Chàng trai đạt HCV tin học châu Á nói về ứng dụng tin học
“Với trình độ hiện tại, để làm ra chương trình ứng dụng thực tiễn là có thể thực hiện được, nhưng trước mắt những gì làm được, sẽ là để phục vụ cho việc học tập”, Trung Kiên chia sẻ.
Khampha.vn vừa có cuộc trò chuyện với Nguyễn Tiến Trung Kiên (Lớp 12, Trường THPT Chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), người vừa đoạt Huy chương vàng Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2015. Kiên cũng là thí sinh đạt giải Olympic Tin học quốc tế năm 2014.
PV: Đây là lần thứ mấy em tham gia thi tin học quốc tế và olympic tin học Châu Á – Thái Bình Dương?
Em đã được tham gia khá nhiều cuộc thi tin học. Riêng cuộc thi Olympic Châu Á – Thái Bình Dương, đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia. Đây là lần thứ 2 em tham dự và được giải. Cuộc thi lớn nhất mà Việt Nam tham gia là cuộc thi tin học Quốc tế, gồm khoảng 100 nước dự thi. Đối thủ mạnh nhất thường đến từ Mỹ và Trung Quốc. Em cũng tham gia trong đoàn thi đấu của Việt Nam và dành 2 giải bạc, 2 giải đồng. Năm nay, chúng em vẫn đang ôn luyện để chuẩn bị tháng 7 tới tham gia cuộc thi này.
PV: Từ trước đến nay, người ta vẫn thường nói nhiều về các cuộc thi tin học có Việt Nam tham dự. Nhưng không rõ, người thi tin học phải làm những bài thi như thế nào?
Chúng em phải giải một số bài toán. Nhưng đó không phải là những bài toán đơn thuần có thể giải bằng giấy bút. Đầu óc con người không thể một lúc tính toán được nhiều phép tính như thế. Thí sinh phải tìm cách tạo ra các chương trình trong máy tính để giải bài toán đó. Ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa vào đánh giá chương trình của thí sinh nào đưa ra kết quả đúng và nhanh nhất.
Video đang HOT
Em Nguyễn Tiến Trung Kiên (Lớp 12, Trường THPT Chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), người vừa đoạt Huy chương vàng Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2015
PV: Theo em, những chương trình do các em tạo ra ở các cuộc thi hoặc trong quá trình học tập, nghiên cứu có thể ứng dung cho cuộc sống thực tế cũng như sản xuất, kinh doanh hay không?
Trong xây dựng cầu cống, đường sá, người ta sẽ phải sử dụng những lập trình tính toán như vậy. Em lấy ví dụ đề bài đưa ra rằng: Có một dòng sông. Người ta lựa chọn 2 vị trí xây cầu. Trong đó cho sẵn số liệu dân cư sống 2 bên sông và khoảng cách đường đi. Bài toán yêu cầu lời giải cho việc đặt cây cầu ở vị trí nào là có lợi nhất, thuận tiện nhất cho việc đi lại. Như vậy trong kỹ thuật xây cầu đường, các kỹ sư, nhà quản lý luôn phải sử dụng những lập trình tính toán này để tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế nhất.
Tuy nhiên, những chương trình của chúng em xây dựng chỉ nằm trong khuôn khổ một cuộc thi với thời gian ngắn. Dữ liệu chưa đủ nhiều để có thể mang ra áp dụng thực tiễn. Do vậy kết quả thi của chúng em chỉ là cái để đánh giá năng lực thôi.
Nhưng theo em biết, khá nhiều cuộc thi, trong đó có “Nhân tài đất Việt”, kết quả thi được lưu trữ và mang ra áp dụng cho thực tế cuộc sống rất hiệu quả.
PV: Nhiều người vẫn cho rằng, Việt Nam thi gì cũng giỏi, nhưng áp dụng vào thực tiễn đời sống sản xuất lại không được bao nhiêu, kể cả tin học. Tất nhiên, rất khó đòi hỏi điều đó đối với những người đang ngồi ghế nhà trường. Nhưng em nghĩ sao về điều này?
Với trình độ tin học của bọn em như hiện nay, để làm ra một chương trình ứng dụng thực tiễn là việc có thể. Bản thân em cũng từng làm ra một số chương trình khá hữu ích hiện ở trường học của em vẫn sử dụng. Một số chương trình nữa, dù chưa thực sự rộng rãi nhưng vẫn được nhiều người áp dụng.
Đối với những chương trình áp dụng rộng rãi như anh nói, trong điều kiện thực tế hiện tại, chúng em chưa thể làm được. Những gì chúng em làm được, trước mắt phục vụ cho việc học tập.
Mỗi lĩnh vực thực tiễn đều có cơ quan chuyên môn. Chúng em không có hiểu biết đầy đủ về thông tin, số liệu. Nếu mình xây dựng những chương trình đó cũng sẽ không mang lại hiệu quả. Có thể, sau này đi làm, vào những cơ quan đó, chúng em mới có thể nghiên cứu những vấn đề thực tiễn như vậy.
Hiện tại, chúng em chỉ tích lũy kiến thức để sau này có thể áp dụng.
PV: Nhưng nhiều vấn đề đâu nhất thiết phải có chuyên môn sâu hoặc phải là người trong cuộc mới làm được. Trên thế giới, đôi khi có người chỉ vì niềm đam mê, thích thú mà tạo ra những chương trình được áp dụng thực tế rất hiệu quả?
Điều đó chỉ là ngẫu nhiên, ở Việt Nam cũng có nhưng không nhiều.
PV: Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe đọc trên đài báo về việc Bộ Giao thông Vân tải, Bộ Xây dựng, các nhà khoa học bàn luận, tính toán chuyện xây cầu, đường, sân bay,… Vậy trong khi học tập, thầy cô giáo có bao giờ đưa ra những bài toán tương tự thực tiễn như vậy để làm bài tập cho các em không?
Em cho rằng, những vấn đề đó không hẳn cần đến sức mạnh máy tính mà phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, chuyên môn. Chúng em chỉ giải những bài toán tương tự như vậy chứ không tính toán theo thực tiễn được vì không có dữ liệu về nó.
Mặt khác, theo em, chúng em đang luyện tập về tư duy. Để làm những thứ áp dụng thực tiễn vẫn cần nhiều thời gian và sự nỗ lực.
PV: Người ta nói, học gì, làm gì cũng để mang ra phục vụ lợi ích cuộc sống. Ở lứa tuổi học sinh, khó đòi hỏi nhiều đối với các em về điều đó. Nhưng bản thân bọn em có báo giờ suy nghĩ và hướng đến điều đó hay không?
Đối với việc nghiên cứu ứng dụng tin học để mang ra phục vụ cuộc sống, em cho rằng, em và một số bạn của mình đều hướng đến điều đó. Dĩ nhiên, nhiều bạn khác không nghĩ như vậy.
Riêng cá nhân em, em cho là những kiến thức mình tích lũy được sẽ giúp mình nhiều khi áp dụng vào công việc sau này.
PV: Thực tế, có những người học toán, lý, hóa, văn, sử, địa,… rất giỏi. Nhưng sau khi tốt nghiệp, họ đi làm công việc chẳng liên quan gì những kiến thức đã tích lũy. Còn tin học, em có thể tích lũy từ ghế nhà trường để sau này áp dụng. Em có cho rằng, đó là điều rất tốt khi mình chọn môn tin học?
Theo em, học bất kỳ môn văn hóa nào cũng đều luyện cho mình tư duy logic. Về sau, khi ra đi làm, mình sử dụng tư duy đã được tôi luyện đó để suy nghĩ và xử lý tình huống, giải quyết công việc. Như vậy, học môn nào cũng đều mang lại lợi ích nhất định cho mình về sau.
Cảm ơn em!
Theo Khampha