Chạy hộ khẩu để lấy điểm ưu tiên?
Nhiều chuyên gia cùng đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên trong kỳ tuyển sinh 2016.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên cộng điểm ưu tiên cho học sinh khi xét tốt nghiệp, còn đối với tuyển sinh đại học cần có sự công bằng và không nên cộng thêm điểm ưu tiên.
Ý kiến khác nói nên giảm tối đa vùng, đối tượng, mức điểm ưu tiên.
“Điểm ưu tiên là điều rất cần thiết vì một vài vùng có điều kiện giáo dục và học tập khó khăn. Nhưng điểm ưu tiên như Bộ GD&ĐT đưa ra có vẻ chưa hợp lý. Điểm ưu tiên giữa các vùng cũng chênh lệch quá nhiều” – bạn đọc Khánh Anh nêu quan điểm.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Không ít trường hợp “chạy” hộ khẩu để lấy điểm ưu tiên
Theo tiến sĩ (TS) Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường Đai học Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, việc cộng điểm ưu tiên còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Văn Quang – Phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM- nhận định điểm ưu tiên khu vực chênh nhau 0.5 điểm là quá lớn.
Theo các chuyên gia, thang điểm mới của Bộ GD&ĐT rất chi li, chỉ cần chênh lệch 0.1 điểm trong các bài thi trắc nghiệm, làm tròn lên là đã có thể quyết định đậu hay rớt.
Vì thế, việc cộng điểm ưu tiến lên tới 3, thậm chí 4 điểm là không hợp lý. Nên rút ngắn khoảng cách cộng điểm giữa các đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên, có thể hạ điểm chênh lệch từ 0.5 điểm xuống còn 0.25 điểm.
“Điểm ưu tiên hiện nay là quá cao so với thang điểm của Bộ GD&ĐT. Đó mới chính là điểm bất cập khiến các thí sinh bức xúc chứ không phải là việc ai được cộng điểm ưu tiên, ai không được cộng điểm ưu tiên”, ông Quang nói.
Bàn thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định cần phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể.
“Chúng ta cần phải nhìn vào số lượng thí sinh ở những khu vực khó khăn cũng như điểm thi trung bình của các thí sinh này trong những năm trước, từ đó mới đánh giá được là có nên giảm điểm ưu tiên hay không và giảm bao nhiêu.
Bên cạnh đó cũng cần có ý kiến của nhiều bộ ngành, đặc biệt là ủy ban dân tộc, những nơi có thể đánh giá được tình hình thực tế của những đối tượng hiện nay vẫn đang được ưu tiên và cần được ưu tiên” – TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.
Một điều bất cập khác theo phân tích của TS Lê Chí Thông đó là việc xét điểm ưu tiên theo hộ khẩu.
Video đang HOT
TS Lê Chí Thông cho rằng chỉ nên xét điểm ưu tiên theo trường THPT bởi vì hộ khẩu cũng không thể chứng minh được là học sinh đó học ở vùng đó.
Hơn nữa lại hạn chế được việc chạy hộ khẩu để được cộng điểm ưu tiên.
Cũng không thể không cộng điểm ưu tiên
“Từ năm 2015 hệ thống thang điểm đã chi tiết hóa và còn tính đến 0.25 điểm trong điểm cho từng môn, điểm tổng cả 3 môn và điểm chuẩn.
Trong 5 năm gần đây, khoảng cách giữa thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều nhất với thí sinh không được cộng điểm ưu tiên là 3.5 điểm.
Việc thu hẹp khoảng cách ưu tiên cần phải được tính toán kỹ”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, không thể bỏ việc cộng điểm ưu tiên cho các học sinh ở những vùng khó khăn vì sự chênh lệch về điều kiện và chất lượng giáo dục giữa thành phố và các vùng này còn khá cao.
“Cần tạo điều kiện để các học sinh ở những vùng miền khó khăn tiếp cận với giáo dục đại học, từ đó xóa dần sự cách biệt giữa các vùng miền trong tuyển sinh. Vấn đề ở đây là phải cộng như thế nào cho hợp lý” – PGS Văn Như Cương nói.
“Vẫn phải cộng điểm ưu tiên vì học sinh được học ở điều kiện tốt hơn thì điểm cao hơn là chuyện đương nhiên. Trong tương lai, nếu điều kiện học tập giữa các vùng khác giảm đi sự chênh lệch thì chúng ta có thể tính đến các phương án khác” – TS Lê Chí Thông nêu quan điểm.
Đồng tình, TS Nguyễn Đức Nghĩa đánh giá chính việc ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng mới tạo sự công bằng chứ không phải mọi người đều tính cùng mức ưu tiên.
“Chúng ta vẫn phải trân trọng những người có công với đất nước, chúng ta vẫn phải lưu ý tới sự phát triển đồng bộ của các vùng miền. Chính sách ưu tiên trong cơ chế thi tuyển cũng phải kết hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội để làm sao cho công bằng”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu quan điểm.
Không thể bắt thí sinh về lại địa phương làm việc
Nhiều ý kiến cho rằng nên có những hình thức ràng buộc đối với các học sinh được cộng điểm ưu tiên như phải quay về địa phương làm việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng phương án này là không khả thi.
Theo PGS Văn Như Cương, học sinh chỉ được cộng điểm ưu tiên chứ không được hỗ trợ học phí thì cũng không thể buộc họ phải quay trở về địa phương làm việc.
PGS Văn Như Cương đề xuất nên có những lớp học riêng dành cho những học sinh thuộc diện ưu tiên này, tùy thuộc theo từng vùng miền để nâng cao trình độ so với những thí sinh có điều kiện học tập tốt.
Ông Nguyễn Văn Quang cho rằng, sau khi tốt nghiệp, nhiều thí sinh có thể có ý định học thêm hay đi du học, việc bắt họ phải về địa phương làm việc là không hợp lý.
“Nếu buộc các thí sinh được cộng điểm ưu tiên sau khi tốt nghiệp phải về lại địa phương để phục vụ thì liệu rằng cơ sở kinh tế của địa phương đó có đủ sức, đủ công ty, xí nghiệp để tiếp nhận các thí sinh này trở về hay không?” – TS Nguyễn Đức Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo Võ Hương – An Nhiên – Mai Nguyễn/Tuổi Trẻ
Nhiều đề nghị điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh 2016
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách ưu tiên trong tuyển sinh để tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh.
* PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội): Cần đánh giá sức học của sinh viên diện ưu tiên và không ưu tiên.
Việc giảm điểm chuẩn cho các em ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, là một hướng nhân văn. Tuy nhiên, cũng từ góc nhìn này, tôi thấy nếu ưu tiên để thí sinh được nhập học nhưng các em không có thực lực, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo thì không phải giúp mà làm hại các em. Bởi vậy, khi đưa ra mức ưu tiên hay nói chính xác là mức giảm điểm chuẩn, cũng cần cân nhắc tới yếu tố này.
Muốn vậy, trước khi đưa ra quy định cần phải dựa vào dữ liệu trong vài năm gần nhất, so sánh tương quan kết quả học tập giữa những sinh viên được vào trường nhờ ưu tiên và sinh viên không được ưu tiên (khu vực 3). Nếu kết quả học tập của sinh viên vào trường theo diện ưu tiên quá thấp so với sinh viên khu vực 3 thì cũng cần phải xem xét lại mức điểm ưu tiên (mức giảm điểm chuẩn).
Nhiều thí sinh trúng tuyển vào ĐH Y dược TP HCM nhờ được cộng điểm ưu tiên. Trong ảnh: thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường này năm 2015. Ảnh: Tuổi Trẻ.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên theo khu vực.
Số liệu từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho thấy, trong số 4.611 thí sinh trúng tuyển năm 2015 có 2.941 thí sinh trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên, chiếm tỷ lệ 64%; trong đó ưu tiên theo đối tượng chỉ có 26 thí sinh, còn ưu tiên khu vực có đến 2.884 thí sinh! Trong số 26 em có 20 em vừa đối tượng vừa khu vực.
Tôi đề xuất chỉ điều chỉnh chính sách ưu tiên theo khu vực. Vùng Tây Nam bộ vẫn là vùng trũng về giáo dục, nên cần tăng số lượng các tỉnh vùng Tây Nam bộ, như một số huyện biên giới với Campuchia của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang...
Nên bỏ chính sách ưu tiên cho các vùng bãi ngang ven biển, vì các vùng này phần lớn người dân đánh cá khá giàu. Đồng thời giảm thang điểm ưu tiên còn 1/2 so với trước, tức khu vực 1 còn 0,75 thay vì 1,5 điểm.
* TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM): Nên ưu tiên khu vực cho các trường địa phương.
Tôi chỉ muốn đề cập đến ưu tiên khu vực. Thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực là ở vùng nông thôn, xã khó khăn về điều kiện học tập, cả đội ngũ giáo viên cũng thiệt thòi so với khu vực có điều kiện, việc hưởng ưu tiên là xứng đáng.
Theo tôi, để cân bằng và bù đắp sự thiếu thốn của các em học sinh ở khu vực khó khăn (ưu tiên khu vực) thì chỉ nên ưu tiên xét vào các trường ĐH, CĐ của địa phương nằm trong khu vực đó, để các trường này có điều kiện đón nhận các em có kết quả khá tốt, sau này các em phục vụ phát triển địa phương, góp phần cân đối kinh tế - xã hội vùng miền.
* TS Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM: Nên để các trường quyết định.
Chính sách ưu tiên khi áp dụng phải là sự khuyến khích, hỗ trợ cho những thí sinh thiệt thòi. Thực tế sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền ở VN hiện nay không quá lớn.
Hiện chính sách cộng điểm đối tượng cho thí sinh dân tộc ít người là khá rộng. Năm 2015, quy chế đã có sự điều chỉnh về việc này, hiện vẫn có những thí sinh dân tộc ít người nhưng sống ở các thành phố lớn vẫn được hưởng ưu tiên là chưa hợp lý.
Chính sách ưu tiên khu vực cũng chưa phản ánh đúng, vì cùng khu vực đó vẫn có những người có điều kiện sống, học tập không thua gì người ở thành phố. Bộ GD&ĐT chỉ cần đưa ra khoảng điểm ưu tiên (0,25 - 0,5 điểm chẳng hạn), còn điểm ưu tiên khu vực phải do các trường ĐH, CĐ quyết định, để thu hút thành phần người học cần thiết, tăng quyền tự chủ cho các trường.
* TS Lê Chí Thông - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP HCM): Cần giảm khoảng cách điểm ưu tiên khu vực.
Để công bằng đối với tất cả thí sinh, bỏ việc ưu tiên khu vực theo hộ khẩu là hợp lý. Thực tế cho thấy, hộ khẩu không nói lên được thật sự thí sinh sống ở khu vực có điều kiện như thế nào. Nếu căn cứ vào trường THPT thí sinh theo học ba năm học THPT để tính điểm ưu tiên sẽ hợp lý hơn.
Còn việc xác định địa phương nào là khu vực 1, khu vực 2 - nông thôn, khu vực 2... cũng cần công bố tiêu chí rõ ràng, để đạt mục tiêu ưu tiên cho thí sinh vùng khó khăn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần giảm khoảng cách điểm giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 điểm. Những năm trước điểm thi vào trường chúng tôi phổ điểm kéo dài từ 19 đến 27 điểm. Khi đó, việc cộng 1-2 điểm ưu tiên là không chênh lệch lớn. Nhưng khi thí sinh biết điểm trước rồi mới đăng ký xét tuyển thì phổ điểm thu hẹp lại.
Trong khi điểm ưu tiên cao nhất đến 3,5 điểm là quá lớn. Năm 2015, điểm số không làm tròn (tính đến 0,25), vì vậy mức chênh lệch giữa các khu vực cũng nên điều chỉnh lại, cách nhau 0,25 điểm để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
* PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT): Quy định ưu tiên sẽ giữ ổn định như năm 2015
Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, về cơ bản chính sách ưu tiên khu vực, đối tượng vẫn giữ ổn định như năm 2015. Khi xây dựng dự thảo quy chế thi và tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi căn cứ vào đề nghị của Ủy ban Dân tộc và việc phân tích dữ liệu tuyển sinh của ba năm gần đây.
Theo dữ liệu đã phân tích, nếu như không cộng điểm ưu tiên, đúng là tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên sàn ở khu vực 1, 2 giảm hẳn. Còn nếu cộng điểm ưu tiên thì tỉ lệ đạt trên sàn ở các vùng khó khăn tương đương với các khu vực thành thị (khu vực 3). Nếu không cộng điểm ưu tiên, nguồn tuyển từ các vùng khó khăn hơn sẽ sụt giảm rõ.
Trong khi đó, đứng ở khía cạnh đảm bảo công bằng giữa thí sinh tại vùng có điều kiện học tập và vùng không có điều kiện học tập, việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực là cần thiết.
Năm 2015, có hiện tượng một số ngành "nóng" tập trung nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Về việc này, chúng tôi sẽ cân nhắc đề xuất điều chỉnh. Và để tránh tình trạng thí sinh nhầm lẫn khi kê khai diện ưu tiên đối tượng, khu vực, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ công bố cụ thể, rõ ràng hơn về việc này.
Theo Trần Huỳnh - Vĩnh Hà/Tuổi Trẻ
Những lưu ý giúp đạt điểm cao kỳ thi THPT quốc gia Từ những đánh giá về đề thi THPT quốc gia 2015, thí sinh có thể rút kinh nghiệm cho kỳ thi sắp tới. Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi năm nay, về cơ bản, giữ ổn định như năm ngoái. 2015 là năm đầu tiên đề thi THPT quốc gia đáp ứng 2 mục tiêu thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ....