Chật vật với học trực tuyến
Câu chuyện chàng sinh viên dân tộc Mông Lầu Mí Xá ở Hà Giang phải ra đường dựng lán dò sóng 4G để học online không phải là độc nhất vô nhị. Không cần nói ở đâu xa, nhiều học sinh, sinh viên ở ngay TP.HCM cũng chật vật khi học online.
Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch học trực tuyến tại quán cà phê khi chưa có yêu cầu cách ly xã hội – Ảnh: ANH KHÔI
Rất nhiều sinh viên ở các trường ĐH như Y dược TP.HCM, Văn Lang, Kinh tế TP.HCM, Hồng Bàng, Ngoại ngữ tin học TP.HCM, Mở TP.HCM… bày tỏ lo ngại về chất lượng dạy học trực tuyến cũng như việc thi cử trong học kỳ này.
Thậm chí không ít sinh viên còn đề nghị dừng dạy trực tuyến, “thà ra trường trễ còn hơn hổng kiến thức”.
Như phim Cô dâu 8 tuổi
Trường ĐH Y dược TP.HCM mới triển khai dạy học trực tuyến chưa lâu. Một số sinh viên cho biết việc học quá nhiều, có môn học liên tục 3-4 tiếng khiến mình bị bão hòa, không thể tiếp thu một bài học nào hoàn chỉnh.
Đó là chưa kể nhiều khi mạng bị rớt, sinh viên bị đẩy ra khỏi lớp học khiến việc tiếp thu bài giảng bị gián đoạn.
Không những vậy, đôi khi mạng quá yếu, giảng viên nói sinh viên không nghe được, màn hình liên tục quay chậm như phim Cô dâu 8 tuổi, lúc có tiếng thì không có hình và ngược lại. Bên cạnh đó, tạp âm thường xuyên chen vào do sinh viên mở mic khiến việc học bị gián đoạn.
Không chỉ các yếu tố kỹ thuật liên quan đến việc học trực tuyến, ngay cả việc bố trí giờ học, số lượng môn học cũng khiến sinh viên khổ sở.
“Ngày nào tôi cũng ngồi trước máy tính từ 7h đến tận 17h, từ thứ hai đến thứ sáu, đuối hơn cả học trên lớp. Tối còn phải làm bài tập của môn học ngày hôm đó.
Có những môn phải học hơn 100 slide cho một buổi, hoặc học hai bài cũng khá dài nên có rất ít thời gian để sinh viên hỏi những thắc mắc cũng như tiếp thu kiến thức. Bài giảng thì chập chờn do mạng…” – một sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nói.
Không chỉ vậy, việc thiếu tài liệu tham khảo còn khiến sinh viên vất vả hơn. Nhiều sinh viên cho biết mình ở tỉnh không thể mua giáo trình, các tiệm photocopy đóng cửa nên không thể photo tài liệu học tập.
“Tôi không theo kịp bài giảng vì không có giáo trình, nghe thao thao bất tuyệt trực tuyến như nước đổ đầu vịt vậy. Học trực tiếp trên trường có giáo trình, có bạn bè trao đổi hẳn hoi còn thấy chưa đủ, huống chi học trực tuyến như vậy.
Tôi mong trường suy nghĩ lại về việc dừng học online. Sinh viên có thể ra trường trễ, nhưng không thể học cho kịp với cái đầu rỗng” – một sinh viên thẳng thắn chia sẻ.
Lo ngại thi online
Cuối tháng 3, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có quyết định về việc sẽ tổ chức thi kết thúc môn bằng hình thức online được áp dụng từ tháng 4-2020 cho các hệ, bậc đào tạo của trường.
Video đang HOT
Có năm hình thức thi online gồm: trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp, tiểu luận có thuyết trình và tiểu luận không thuyết trình.
Trường cũng đưa ra các giải pháp và đơn vị hỗ trợ trong trường hợp sinh viên gặp trục trặc về máy tính, đường truyền, micro, webcam trong quá trình thi.
Tuy nhiên, sinh viên vẫn rất lo lắng với hình thức thi này và kiến nghị trường dừng thi online. “Nhà tôi không có máy tính, mạng thì chập chờn. Tiệm Internet thì đóng cửa mùa dịch. Tôi thi online bằng cách nào?” – sinh viên P.N. băn khoăn.
Cùng ý kiến này, một sinh viên khác cho biết chỉ việc học, thuyết trình online đã gặp đủ chuyện trục trặc, thi online sẽ còn nhiều vấn đề hơn nữa.
Liệu tất cả sinh viên đều có đầy đủ các thiết bị cần cho việc thi online hay không? Có trường cho rằng sinh viên ra tiệm Internet, nhưng trong thời điểm dịch bệnh như thế này liệu tiệm nào mở cho sinh viên không? Mong trường sẽ thay đổi kế hoạch.
Tương tự, một sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đề nghị trường xem xét lại việc thi giữa kỳ và cuối kỳ bằng hình thức online: “Sinh viên học khối ngành sức khỏe liên quan đến tính mạng con người, việc học online chúng tôi rất cố gắng, nhưng kiến thức nhận được chắc chắn không bằng khi được học trực tiếp với thầy cô giảng viên ở trường được.
Là sinh viên năm cuối, tôi luôn trong tâm thế cố gắng để được ra trường đúng hạn với nguồn kiến thức chắc chắn, chứ không lờ mờ như bây giờ. Học online thì cứ tiếp tục, còn thi cử để đến khi nào hết dịch, sinh viên trở lại trường hãy thi”.
Không có tài liệu vì… bản quyền
Nhiều sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết phải học “chay” do không có tài liệu.
Theo các sinh viên, giảng viên nói vì lý do bản quyền nên không thể gửi file sách tham khảo cho sinh viên trong khi cũng không thể photo hay mua nên việc học, tự học cũng như tham khảo tài liệu rất khó khăn.
Chưa có quy định về thi online
PGS.TS Nguyễn Minh Hà – hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM – cho biết chưa có quy định nào về việc thi kết thúc môn học bằng hình thức online. Ngay cả hệ đào tạo trực tuyến của trường cũng dự thi trên lớp, không thi trực tuyến.
Với hệ đào tạo chính quy, trường tổ chức dạy trực tuyến nhưng kéo dài thời gian học của học kỳ 2 hơn một tháng rưỡi so với trước đây.
Sau khi sinh viên trở lại trường, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập trực tiếp cho sinh viên nhằm đảm bảo khối lượng kiến thức theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước khi sinh viên dự thi kết thúc môn.
Không phải ai cũng có máy tính, Internet
Tại TP.HCM, hầu như tất cả các trường từ tiểu học đến THPT đều đã triển khai dạy học từ xa thông qua nhiều hình thức khác nhau như dạy trực tuyến bằng các phần mềm, giảng bài rồi ghi hình lại post trên YouTube, trang web của trường, dạy trên truyền hình…
Dù cho nhà trường dạy bằng hình thức nào thì cũng yêu cầu học sinh phải có máy tính hoặc điện thoại có nối mạng Internet. Nhưng trên thực tế, không phải em nào cũng đáp ứng được điều kiện này.
Em Nguyễn Phương Anh (học sinh lớp 9/7 Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM) học môn tiếng Anh trên truyền hình sáng 25-3 – Ảnh: NH.HÙNG
“Thời gian đầu, cứ đến giờ học là con tôi chạy sang nhà bạn cùng lớp để học ké. Bạn của cháu học trực tuyến bằng điện thoại có nối mạng.
Vì thế, hai đứa cùng dùng chung một màn hình điện thoại để tương tác với giáo viên” – chị Nhung, phụ huynh lớp 10C2 Trường THPT Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết.
Chị kể tiếp: “Thấy học như vậy cực quá, tôi đã xem thời khóa biểu học trực tuyến của con, yêu cầu con tự học hỏi từ bạn để biết cách đăng nhập vào lớp học trực tuyến rồi đưa điện thoại có nối mạng cho con học tập”.
“Quận Tân Bình, TP.HCM có một số học sinh ở nhà thuê cùng với cha mẹ, gia đình không có máy tính và cũng không dùng Internet. Thế nên giáo viên chủ nhiệm phải photo bài rồi gửi ở cổng bảo vệ cho phụ huynh chạy tới lấy” – ông Phan Văn Quang, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, thông tin.
Dĩ nhiên bài photo trên giấy thì rất hạn chế so với bài dạy trực tuyến có tương tác hay bài giảng post sẵn trên mạng.
“Do đó, có thể nói việc dạy học từ xa trong thời điểm này chỉ là giải pháp tình thế vì cơ hội học tập đối với học sinh không đồng đều như nhau” – cô N.T.T.T., giáo viên ở quận Tân Bình, nhận định.
“Học sinh lấy lý do là nhà con không có máy tính nối mạng nên không tham gia học. Có em lại cho biết ba má cho con về quê với ông bà để tránh dịch COVID-19.
Ở quê không có mạng Internet nên không học được. Có em thì nói là ở quê có mạng nhưng rất yếu, không xem được bài…
Nhà trường chỉ có cách yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhắn nhủ, khuyến khích học sinh tham gia học từ xa. Nhưng với những lý do như vậy thì nhà trường đành chịu thua” – ông Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) kể.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Sang (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quang Cơ, quận 12, TP.HCM) phân tích: “Đặc điểm của trường chúng tôi là nằm trong khu vực có đông dân nhập cư.
Trong đó nhiều người làm công nhân, buôn gánh bán bưng. Nhiều phụ huynh bảo ban ngày họ phải đi làm, không ở nhà để mở điện thoại cho con học trực tuyến được.
Giáo viên gửi bài qua Zalo nhờ phụ huynh in ra cho học sinh làm, nhưng phụ huynh nói điện thoại của họ không nối mạng. Thế nên trường chúng tôi chỉ có 60-70% học sinh tham gia học từ xa trong mùa dịch này”.
Hoàng Hương
MINH GIẢNG
Kỳ tích chàng trai cố dựng lán giữa núi rừng bắt sóng 4G học online mùa dịch Covid-19
Lầu Mí Xá (sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia) không quay lại trường sau tết vì dịch Covid-19. Khác với người ở thành thị mạng phủ sóng khắp nên nhưng nhà của chàng trai này giữa núi rừng thì lấy đâu ra mạng. Do đó chàng trai này đã đi tìm chỗ có sóng bằng cách dựng lán để vào được internet mà học online.
Cái lán được Mí Xá dựng lên để tiện cho việc học online giữa mùa dịch - Ảnh: NVCC
Lầu Mí Xá ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cậu hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam.
Mí Xá dự định sẽ quay lại trường tiếp tục học sau kỳ nghỉ Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cậu được nhà trường thông báo nghỉ. Do nhà cậu không có sóng, để nhận được thông báo nghỉ học của nhà trường, cậu phải đi tìm chỗ có sóng để vào được internet.
Mí Xá chia sẻ: "Được nghỉ học bản thân cảm thấy vừa vui, vừa buồn. Vui là bởi được ở nhà nhà phụ giúp thêm bố mẹ, buồn là vì em không chuẩn bị được giáo trình và chỗ quê em không có sóng điện thoại, không có internet nên việc học online rất khó khăn".
Nghỉ học, cậu thường hay về quê phụ giúp gia đình
Những tưởng khó khăn về điều kiện học tập sẽ làm nản chí cậu sinh viên vùng cao, nhưng không, cậu vẫn cố gắng theo đuổi việc học đến cùng. Cậu lấy điện thoại thử đi đoạn đường vào bản vô tình trên màn hình xuất hiện sóng 4G, cậu nghĩ ra cách dựng một cái lán đóng ở chỗ có sóng để tiện cho việc học online.
"Thấy được sóng điện thoại, em quyết định dựng lán gỗ, làm một cái giường rồi che bạt để học. Tối hôm đầu tiên vừa dựng xong rủ hai đứa bạn sang ngủ cùng thì nước mưa rơi xuống đúng ở chăn và người nên bị ướt hết. Chợ bị cấm họp, nên em ra nhà anh rể mang thêm bạt ra che lại, nên giờ em yên tâm, thoải mái học online rồi", Mí Xá vui vẻ.
Bên trong cái lán Mí Xá dựng để học online
Chia sẻ với Thanh Niên, Mí Xá cho hay cậu tự tìm gỗ, bạt và dựng tấm lán từ 8 giờ sáng đến xế chiều để có chỗ phục vụ cho việc học online.
"Giờ học xong sớm thì em về nhà, không thì ngủ lại chiếc lán này cũng được", Mí Xá nói.
Trao đổi với Thanh Niên về nghị lực vượt khó của chàng sinh viên Lầu Mí Xá, cô Lý Kim Bình (Phòng Quản lý Đào tạo và Phát triển nhân lực hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia) cho biết bản thân biết được câu chuyện của Mí Xá qua kênh của một sinh viên khác trong trường.
Cô Bình cho biết Mí Xá học nội trú từ năm 12 tuổi nên tính tự lập rất tốt. Cậu là tấm gương để những bạn sinh viên miền núi, những nơi còn gặp nhiều khó khăn phấn đấu, cố gắng học tập.
Câu chuyện về tấm gương vượt khó của chàng sinh viên vùng cao cũng được cộng đồng mạng quan tâm, bày tỏ sự khâm phục.
Tài khoản Khuat Thu Hong bình luận: "Câu chuyện quá hay. Mình xin hứa sẽ không phàn nàn mỗi khi internet chậm nữa. Dù chậm nhưng vẫn quá xa xỉ đối với những nơi như quê hương của em Lầu Mí Xá. Cảm ơn bài học của em". "Thương em quá! Và cũng vô cùng cảm phục tinh thần vượt khó và ham học của em", tài khoản Mai Hương Nguyễn viết.
Dương Lan
Người học muốn có học bổng hoặc được trả lương khi học thạc sĩ Với sự đa dạng của các chương trình thạc sĩ hiện nay, người học không quá khó để lựa chọn chương trình học phù hợp. Vậy, người học thực sự mong muốn học chương trình thạc sĩ ra sao? Lễ khai giảng và trao bằng chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của một trường ĐH - Đào Ngọc Thạch Câu hỏi này được...