Chàng trai giúp mẹ U60 thực hiện ước mơ phượt Campuchia 1.000km bằng xe máy
Từng nghe bà Đào kể về ước mơ đi xe máy thăm lại “mảnh đất thanh xuân” Campuchia, Hoàng Huy quyết định cùng mẹ thực hiện chuyến đi hơn 1.000km.
Ước mơ của mẹ
20 năm trước, bà Lâm Thị Bích Đào (hiện 56 tuổi, TPHCM) sang Campuchia lập nghiệp bán quần áo. Được một thời gian, kinh doanh thất bại, bà về nước, song vẫn trăn trở nỗi nhớ mảnh đất từng sống và gắn bó khi còn trẻ.
Bà từng nói với con trai Huỳnh Hoàng Huy về ước mơ đi xe máy qua Campuchia. “Suốt những năm tháng sau này, mẹ luôn tự hỏi Campuchia hiện ra sao, thay đổi như thế nào?”, chàng trai 28 tuổi kể.
Với kinh nghiệm xuyên Việt bằng xe máy, Huy quyết định thực hiện ước mơ của mẹ. Hai mẹ con bắt đầu sắp xếp công việc, lên kế hoạch cho chuyến phượt hơn 1.000km. Điều duy nhất anh lo lắng là sức khỏe của mẹ.
Năm 2021, bà Đào bị tai nạn xe máy. Trải qua 2 ca phẫu thuật, sức khỏe bà giảm sút trầm trọng, phần xương đòn bị ảnh hưởng phải nẹp ốc vít bên trong để cố định.
Huy lo ngại việc ngồi xe máy lâu sẽ khiến mẹ mệt mỏi, không còn cảm hứng ngắm cảnh, dù bà Đào luôn nói thích đi phượt vì cho rằng “ít tốn kém hơn các phương tiện khác”.
Hai mẹ con chụp ảnh cùng cảnh sát Campuchia tại cửa khẩu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chàng trai tính toán cẩn thận các mốc đi và dừng, để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, tinh thần và sức khỏe đảm bảo tốt nhất. Anh mua thêm kính chống bụi, mũ bảo hiểm hạn chế tiếng ồn, các vật dụng cần thiết.
Trong khi đó, hành trang của người mẹ U60 là những túi thuốc huyết áp, tim mạch, đau nhức xương khớp.
“Tôi biết khá mạo hiểm khi chở mẹ đi xe máy hơn 1.000km, nhưng các khóa học lái xe đã giúp tôi xử lý các tình huống an toàn nhất có thể”, Huy nói.
Được con trai khích lệ, bà Đào đồng ý lên đường. Hai người bạn thân của Huy cùng đam mê phượt xe máy đã đồng hành cùng hai mẹ con, giúp lưu giữ những hình ảnh đẹp.
Video đang HOT
Cuối tháng 9, họ xuất phát từ TPHCM đến cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (Long An), thủ tục nhập cảnh đơn giản. Từ đây, Huy chia cung đường thành các chặng nhỏ, đến thủ đô Phnom Penh – Kampot – Battambang và ngược lại. Mỗi 50-70km, anh đều nhắc mẹ uống nước và thuốc.
Đến Campuchia, hai mẹ con khám phá nhiều địa điểm nổi tiếng như: Cung điện Hoàng gia Phnom Penh, quảng trường “sông bốn mặt”, núi Bokor, sông Kampot, chùa Wat Phnom, chùa Vàng – chùa Bạc.
“Mẹ tôi thích nhất những ngôi đền, chùa cổ kính, mang giá trị lịch sử lâu đời, kiến trúc ấn tượng của Campuchia. Mỗi khi tới đó, mẹ nói cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản”, Huy chia sẻ.
Hai mẹ con cũng dành thời gian thưởng thức nhiều món ngon của Campuchia như: hủ tiếu Nam Vang, mì xào cay, bún cà ri cá, cơm gia đình, lẩu Thái… Mỗi món đặc sản đều có hương vị riêng khiến họ thích thú trải nghiệm.
Người mẹ thích chụp ảnh tại những ngôi đền, chùa cổ kính, cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Điều Huy ấn tượng nhất là sự thoải mái, gần gũi của người dân địa phương. Còn bà Đào luôn tò mò, sẵn sàng khám phá mọi thứ, liên tục đặt câu hỏi cho con trai: “Đất đai còn quá trời vậy mà sao không ai ở? Đường vắng vậy có khi nào gặp cướp không con?”.
“Nhìn mẹ reo vui như một đứa trẻ khi thấy cảnh đẹp, tôi rất hạnh phúc”, anh nói.
Khó khăn nhất với họ là ngôn ngữ, được bà Đào xử lý với vốn từ vựng ít ỏi còn sót lại, thuận lợi qua cửa khẩu Campuchia. Giao thông đông đúc và phức tạp tại đây đòi hỏi Huy phải tập trung cao độ khi điều khiển phương tiện. Đôi lúc họ bị lạc đường do đi theo sự chỉ dẫn của bản đồ Google.
“May mắn hành trình 4 ngày 3 đêm đã kết thúc an toàn, tổng chi phí hơn 3 triệu đồng gồm: tiền xăng, nhà nghỉ và ăn uống”, Huy nói, cho hay trái với lo lắng ban đầu, người mẹ rất khỏe, tinh thần thoải mái trong suốt chuyến đi hơn 1.000km.
“Được chở mẹ bằng xe máy đi khắp nơi là điều hạnh phúc nhất”
Trước đây, bà Đào và con trai đã từng du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết… bằng ô tô. Đây là chuyến đi đầu tiên của hai mẹ con bằng xe máy, cũng là dịp để họ trở thành những người bạn, gạt bỏ mọi áp lực cuộc sống, lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn.
“Lúc nhỏ mẹ sẵn sàng chở tôi đi bất kỳ đâu tôi muốn, thì tại sao bây giờ tôi không làm điều ngược lại”, Huy tâm sự.
Thông qua hành trình chở mẹ đi phượt bằng xe máy, chàng trai muốn truyền cảm hứng tới những người trẻ dành thời gian nhiều hơn bên gia đình và người thân.
Chuyến đi giúp hai mẹ con Huy mở lòng và thấu hiểu nhau hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo Huy, những chuyến đi cùng người lớn tuổi khác biệt so với đi cùng bạn bè, thường mang hình thức chậm rãi để ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản vùng miền, thay vì đòi hỏi sự xông xáo, hay tính chất mạo hiểm.
“Tôi biết nhiều người không thích du lịch với gia đình, bởi nghĩ rằng đi với người lớn tuổi sẽ khó khăn, nhưng tôi lại thấy rất tuyệt vời”, anh nói.
Bà Đào bày tỏ muốn đồng hành cùng con trai trên những hành trình tiếp theo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hai tuần sau chuyến đi, bà Đào nói vẫn “lâng lâng vui” khi nhắc về những ngày cùng con trai quay lại “mảnh đất thanh xuân” của mình.
“Tôi không nghĩ có thể ngồi xe máy đi được xa đến thế”, bà nói đó là hạnh phúc của bất kỳ người làm cha, làm mẹ nào khi được cùng con đến nơi mình mong muốn, được con quan tâm từ việc ăn uống đến chăm lo sức khỏe.
Bí quyết của người mẹ U60 là luôn giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ và tập trung ngắm cảnh. Bà nhiều lần tâm sự với Huy, rằng sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe để đồng hành cùng con trên những hành trình tiếp theo.
Sắp tới, chàng trai dự định cùng mẹ phượt đi Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y hoặc 12 tỉnh miền Tây.
“Với tôi, chở mẹ bằng xe máy rong ruổi khắp nơi là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời”, anh nói.
Thứ Bảy về Đồng Tháp đi 'chợ ma' Định Yên
'Chợ ma' Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chuyên bán chiếu lại được tổ chức vào tối thứ Bảy tuần 1 và 3 hằng tháng, tái hiện lại không khí họp chợ giữa đêm như 200 năm trước.
Đây là sản phẩm du lịch được tỉnh Đồng Tháp phục dựng, đưa vào khai thác từ tháng 10-2023 đến nay, tổ chức vào các tối thứ Bảy của tuần thứ nhất và thứ ba trong tháng, tái hiện phiên chợ mua bán chiếu của người dân các làng nghề dệt chiếu Định Yên, Định An từ hơn 200 năm trước.
Buổi diễn tái hiện lại không khí họp chợ mua bán chiếu vào lúc nửa đêm, diễn ra trong không gian trên bờ và dưới rạch Ngã Cạy trước đình Định Yên. Thực cảnh có hư cấu, có cách điệu phá cách một số cảnh diễn; có giao thoa văn hóa các vùng miền...
Thuở xa xưa, do tập quán sinh hoạt, điều kiện đặc thù của người dân làm nghề dệt chiếu bận bịu ban ngày và tùy theo con nước lớn để người bán chiếu đi ghe đến điểm bán, chợ chiếu Định Yên nhóm họp vào ban đêm, thường từ 23 giờ khuya hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.
Trước cổng đình Định Yên, những thương lái, những người bán chiếu đi bộ hoặc bơi xuồng, ghe đến chợ mua bán lát và thành phẩm chiếu. Giữa không gian tĩnh mịch của đêm quê, trên đường đi đến chợ, người dân Định Yên xưa thường đốt đèn dầu mù u hay những ngọn đuốc lập lòe, vừa đi vừa quơ rọi đường đi, lúc ẩn lúc hiện, cùng những chiếc đèn leo lét dùng để mua bán. Vì thế, phiên chợ còn được gọi là "chợ ma".
Tuy là chợ, nhưng chợ chiếu không có quầy, sạp kinh doanh cố định. Người bán vác chiếu đi lại ngang dọc chợ chào hàng, khi mỏi mệt thì đứng lại, dựng chiếu trước mặt. Người mua sẽ chọn một nơi trong khu chợ, ngồi chờ để chọn và ngã giá mua hàng. Chiếu đã được mua bán xong thì đặt nằm xuống đất. Những thương lái lớn mua số lượng hàng trăm đôi chiếu, khi chọn mua chiếu xong, chuyển hàng xuống ghe dưới bến, nếu chưa đủ số lượng cần thiết thì chờ phiên chợ sau mua tiếp.
Từ tháng 9-2023, làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ cuối tháng 10-2023 đến nay, UBND huyện Lấp Vò và ngành Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã phục dựng phiên "chợ ma" thành sản phẩm du lịch đặc sắc.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin, tour du lịch làng nghề dệt chiếu truyền thống và thực cảnh "chợ ma" Định Yên sẽ kết nối với làng hoa Sa Đéc và Khu văn hóa Óc Eo Gò Tháp, điệu hò Đồng Tháp; hơn 200 món ăn được chế biến từ sen... nhằm tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch mang giá trị lịch sử văn hóa truyền thống với văn hóa địa phương.
Chợ phiên văn hóa: Nhìn từ góc độ du lịch Trên thực tế, những chợ phiên mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đậm sắc thái vùng miền như: chợ nổi Cái Răng, chợ Âm Dương Bắc Ninh, chợ phiên Bắc Hà... luôn là những điểm đến của khách thập phương. Vì đến chợ nói chung, chợ phiên văn hóa nói riêng, ta sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa...