Châu Âu dùng drone của Trung Quốc để kiểm soát dịch bất chấp lo ngại của Mỹ
Thiết bị bay không người lái ( drone) của hãng công nghệ Trung Quốc DJI đã được nhiều nước châu Âu sử dụng để thực hiện biện pháp đối phó với dịch Covid-19.
Drone của DJI được cảnh sát Pháp sử dụng tại thành phố Nice
Trong khi Mỹ quyết loại bỏ drone do DJI Techonology sản xuất ra khỏi phi đội của mình vì lo ngại chúng ẩn chứa mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chính quyền các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lại không ngừng nắm lấy thiết bị này để giải quyết thách thức của dịch Covid-19. Theo Nikkei, cảnh sát tại Nice (Pháp) và Brussels (Bỉ) đang dùng drone được trang bị loa để phát đi các thông báo về quy định cách ly tại nhà. Ngoài ra, họ còn dùng drone có gắn máy ảnh để giám sát việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Cảnh sát Ý cũng triển khai drone có máy ảnh để kiểm soát hoạt động trên đường phố của người dân. Trong khi đó, chính quyền Tây Ban Nha dùng drone cho công tác phun thuốc khử trùng ở Cordoba cũng như các thành phố khác trong nước.
Các nhà phân phối của DJI tại EU đang nỗ lực thuyết phục cơ quan chính phủ mua drone để phục vụ cho việc lấy thông số đo nhiệt độ cơ thể, hoặc để mang các mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giống như cách Trung Quốc đã áp dụng để đối phó đại dịch. “Có rất nhiều ví dụ ở châu Âu cho thấy cách drone đang được sử dụng để đảm bảo các quy định giãn cách xã hội được thực hiện. Chúng tôi đã thấy nhiều drone của DJI làm nhiệm vụ này”, Barbara Stelzner, phát ngôn viên của DJI ở Frankfurt (Đức), nói.
Mặc dù bà Stelzner từ chối cung cấp số liệu bán hàng, nhưng theo ước tính của các nhà phân tích DJI kiểm soát hơn hai phần ba thị trường drone toàn cầu. Năm ngoái, DJI đã kiếm được 361,8 triệu USD tiền bán drone ở thị trường châu Âu, dự kiến con số này sẽ tăng lên 544,5 triệu USD trong năm nay, theo số liệu của Statista. DJI được kỹ sư người Trung Quốc Uông Thao thành lập năm 2006 khi ông đang học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông. Với thiết kế sáng tạo và chi phí thấp, DJI đã thu hút một lượng lớn người dùng quan tâm đến việc dùng drone để chụp ảnh, quay video hoặc đơn giản chỉ để chơi. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc) hiện được định giá ở mức 15 tỉ USD, theo hãng nghiên cứu vốn mạo hiểm CB Insights.
Song, dù đạt được thành công nhất định, nhưng DJI lại bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo dõi chặt chẽ vì lo ngại các chuyển động hoặc ghi âm của drone do hãng này sản xuất có thể bị cơ quan an ninh Trung Quốc truy cập. Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, ông Trump đang chuẩn bị một lệnh hành pháp cấm các cơ quan liên bang mua hoặc dùng drone từ các công ty nước ngoài, mặc cho DJI tiến hành nhiều biện pháp giải quyết quan ngại của Mỹ. Tháng 10.2019, Bộ Nội vụ Mỹ đã ngưng sử dụng hầu hết drone mua từ DJI, theo sau một động thái trước đó của Quân đội Mỹ.
Không giống với chính quyền Washington, các nhà chức trách châu Âu cho đến nay vẫn không mấy do dự khi dùng drone của DJI cho các nhiệm vụ chính thức. Theo Rebecca Arcesati, chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Mercator về các vấn đề Trung Quốc tại Berlin (Đức), các nhà hoạch định chính sách và cả người dân trong khu vực đều tỏ ra ít quan tâm đến việc các hãng công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và bảo mật thông tin, chuyển dữ liệu thu thập được cho chính phủ Bắc Kinh, ngoại trừ trường hợp của Huawei Technologies.
Phương Anh
Dùng drone cảnh báo Covid-19
Nhiều quốc gia sử dụng máy bay không người lái (drone) để cảnh báo người dân không tụ tập đông người, giữ khoảng cách nhằm tránh lây lan Covid-19.
Theo Business Insider, một số drone đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Nice - thành phố lớn thứ 5 của Pháp - từ ngày 19/3. Những thiết bị này sẽ được gắn thêm loa để cảnh báo người dân tuân thủ các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Trên một số con đường, người dân đã nghe nhiều thông điệp phát đi với âm lượng lớn, như "Đừng ra đường trừ khi gặp tình huống khẩn cấp", "Hãy tôn trọng khoảng cách an toàn"...
Một drone được cảnh sát Nice dùng thông báo cho người dân.
Drone 06, công ty cung cấp thiết bị không người lái cho chính quyền Nice, cho biết ngoài chức năng thông báo, drone sẽ thu thập hình ảnh thông qua camera gắn kèm. Mỗi máy nặng 800 gram và đường kính 30cm, theo Le Parisien.
Thị trưởng thành phố Nice, Christian Estrosi, cho biết số lượng máy bay không người lái được triển khai hiện quá "mỏng" và sẽ tăng cường thời gian tới, đồng thời tăng tần suất thông báo.
Theo Nice Matin, sau Nice, chính quyền dự kiến sẽ triển khai drone để cảnh báo người dân ở những khu vực khác. Hiện các bãi biển khu vực Nice đã bị hạn chế. "Chúng tôi thậm chí đang xem xét các biện pháp giới nghiêm", Estrosi khẳng định.
Tây Ban Nha hôm 16/3 cũng sử dụng drone để cảnh báo người dân nên ở trong nhà thay vì ra đường để hạn chế sự lây nhiễm Covid-19, theo BBC. Một số video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát Tây Ban Nha đã dùng drone có gắn loa, yêu cầu mọi người nên rời các khu vực công cộng và trở về nhà. Việc triển khai được thực hiện sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 13/3.
Việc sử dụng drone cũng khá phổ biến tại Trung Quốc trong thời gian bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, cách làm của nước này mạnh tay hơn, khi hệ thống còn được trang bị thêm cảm biến nhận diện khuôn mặt kể cả khi mang khẩu trang, cũng như máy đo thân nhiệt, cho phép phát hiện người nghi nhiễm nCoV giữa đám đông.
Ngoài ra, drone cũng được Trung Quốc và Hàn Quốc dùng phun thuốc khử trùng tại một số khu vực không thể tiếp cận bằng con người.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng các phương pháp kiểm dịch bằng drone nhìn chung còn hạn chế và chi phí thực hiện cao. Thực tế, drone thương mại có thể gắn các thiết bị khác lên với giá hàng chục nghìn USD, nhưng chỉ có thể vận hành thời gian ngắn (khoảng 20 phút) trước khi cạn pin.
Bảo Lâm
Mỹ cấm drone Trung Quốc Các nhà chức trách Mỹ dự định cho khoảng 1.000 drone dân sự có nguồn gốc Trung Quốc "nghỉ hưu" do lo ngại về nguy cơ gián điệp. Khi ngọn núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào hồi tháng 5/2018, các nhà khoa học Mỹ đã dùng máy bay không người lái (drone) để cứu một người đàn ông thoát khỏi dung nham....