Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam- Bài 2: Phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm
Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.
Phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Các chương trình phân loại tại các địa phương mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.
Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN
Kết quả không bền vững
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây, việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn ít và chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư hoặc một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù UBND Thành phố đã đưa ra nhiều quyết định để tổ chức phân loại rác tại nguồn nhưng công tác này chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức do các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại chưa cao.
Thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động là chính, chưa kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại.
Tại Bắc Ninh, năm 2014, tỉnh đã triển khai thí điểm 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh và xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Năm 2018, tỉnh triển khai thí điểm tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bảo, huyện Tiên Du. Mặc dù các mô hình thí điểm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại bất cập như một số hộ gia đình chưa thực hiện tốt phân loại chất thải rắn tại nguồn, giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại chất thải rắn sinh hoạt được phát vào mục đích khác. Chất thải rắn sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà thu gom, vận chuyển chung một phương tiện nên hiệu quả chưa cao.
Video đang HOT
Thành phố Hà Nội cũng thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn từ năm 2007 trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, đồng thời, đưa khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học năm học 2007-2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực phường Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ nhưng kết quả là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội không được duy trì.
Tại khu vực nội thành Hà Nội, hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày đã được thu gom nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.
Hiện, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa các-tông, kim loại được thu gom để bán; chất thải thực phẩm cho chăn nuôi được thực hiện để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới, còn các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn. Việc phân loại mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, hiệu quả chưa cao… Ngoài ra, ở các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đặc biệt, khu vực miền núi thiếu quy hoạch các bãi tập kết chất thải tập trung, không quy định chỗ tập trung chất thải rắn, thiếu người và phương tiện chuyên chở đã hình thành bãi rác tự phát, làm cho tình trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.
Đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2017, tại các địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện 11/11 huyện, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện là 20.132 hộ, số hộ thực hiện đúng quy trình chiếm 58,8%, tiến tới nhân rộng đối tượng thực hiện từ trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, khu công nghiệp, cơ quan hành chính… nhưng hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện do thiếu nguồn lực đồng bộ từ thu gom, vận chuyển và xử lý từng loại chất thải đã phân loại.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, tương đương với tỷ lệ gần 1kg/người, mức tăng khoảng 6-10%/năm, việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Cuối năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với 3 nhóm gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại không bao gồm chất thải nguy hại. Từ tháng 5/2021, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Đồng thời, tùy điều kiện kinh tế- xã hội, công nghệ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai.
Việc phân loại thành 2 nhóm giúp đơn vị thu gom, vận chuyển dễ thực hiện bởi phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, tạo thêm nguồn thu nhập và mang lại giá trị kinh tế, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi-tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, nhằm quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải.
Tại Hà Nội, theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải/năm. Với tỉ lệ thu gom đạt 100% thì đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô khoảng 8.500 tấn/ngày. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường Đô thị Hà Nội đã thực hiện dự án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội” từ tháng 8/2020 nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác của người dân. Công ty đã triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Đống Đa, Ba Đình.
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch đề cập đến việc quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025″, qua đó xây dựng, hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp như hội Nông dân, hội Nghề cá, hiệp hội Du lịch, hội Môi trường…
Bài cuối: Thay đổi, điều chỉnh hành vi theo hướng giảm thiểu chất thải
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt: Nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia
Mặc dù không nhiều như nước thải, chất thải công nghiệp nhưng với số lượng gần 1 triệu công nhân làm việc trong các cụm, khu công nghiệp (KCN) tập trung, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hằng ngày từ các doanh nghiệp (DN) khá lớn và ngày càng gia tăng.
Phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại Công ty TNHH OM Digital Solutions (H.Long Thành). Ảnh: Hoàng Lộc
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh phân loại CTRSH tại nguồn, nhiều DN đã quan tâm và chủ động tham gia phân loại chất thải này. Việc làm này không chỉ giảm chi phí cho xử lý chất thải của DN, mà còn góp phần giảm khối lượng CTRSH, giảm tỷ lệ chôn lấp rác của tỉnh.
* Đầu tư cho phân loại rác thải sinh hoạt
Là DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử, lượng chất thải phát sinh không lớn, nhưng công tác thu gom và xử lý các loại chất thải được Công ty TNHH OM Digital Solutions (H.Long Thành) coi trọng. Bà Bùi Thị Nguyệt, Quản lý công ty cho biết, đối với nước thải, DN xử lý sơ bộ rồi chuyển về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN. Khí thải xử lý bằng hệ thống lọc tại chỗ. Riêng chất thải công nghiệp thông thường và CTRSH, công ty hợp đồng với một đơn vị xử lý chất thải chuyên nghiệp trên địa bàn xử lý.
Theo bà Nguyệt, để tiết giảm lượng chất thải phát sinh, chi phí xử lý CTRSH và công nghiệp thông thường, công ty đã đầu tư kho chứa, thùng đựng rác và thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Việc làm này tốn kém chi phí, thời gian, diện tích đất hơn so với việc hợp đồng với một đơn vị trực tiếp đưa các loại chất thải ra ngoài. Nhưng bù lại, công ty tận dụng được các loại chất thải có thể tái chế, tái sử dụng; đồng hành với tỉnh trong kế hoạch phân loại và giảm CTRSH.
Bà Khổng Thị Thu Trang, đại diện Công ty CP Phát triển KCN Tín Nghĩa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, là đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, DN ý thức được việc phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường để làm gương cho các DN khác. Nước thải sinh hoạt của cán bộ, nhân viên được xử lý thông qua hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại được phân loại ngay ở từng phòng làm việc, lưu trữ, sau đó giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển đi xử lý. "Mặc dù chưa có ràng buộc nhất định về đơn vị thu gom, vận chuyển đối với CTRSH tại các DN trong KCN, tuy nhiên qua thu thập thông tin, hầu hết các DN trong KCN Tam Phước đã và đang thực hiện phân loại CTRSH" - bà Trang cho hay.
Vừa là nhà đầu tư hạ tầng, vừa là DN sản xuất nên tại Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Taffeta Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) phát sinh đủ các loạt chất thải: rắn, khí... Bà Vòng Làn Kiếu, phụ trách kêu gọi đầu tư cho hay, đối với nước thải và khí thải công ty có hệ thống xử lý tại chỗ. Riêng với khoảng 1,5 tấn CTRSH và 2,5 tấn chất thải công nghiệp thông thường, 3 tấn chất thải nguy hại, công ty hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ Sonadezi xử lý chất thải. Quy trình xử lý được giám sát chặt chẽ bởi bộ phận HSE. "Chúng tôi quan tâm đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực. Khi chọn đối tác xử lý chất thải, chúng tôi quan tâm đến việc họ làm gì và làm như thế nào với chất thải. Chất thải càng được tái sử dụng càng giảm ô nhiễm" - bà Kiếu cho hay.
* 16,5% CTRSH được phân loại
Đồng Nai được quy hoạch 38 KCN và 27 cụm công nghiệp. Hiện có 31 KCN, 16 cụm công nghiệp có dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, hạ tầng, giải quyết việc làm, sự phát triển các KCN, cụm công nghiệp cũng gây sức ép lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Đối với nước thải, khí thải, chất thải công nghiệp gần 100% đã được thu gom, xử lý theo quy trình. Riêng với CTRSH, tỷ lệ phân loại còn thấp.
Theo Sở TN-MT, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh hơn 1,8 ngàn tấn CTRSH, trong đó CTRSH tại các KCN, cụm công nghiệp chiếm khoảng 20%. Hiện tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn rất thấp, khoảng 16,5%. Điều này vừa lãng phí nguồn tài nguyên, làm gia tăng khối lượng phát sinh, vừa tốn kém chi phí xử lý, tốn diện tích đất chôn lấp.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, việc triển khai chưa đồng bộ; chính quyền địa phương chưa quan tâm tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức, cơ quan, DN; chưa đồng bộ trang thiết bị, phương tiện và chưa có phương án tổ chức thu gom CTRSH sau phân loại là những hạn chế hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại công tác này đang được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng cho rằng, trước đây nhiều DN chưa quan tâm thực hiện phân loại CTRSH do khối lượng ít hơn so với các loại chất thải khác, chưa có cơ chế buộc DN phải thực hiện. Hiện nay, nhiều DN đã quan tâm và chủ động thực hiện. Theo đó, DN không hợp đồng với 1 đơn vị xử lý tất cả các loại chất thải mà chọn nhà thầu xử lý CTRSH riêng. DN đầu tư thùng chứa, túi ny-lông, khu lưu trữ CTRSH. Nhiều DN yêu cầu được tham gia giám sát quy trình thu gom, xử lý chất thải. "Chúng tôi đang xử lý CTRST cho hơn 50 khách hàng là DN tại các KCN, khối lượng tiếp nhận khoảng 180 ngàn tấn/ngày, 85% CTRSH được tái chế thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Quy trình xử lý chất thải đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Công ty đang tiếp tục đổi mới quy trình, tìm kiếm công nghệ hiện đại để gia tăng công suất xử lý CTRSH và chất thải công nghiệp không nguy hại cho các DN" - ông Dũng cho hay.
Doanh nhân Cấn Tất Lâm: Người tâm huyết với sản phẩm trị nám Gia nhập thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam giữa thời buổi đang cạnh tranh khắc nghiệt nhưng Minh Châu Việt Nam đã dần khẳng định được chỗ đứng, tạo nên thương hiệu uy tín khiến nhiều người trong giới kinh doanh mỹ phẩm bất ngờ. Kinh doanh mỹ phẩm có phẩm là lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên của ông? Điều gì...