Chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT: Hỏi vội, đáp lòng vòng
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận sáng 24-11 thường xuyên bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc “trả lời thẳng vào”. Có lẽ vì thời gian hạn hẹp, Chủ tịch QH cũng thường xuyên nhắc các ĐB chất vấn ngắn gọn. Do đó, nhiều ĐB đã vội vã nêu cầu hỏi cho kịp giờ.
Từ 8 giờ sáng nay, 24-11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận bắt đầu trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII với các vấn đề “ nóng” thuộc lĩnh vực.
“Mở hàng” ngày chất vấn thứ 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tập trung trả lời về vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được đặt ra với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong lần “đăng đàn” trả lời chất vấn lần đầu tiên trước QH kể từ khi nhậm chức.
Nhiều chất “nóng” được đặt ra với Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Tình trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn thiếu thốn; vấn đề chạy trường, dạy thêm học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập… cũng là các vấn đề “nóng” được các vị đại biểu QH và cử tri cả nước quan tâm trong lĩnh vực mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là “Tư lệnh”.
Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vào buổi sáng thường xuyên bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc “trả lời thẳng vào”. Có lẽ vì thời gian hạn hẹp, Chủ tịch QH cũng thường xuyên nhắc các ĐB chất vấn ngắn gọn. Do đó, nhiều ĐB đã vội vã nêu cầu hỏi cho kịp giờ.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận khuyết điểm vì chưa giải quyết được rốt ráo những kiến nghị của cử tri.
Video đang HOT
Về kết quả thi tốt nghiệp năm rồi tăng cao, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương có kết quả “bất thường” báo cáo. Đến nay, báo cáo từ các địa phương cho thấy “về cơ bản là phù hợp”. Về môn thi lịch sử bị điểm thấp, bộ cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm rõ, tuy nhiên đề thi “không có vấn đề gì”.
Trả lời ĐB Phan Văn Tường về nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH-CĐ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đang tiến hành thanh tra các trường để chấn chỉnh, củng cố, từng bước nâng cao chất lượng. Bộ đã kiểm tra 5 trường và phát hiện nhiều vấn đề. Từ nay đến cuối năm, bộ sẽ kiểm tra khoảng 20 trường nữa.
ĐB Trần Minh Diệu cho rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa qua chưa phản ảnh được thực tế; học sinh học sử không đến mức độ nào, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử rất cao, thì kết quả thi môn lịch sử vừa qua là có vấn đề. Ông Diệu đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT làm rõ vấn đề này. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin ghi nhận”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn sáng 24-11
Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng đào tạo và sử dụng nhân lực còn bất cập, có khoảng cách.
Trả lời ĐB Đào Nguyên Thùy Trang, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng không chỉ ngành khoa học xã hội, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua, ngành nông lâm ngư chỉ có 2,5% số hồ sơ đăng ký dự thi trong khi hơn 70% dân số là nông dân, kiến trúc – xây dựng cũng quan trọng nhưng chỉ có 1,8% hồ sơ đăng ký dự vào. Đây là thực trạng mất cân đối nhu cầu đăng ký học giữa học sinh với nhu cầu thực tế. Hướng sắp tới, Bộ sẽ tăng cường truyền thông, thực hiện hiệu quả hơn công tác phân luồng và nghiên cứu, đề xuất thay đổi một số chính sách với ngành nghề kém hấp dẫn với học sinh.
Về vấn đề trường mầm non cho con em công nhân, Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể giải quyết dứt điểm được, sẽ tiếp thu ý kiến ĐB và báo cáo sau. Về chức danh bảo mẫu, hiện nay các trường chỉ có cô giáo mầm non cáng đáng nhiều công việc khác nhau, vẫn chưa có biên chế về cô giáo bảo mẫu. Bộ sẽ xem xét, tính toán đề xuất thêm chức danh này.
Trả lời ĐB Trương Thị Ánh, Bộ trưởng Luận thừa nhận mức lương hiện nay chưa đáp ứng được đời sống cho giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học. Bộ đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được chấp nhận. Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH để đề xuất tăng tiền lương cho giáo viên.
Nhiều ĐB vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Một số người đề nghị bộ trưởng trả lời thêm những nội dung như: giải pháp đột phá để chấm dứt tình trạng “teo tóp” ngành KHXH, vấn đề thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Các ĐB cũng mong mỏi Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định cụ thể thời điểm nào sẽ chấn chỉnh được tình trạng lạm thu và việc dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhà trường.
Các ĐB theo dõi phiên chất vấn sáng 24-11
Sau giờ giải lao, các đại biểu tiếp tục “xoay” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhiều vấn đề về chất lượng giáo dục đang giảm sút ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thật sự của cán bộ công chức; học sinh VN khi thi quốc tế thì đạt nhiều giải cao nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong công việc ở các doanh nghiệp; bao nhiêu trường ĐH hiện nay đạt chất lượng tương xứng với khu vực…
ĐB Nguyễn Sỹ Cương chất vấn: Nhiều tỉnh chê cử nhân tại chức, điều này phản ánh chất lượng giáo dục trong các trường ngoài công lập vẫn chưa được xã hội quan tâm. Vậy bộ có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết hỏi bộ trưởng có giải pháp nào để nâng cao dân trí ở ĐBSCL – khu vực được xem là an ninh lương thực của cả nước.
ĐB La Ngọc Toán (cho rằng bộ trưởng trả lời chưa giải đáp thỏa đáng. Kết quả thi ĐH thấp, nhiều trường tuyển không đủ. Ông Toán hỏi bộ trưởng nghĩ như thế nào về chất lượng ĐH hiện nay. ĐB Dương Quang Sơn hỏi: “Có cần thiết tồn tại các trường ĐH vùng?”.
Theo ĐB Trần Du Lịch, Bộ trưởng GD-ĐT chưa thừa nhận chất lượng đầu ra ĐH đang thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nếu không nhìn nhận thực trạng thì giáo dục không thể phát triển được. Bộ trưởng có ý tưởng gì, đột phá từ đâu để giải quyết căn bản, toàn diện trên cơ sở mặt bằng giáo dục thấp?…
Sau khi 39 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời một số nhóm vấn đề. Cụ thể, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Tuy nhiên, bộ đang thành lập các ban nghiên cứu về đổi mới toàn diện GD-ĐT, huy động các lực lượng trong và ngoài nước thành lập đề án đổi mới giáo dục. Song song đó, bộ đang chuẩn bị các đề án đổi mới các trường sư phạm, nội dung SGK…
Liên quan vấn đề liên kết đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định hình thức đào tạo tại chức không có lỗi. Đã có nhiều nhà khoa học, giáo dục nổi tiếng của nước ta trưởng thành từ phong trào tự học. Lỗi là do công tác quản lý, triển khai chưa quan tâm chất lượng, chạy theo bằng cấp… Trong thời gian tới, bộ sẽ chấn chỉnh để khắc phục. Tuy nhiên, xã hội cũng cần nhìn nhận vai trò của các lớp đào tạo tại chức ở các địa phương là cần thiết, nhất là vùng sâu,vùng xa, vùng khó khăn.
Mặc dù thời gian dành cho phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã hết nhưng QH tiếp tục dành thêm 30 phút để bộ trưởng trả lời cụ thể các vấn đề.
Về vấn đề một số tỉnh “chê” cử nhân trường công, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định Bộ GD-ĐT chủ trương không phân biệt các trường ngoài công lập và trường công lập, hệ tại chức và hệ tập trung. Các địa phương từ chối cử nhân ngoài công lập là hồi chương cảnh báo để chấn chỉnh kịp thời nâng cao chất lượng đào tạo ngoài công lập, tại chức. Tuy nhiên, các cơ sở tuyển dụng cũng cần xem xét chọn người tại dựa trên năng lực thực tế, chứ không nên chạy theo bằng cấp.
Sau phiên trả lời của bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo QH một số vấn đề về giáo dục Việt Nam hiện nay. Phó Thủ tướng thừa nhận một số hạn chế trong giáo dục hiện nay như chương trình nặng về kiến thức, thiếu giáo dục kỹ năng. Từ 2007-2008, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với cơ quan trong và ngoài nước xây dựng chương trình mới cho giáo dục phổ thông, dự kiến áp dụng sau năm 2015.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết hằng năm, Chính phủ đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục. Tuy nhiên, nhu cầu của ngành hiện nay còn rất lớn. Quá trình phổ cập tiểu học phải mất 25 năm mới hoàn thành, THCS mất 10 năm, chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi có thể phải mất 5 năm. Vì vậy, ông mong các ĐB chia sẻ cho khó khăn của ngành khi nguồn lực chung phải tập trung cho từng giai đoạn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét phiên chất vấn thẳng thắn, phong phú sôi nổi thể hiện sự quan tâm của xã hội với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Giáo dục trong nước thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng như tăng quy mô đào tạo, chất lượng giáo dục đã được chú ý, nhu cầu học tập được đảm bảo ngày càng tốt hơn, đặc biệt tỉ lệ trẻ em đến trường cao… Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn ở vùng “trũng” so với các nước trong khu vực.
Qua phiên chất vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho thấy cần nghiên cứu căn cơ, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo để giáo dục thật sự trở thành quốc sách. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: Cần đổi mới thật sự về quản lý trong phân cấp, mở rộng hệ thống, mạng lưới đào tạo trong và ngoài công lập để bảo đảm chất lượng giáo dục là hàng đầu; tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đặc biệt chú ý đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển đồng đều giữa các vùng; mở rộng hợp tác quốc tế để phát huy nguồn nhân lực trẻ của đất nước…
* Cũng trong hôm nay, tiếp sau Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ “khóa đuôi” ngày chất vấn thứ hai tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII khi trả lời chất vấn trực tiếp trong chiều nay.
Theo NLĐ