Chất lượng giáo dục: Lãnh đạo nói tốt, người dân bảo không
TS Lê Thống Nhất băn khoăn rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT có nhiều đánh giá thành tích tuyệt vời, nhưng người dân lại nói không tốt.
Hội thảo Giáo dục 2017 về “Chất lượng giáo dục phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng của giáo dục được mổ xẻ tại hội nghị này.
Giáo dục Việt Nam: Trên bảo tốt, dưới nói không
Phát biểu tại hội nghị, TS Lê Thống Nhất gửi băn khoăn đến lãnh đạo ngành giáo dục và giới truyền thông: “Lãnh đạo Bộ GD&ĐT có quá nhiều đánh giá về thành tích, thành công được coi là tuyệt vời, nhưng dư luận nói không tốt. Ví dụ như mô hình trường học mới VNEN. Vậy khi nào chúng ta có thể đồng nhất được chất lượng, để trên (lãnh đạo Bộ GD&ĐT) và dưới (nhân dân) cùng có ý kiến giống nhau?”.
Hội thảo Giáo dục 2017 về “Chất lượng giáo dục phổ thông”. Ảnh: Quyên Quyên.
Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho rằng, quan điểm trái chiều của phụ huynh và Ngân hàng thế giới về VNEN có thể giải thích từ chất lượng và mục tiêu giáo dục khác nhau. Góc độ Nhà nước thì cho rằng đó là chương trình tốt nhưng phụ huynh lại phản đối.
Cô Huyền Thảo cho hay cô là giáo viên Lịch sử, rất ủng hộ mô hình VNEN vì nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn các phụ huynh phản đối vì lo sợ con em mình điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và đại học.
Vì vậy, nếu phương thức và nội dung thi cử nhắm đến việc đánh giá kỹ năng nhận thức, sáng tạo, kỹ năng mềm… như mục tiêu của VNEN, phụ huynh sẽ không xin cho con em mình thôi học.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên tại TP.HCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quyên Quyên.
TS. Lê Quang Minh (Trung tâm Đào tạo Quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học – ĐHQG TP.HCM) cũng nói đến sự đánh giá khác nhau về chất lượng giáo dục nước nhà. Ví dụ, theo kết quả PISA, Việt Nam xếp thứ hạng cao, thậm chí “vượt mặt” các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đa phần người dân Việt Nam, các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo không tin đó là sự thật.
Theo TS Lê Quang Minh, có sự khác biệt lớn trong quan điểm về “chất lượng giáo dục” giữa nhà nước, địa phương, nhà trường, phụ huynh và giáo viên.
Video đang HOT
Trong khi Nhà nước nhìn nhận chất lượng nằm ở mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, quan điểm toàn diện, các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tỷ lệ đạt chuẩn… thì đối với địa phương, chất lượng phải là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu “được trên giao”.
Các trường lại bị kẹt giữa áp lực giữa Bộ GD&ĐT và địa phương. Đối với nhà trường, chất lượng là đạt chuẩn các kỳ thi quốc gia, chỉ tiêu địa phương đề ra. Phụ huynh lại quan tâm điểm số, thứ hạng và việc con em mình có đỗ đại học không.
Đề xuất xóa cao đẳng hệ sư phạm
Cũng tại hội thảo, ông ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An, đưa đưa ra con số 70% giáo viên đứng lớp không có năng khiếu sư phạm.
Theo ông Đình Anh, dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. Đối chiếu với quan điểm này, giáo viên có năng khiếu sư phạm tỷ lệ rất ít. Trong khi đó, số lượng học sinh phổ thông rất đông.
Không có năng khiếu, giáo viên lại không tích cực rèn luyện dẫn đến năng lực yếu kém.
Bàn về chất lượng giáo viên, TS Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế – cho biết ông quan tâm đặc biệt việc bồi dưỡng chất lượng giáo viên.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quyên Quyên.
Theo TS Hùng, phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. Nội dung bồi dưỡng vừa đáp ứng các yêu cầu chung vừa đáp ứng cụ thể cho từng loại hình giáo viên.
TS Phạm Văn Hùng đề xuất cần dừng đào tạo cao đẳng hệ sư phạm. Với chương chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phong phú và nâng tầm như vậy, chất lượng giáo viên hệ cao đẳng không đảm bảo. Giáo viên dạy tiểu học, THCS phải là những người được đào tạo trình độ đại học. Trong bước quá độ, các trường cao đẳng tập trung đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng dạy mầm non.
Ngoài ra, chúng ta cần khảo sát và phân loại đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ngoại ngữ. Khẩn trương tổ chức đào tạo và cung cấp cho các trường loại hình giáo viên theo chương trình mới (giáo viên dạy tiếng dân tộc, giáo viên tư vấn hướng nghiệp, giáo viên nghệ thuật (dạy ở cấp THPT), giáo viên dạy ngoại ngữ 2.
TS Lê Thống Nhất nêu quan điểm sinh viên sư phạm cần có việc làm sau khi ra trường.
Cụ thể, hệ thống các trường sư phạm sau khi quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT và UBND tỉnh/thành qua sự chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT để lên được nhu cầu cung ứng giáo viên hàng năm của các địa phương. Từ đó, ngành có chiến lược về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như dự kiến phân công công tác cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, hạn chế nạn thất nghiệp cho sinh viên sư phạm.
Theo Zing
Những cảnh báo 'giật mình' tại diễn đàn giáo dục 2017
Bức tranh toàn cảnh giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015 lần đầu được công bố.
Tại diễn đàn giáo dục 2017 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT và UNESCO tổ chức hôm qua 19/9, bức tranh toàn cảnh giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015 lần đầu được công bố.
Quan ngại giáo dục vùng trũng
Trình bày báo cáo phân tích tại diễn đàn, PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu chung toàn quốc, sử dụng một số kết quả nghiên cứu của các dự án có liên quan và các thông tin, dữ liệu thu thập qua nghiên cứu thực tế tại 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Gia Lai và Long An.
Báo cáo phân tích đã chỉ ra kết quả thực hiện một số mục tiêu về tiếp cận giáo dục của chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020. Theo đó, giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Tỷ lệ nhập học chung ở cấp THCS trên toàn quốc có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này với Đồng bằng sông Cửu Long đạt thấp nhất cả nước, thấp hơn Đồng bằng sông Hồng từ 12%-13% mỗi năm học.
"Tỷ lệ nhập học chung thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể do nhiều nguyên nhân như điều kiện đi lại khó khăn, kinh tế cũng khó khăn, phụ huynh phải đi làm xa nên việc quan tâm đến học hành của con còn hạn chế", bà Hà cho hay.
Chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định tới sự thành công của cải cách giáo dục. Ảnh: Hồng Vĩnh/Tiền Phong.
Ở bậc THPT, tỷ lệ nhập học chung của Đồng bằng sông Cửu Long cũng thấp nhất cả nước, chỉ đạt từ 45,65% đến 50,39%. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp THCS và THPT của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đứng cuối bảng cả nước.
Cũng theo báo cáo phân tích, tỷ lệ bỏ học ở bậc phổ thông có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nghiên cứu điển hình tại 3 tỉnh là Hà Nội, Long An và Gia Lai cho thấy số học sinh THPT bỏ học giảm dần với những tỷ lệ khác nhau. Trong đó, tỷ lệ bỏ học của học sinh nữ tại Long An, Gia Lai cao hơn so với cấp tiểu học và THCS.
"Chẳng hạn, khảo sát tại Long An cho thấy tại một trường THPT, tỷ lệ bỏ học lên đến 9,81% trong năm học 2014-2015, tăng hơn 2% so với năm học trước", bà Trần Thị Thái Hà nêu thực tế.
Không những thế, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp Đồng bằng sông Cửu Long cũng đạt thấp nhất ở cả 3 cấp học.
Khó đạt mục tiêu giáo viên THPT trên chuẩn
Bản báo cáo cũng cho thấy, thực trạng quy mô và chất lượng đội ngũ giáo viên: Tính đến năm học 2014-2015, cả nước có khoảng 900.000 giáo viên phổ thông; Trình độ của giáo viên có nhiều chuyển biến tích cực. Số giáo viên đạt trên chuẩn ngày càng tăng ở cả ba cấp học. Ở Tiểu học, năm học 2014-2015, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt gần 84%.
"Đối với tiểu học, quy định hiện tại trình độ tối thiểu là tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên. Do vậy, có thể chúng ta cần nâng mức chuẩn trình độ đào tạo tối thiểu là cao đẳng đối với giáo viên tiểu học", nhóm nghiên cứu đề xuất.
Đối với giáo viên THCS, nhóm nghiên cứu nhận định có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 88% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Nhưng với bậc THPT, trình độ giáo viên đạt trên chuẩn hiện nay mới chiếm tỷ lệ 12%.
Như vậy, so với mục tiêu đặt ra của chiến lược là có 16,6% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên chuẩn là khó đạt được đối với nhiều tỉnh thành phố hiện nay. Hiện tại, quy định chuẩn đào tạo của giáo viên THPT là ĐH, vậy giáo viên có trình độ trên chuẩn là sau ĐH.
Đạo đức nghề nghiệp của giáo viên cũng được nhóm nghiên cứu nhắc tới. "Thực tế cho thấy một bộ phận sinh viên đăng ký học sư phạm là do không phải đóng học phí hoặc do ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô. Có nơi còn thiếu quy hoạch đào tạo giáo viên dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm không có việc làm. Do đó, các trường sư phạm khó tuyển được học sinh giỏi", nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thái Hà nhận định.
Nhóm đã phỏng vấn giáo viên tại 3 tỉnh là Hà Nội, Long An, Gia Lai, cũng cho thấy điều này. Yếu tố đầu vào sư phạm sẽ ảnh hưởng quan trọng đến tính trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó với nghề giáo.
Trong khi đó, sắp tới, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, cần phải quan tâm đến việc nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo. Muốn thế, phải tuyển chọn được những sinh viên có phẩm chất, năng lực phù hợp vào sư phạm.
Trước những tồn tại ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Bộ GD&ĐT. Trong đó, về đội ngũ nhà giáo, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu không đảm bảo được yêu cầu, điều kiện chuẩn hóa, nên xem xét việc điều chỉnh mục tiêu về giáo viên trên chuẩn ở các cấp học.
Mặt khác, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi có sự thay đổi tiêu chuẩn về năng lực đội ngũ giáo viên theo hướng dạy học tích hợp và phân hóa. Do đó, cần xem xét việc nâng cao chuẩn đào tạo thay vì tăng tỷ lệ trên chuẩn của giáo viên.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đặc biệt tới năng lực của giáo viên, yêu cầu giáo viên đạt trình độ nghiệp vụ đáp ứng với đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Tranh luận: Có nên dẹp hội phụ huynh để chống lạm thu? Theo TS Vũ Thu Hương, ban đại diện cha mẹ học sinh đã tạo cơ hội cho lạm thu có đất sống. TS Tùng Lâm cho rằng hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này. Ngày 21/9, ông Võ Quốc Bình có con đang theo học tại trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM cho Zing.vn biết ông...