“Chảo lửa” Syria ra sao sau cuộc không kích của Mỹ và đồng minh?
Cuộc không kích do liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành nhằm vào Syria không những không làm thay đổi cục diện mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy cho quốc gia Trung Đông này.
Tàu USS Monterey của Mỹ phóng tên lửa Tomahawk trong cuộc không kích Syria ngày 14/4 (Ảnh: Reuters)
Sau gần một tuần căng thẳng với những tuyên bố cứng rắn, Mỹ, Anh và Pháp cuối cùng đã quyết định dội hơn 100 quả tên lửa vào 3 mục tiêu tại Syria vào sáng sớm ngày 14/4. Mục đích của cuộc không kích là nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mãi mãi. Trước đó, chính quyền Mỹ cũng đã cáo buộc lực lượng chính phủ Syria gây ra vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hồi đầu tháng 4.
Syria đã cam kết từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này từ năm 2013 theo một thỏa thuận do Nga bảo trợ sau một vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường. Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama khi đó đã cảnh báo sẽ sử dụng phương án quân sự đối với Syria, song rốt cuộc không có vụ tấn công nào xảy ra. Sau vụ việc xảy ra gần đây tại Douma, Pháp và Đức cho rằng Syria có thể vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hóa học của nước này như đã cam kết. Trường hợp thứ hai là Syria bắt đầu sản xuất trở lại vũ khí hóa học.
3 hướng tấn công của Mỹ và liên quân nhằm vào Syria hôm 14/4 (Ảnh: New.com.au)
Mặc dù số dân thường bị nghi là chết vì vũ khí hóa học tại Syria chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong con số hơn 400.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông, song Mỹ và nhiều nước phương Tây vẫn cho rằng việc sử dụng loại vũ khí này là không thể chấp nhận được. Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Nga về vấn đề này.
“Tổng thống (Nga) Vladimir Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì đã hỗ trợ (Tổng thống Syria) Bashar al-Assad. Vụ tấn công hóa học mất trí tại Syria”, ông Trump viết trên Twitter.
Cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học cũng là lý do khiến Tổng thống Trump phát lệnh tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria hồi tháng 4 năm ngoái bằng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ Địa Trung Hải. Cuộc tấn công này cũng mang mục đích ngăn chặn chính quyền Syria, song đã thất bại. Theo Ủy ban Giải cứu Quốc tế, cuộc tấn công của Mỹ “không làm thay đổi tính toán của các bên tham chiến và cũng không làm cho người dân Syria an toàn hơn”.
Cuộc không kích mới nhất nhằm vào Syria diễn ra ở cấp độ mạnh hơn so với một năm trước đó. Lần này, Mỹ không chỉ hành động một mình mà còn có thêm hai đồng minh là Anh và Pháp. Vị trí bị tấn công không chỉ dừng lại ở một căn cứ quân sự như năm ngoái, mà tăng lên 3 địa điểm được cho là cơ sở vũ khí hóa học của Syria. Số tên lửa được sử dụng trong cuộc không kích năm nay cũng tăng lên gần gấp đôi và số khí tài được triển khai cũng đa dạng hơn năm ngoái. Tuy vậy, những nguy cơ rủi ro từ cuộc không kích lần này cũng tăng lên.
Hệ lụy sau cuộc không kích
Video đang HOT
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Globe and Mail)
Sau khi cuộc không kích kết thúc, Tổng thống Trump tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh và khẳng định các tên lửa của liên quân đã bắn trúng mục tiêu tại Syria. Tuy vậy, cái giá của “chiến thắng” là một đất nước Syria bị tàn phá nặng nề. Theo Giáo sư Rami Khouri thuộc Đại học Mỹ ở Lebanon, các tên lửa của Mỹ và đồng minh không thay đổi được cục diện tại Syria dù có thể gây ấn tượng mạnh trên truyền thông.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, gần 700.000 người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ đầu năm tới nay và 6,5 triệu người đã mất nhà cửa. Khoảng 5,6 triệu người vẫn đang sống trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon.
Viễn cảnh tái thiết dành cho Syria cũng không mấy khả quan. Vài tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cam kết chi 200 triệu USD để ổn định tình hình ở Bắc Syria, Tổng thống Trump đã tuyên bố đóng băng khoản tiền này, lấy lý do muốn đưa các lực lượng Mỹ “sớm” rời khỏi Bắc Syria.
Mặc dù cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh được cho là không làm ảnh hưởng tới cán cân chiến lược tại Syria, nhưng nó sẽ đào thêm hố sâu ngăn cách giữa các lực lượng đối lập và trì hoãn thêm triển vọng cho tiến trình hòa bình vốn rất mong manh tại khu vực này. Sau cuộc không kích của phương Tây, Nga có thể sẽ tăng cường gấp đôi sự ủng hộ cho chính quyền Syria, trong khi các tay súng phiến quân Iran sẽ tìm cơ hội tấn công Israel, còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai thêm các động thái chống lại lực lượng người Kurd.
Một cơ sở nghiên cứu khoa học của Syria bị san phẳng sau cuộc không kích của liên quân (Ảnh: AP)
Theo nhà bình luận Tim Lester của CNN, tác động lớn nhất của cuộc không kích tại Syria là khiến quan hệ Nga – Mỹ càng thêm thù địch, thậm chí xuống mức thấp nhất trong vài chục năm trở lại đây. Tổng thống Trump đã không giấu nổi sự thất vọng khi viết trên Twitter rằng: “Quan hệ với Nga đang tệ chưa từng thấy, thậm chí hơn cả thời Chiến tranh Lạnh”. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin chỉ trích cuộc tấn công của liên quân “phá hoại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế”.
Trước đó, quan hệ Nga – Mỹ từng có một vài điểm sáng khi Tổng thống Trump tuyên bố muốn duy trì mối quan hệ gần gũi với người đồng cấp Nga. Mùa hè năm ngoái, cả Mỹ và Nga đều nhất trí giám sát chung một khu vực tránh xung đột ở nam Syria và đây được xem là dấu hiệu cho thấy hai nước sẵn sàng hợp tác với nhau trong việc giải quyết vấn đề Syria. Khi Tổng thống Trump gặp ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thậm chí còn tuyên bố “quan hệ hai nước quan trọng đến mức không thể không tiến lên”.
Cả Nga và Mỹ đều nhận ra rằng cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân có thể dẫn tới những hậu quả khó lường, do vậy hai nước sẽ tránh để xảy ra kịch bản này. Tuy nhiên, Nga có thể âm thầm hỗ trợ các lực lượng đồng minh và ủy nhiệm tại Syria tấn công các lực lượng của Mỹ tại “điểm nóng” phía đông sông Eupharates hoặc dọc biên giới Syria-Iraq. Ngoài ra, Moscow cũng có thể phớt lờ khi các phiến quân Iran ở khu vực nam Syria có những hành động khiêu khích đồng minh của Mỹ là Israel.
Thành Đạt
Theo Dantri
5 sai lầm chiến lược Mỹ, Anh, Pháp phạm phải khi tấn công Syria
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công Syria có nguy cơ kéo Mỹ vào cuộc xung đột quy mô lớn, không lối thoát ở Trung Đông.
Sau nhiều lần cảnh báo đe dọa, cuối cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định phối hợp với Anh và Pháp tấn công vào căn cứ của Syria hôm 14/4. Tuy nhiên, hành động dội hỏa lực vào Syria của Mỹ và đồng minh được các chuyên gia nhận định là sai lầm chiến lược vì có nguy cơ hạ thấp vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế và kéo nước này vào cuộc xung đột quy mô lớn, không lối thoát ở Trung Đông.
Tàu USS Monterey của Mỹ phóng tên lửa Tomahawk trong cuộc tấn công vào Syria hôm 14/4. Ảnh: Reuters.
Tấn công trực diện 1 quốc gia có chủ quyền
Sai lầm đầu tiên của Mỹ là tấn công một quốc gia độc lập, hợp pháp và có chủ quyền. Hiến chương Liên Hợp Quốc chỉ công nhận hai cơ sở cho phép sử dụng vũ lực nhằm vào lãnh thổ của một quốc gia khác mà không cần sự tán thành của cơ quan này đó là: được sự cho phép của Hội đồng Bảo an hoặc hành động phòng vệ.
Trong trường hợp Syria, Liên Hợp Quốc đã không phê chuẩn cuộc tấn công và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng không thông qua. Vì tất yếu nếu Mỹ đề xuất bỏ phiếu dự thảo nghị quyết tấn công Syria tại Hội đồng Bảo an, nghị quyết này sẽ bị Nga và Trung Quốc phản đối.
Không có lý do chính đáng
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng không có lý do chính đáng để thực hiện cuộc tấn công này. Ông Trump cùng các thành viên cao cấp trong chính quyền coi vụ không kích bằng tên lửa hành trình nhằm vào Syria là đòn trừng phạt với cáo buộc chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Douma hôm 7/4. Thế nhưng đến nay, việc xác định thủ phạm vẫn còn gây tranh cãi.
Hơn nữa, cuộc tấn công của Mỹ còn khiến dư luận cho rằng, nhiều khả năng Mỹ đang cố tình "phá hủy hiện trường" và ngăn cản cuộc điều tra, bởi diễn ra ngay trước thời điểm các nhân viên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đến thị trấn Douma thanh sát. Cho đến nay, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại.
Tổng thống Nga Vladimira Putin đã lên án cuộc tấn công Syria của Mỹ là "hành động xâm lược" chủ quyền của một quốc gia khác, viện dẫn việc các chuyên gia Nga lẫn người dân địa phương đều không tìm thấy dấu vết chứng tỏ một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã thực sự diễn ra tại Douma, Đông Ghouta.
Không qua sự phê chuẩn của Quốc hội
Theo Hiến pháp Mỹ, để điều quân tấn công một nước khác, Tổng thống phải nhận được quyền ủng hộ của Quốc hội. Quyền hạn của tổng thống - tổng tư lệnh quân đội là phản ứng với việc bị tấn công, chứ không phải khơi mào tấn công. Các thành viên Đảng Dân chủ và nhiều nghị sỹ trong Đảng Cộng hòa đã nhiều lần đề nghị ông Donald Trump tìm kiếm sự đồng thuận ở Quốc hội, thể theo Hiến pháp và Nghị quyết về chiến tranh của nước Mỹ năm 1973, trước khi can thiệp quân sự vào quốc gia khác.
Vậy nhưng, ông Trump đã hai lần tự ý ra quyết định tấn công Syria mà không qua Quốc hội, trong đó có cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của quốc gia Trung Đông này bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk ngày 7/4/2017 và tiếp đến là cuộc tấn công ngày 14/4/2018. Điều này đã khiến ông Trump hứng chịu búa rìu dư luận ngay trong nội bộ nước Mỹ.
Thượng nghị sĩ Mỹ Tim Kaine thuộc Đảng Dân chủ nhấn mạnh: "Quyết định tấn công Syria mà không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ của Tổng thống Trump là bất hợp pháp. Cần phải ngừng trao cho Tổng thống quyền phát động chiến tranh. Hôm nay là ở Syria, nhưng điều gì sẽ ngăn ông Trump không đánh bom tiếp ở Iran hay Triều Tiên?".
Còn Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Massie gay gắt tuyên bố: "Tôi chưa từng đọc Hiến pháp của Pháp hay của Anh, nhưng tôi đã đọc Hiến pháp của Mỹ và không có chỗ nào viết rằng, Tổng thống có quyền tấn công Syria".
Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ tuyên bố chiến tranh là vào năm 1941. Kể từ đó, cơ quan đã sử dụng các nghị quyết để chấp nhận có hay không sử dụng vũ lực. Trước đó vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải hủy kế hoạch tấn công Syria do các nhân vật chủ chốt trong quốc hội từ chối tiến hành một cuộc bỏ phiếu ủy quyền cho tổng thống sử dụng vũ lực.
Thiếu sự ủng hộ của EU
Trên thực tế, phần lớn các quốc gia trong Liên minh Châu Âu, trong đó có Đức, Italy đều đứng ngoài cuộc trước quyết định tấn công Syria của Mỹ. Chỉ có Anh - nước đang trong tiến trình đàm phán rời khỏi EU và Pháp, tham gia phối hợp trong hoạt động quân sự này. Ông Pierre-Emmanuel Thomann, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu cho biết: "EU đã chia rẽ sâu sắc khi các thành viên không tuân thủ nguyên tắc đa phương mà họ đang nắm giữ."
"Thật đáng tiếc khi Tổng thống Pháp Manuel Macron, người vừa bắt đầu nhiệm kỳ, từng cam kết theo đuổi chính sách công bằng trong các vấn đề quốc tế giờ lại nối gót Mỹ", ông Emmanuel Thomann nói.
Đánh giá thấp chính phủ Syria
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ chưa lường trước được sức mạnh của hệ thống phòng không Syria, trong đó có nhiều vũ khí tối tân được Nga cung cấp.
Kết quả cuộc không kích vừa qua cho thấy, hiệu suất trúng đích của tên lửa hành trình do Mỹ và đồng minh sử dụng rất thấp, hơn 30%. Trong khi số lượng tên lửa bị bắn hạ theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga là 71 trên tổng số 103 tên lửa. Bộ này cho biết, quân đội Syria đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir-S1 đạt hiệu quả 100%, bên cạnh đó là 112 tên lửa đất đối không đáp trả cuộc tấn công vào không chỉ căn cứ quân sự Barza, Jaramana mà còn nhiều cơ sở khác.
Như vậy, với số lượng tên lửa hành trình hạn chế và không có lực lượng không quân tham gia, Mỹ cùng đồng minh Anh, Pháp đã không thể tiến hành một chiến tổng lực và chớp nhoáng trên toàn lãnh thổ Syria như đã thực hiện với Iraq năm 2003.
Trong khi nhờ những tin tình báo do phía Nga cung cấp, các lực lượng vũ trang của Syria đã kịp thời di chuyển theo sách lược "vườn không nhà trống", cũng như có các biện pháp nghi binh khác để bảo toàn lực lượng.
Tóm lại hiệu quả cả trên chiến trường lẫn công luận đều bất lợi cho phía Mỹ, trong khi Syria vẫn đứng vững. Giới quan sát cho rằng, với những kết quả đã đạt được, phía Syria và các đồng minh dường như đã tự tin hơn rất nhiều trong cuộc đối đầu với phe nổi dậy có sự hậu thuẫn từ Mỹ và phương Tây.
Theo Hồng Anh
VOV
Sức mạnh tác chiến trong đêm của quân đội Mỹ Tác chiến trong đêm thường được xem là nhiệm vụ khó khăn, song các lực lượng quân sự Mỹ vẫn cho thấy năng lực hoạt động hiệu quả nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các công nghệ hiện đại. Tàu tuần dương mang tên lửa USS Monterey của Hải quân Mỹ phóng tên lửa tấn công Tomahawk trong đêm. (Ảnh: US Navy)...