‘Chạy nước rút’ vì mạng sống của hàng triệu người
Kể từ năm 2000 đến nay, khoảng 66 triệu người mắc bệnh lao trên toàn cầu đã được cứu sống nhờ những nỗ lực chống lại một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, được ví như “kẻ giết người thầm lặng” này.
Bệnh lao là bệnh do vi khuẩn có hại gây ra. Vi khuẩn này thường lây nhiễm sang phổi khiến bệnh nặng thêm. Ảnh: livescience.com
Nhưng hiện mỗi ngày vẫn có gần 30.000 người mắc bệnh và hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược những tiến bộ toàn cầu trong cuộc chiến chống bệnh lao, theo đó kêu gọi thế giới cần “chạy nước rút”, tăng cường đầu tư để tiến tới chấm dứt hoàn toàn căn bệnh này, cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao.
Deo là một nhân viên y tế người Bhutan và làm việc cho Hiệp hội Bác sĩ châu Á (AMDA) ở Nepal. Anh được chẩn đoán mắc bệnh lao tiềm ẩn trong một cuộc kiểm tra sức khỏe khi nhập cảnh vào Mỹ năm 2012. Tuy nhiên, nhờ phát hiện sớm nên không những Deo không bị phát bệnh lao mà còn loại bỏ được hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh sau vài tháng điều trị.
Tương tự Deo, chị Natalie, sinh sống ở bang Tennessee, Mỹ, không may mắc bệnh lao đa kháng thuốc khi tham gia một chương trình tình nguyện tại Nam Phi. Chị cũng đã khỏi bệnh và không còn bị mọi người “xa lánh” sau 2 năm điều trị dù không đáp ứng tới 7 loại thuốc khác nhau.
Cả anh Deo và chị Natalie cùng hàng chục triệu người khác đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của bệnh lao trong hai thập niên qua, chứng tỏ bệnh lao không hề đáng sợ như tưởng tượng và hoàn toàn có thể điều trị nếu kịp thời phát hiện. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến những người đã có bệnh nền, nhất là những bệnh nhân lao, khiến những tiến bộ đạt được nhiều năm qua trong cuộc chiến chấm dứt căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi này bị thụt lùi.
Trong hai năm qua, thế giới đã tập trung sự chú ý vào COVID-19, một căn bệnh truyền nhiễm cũng liên quan đến đường hô hấp khác, gián tiếp ảnh hưởng tới công tác điều trị các bệnh khác, trong đó có lao phổi, khiến số ca mắc và tử vong vì bệnh lao gia tăng. Ở những khu vực có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao, nguồn lực dành cho căn bệnh này vốn đã khan hiếm lại càng gặp khó khăn hơn khi ngành y tế sở tại phải chuyển sang ứng phó với đại dịch COVID-19, làm giảm các dịch vụ xét nghiệm, thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lao, ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân lao.
Theo số liệu của WHO, năm 2020, ước tính khoảng 63% trẻ em dưới 15 tuổi mắc lao không được tiếp cận hoặc không được ghi nhận chính thức là đã tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Gần 67% trẻ dưới 5 tuổi đủ điều kiện không được điều trị dự phòng lao. Trong khi đó, số liệu của WHO cho thấy lần đầu tiên trong hơn một thập niên qua, số ca mắc và tử vong hằng năm do lao phổi đã bắt đầu tăng lên. Năm 2020, toàn cầu có 1,5 triệu người chết vì bệnh lao, tăng 200.000 người so với con số năm 2012, trong khi số ca bệnh mới tăng khoảng 1,4 triệu người, từ mức 8,6 triệu người năm 2012 lên gần 10 triệu người năm 2020. Riêng khu vực châu Mỹ, số ca tử vong vì bệnh lao trong năm 2020 đã tăng 3.000 so với năm trước đó.
Những số liệu trên cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 đối với nỗ lực kiểm soát bệnh lao toàn cầu là rất thảm khốc, kéo lùi thế giới tới vài năm trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người thầm lặng”, khiến toàn cầu có nguy cơ bỏ lỡ những mục tiêu trong Chiến lược Chấm dứt bệnh lao của WHO vào năm 2030. Bà Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Phòng chống lao toàn cầu của WHO, cho biết số ca tử vong vì bệnh lao đã tăng lần đầu tiên vào năm 2020 sau hơn 1 thập niên và tình hình “tiếp tục có vẻ ảm đạm”.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, tổng số tiền mà toàn cầu đã chi cho công tác ứng phó với bệnh lao trong năm 2020 cũng đã giảm xuống 5,3 tỷ USD, so với mức 5,8 tỷ USD của năm trước đó, chưa được một nửa số tiền (13 tỷ USD) mà các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đạt được vào năm 2022 này. Không chỉ thiếu kinh phí, thế giới cũng đang có nguy cơ không đạt được những mục tiêu khác được đặt ra cách đây 4 năm tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) về bệnh lao (UNHLM) khi thời hạn chót đang đến gần là tháng 12/2022, trong đó có những cam kết về quyền và giới, nghiên cứu và phát triển, chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho trẻ em cũng như bệnh lao kháng thuốc ở cả người lớn và trẻ em.
Giới chuyên gia cho rằng nếu không đủ nguồn lực tài chính, thế giới không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại bệnh lao và đẩy lùi tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Do đó, WHO đã lấy chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3/2022 là “Đầu tư để chấm dứt bệnh lao. Cứu sống những sinh mạng”, qua đó báo động nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường đầu tư để đẩy mạnh cuộc chiến chống lại bệnh lao, cũng như đạt được các cam kết hướng tới loại trừ căn bệnh chết người này mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra. Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi duy trì và mở rộng những dịch vụ thiết yếu về bệnh lao kể cả trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19, đồng thời đầu tư vào phát triển những công cụ cải tiến nhằm ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, đặc biệt là bào chế các loại vaccine mới phòng lao. Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, WHO kêu gọi hành động toàn cầu từ cá nhân đến cộng đồng, doanh nghiệp, chính phủ, xã hội, trong đó lấy người dân làm trung tâm để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng các biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị bệnh lao, phù hợp với mục tiêu “Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân” của WHO.
Với chủ đề trên, Liên minh Các đối tác phòng, chống lao toàn cầu (Stop TB Partnership) và các đối tác cũng kêu gọi thế giới cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại bệnh lao, mọi đầu tư đều hướng đến một mục đích chung là “cứu sống sinh mạng”. Stop TB Partnership cũng đã ban hành các tài liệu bằng 6 ngôn ngữ khác nhau để nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động toàn cầu nhằm bảo đảm rằng nỗ lực chấm dứt bệnh lao nhận được sự quan tâm khẩn cấp.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thực hiện các biện pháp can thiệp sớm nhằm ngăn chặn bệnh lao là một trong những cách thức tiết kiệm chi phí hiệu quả nhất trong tất cả các can thiệp y tế – cứ 1 USD đầu tư vào phòng ngừa bệnh lao sẽ nhận lại 43 USD. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định những khoản đầu tư cho nỗ lực phòng ngừa bệnh lao mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các quốc gia và các nhà tài trợ, khi giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe và tăng năng suất lao động.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Năm nay, Việt Nam lấy chủ đề “Giảm thiểu tác động của COVID-19 -Tập trung nguồn lực -Tăng cường phát hiện bệnh lao”cho Ngày Thế giới phòng, chống lao. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để Việt Nam giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
WHO cho rằng bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu thế giới, chỉ sau dịch bệnh COVID-19. Giới chuyên gia đánh giá tình hình có thể còn trầm trọng hơn nhiều nếu thế giới không có sự quan tâm đúng mực đối với bệnh lao. Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ này có thể được thay đổi, WHO khẳng định đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác chẩn đoán, dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc bệnh nhân lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu sinh mạng mỗi năm, đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán bệnh lao.
Khai quật mộ phần thiếu nữ 19 tuổi, thứ tìm được bên trong khiến cô bị buộc tội giết hàng loạt người thân 'từ cõi chết'
Khi các thành viên trong gia đình Mercy Brown lần lượt qua đời, mọi người trong thị trấn đã đổ hết lỗi lầm cho cô bất chấp sự thật rằng cô đã chết từ nhiều tháng trước.
Năm 1892, bệnh lao trở thành "kẻ giết người hàng loạt", lấy đi mạng sống của nhiều người Mỹ. Thời điểm đó, trình độ y khoa hạn chế vẫn chưa tìm được thuốc chữa hoặc các phương pháp điều trị hữu hiệu cho người mắc bệnh lao, thậm chí người ta còn không đặt được tên cho căn bệnh này. Các bác sĩ thường chỉ khuyên bệnh nhân nên ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ và tập thể dục thường xuyên. Tất nhiên, "phương pháp trị bệnh" ấy không hữu dụng mấy, bằng chứng là người mắc bệnh lao có khả năng không qua khỏi lên đến 80%.
Căn bệnh này chính là lời giải thích hợp lý nhất cho một vài cái chết khó hiểu xảy ra tại thị trấn nhỏ Exeter, Rhode Island, Mỹ, vào cuối thế kỷ 19. Khi đó, người dân địa phương đã truyền tai nhau lời đồn về cô gái Mercy Brown, nói rằng cô là ma cà rồng, khiến người nhà xuất hiện các triệu chứng của bệnh lao rồi lần lượt chết đi. Mọi người không hề quan tâm đến chuyện bản thân Mercy Brown cũng đã qua đời vì căn bệnh này.
Mọi chuyện bắt đầu khi một người nông dân George Brown mất đi người vợ thân yêu, Mary Eliza, vì bệnh lao vào năm 1884. 2 năm sau, con gái lớn của ông cũng xuất hiện triệu chứng bệnh tương tự mẹ rồi qua đời. Trong quá khứ, gia đình người đàn ông này đã hứng chịu nhiều bi kịch chết chóc tương tự, điều này khiến người dân địa phương không khỏi nghi ngờ.
Được biết, trước đó, mọi người trong gia đình ông George Brown đều có sức khỏe tốt cho đến năm 1891, con trai Edwin của ông đột ngột đổ bệnh nặng. Anh được đưa đến thành phố Colorado Springs, Colorado, để điều trị với hy vọng môi trường sống khác biệt sẽ giúp cải thiện tình hình sức khỏe. l năm sau, khi trở về quê nhà, bệnh tình của Edwin lại trở nặng.
Cùng năm đó, em gái ủa Edwin, Mercy Lena Brown, chết vì bệnh lao khi chỉ mới 19 tuổi. Tình trạng của Edwin cũng ngày một tồi tệ khiến gia đình nhà họ Brown rơi vào hố sâu tuyệt vọng.
Chân dung Mercy Brown.
Trong lúc đó, người dân thị trấn thay phiên nhau kể cho ông George Brown một câu chuyện dân gian xưa cũ đầy mê tín. Chuyện kể rằng một số người chết đã hút sinh khí của người còn sống để giúp duy trì thịt tươi trên cơ thể của họ và thậm chí cả máu. Không chỉ vậy, đối tượng bị hút sinh khí đa số là người nhà của người chết.
" Ban đầu, ông Brown không hề tin vào câu chuyện dân gian kia cho đến khi bác sĩ Harold Metcalf chỉ đạo công tác khai quật thi thể của vợ và 2 con gái của ông lên" - báo chí thời đó cho hay.
Sáng ngày 17/3/1892, một bác sĩ và một số người dân địa phương đã có mặt tại mộ phần của 3 người phụ nữ trong gia đình Brown để tiến hành khai quật kiểm tra thi thể của họ. Họ tìm thấy hài cốt tại nơi chôn cất vợ và con gái lớn của ông George Brown.
Tuy nhiên, người ta lại phát hiện điều kỳ lạ ở dưới mộ của Mercy Brown, người đã qua đời được 9 tuần. Trông cô không giống người đã chết vì chỉ nằm đó như đang ngủ, thi thể không có dấu hiệu phân hủy. Ngoài ra, máu còn được tìm thấy trong tim và gan của thiếu nữ 19 tuổi. Tất cả những chi tiết này tình cờ trùng khớp với những gì được kể lại trong câu chuyện dân gian kia, khiến mọi người tin rằng Mercy Brown chính là ma cà rồng âm thầm đoạt mạng từng người trong gia đình mình.
Điều gì đã xảy ra sau khi Mercy Brown qua đời?
Bác sĩ đã cố gắng giải thích cho mọi người hiểu rằng việc thi thể Mercy Brown được bảo quản tốt không hề bất thường. Cô được chôn chất trong mùa đông lạnh lẽo và nhiệt độ thấp đã giúp làm chậm lại quá trình phân hủy. Bất chấp giải thích khoa học, người dân địa phương mê tín vẫn yêu cầu lấy tim và gan ra khỏi cơ thể của Mercy Brown, đốt chúng đi trước khi chôn cất cô lại. Vì muốn cứu con trai Edwin, ông George Brown không còn cách nào khác là làm theo lời mọi người nói.
Sau đó, phần tro được trộn với nước để cho Edwin uống. Đáng tiếc, tất cả những nỗ lực ấy đều không thể cứu Edwin thoát khỏi cái chết. Anh qua đời 2 tháng sau đó.
Dù Mercy Brown chỉ sống trên đời này vỏn vẹn 19 năm nhưng nhờ câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác mà đến nay, người ta vẫn nhớ đến cô với biệt danh "Ma cà rồng cuối cùng".
Ngày nay, nhiều du khách vẫn ghé thăm khu mộ của Mercy Brown, họ thường để lại những món quà lưu niệm như đồ trang sức và răng ma cà rồng bằng nhựa. Tất nhiên, tất cả những chuyện này không hề xảy ra vào cuối thế kỷ 19 khi mà con người vẫn còn rất sợ hãi "ma cà rồng".
Mặc dù nhà khoa học người Đức Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao vào năm 1882, lý thuyết về căn bệnh này chỉ bắt đầu có giá trị một thập kỷ sau đó khi sự lây lan được nghiên cứu và hiểu rõ hơn. Nhờ đó mà tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm dần và phương pháp điều trị ra đời. Khi đó, mọi người mới tự tin lên án kẻ từng đổ hết lỗi lầm lên đầu Mercy Brown, nhưng lúc đó thì những con người mê tín ấy đã sớm qua đời, chẳng còn có thể tự bảo vệ quan điểm của mình được nữa.
Co-Founder chuỗi mỳ cay nổi tiếng Việt Nam: Mẹ bị lao bán tạp hoá nuôi gia đình, bản thân từng đi làm sống chết mong trả hết nợ Đằng sau quyết tâm làm giàu của ai cũng đều có nguyên nhân riêng, và chàng "doanh nhân" trẻ này không phải ngoại lệ. Khán giả có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh một nam diễn viên Quốc Trường lịch lãm trên phim ảnh mà không biết rằng ngoài đời, anh còn là một doanh nhân, một "tổng tài" thực thụ....