Chấp hành luật giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm học sinh
Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự và an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá hạnh kiểm học sinh và là tiêu chí thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục.
Đây là một nội dung được Sở GD&ĐT Nam Định quy định trong văn bản về an toàn giao thông đầu văn học vừa gửi các đơn vị.
Ảnh minh họa/internet
Cũng theo văn bản này, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật giao thông, văn hóa giao thông, các kiến thức về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tăng cường tuyên truyền, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học và các ngày lễ lớn trong năm học 2019-2020.
Kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học. Triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường khi học sinh đến trường và tan trường đế tránh ùn tắc giao thông.
Phối hợp với phụ huynh học sinh rà soát, lựa chọn các phương tiện đưa đón học sinh phải đảm bảo chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật để vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và chấp hành các quy định của pháp luật. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh.
Đầu năm học, nhà trường phối hợp với chính quyền, công an, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương triển khai cho học sinh, sinh viên và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…
Sở GD&ĐT cũng lưu ý cơ sở cần có các hình thức kiểm tra, giám sát và nắm bắt tình hình thực hiện các quy định về an toàn giao thông hàng ngày đối với học sinh. Có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông.
Video đang HOT
Hải Bình
Theo GDTĐ
Giáo viên ngoại ngữ: Bồi dưỡng phải là nhu cầu tự thân
Công tác bồi dưỡng giáo viên (GV) ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng đội ngũ và chất lượng giảng dạy ở các bậc học.
Tuy nhiên, để mang lại kết quả như mong đợi, hoạt động bồi dưỡng GV ngoại ngữ cần cập nhật, bám sát những thay đổi mới nhất trong triển khai môn học, phù hợp với yêu cầu của đối tượng người học, các vùng miền.
Giờ học ngoại ngữ của cô và trò Trường THCS Đức Thượng, Hà Nội. Ảnh: T.G
"Giữ lửa" từ đổi mới chương trình bồi dưỡng
Khẳng định vai trò của GV trong việc tác động trực tiếp đến kết quả đầu ra của người học, ông Vũ Văn Dũng, Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết: Thời gian qua, Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho GV Tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, thúc đẩy công tác tự học tập, nghiên cứu để nâng cao năng lực ngoại ngữ của GV. Sở còn phối hợp với các trường đại học, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội trong công tác bồi dưỡng và kiểm tra đánh giá GV Tiếng Anh phổ thông cốt cán của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng GV Tiếng Anh các bậc học phổ thông. Tuyên Quang là vùng trũng, tỉ lệ GV đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, kinh phí bồi dưỡng của tỉnh không có. Giáo viên chưa quen với hình thức bồi dưỡng trực tuyến. Chương trình bồi dưỡng chủ yếu chú trọng vào luyện thi mà chưa quan tâm nhiều đến việc nâng cao năng lực, các kĩ năng của giáo viên...
Ông Vũ Văn Dũng đề xuất nên có nghiên cứu để đổi mới chương trình bồi dưỡng theo hướng chú trọng đồng đều nội dung kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ, không nên theo định hướng bài thi như hiện nay.
"Giáo viên Tiếng Anh cần xây dựng lộ trình tự bồi dưỡng để đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định đồng thời, coi đây là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại GV. Nên có GV người nước ngoài tham gia bồi dưỡng, mở rộng tài liệu, học liệu như sách, bài giảng trực tuyến cho GV. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra tư vấn sau bồi dưỡng, làm sao "giữ lửa" để GV tiếp tục áp dụng các kiến thức, phương pháp được bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy" - ông Dũng chia sẻ.
Ảnh minh họa
Kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến
Nam Định là địa phương nằm trong top 10 tỉnh/thành phố có kết quả trung bình môn Tiếng Anh trong Kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước. Ông Bùi Văn Khiết, Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực GV ngoại ngữ được coi như một công cụ hữu hiệu, yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng ngoại ngữ của tỉnh Nam Định.
"Năm 2011, khi bắt đầu triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Nam Định gặp nhiều khó khăn về đội ngũ GV. Nguyên nhân, do mặt bằng chất lượng không đồng đều, nhiều GV trước khi thực hiện đề án không hiểu hết nội dung sách giáo khoa, phát âm còn sai. Nam Định bước vào cuộc rà soát năng lực ngoại ngữ, phân loại trên diện rộng để đưa ra giải pháp bồi dưỡng cho từng đối tượng. Kết quả đến nay, chỉ còn 10% GV ngoại ngữ của Nam Định không đạt chuẩn năng lực theo đề án" - ông Khiết cho hay.
Cách thức bồi dưỡng GV của Nam Định là kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, trong đó GV được chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, tài liệu, giáo án và chú trọng hoạt động đánh giá sau bồi dưỡng. Từ năm 2015, Sở GD&ĐT hợp tác với Hội đồng Anh trong đào tạo, bồi dưỡng GV. Đây cũng là một yếu tố giúp chất lượng dạy và học Tiếng Anh của Nam Định nâng lên.
"Khảo sát của Nam Định cho thấy, 4 năm trước, chỉ có khoảng 20% HS cảm thấy hào hứng với giờ học Tiếng Anh; đến nay con số đó là 60%. Hội đồng Anh đã về Nam Định dự các giờ học, chỉ ra vấn đề của từng GV, sau đó thiết kế chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, thực hiện các giờ dạy mẫu.
Sau khi tổ chức bồi dưỡng, hoạt động dự giờ được lặp lại để đánh giá chất lượng GV và mức độ hài lòng của HS. Đã có 580 giáo viên trong toàn tỉnh được Hội đồng Anh hỗ trợ bồi dưỡng, 75 GV cấp THPT được bồi dưỡng về phương pháp dạy kỹ năng viết luận cho HS, 16 GV cốt cán được tham gia chương trình bồi dưỡng trở thành những cố vấn/trợ giảng chuyên nghiệp" - ông Khiết nói.
Xây dựng tiêu chuẩn phù hợp
Chia sẻ khó khăn, thách thức đối với công tác đào tạo giáo viên tại Việt Nam, ông Gavan Iacono, Giám đốc Lanuage Link Việt Nam cho biết: Do hệ thống giáo dục quá chú trọng vào kết quả thi, luyện thi, thiếu kế hoạch đào tạo mang tính chiến lược, dài hơi; Thiếu khâu đánh giá, kiểm tra, bồi dưỡng sau đào tạo; về quy định, chính sách.
Ông Gavan Iacono kiến nghị, cần cải tiến các quy định, chính sách đối với công tác đào tạo GV ngoại ngữ. Thay thế Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT và Quyết định 04/2014/TT- BGDĐT để nâng tầm vị thế của tiếng Anh trong giáo dục phổ thông. Nên xây dựng được tiêu chuẩn giáo viên cụ thể và phù hợp với điều kiện vùng miền, khu vực.
Các nhà trường, đơn vị đào tạo nên xây dựng kế hoạch đào tạo GV lâu dài có tính chiến lược cụ thể. Áp dụng các hình thức đào tạo tiên tiến, linh hoạt tạo điều kiện cho GV có thể tham gia đào tạo dễ dàng chủ động về thời gian, chi phí (đào tạo online, blended learning).
Bà Phạm Hoàng Uyên, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Khảo thí Tiếng Anh Đại học Cambridge (khu vực Đông Dương) cho biết: Một số thực trạng nổi cộm không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác mắc phải, đó là mục tiêu đầu ra của khóa bồi dưỡng không thực tế, khó có thể đạt được do đánh giá sai đầu vào học viên. Không chú trọng nâng cao năng lực tiếng Anh của GV mà đặt nặng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng sư phạm...
Theo bà Phạm Hoàng Uyên, cần có các giải pháp cơ bản như: Kế hoạch bồi dưỡng nhất thiết cần có phần đánh giá, phản hồi sau khóa học qua các buổi hướng dẫn, hỗ trợ, thảo luận nhóm; Cần đảm bảo chất lượng khi nhân rộng mô hình bồi dưỡng...
Để việc bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm giảng dạy Tiếng Anh cho các GV khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam đạt hiệu quả, ông Jacob Heinrich, Trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học RMIT đề xuất việc bồi dưỡng cần được thực hiện theo các khoá học tập trung, tách biệt với các hoạt động khác, kết hợp giảng dạy trực tuyến với tương tác chặt chẽ giữa giảng viên bồi dưỡng và GV, tạo động lực tự học, tự bồi dưỡng cho GV.
Trịnh Huyền
Theo GDTĐ
Cao Bằng tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong trường học Sở GD&ĐT Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong trường học giai đoạn 2019-2021. Học sinh Trường Tiểu học Trương Lương (Hòa An, Cao Bằng) được hướng dẫn thực hành, trực tiếp trải nghiệm trên sân tập một số kỹ năng lái xe an toàn. Ảnh/Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh...