Chàng trai quê lúa Yên Thành và ước mong ‘khơi dậy những khát vọng đẹp cho trẻ em’
Tuy chỉ mới hoạt động hơn 3 năm, nhưng chương trình “Tủ sách Nhân ái” đã phát triển đến 3.780 trường học ở 59 tỉnh, thành. Một trong những người khởi xướng cho chương trình này là anh Phan Đăng Chương – một người con của quê lúa Yên Thành và hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân ngày Sách Việt Nam, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với anh Phan Đăng Chương để hiểu rõ hơn về công việc mà anh cùng những người bạn của mình đang theo đuổi.
Sách khơi gợi những khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ
P.V: Tôi được biết ngày còn học phổ thông, anh là học sinh chuyên Toán. Vậy hồi đó, anh có thích đọc sách không? Cuốn sách nào làm anh nhớ nhất?
Phan Đăng Chương: Mặc dù là học sinh chuyên Toán nhưng ngay từ nhỏ tôi đã rất thích đọc sách. Ngày xưa, sách là cái gì đó rất xa xỉ đối với trẻ em nông thôn như chúng tôi, phải đi mượn hoặc được ai đó quý lắm mới tặng một quyển, về đọc đi đọc lại cho đến khi rách bìa, sờn gáy.
Niềm vui của học sinh trong ngày được nhận những cuốn sách từ chương trình tủ sách nhân ái
Còn nhớ quyển sách tôi thích nhất, có thể xem là “gối đầu giường” là quyển “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Sau này lên học phổ thông, tôi được đọc một số tác phẩm kinh điển như “Bố già” của Mario Puzo, “Không gia đình” của Hector Malot… Có thể nói mỗi một tác phẩm đều có một giá trị riêng và có những ảnh hưởng nhất định tới những khát vọng tuổi trẻ của tôi và bạn bè.
P.V: Có một câu nói rất hay “Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”. Cho đến thời điểm này, anh thấy câu nói ấy có đúng không. Với bản thân anh, trong quá trình trưởng thành và đi đến ngày hôm nay, sách có ý nghĩa như thế nào?
Phan Đăng Chương: Theo tôi ở thời điểm hiện tại hay bất cứ thời điểm nào thì câu nói “Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở!” luôn đúng. Bởi ngoài tiếp thu kiến thức của thầy, cô giáo thì việc đọc sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay, công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, nên con người thường hay lên các trang mạng tìm hiểu cũng như giải trí, mà quên lãng nguồn kho báu bất tận của sách.
Học sinh Nghệ An với những cuốn sách được trao tặng từ Tủ sách nhân ái.
Như tôi đã nói ở trên, với riêng bản thân tôi, chính những quyển sách sờn gáy ngày còn nhỏ đã phần nào cho tôi những khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ. Sách chính là nguồn tri thức vô tận, là nơi tôi có thể học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện bản thân cũng như thư giãn. Thói quen đọc sách không khiến tôi cảm thấy bị cô lập, mà thực ra đang giúp tôi tĩnh tâm lại và sống chậm đi, giúp tôi có động lực sống tốt hơn, tích cực hơn. Đó cũng chính là những giá trị mà những người sáng lập và thực hiện chương trình “Tủ sách Nhân ái” chúng tôi luôn muốn hướng tới.
Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng
Video đang HOT
P.V: Tôi được biết, hiện nay anh là Giám đốc điều hành của Chương trình “Tủ sách Nhân ái”. Anh hãy chia sẻ cho chúng tôi vì sao anh và những người bạn của mình lại quyết tâm xây dựng chương trình này? Phải chăng vì một lý do rất riêng nào đó?
Phan Đăng Chương: Theo như chúng tôi được biết, nếu không tính Sách giáo khoa thì ở Việt Nam trung bình mỗi người chỉ đọc 1 cuốn/năm. Sức đọc còn rất hạn chế và hiện nay cả nước có khoảng 600.000 lớp học với 20.000.000 học sinh, tủ sách trong lớp học quá khiêm tốn. Chính vì vậy, mục đích của anh, chị em khởi xướng Chương trình “Tủ sách Nhân ái” là muốn trao sách tận tay các em học sinh nói riêng và các cá nhân ở mọi lứa tuổi nói chung trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhằm kiến tạo văn hóa đọc và lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.
Anh Phan Đăng Chương trao tặng sách cho các trường học.
Chúng tôi cũng mong muốn qua chương trình này có thêm nhiều người bạn đồng hành để có thể rút ngắn thời gian đem sách đến với tất cả học sinh trong cả nước, nâng cao sức đọc cho người dân và để mọi người cũng thấy được việc tặng sách, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm sống là thói quen hàng ngày.
P.V: Dù chỉ mới bước sang năm thứ 4 triển khai nhưng hành trình của Chương trình “Tủ sách Nhân ái” là rất đáng để tự hào, khi các anh đã trang bị được 8.986 tủ sách và thư viện nhân ái ở gần 3.780 trường học tại 59 tỉnh, thành trong cả nước. Anh hãy chia sẻ về những kỷ niệm trong quá trình thực hiện. Điều gì là khó khăn nhất đối với các anh khi đứng ra kêu gọi, vận động mọi người cùng tham gia chương trình?
Phan Đăng Chương: Ba năm trôi qua, tuy đây mới chỉ là chặng đầu trên “hành trình vạn dặm” của chúng tôi, nhưng mỗi khi nhìn lại, chúng tôi luôn cảm thấy biết ơn vì đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách và có được rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Điều mà chúng tôi tự hào và xúc động nhất không phải là những con số hàng ngàn tủ sách/thư viện mà là những câu chuyện về các lãnh đạo địa phương, các thầy cô, các bậc cha mẹ, các em học sinh cũng như sự chung tay của cộng đồng đã tạo nên sức mạnh, sức lan tỏa của chương trình.
Nhóm “Tủ sách Nhân ái” trao tặng sách tại Yên Thành.
Với chúng tôi, khó khăn lớn nhất không phải là làm sao kêu gọi được hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng cho những chuyến trao sách ở các địa phương, mà là làm sao khơi dậy được văn hóa đọc của con người và địa phương nhận sách, xây dựng được sự kế thừa để câu chuyện đọc sách không chỉ là phong trào nhất thời, mà tiếp nối giữa các thế hệ của người dân địa phương. Thực tế, một số người, một số nơi vẫn còn tiếp nhận sách như bao món đồ từ thiện khác. Trong khi sách, như Voltaire đã nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.
P.V : “Trao cho trẻ một cuốn sách là bạn đã thay đổi thế giới” là mục tiêu mà Chương trình “Tủ sách Nhân ái” đã xây dựng. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng so với ngày xưa thì trẻ em ngày nay không còn nhiều em yêu thích việc đọc sách, bởi các em có nhiều mối quan tâm khác trong thế giới CNTT. Vậy hôm nay, nhìn lại những kết quả đã đạt được, các anh đã hài lòng chưa và điều lớn nhất mà các anh cảm nhận được sau mỗi một tủ sách được xây dựng là gì?
Phan Đăng Chương: Trẻ em thời nào và ở đâu cũng thích sách, thích khám phá tri thức. Nhưng ngày nay chính vì cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiện công nghệ cao và người lớn chúng ta lại bận rộn với cuộc sống thường nhật, nên dường như đang phó mặc hoặc chấp nhận cho con trẻ ôm máy tính bảng, điện thoại thông minh nhiều giờ trong ngày. Và cũng vì phần nhiều người lớn trong chúng ta đã không còn thói quen đọc sách. Cũng chính vì vậy mà điều hài lòng nhất của anh em chúng tôi là sau mỗi tủ sách, sự tham gia của bố mẹ và thầy cô đã có những chiều hướng tích cực hơn, khi thấy học trò, con trẻ nhờ ham đọc sách mà chăm ngoan, học giỏi hơn, trau dồi được nhiều kỹ năng sống hơn, nhiều người lớn đã từng bước thay đổi suy nghĩ và hành động.
Trẻ em thời nào và ở đâu cũng thích sách, thích khám phá tri thức.
P.V: Anh là một người con xứ Nghệ và đến nay Nghệ An cũng là một trong những tỉnh được thụ hưởng nhiều nhất từ Chương trình “Tủ sách Nhân ái”. Chương trình cũng đang được mở rộng với mô hình “Ngôi nhà Trí tuệ” ở nhiều địa phương trong tỉnh. Điều gì khiến các anh phát triển thêm mô hình này. Trong thời gian tới, mục tiêu tiếp theo của các anh ở Chương trình này là gì để có thể lan tỏa văn hóa đọc sách và tình yêu sách đến tất cả mọi người?
Phan Đăng Chương: Không phải vì chúng tôi đa phần anh chị em là người Nghệ Tĩnh, nên Nghệ An được thụ hưởng nhiều nhất, mà quan niệm của chương trình là nơi nào thực sự khát khao đọc sách, cam kết sử dụng sách hiệu quả thì chúng tôi sẽ đưa sách về, không phân biệt vùng miền, dù đó là thành phố hay biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với “Tủ sách Nhân ái”, 2 năm qua, chúng tôi còn phát triển thêm mô hình “Ngôi nhà Trí tuệ” ở các địa phương để giúp cho mọi người có thêm những không gian, những lựa chọn mới mẻ, tiện lợi và hoàn toàn miễn phí cho việc học tập suốt đời của mình. “Tủ sách Nhân ái” phát triển thiên về chiều rộng, phủ sách tới nhiều trường lớp và cộng đồng dân cư khắp các địa phương trong cả nước, còn “Ngôi nhà Trí tuệ” đi sâu hơn, sách – thư viện chỉ là một phần trong đó. Đó là một sân chơi, một không gian học tập suốt đời. Ở đó, tất cả mọi người không chỉ là những độc giả, những người học mà còn có thể trở thành người chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sở trường của mình cho người khác. Ở đó, dù là vùng trung du miền núi, mọi người vẫn có thể được tiếp xúc với những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, trong nước và quốc tế với một mạng lưới giáo viên, tình nguyện viên tâm huyết ở nhiều quốc gia.
“Tủ sách Nhân ái” phát triển thiên về chiều rộng, phủ sách tới nhiều trường lớp và cộng đồng dân cư.
“Ngôi nhà Trí tuệ” là một mô hình giáo dục tích hợp rất nhiều mô-đun, trong đó lấy đọc sách và trải nghiệm làm nền tảng cho các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí. Để mô hình này được vận hành hiệu quả, cũng như “Tủ sách Nhân ái” chúng tôi rất cần và mong muốn nhận được sự tham gia, chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành giáo dục và cộng đồng. Mỗi chúng ta đều mong muốn con em mình được học tập, vui chơi, lớn lên trong một môi trường lành mạnh và bổ ích. Là những người con xa quê, chúng tôi chỉ có thể điều hành và hỗ trợ từ xa, vậy nên mục tiêu tiếp theo và xuyên suốt của anh em chúng tôi vẫn là hỗ trợ đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên ở các “Ngôi nhà Trí tuệ” để vận hành hiệu quả mô hình ở những địa phương đã có. Những địa phương mới sẽ tùy điều kiện, tiếp tục mở rộng mạng lưới để mô hình ngày một lan tỏa hơn.
P.V: Xin cảm ơn anh!
Mỹ Hà
Kỹ thuật: Thành Cường
Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020: Không dễ lấy điểm cao
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo của 5 bài thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020. Nhận định của các giáo viên, những kiến thức và kỹ năng trong đề thi tham khảo không vượt ra ngoài khung chương trình Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh theo hướng tinh giản nhưng không dễ lấy điểm cao.
Nhiều câu hỏi mang tính phân loại
Đề thi tham khảo Ngữ văn có cấu trúc vẫn gồm 2 phần là Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm), như đề chính thức năm 2019. Theo nhận xét của giáo viên Tổ Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, câu hỏi phần Đọc hiểu có ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa (SGK) cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ nhận biết/thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao.
Học sinh lớp 12 học trực tuyến trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Dương
Với phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội 2 điểm yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu. Câu Nghị luận văn học yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật Mị trong đêm mùa Xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), là phần kiến thức trong chương trình học kỳ II lớp 12; là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài 5 điểm trong thời lượng đề 120 phút. Đề Ngữ văn có những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò mấy năm nay. Vì thế, các giáo viên Văn cho rằng, nếu đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 bám sát mô hình đề thi tham khảo, học sinh sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kỹ năng đã được ôn luyện.
Trong khi đó, đề thi tham khảo môn Toán cũng bám sát tinh thần tinh giản của Bộ GD&ĐT, vẫn bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ đã công bố. Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình kỳ I của lớp 12; 10% số câu hỏi (5 câu) chương trình lớp 11.
Số lượng câu hỏi ở kiến thức học kỳ II lớp 12 giảm đi đáng kể. Đề thi tham khảo Toán có khoảng 35 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm 70%; 15 câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (30%). Mặc dù đề tham khảo không xuất hiện các câu hỏi quá khó nhưng để lấy được điểm cao không dễ dàng.
Nhận định của Tổ giáo viên dạy Toán HOCMAI, mặc dù Bộ GD&ĐT đã tinh giản, giảm tải cho HS về mặt kiến thức, song đề tham khảo vẫn có nhiều những câu hỏi mang tính phân loại. HS phải có khả năng tổng hợp kiến thức qua thời gian ôn tập một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc mới có thể xử lý tốt và không bị mất điểm.
Chú ý ôn luyện kỹ
Đề thi tham khảo môn tiếng Anh được cho là nhẹ nhàng hơn so với đề thi chính thức năm 2019. Đề vẫn có 50 câu hỏi, nội dung thuộc chương trình lớp 11 và 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%).
Ngoài các dạng bài vẫn giữ nguyên như đề chính thức năm trước, một số chủ điểm ngữ pháp cũng không thay đổi, ví dụ như câu điều kiện, thì của động từ, câu tường thuật, đảo ngữ, so sánh, động từ khuyết thiếu, đại từ quan hệ, mệnh đề rút gọn, trạng từ liên kết, phân biệt cách sử dụng của liên từ và giới từ có cùng nghĩa.
Dạng câu ước và câu bị động đã được loại bỏ, thay vào đó là các chủ điểm ngữ pháp, như câu hỏi đuôi, sự hòa hợp chủ - vị, cấu trúc song hành. Từ nhận xét này, cô Hoàng Xuân - giáo viên Tuyensinh247.com lưu ý học sinh cần ôn kỹ hơn các chủ điểm ngữ pháp.
Để đạt được số điểm mong muốn với bài thi chính thức môn tiếng Anh, theo cô Hoàng Xuân, với dạng câu hỏi ngữ âm, học sinh cần chú ý ôn luyện thật kỹ cách đọc đuôi -s/-es; cách phát âm của các nguyên âm đơn và nguyên âm đôi và tập đọc những từ quen thuộc trong SGK. Với dạng câu hỏi trọng âm, học sinh cần học nguyên tắc trọng âm từ, đặc biệt là từ có 2 và 3 âm tiết. Còn dạng câu hỏi ngữ pháp, HS chú trọng ôn tập các chủ điểm ngữ pháp. Đối với dạng câu hỏi từ vựng ở mức độ căn bản, HS dành thời gian học sự kết hợp từ, cụm động từ.
Ngoài ra, HS nên rèn luyện khả năng suy đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh và linh hoạt trong quá trình làm bài với phương pháp loại để có thể giải quyết các câu hỏi từ vựng trong dạng bài đồng nghĩa/trái nghĩa và câu hỏi từ vựng trong bài đọc hiểu. Đối với dạng bài đọc hiểu, HS phải rèn luyện kỹ năng đọc tìm ý chính, đọc lướt tìm thông tin chi tiết và học cách xử lý với từng dạng câu hỏi khác nhau. HS cũng cần thực hành đọc nhiều để nâng cao kỹ năng làm bài.
Ngay từ bây giờ, HS lớp 12 cần xây dựng kế hoạch học ôn một cách nghiêm túc cũng như luyện làm các đề thi để rèn kỹ năng nhằm đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sắp tới.
"Khi xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, chúng tôi đã phải tính toán, làm sao để phù hợp với nội dung chương trình được Bộ GD&ĐT giảm tải. Đề thi đảm bảo không gây sốc, không làm khó cho thí sinh." - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh
Oanh Trần
Sau 6 năm 'chạy trốn', nhân vật Mị đã quay trở lại Sau nhiều năm "vắng bóng' trong đề thi môn văn kỳ thi THPT, tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), với nhân vật Mị, đã bất ngờ 'tái xuất' trong đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2020 khiến nhiều học sinh thích thú. Thí sinh ra về sau kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Thế Nguyên Trong những năm...