Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam – Bài 1: Gia tăng chất thải rắn gây áp lực lớn đến môi trường
Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với sự gia tăng dân số kéo theo lượng chất thải rắn sinh hoạt gia tăng cả về khối lượng và chủng loại.
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập như tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn chưa cao, chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ tái chế còn thấp, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh… đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc ở nhiều địa phương.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN
Bài 1: Gia tăng chất thải rắn gây áp lực lớn đến môi trường
Theo Tổng cục Môi trường ( Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường. Ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm.
Những vấn nạn đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia công bố năm 2020 cho thấy, phân tích thành phần trong chất thải chỉ ra sự thay đổi lối sống của cư dân đô thị, nếu trước đây, chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học trong chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao từ 80-96% thì đến năm 2017 giảm xuống còn 50-70%; thành phần giấy và kim loại trong chất thải rắn sinh hoạt thay đổi tuỳ thuộc vào nguồn phát sinh và có xu hướng tăng dần… Bên cạnh đó, nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỷ lệ thấp thì nay có chiều hướng tăng qua các năm. Ngoài ra, sự gia tăng chất thải nhựa trong thành phần chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn nạn đối với xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam.
Video đang HOT
Số liệu thống kê thành phần chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2009-2017 cho thấy thành phần thực phẩm của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thay đổi theo chiều hướng giảm dần từ 74,3% xuống 59,2%. Trong khi đó, thành phần nhựa tăng từ 5,5% lên 13,9%. Điều này phù hợp với xu hướng tăng tỷ lệ tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam từ 33kg/năm 2010 lên 41kg/năm 2015 vì sự tiện ích và giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, do giá trị kinh tế thấp nên một số loại nhựa thải không được thu mua, tồn tại từ 16-16,4% trong các bãi chôn lấp, 13,7% trong nhà máy compost.
Giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng từ 16-18%/năm. Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, năm 2018, sản lượng sản xuất ngành nhựa tăng 7%, đạt 8,3 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá trị của ngành đạt tới 36%.
Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì đã tạo ra lượng chất thải nhựa hàng ngày, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy chiếm khối lượng khá lớn do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng. Chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng của người dân, sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ nhưng chỉ một phần được thu hồi-tái chế.
Theo một nghiên cứu năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam về hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng 1 lần tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy, Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 10% là chất thải nhựa. Tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2030 trung bình 6%/năm, dân số tăng và mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng cùng với sự tăng trưởng kinh tế kéo theo sự gia tăng chất thải nhựa do tiêu dùng nhiều hơn nên xả thải nhựa dùng một lần nhiều hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra việc thiếu hiểu biết về các nguy hại của nhựa dùng một lần với sức khỏe và làm cản trở việc thực hiện các hành vi tích cực…
Nhiều chương trình được lan tỏa
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Giai đoạn “ô nhiễm trắng” đã trở thành vấn nạn toàn cầu, con người đã nhận ra sự nguy hiểm, bắt đầu thay đổi, có ý thức chống rác thải nhựa. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Sau 2 năm, nhiều hành động cụ thể, nhiều chương trình được lan tỏa, đặc biệt tạo bước chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ký kết chương trình phối hợp công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019-2025, với mục đích đẩy mạnh bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đưa nội dung giáo dục về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy.
Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công-tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được nhiều đơn vị tham gia thực hiện.
Hiện nay, các nhà bán lẻ và siêu thị đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu túi nilon như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Các hãng hàng không Vietjet, Bamboo sẽ đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh, nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
Mặc dù vậy, nhiều nơi, túi nilon hiện vẫn đang được phát miễn phí cho khách hàng. Trước thực tế này, tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch liên quan đến sản phẩm nhựa, điển hình UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững…
UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị-xã hội phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa; không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở, hội nghị, hội thảo và các ngày lễ, ngày kỷ niệm; hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường để thay thế túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, các tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Viện Xã hội học ( Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cần tăng cường vận động chính sách, xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cộng đồng trong việc cùng nhau cam kết giảm thiểu nhựa dùng một lần; lồng ghép hình ảnh, các câu chuyện, hành động, thực hành tốt về giảm thiểu nhựa dùng một lần qua các chương trình giải trí, điện ảnh, sân khấu trên các kênh truyền thông đại chúng; hỗ trợ các nhóm thiện nguyện, các tổ, đội, nhóm phi chính thức trong các hoạt động về bảo vệ môi trường bằng nguồn kinh phí, hoặc thông qua các biện pháp vinh danh.
Các giải pháp khác như xây dựng mô hình thử nghiệm phân loại rác từ nguồn, các biện pháp thưởng-phạt, phân loại, xếp hạng đối với những đơn vị, tổ chức đang lạm dụng sử dụng nhựa dùng một lần; hướng tới xây dựng nhận thức mới trong xã hội về giảm thiểu tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần với phương châm “rác là nguồn tài nguyên”.
Bài 2: Phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm
Cả nước có thêm 33 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đi vào vận hành, tăng thêm 33 nhà máy và khoảng hơn 500.000m3/ngày đêm so với năm 2015.
Theo đó, đối với công tác cấp nước, các địa phương đã cơ bản đạt yêu cầu so với các chỉ tiêu của Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia. Chủ trương xã hội hóa ngành nước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và vận hành các công trình cấp nước. Có trên 95% doanh nghiệp cấp nước hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đến hết năm 2020, cả nước có 750 nhà máy nước sạch đô thị với tổng công suất khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước qua hệ thống nước tập trung đạt khoảng 90%.
Cả nước có thêm 33 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động trong năm 2020 (Ảnh internet).
Về thoát nước và xử lý nước thải (XLNT), các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Một số khu đô thị mới, đô thị mở rộng đã đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng nước mưa và nước thải. Các mô hình về đấu nối, thu gom nước thải đang được nhân rộng đến các địa phương trên cả nước. Nhiều dự án thu gom và xử lý nước thải cũng đang được triển khai có công suất lớn như Nhà máy XLNT Yên Xá (Hà Nội) công suất 270.000m3/ngày đêm; Nhà máy XLNT Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) công suất 480.000m3/ngày đêm; Nhà máy XLNT Bình Hưng giai đoạn 2 (TP Hồ Chí Minh) công suất 328.000m3/ngày đêm...
"Cả nước có 63 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đi vào vận hành với tổng công suất xử lý theo thiết kế gần 1,34 triệu m3/ngày đêm (tăng 33 nhà máy và khoảng hơn 500.000m3/ngày đêm so với năm 2015); phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đạt khoảng 60%, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại các đô thị đạt khoảng 15%" - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho hay.
Ngoài ra, công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cũng được đặc biệt quan tâm, cả nước có 45 cơ sở xử lý tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 8.700 tấn/ngày được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Một số cơ sở xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bố Trạch - Quảng Bình, dự án đốt rác phát điện tại Thới Lai - Cần Thơ... Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, các công nghệ xử lý tiên tiến đang dần được áp dụng phổ biến như sản xuất phân compost; đốt; kết hợp đốt và sản xuất phân compost; đốt rác phát điện và tái chế...
"Để khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, các chương trình, định hướng, chiến lược về quản lý đã được tập trung thực hiện, như: Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp; Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 và Chương trình chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025" - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết thêm.
Chấp thuận xây nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng lớn nhất Nghệ An Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 doanh nghiệp triển khai Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng lớn nhất trên địa bàn với tổng mức dự kiến gần 160 tỷ đồng. Cụ thể, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy...