai sắp sinh con vào cuối tháng 9 này là sự kiện đang rất được chờ đợi. Các chuyên gia đang chuẩn bị những bước quan trọng để chào đón chú voi con ra đời.
Voi nhà mang thai sau 30 năm
Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, tình trạng voi nhà của tỉnh suy giảm nghiêm trọng, từ 502 con vào năm 1980, đến nay chỉ còn 44 con voi nhà, trong đó có 19 con voi đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản.
Voi suy giảm vì nhiều nguyên nhân như: xung đột với voi rừng, phục vụ du lịch quá sức, tuổi già…
Voi Ba Nang đang ở trong những tháng cuối của thai kỳ (ảnh V.T)
Việc suốt 30 năm không có voi nhà sinh sản và voi chết dần dẫn đến việc voi nhà đứng trước nguy cơ có thể tuyệt chủng.
Năm 2016, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã triển khai và được cấp kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk”, trong đó, chú trọng việc lấy mẫu máu voi cái để xác định chu kỳ động dục và thời gian rụng trứng rồi thông báo cho chủ voi biết, triển khai ghép cặp với voi đực giao phối để nâng cao khả năng đậu thai.
Sau một thời gian nghiên cứu, thông tin hết sức vui mừng cho công tác bảo tồn là voi cái Ban Nang (38 tuổi) ở Buôn M’Liệng (huyện Lắk) của chủ voi Y Mứ Bkrông đã mang thai.
Ngay sau khi mang thai, voi Ban Nang đã được dừng mọi công việc phục vụ du lịch, được tháo cởi bành to trên lưng.
Trung tâm bảo tồn voi đã phối hợp với Tổ chức Động vật Châu Á(AAF) cử bác sỹ thú y, các chuyên gia khám, tư vấn, chăm sóc, dương thai cho “nàng” voi.
Dự kiến voi Ban Nang sẽ sinh voi con vào cuối tháng 9 này và sẽ được sinh theo phương pháp tự nhiên.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho voi Ban Nang sinh con, Trung tâm bảo tồn voi đã chọn khu rừng thuộc khu 1341 (Ban quản lý Rừng Lịch sử – Văn hóa – Môi trường hồ Lắk quản lý), đây là khu rừng nằm cách xa khu dân cư có khí hậu ôn hòa với những hồ nước mát mẻ thuận tiện cho voi nghỉ dưỡng.
Video đang HOT
Thuê “bảo mẫu” chăm sóc voi
Trước nhu cầu tự nhiên của voi là sinh nở sẽ có sự hỗ trợ của đồng loại nên Trung tâm bảo tồn voi đã tìm hiểu về nguồn gốc của voi Ban Nang. Các nài voi địa phương cho biết, ngay từ bé voi Ban Nang đã mất mẹ và được voi cái H’Băn (55 tuổi) chăm sóc. Chính vì vậy cả 2 con voi đã rất thân thiết với nhau, cho đến khi voi Ban Nang trưởng thành thì voi H’Băn chuyển qua nơi khác sinh sống.
Qua đó, Trung tâm đã trao đổi với chủ voi H’Băn và “mạnh tay” chi 10 triệu đồng/tháng để thuê voi H’Băn (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) về làm “bảo mẫu” cho voi Ban Nang sắp sinh con.
Để chuẩn bị cho voi sinh con, voi cái được thuê hẳn một “bảo mẫu” (ảnh V.T)
Từ tháng 7/2017, voi H’Băn về sống chung với Ba Nang, 2 con voi quấn quýt nhau không rời sau một thời gian dài xa cách. Cả 2 cùng ăn, cùng tắm, cùng vượt sông…
Các cán bộ của Trung tâm bảo tồn voi cùng chủ của các con voi theo dõi mọi hoạt động của voi nhằm có những phương án hỗ trợ tốt nhất cho “bà bầu” Ban Nang.
Ngày 29/8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung tâm bảo tôn voi Đắk Lắk đã đại diện trao số tiền 171 triệu đồng cho ông Y Mứ Bkrông – chủ voi cái Ban Nang nhằm hỗ trợ cho các chủ voi yên tâm chăm sóc voi nhà sinh sản, góp phần vào công tác bảo tồn voi.
Chủ voi Y Mứ Bkrông được hỗ trợ 171 triệu đồng khi có voi nhà mang thai
Ông Vũ Văn Đông – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk – cho biết: “Sự kiện voi nhà sắp sinh sản sau 30 năm là một tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo tồn voi của tỉnh nhà. Sở đã làm việc với Trung tâm bảo tồn voi và liên hệ với các chuyên gia thuộc Tổ chức Động vật Châu Á để chăm sóc voi cái Ban Nang nhất là trong thời điểm voi sắp sinh. Những thành quả bước đầu cho kết quả tốt nhưng sẽ vẫn phải theo dõi chặt chẽ quá trình sinh sản vì voi cái đang mang thai tuổi đã cao”.
Thúy Diễm
Theo Dantri
24 triệu USD thành lập khu bảo tồn voi ở Quảng Nam
Sau khi đàn voi 7 con được phát hiện ở Quảng Nam, Chính phủ Mỹ phối hợp cùng địa phương thành lập khu bảo tồn voi tại đây.
Ngày 7/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngài Ted Osius đã đến trụ sở xã Phước Ninh (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để cùng Bộ Nông nghiệp và chính quyền sở tại thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi.
Người dân tận thấy đàn voi 7 con
Khu bảo tồn voi có diện tích gần 19.000 ha, nằm trên địa phận hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, do kiểm lâm Quảng Nam quản lý, sẽ bảo vệ sinh cảnh cho một trong những quần thể cuối cùng của loài voi châu Á đang nguy cấp tại Quảng Nam.
Voi xuất hiện ở huyện Nông Sơn đã từ lâu. Năm 2011, hai bộ xương voi được phát hiện tại xã Quế Lâm. Nhiều lần người dân tận thấy đàn voi, hoặc phát hiện dấu chân voi, vết cây bị quật ngã. Nạn săn bắt, buôn bán trái phép ngà voi khiến nhiều voi đực đã bị giết hại.
Đàn voi xuất hiện ở Quảng Nam hồi tháng 1 vừa qua được kiểm lâm ghi hình.
Năm 2015, Tổng cục Lâm nghiệp lựa chọn Quảng Nam nằm trong vùng dự án "khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam". Đoàn chuyên gia được cử đến phối hợp với kiểm lâm địa phương khảo sát voi trên địa bàn, ghi nhận ở Quế Lâm có đàn voi 6 đến 7 con có đầy đủ voi đực, cái, nhỡ và voi con.
Tháng cuối tháng 1 và tháng 7 vừa qua, đàn voi gồm 6 con lớn và một voi con xuất hiện ở bìa rừng xã Quế Lâm. Trên đường đi, đàn voi dẫm vỡ một số ống dẫn nước từ núi về khu dân cư. Chúng dừng lại ở ven suối Khe Dứa, Khe Cắt giáp ranh giữa xã Quế Lâm và Phước Ninh để uống nước.
Người dân địa phương được kiểm lâm thông báo việc đàn voi xuất hiện, đồng thời khuyến cáo ít đi lại, không được ngủ qua đêm trong các chòi canh nương rẫy, đề phòng xung đột với đàn voi và bị tấn công. Bên Khe lớn (một nhánh của sông Thu Bồn) đàn voi thỏa thê tắm mát, phơi nắng.
"Người dân lại gần cách đàn voi khoảng 50 mét nên dễ dàng quan sát. Mỗi khi voi về bên bờ suối, nó phát ra tiếng kêu lớn nghe như còi xe tải", anh Phúc, nhà cạnh Khe Lớn nói và cho biết nơi ở chính của voi là khu rừng nguyên sinh cách bờ suối chỉ khoảng 2km.
Voi châu Á được xếp vào loại EN - nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới, loại CR - cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB - loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 32 của Chính phủ.
Lo được sinh kế, người dân sẽ là người bảo vệ rừng
Đại sứ Ted cho biết, mục đích của Chính phủ Mỹ khi tham gia dự án là cải thiện sinh kế cho người dân. Cách tốt nhất bảo tồn được đa dạng sinh học ở Quế Lâm và Phước Ninh là 20 nghìn người dân địa phương có được việc làm.
Đoàn Đại sứ quán Mỹ và chính quyền Quảng Nam trực tiếp khảo sát nơi có voi ở. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Điều quan trọng là làm sao để tất cả mọi người cùng hiểu và tham gia vào công tác bảo tồn. Tôi thực sự mong một ngày nào đó tôi sẽ mang những đứa trẻ nhà tôi đến đây, và chúng sẽ thấy được câu chuyện bảo tồn voi ở Quảng Nam tốt như thế nào", ông Ted nói.
Theo đại sứ, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) sẽ hỗ trợ 24 triệu USD (tương đương hơn 540 tỷ đồng). Nếu kêu gọi được thêm các nhà đầu tư tư nhân thì nguồn hỗ trợ sẽ còn được tăng lên, vì Quảng Nam là địa phương quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích nguồn lực .
"Có voi xuất hiện thì rất mừng, nhưng cũng rất lo", ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, nói. Khi báo chí tuyên truyền việc voi về làng, được rộng rãi nhân dân để ý nhưng cũng lo lâm tặc sẽ tìm đến săn bắn, chính quyền sở tại phải cắt cử nhiều đoàn đi bảo vệ.
Khi hỏi huyện sẽ tạo sinh kế cho người dân như thế nào, ông Trung thật thà nói: "Cũng chưa biết tạo cái gì". Trong suy nghĩ hiện giờ của vị chủ tịch huyện, là làm cách nào đó để giao đất lại cho dân sản xuất dưới tán rừng. Ông kiến nghị giao rừng cho dân quản lý, trả chi phí cho dân. "Chính người dân mới là những người bảo vệ rừng thực sự", ông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cho biết địa phương đang có 4 khu bảo tồn, với hơn 140 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó có bảo tồn Sâm Ngọc Linh, sao la, voi... "Đây là một trong những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam khi đánh giá được sự cần thiết phải bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn được các loài động vật quý hiếm", ông nói.
"Trách nhiệm của chính quyền địa phương và kiểm lâm là phải tuyên truyền cho người dân hiểu được trách nhiệm phải bảo vệ đàn voi, bằng cách nào đó để vừa chung sống hòa bình với voi nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến đời sống thường ngày của bà con", ông nói thêm.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ngài Ted Osius băng qua con suối nơi đàn voi 7 con từng xuất hiện. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sau lễ công bố thành lập Khu bảo tồn voi, đại sứ Ted Osius đã cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam băng rừng để lắng nghe tâm tư của những người dân xã Quế Lâm từng trực tiếp bắt gặp đàn voi. Ngài đại sứ không ngần ngại xắn quần băng qua con suối nơi đàn voi lui về uống nước, hay đi men theo con đường mòn để quan sát khu rừng voi sinh sống.
Trước lúc chào tạm biệt, ngài đại sứ cài lên áo vợ chồng ông Bảy Công ở thôn Cấm La (xã Quế Lâm) biểu tượng hai lá cờ Mỹ và Việt Nam được gắn liền với nhau. "Đây là biểu tượng cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ", ông nói bằng tiếng Việt và nở nụ cười.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Hàng rào điện bảo vệ voi vận hành như thế nào? Điện trên hàng rào được phát đi theo hình thức phát - tắt trong thời gian chỉ 1/3 giây nên khi con người hay voi đụng vào sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Ngày 3/8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, hàng rào điện, hạng mục quan trọng của Dự án khẩn cấp bảo tồn voi trên địa bàn...