Châu Á giới thiệu hàng loạt công nghệ y tế tại CES 2021
Sản phẩm công nghệ y tế như thiết bị đeo có khả năng theo dõi tình trạng sức khỏe của người dùng từng là xu hướng được đón nhận mạnh mẽ trước khi đại dịch xuất hiện.
Khẩu trang thông minh của Air Pocket và robot khử trùng của UBTech (phải) được trưng bày tại sự kiện CES 2021
Khi dịch Covid-19 không ngừng diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều công ty châu Á mong muốn chứng minh cách công nghệ có thể giúp người dùng quản lý cuộc sống dễ dàng hơn thông qua các sản phẩm được giới thiệu tại CES 2021 (Mỹ).
Và tại CES, sự kiện triển lãm công nghệ và điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, được tổ chức trực tuyến trong tuần này, các công ty khởi nghiệp công nghệ đã đưa khái niệm “công nghệ y tế” tiến thêm một bước xa hơn bằng cách giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới với mục đích trợ giúp cuộc sống của người dùng dưới cái bóng Covid-19.
Video đang HOT
Theo Nikkei, công ty khởi nghiệp Nhật Bản Wota đã trình làng Wosh, một loại máy di động sử dụng cảm biến và trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc và phân phối nước sạch cho việc rửa tay. Vì không cần kết nối với nguồn nước, Wosh có thể được đặt ở lối vào của các nhà hàng, siêu thị và công viên giải trí. Thông thường, trạm rửa tay sẽ đi kèm với bồn chứa nước vốn cần phải được thay thế thường xuyên và thủ công, dẫn đến chi phí bảo trì cao và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong khi đó, Wosh có kích thước nhỏ hơn, chỉ gần bằng một cái thùng và nặng khoảng 80 kg. Mỗi chiếc có giá khoảng 14.400 USD.
Sản phẩm đã đạt 4.000 đơn đặt hàng tại Nhật Bản kể từ khi ra mắt thị trường vào tháng 7.2020 và dự kiến sẽ có mặt tại thị trường Mỹ vào cuối năm nay. Một giám đốc điều hành của Wota cho biết, các sản phẩm trước đây của công ty thường được dùng trong lều tắm di động ở những vùng bị thiên tai, nhưng dịch Covid-19 đã tạo động lực cho Wota nghiên cứu dòng sản phẩm nhỏ gọn hơn.
Cũng tại sự kiện CES năm nay, iWavenology, công ty chuyên về công nghệ IoT dưới sự lãnh đạo của Đại học Đài Loan (NTU), đã giới thiệu một số sản phẩm giúp người dùng duy trì giãn cách xã hội. Đáng chú ý nhất trong số đó là iDistance, một thiết bị thẻ đeo quanh cổ, sử dụng tín hiệu băng thông cực rộng để phát hiện vị trí. Nó sẽ sáng lên hoặc gửi cảnh báo nếu khoảng cách giữa hai thiết bị vi phạm quy định về khoảng cách được đưa ra trước đó.
Giáo sư Shau-Gang Mao, người thành lập iWavenology, nói rằng tín hiệu băng thông siêu rộng có thể đo khoảng cách chính xác hơn Bluetooth, tiêu chuẩn công nghệ truyền thông vốn được dùng trong hầu hết các ứng dụng theo dõi liên lạc. “Đại dịch Covid-19 thay đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Cho dù chúng ta quay lại với công việc, thì chúng ta cũng phải cố gắng giữ khoảng cách an toàn với nhau”, ông Shau-Gang Mao nói. Sản phẩm này hiện được sử dụng tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Đài Bắc, và nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nhà máy ở Mỹ, Anh và Ấn Độ. Mỗi thiết bị có giá thấp nhất khoảng 50 USD.
UBTech Robotics của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi Tencent Holdings, đem đến CES 2021 robot khử trùng Adibot dùng tia cực tím để khử trùng bề mặt. Các mẫu cao cấp hơn được trang bị camera và cảm biến cho phép di chuyển tự động. Adibot có thể được đặt trong lớp học, khách sạn hoặc bệnh viện. Giá cho một mô hình Adibot cố định tại Mỹ là 20.000 USD, còn mô hình có tính năng tự động là 40.000 USD. Có sự khác biệt về giá sản phẩm tùy theo khu vực địa lý.
Mặc dù nhiều sản phẩm nhắm đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp, nhưng cũng không thiếu công ty nhắm đến người tiêu dùng cá nhân. Air Pocket, một liên doanh nội bộ của Samsung Electronics, giới thiệu các nguyên mẫu sản phẩm có khả năng lưu trữ, giải phóng oxy nồng độ cao. Ngoài sản phẩm vừa nêu, Air Pocket còn phát triển một loại khẩu trang thông minh cho phép người dùng điều chỉnh nồng độ oxy. Samsung lý giải, nồng độ oxy trung bình trên Trái đất là 21%, nhưng mức độ này có thể giảm đáng kể trong một số môi trường nhất định, bao gồm cả khi đeo khẩu trang lúc tập thể dục.
CES 2021 hứa hẹn những trải nghiệm độc đáo
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, triển lãm CES năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) thường niên quảng bá các sản phẩm, công nghệ mới nhất và mang tính đột phá đến với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, năm nay, triển lãm điện tử gia dụng và công nghệ thông tin (IT) lớn nhất thế giới này diễn ra từ ngày 11 - 14/1 theo hình thức trực tuyến.
Theo Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng (CTA) - đơn vị tổ chức sự kiện, CES 2021 ước tính thu hút khoảng 1.800 doanh nghiệp tham gia. Định dạng tổ chức dưới hình thức trực tuyến sẽ là một thách thức đối với một trong những sự kiện thương mại lớn nhất thế giới này. Trong những năm trước, sự kiện này diễn ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ), thu hút hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia, từ các công ty khởi nghiệp cho đến các công ty đa quốc gia lớn, với hơn 175.000 người tham quan.
Thay vì mở màn với một ngày truyền thông - thường bao gồm các buổi họp báo tại các hội trường ở Las Vegas, trong ngày khai mạc CES 2021, những đoạn video giới thiệu sản phẩm từ các hãng điện tử lớn, như Hisense (Trung Quốc), LG, Samsung (đều của Hàn Quốc) và Sony (Nhật Bản) sẽ được trình chiếu. Trao đổi với báo giới, ông Gary Shapiro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CTA, cho biết CES 2021 sẽ "giới thiệu những xu hướng và sáng tạo mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, y tế kỹ thuật số, thành phố thông minh, công nghệ xe cộ và hơn thế nữa".
CES 2021 sẽ tận dụng AI để kết nối và tạo thuận lợi giúp khách tham quan và những doanh nghiệp phù hợp "tìm thấy nhau", cũng như cung cấp công cụ để họ có thể thực hiện các cuộc họp hoặc trao đổi trực tuyến. Hơn 300 diễn giả cũng đăng ký tham gia nhiều sự kiện trong khuôn khổ CES với các phiên thảo luận chuyên sâu về các vấn đề như quyền riêng tư và Internet 5G. Các buổi thảo luận này có thể được phát lại ngay lập tức nếu có yêu cầu và vẫn đảm bảo để mọi người dễ dàng tiếp cận cho tới giữa tháng 2.
Khi sàn triển lãm ảo mở cửa trong ngày 12/11, những người tham dự sẽ có thể nhấp chuột vào các gian hàng triển lãm trực tuyến để xem các đoạn giới thiệu và thảo luận. Một số sản phẩm nổi bật sẽ được "trình làng" có thể kể đến gồm xe ô tô điện thể thao của hãng Audi hay một màn hình lớn uốn cong dành cho các game thủ của hãng LG. Ngoài ra, các công ty khác sẽ quảng bá các thiết bị tiện ích phù hợp với mạng không dây 5G vốn đang ngày càng phát triển.
Mặc dù không thể giúp khách tham quan có được những trải nghiệm đầy đủ và thực tế các sản phẩm công nghệ mới như những sự kiện trước đó, nhưng các nhà tổ chức hy vọng sẽ mang lại một loại trải nghiệm mới với hình thức tổ chức trực tuyến này.
Người phát ngôn CTA Jean Foster nêu rõ: "CES là một trong những sự kiện mang tính trải nghiệm cao nhất trên thế giới, nơi những người tham dự thực sự có thể nhìn thấy, chạm vào và trải nghiệm những công nghệ tân tiến nhất. Trong khi chúng tôi không thể tái hiện điều kỳ diệu này ở Las Vegas, chúng tôi có thể mang đến cho khán giả trải nghiệm kỹ thuật số hoàn toàn mới và độc đáo" .
[CES 2021] Razer giới thiệu chiếc khẩu trang N95 siêu ngầu với đèn LED RGB, lọc virus Covid-19 Đây là một concept thiết kế của Razer. Tại triển lãm CES 2021 ngày hôm nay, Razer đã giới thiệu chiếc khẩu trang thông minh nhất thế giới, chiếc khẩu trang N95 có thể tái sử dụng có tên là Project Hazel. Đây là một concept thiết kế của Razer, với lớp vỏ bên ngoài bóng loáng, được làm bằng nhựa tái chế...