Cháy nắng ở Tây Ninh, mê đắm bánh canh Trảng Bàng
Thường được biết đến là vùng đất khô cằn chỉ có nắng và gió, nhưng Tây Ninh lại có nhiều điểm đến hấp dẫn và món ăn ngon sẵn sàng làm say lòng bất kỳ du khách nào.
Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, giáp ranh với nước bạn Campuchia. Vùng đất này có địa hình độc đáo trải dài từ thấp lên cao vừa mang nét đặc trưng của đồng bằng nhưng cũng mang đặc điểm của một cao nguyên. khí hậu ở đây được chia làm hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Vào mùa khô, Tây Ninh nóng nung người với ánh nắng chói chan, nhưng đến mùa mưa vùng đất này lại đón những cơn mưa kéo dài không dứt.
Hoàng hôn tuyệt đẹp ở Tây Ninh, phía xa xa là ngọn núi Bà Đen hùng vĩ.
Tuy không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng Tây Ninh vẫn hấp dẫn du khách nhờ những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng. Trong tâm thức của nhiều người, Tây Ninh là vùng đất tâm linh, lịch sử nổi tiếng với địa danh núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài, Căn cứ Trung ương cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng… Nơi đây còn được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng; muối tôm hay đặc sản côn trùng….
Một số điểm tham quan bạn không nên bỏ qua khi đến Tây Ninh
1. Núi Bà Đen
Có chiều cao 986 m so với mực nước biển, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất ở miền Nam. Đây là vùng đất linh thiêng, là điểm tham quan mà du khách luôn muốn ghé thăm khi đến Tây Ninh. Để đi lên núi, du khách sẽ đi bằng hệ thống cáp treo, từ trên cao, bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh ngọn núi hùng vĩ nên thơ cùng vùng đồng bằng rộng lớn bên dưới chân núi. Lên đến đỉnh núi, du khách tha hồ khám phá và thăm quan các điểm nổi tiếng như Chùa Phật, Động Thanh Long, Động Huyền Môn, Động Kim Quang, Hang Gió, Tháp Tổ…
Đây là thánh địa của đạo Cao Đài, tòa thánh Tây Ninh nằm cách trung tâm thành phố khoảng hơn 5 km về hướng Đông. Tòa thánh này được xây dựng từ năm 1936 trên một vùng đất rộng hơn 1 km 2 với khuôn viên xung quanh là những rừng cao su bạt ngàn. Mặt tiền tòa thánh hướng về phía Tây với hai lầu tháp cao hai bên, một bên là lầu chuông và một bên là lầu trống. Hàng năm, tòa thánh Tây Ninh đón hàng nghìn lượt tín đồ và du khách đến tham quan vẻ nguy nga, tráng lệ của mình.
Video đang HOT
Tòa thánh Tây Ninh không chỉ là một thánh đường tôn giáo, đây còn là địa điểm tham quan thu hút rât đông du khách hằng năm.
3. Căn cứ Trung ương cục Miền Nam
Cách thành phố Tây Ninh khoảng 60 km thuộc huyện biên giới Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), căn cứ Trung ương cục Miền Nam là ‘thủ đô kháng chiến’ của cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, địa danh này trở thành điểm đến lý tưởng là địa chỉ đỏ cho các chuyến du lịch về nguồn dành cho du khách.
4. Hồ Dầu Tiếng
Hồ Dầu Tiếng cách thị xã Tây Ninh khoảng 20km, đây là hồ nhân tạo lớn hàng thứ ba trên cả nước chỉ sau hồ thủy điện Hòa Bình và Thác Bà. Đến đây, du khách có thể đi thuyền tận hưởng một khung cảnh bao la rộng lớn của lòng hồ và khám phá cuộc sống đầy thú vị của các ngư dân trên hồ. Đặc biệt, sau khi thỏa thích tham quan, khám phá cảnh đẹp ở hồ, du khách còn được thưởng thức rất nhiền món ăn ngon được chế biến từ các loại thủy sản phong phú của hồ nước rộng lớn này.
Ngoài những địa danh kể trên, Tây Ninh còn hớp hồn du khách với danh thắng thung lũng Ma Thiên Lãnh, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, di tích lịch sử Tua Hai, tháp cổ Bình Thạnh….
Thưởng thức các món đặc sản
1. Bánh canh Trảng Bàng
Đây là món đặc sản đáng tự hào của người dân Tây Ninh, là món ăn mà hầu như du khách nào khi đến đây đều muốn được thưởng thức. Thoạt nhìn qua, thành phần món ăn này khá đơn giản, nó chỉ bao gồm thịt nạc và móng giò. Tuy nhiên, sự tinh tế, sức hấp dẫn của món ăn ẩn chứa bên trong các nguyên liệu mà chỉ khi nếm thử thì người ăn mới có thể cảm nhận được. Để rồi khi đã ăn thử một lần, du khách sẽ còn nhớ mãi hương vị thơm ngon, thanh ngọt của món ăn dân dã này.
Bánh canh Trảng Bàng là món ăn đã được bình chọn vào danh sách 50 món đặc sản của Việt Nam.
2. Bánh tráng phơi sương
Có nguyên liệu và cách chế biến gần giống với bánh tráng của các địa phương khác. Tuy nhiên, nhờ quá trình biến tấu sau khi phơi khô của người dân ở đây đã làm nên nét đặc trưng riêng cho món bánh bình dân này. Để có những chiếc bánh mềm dẻo, người dân phải trải qua nhiều công đoạn khá cầu kỳ như sau khi phơi khô, bánh được nướng chín hai mặt. Khi trời có sương vào đêm khuya, bánh được mang ra phơi mềm rồi đem vào trước khi mặt trời lên. Từ những chiếc bánh mềm dẻo đó, người dân Tây Ninh đã chế biến nên nhiều món ăn ngon như bánh tránh cuốn thịt luộc, cuốn cá lóc nướng với vô số loại rau rừng thơm ngon…
3. Muối tôm
Đây là một đặc sản nổi tiếng có phần nghịch lý của Tây Ninh khi mà ở vùng đất không có biển, thiếu cả muối lẫn tôm mà lại nổi tiếng với đặc sản là muối tôm. Tuy nhiên, đó là một bí quyết, một niềm tự hào của người dân Tây Ninh. Trong đời sống của người dân Tây Ninh, muối tôm trở thành một thức chấm quen thuộc cho các loại trái cây như: xoài, ổi… nó còn là gia vị chính làm nên món bánh tráng trộn thơm ngon của tuổi học trò. Không chỉ có vậy, muối tôm là một mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn làm quà tặng cho người thân khi đến đây.
4. Đặc sản côn trùng
Ngoài những món ăn kể trên, vùng đất này còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon chế biến từ côn trùng như món dế cơm rang; bò cạp núi, dông đất; nhộng ong rừng, ốc núi bà… mà chỉ có những du khách can đảm mới dám một lần thưởng thức thử.
Hu Pa
Ảnh: Cường Đào
Theo VNE
Bánh canh Trảng Bàng hấp dẫn khách phương xa
Chỉ là một món bình dân, nhưng bánh canh Trảng Bàng luôn khiến thực khách phải nhớ lâu nếu từng một lần thưởng thức, đặc biệt ở Tây Ninh.
Nằm ở biên giới Tây Nam của tổ quốc, vùng đất Tây Ninh với thời tiết khô cằn, nắng nóng quanh năm đã trở thành thương hiệu. Không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng mảnh đất này vẫn có được những đặc sản mà chỉ nhắc đến thôi, thực khách đã phải chép miệng thèm thuồng. Những món ăn như bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc, bánh canh Trảng Bàng hay muối tôm đều được du khách tìm thử khi đến Tây Ninh hoặc mua về làm quà.
Bánh canh Trảng Bàng là món ăn đã được bình chọn vào danh sách 50 món đặc sản của Việt Nam. Ảnh: Huấn Phan.
Khác với bánh tráng phơi sương hay muối tôm đã hình thành nên những làng nghề truyền thống, món bánh canh vốn dĩ xuất thân chỉ từ một gánh hàng rong trên các con đường ở thị trấn Trảng Bàng từ xa xưa. Để rồi cùng với thời gian, món ăn đó đã chinh phục được thực khách và nhanh chóng trở thành một món ăn đặc sản gắn liền với thương hiệu Trảng Bàng (nơi xuất xứ của món ăn này) nổi tiếng như hiện nay.
Hình thức món ăn không có gì đặc biệt, cũng với sợi bánh canh, thịt nạc heo và nước dùng. Tuy nhiên, sự tinh tế, sức hấp dẫn của món ăn ẩn chứa bên trong các nguyên liệu mà chỉ khi nếm thử thì người ăn mới có thể cảm nhận được.
Đĩa rau sống tươi ngon cùng chén nước chấm có vị chua nhẹ giúp cho món ăn này trở nên tròn vị hơn. Ảnh: Huấn Phan.
Theo những người bán món ăn này, ngày xưa người ta làm sợi bánh từ các loại gạo của người Khmer như gạo bằng phệt, gạo móng chim... Những loại gạo này tuy nấu cơm không ngon, cứng và khô nhưng lại thích hợp để làm sợi bánh vì chúng không quá mềm hay bở. Ngày nay, các loại gạo này đã không còn vì chúng cho năng suất thấp, thay vào đó, các hộ làm nghề ở đây thường sử dụng gạo nàng Thơm, nàng Miện... Nhưng cho dù sử dụng loại gạo nào đi nữa, sợi bánh cũng phải đảm bảo tiêu chí mềm, không cứng, không quá dai nhưng cũng không quá bở, khi chế nước vào không bị nở to như các loại bánh canh khác.
Sợi bánh đã chuẩn bị công phu, nước dùng còn đòi hỏi sự tỉ mỉ nhiều hơn nữa. Người ta sử dụng hoàn toàn xương ống heo để ninh nước dùng, thời gian ninh phải đủ để nước dùng có vị ngọt, nhưng cũng không quá lâu tránh làm nước dùng sắc lại và bị đục. Chính nhờ sự tỉ mỉ đó nên nước dùng của món ăn này luôn trong vắt, không có màng mỡ nhưng lại có vị ngọt dịu dễ chịu.
Món ăn ngon miệng, lành tính nên không ngạc nhiên khi nó được bán từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Ảnh: Huấn Phan.
Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản, nó chỉ bao gồm thịt nạc và móng giò. Tùy vào ý thích mà thực khách có thể chọn thịt nạc, giò, móng hoặc một bát đặc biệt với đầy đủ các nguyên liệu bên trong. Bánh canh Trảng Bàng luôn có một đĩa rau sống tươi ngon dành cho thực khách, tùy vào quán mà đĩa rau có thể là xà lách, húng quế hoặc quế vị, ngò rí... Một thành phần cuối cùng làm cho món ăn này trở nên hoàn hảo là chén nước chấm có vị chua nhẹ, khi nó vừa giúp món ăn trở nên đậm đà vừa xua đi cảm giác ngấy cho người ăn.
Nếu có dịp đến Tây Ninh, bạn đừng quên ghé lại một quán ven đường để thưởng thức món ăn nổi tiếng này. Ở Sài Gòn, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một bát bánh canh Trảng Bàng nóng hổi trong các quán Hoàng Ty hay các quán đặc sản Trảng Bàng.
Theo VNE
Tiến cử 5 đặc sản Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa tiến hành đề cử xác lập kỷ lục châu Á đối với 5 đặc sản: Chả mực Hạ Long, Chả cá Lã Vọng Hà Nội, Bún cá rô đồng Hải Dương, Bánh canh Trảng Bàng, Bánh cóng Sóc Trăng. Hiện Tổ chức kỷ lục Việt Nam đang tiến hành bổ sung thêm tài liệu, hồ sơ,...