Chàng thủ thư khuyết tật và thông điệp sống tích cực
Bị liệt toàn thân nhưng với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, Đỗ Hà Cừ vẫn học chữ, làm thơ, sử dụng máy tính và lập thư viện sách miễn phí lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến cộng đồng.
Đỗ Hà Cừ (35 tuổi) bị di chứng chất độc da cam từ bố mình, dù gia đình đã lo chạy chữa cho anh khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lớn lên trong một thân thể co quắp, nói năng cũng khó khăn. Từng có lúc bi quan vì là gánh nặng cho gia đình nhưng chính niềm đam mê đọc sách đã giúp cuộc sống của chàng trai này vui vẻ và cảm thấy mình sống có ích hơn.
Vì bệnh tật, ảnh hưởng đến sự phát triển của thần kinh nên từ bé, Cừ không thể đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Cừ khao khát được học chữ và mẹ anh đã trở thành cô giáo dạy chữ cho anh.
Đỗ Hà Cừ bị di chứng chất độc da cam từ khi mới sinh ra
Cách học của Cừ khá đặc biệt. Mỗi ngày, mẹ anh đánh máy một dòng thơ và in ra để anh đọc. Trong đầu đã thuộc câu thơ đó rồi, anh sẽ nhìn vào tờ giấy để học thuộc mặt chữ. Khó nhọc phát âm từng chữ, mỗi lần như thế chân tay co quắp lại nhưng Cừ không bỏ cuộc. Dần rồi anh cũng quen, mẹ anh dạy thêm cách ghép vần, ghép chữ. Từ khi biết đọc, biết viết, làm bạn với những quyển sách, Cừ coi chúng như nguồn sống của chính mình.
Không thể điều khiển được cơ thể mình nhưng anh đã cố học để điều khiển được một ngón trỏ bên phải giúp lật những trang sách dù rất khó khăn. Rồi anh học làm thơ, viết sách và tự nghiên cứu để có thể sử dụng máy vi tính. Anh giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua mạng xã hội Facebook với một bộ máy tính được thiết kế đặc biệt giúp anh có thể sử dụng được bàn phím ảo.
Từ nghị lực, đam mê đọc sách, anh lan tỏa tình yêu sách với ngày càng nhiều người bằng việc lập thư viện miễn phí mang tên “Hy vọng” tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình. Tủ sách đọc miễn phí này đã thu hút rất nhiều độc giả, chủ yếu là các em học sinh. Tâm trạng Cừ cũng vui lên nhiều, vì có nhiều bạn đến đọc sách và trò chuyện với anh về sách.
Bắt đầu chỉ từ một tủ sách cá nhân, Cừ đã huy động được hơn 3.000 đầu sách cho không gian đọc và luôn rộng cửa chào đón tất cả những ai có chung niềm đam mê. Đỗ Hà Cừ cũng mong muốn từ thư viện của mình sẽ truyền tải đi thông điệp sống tích cực đến mọi người.
Không gian đọc thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc sách
Suốt năm năm qua, lúc đầu vận động sách gặp nhiều khó khăn, Cừ phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm. Rồi dần dần mọi người cũng biết đến và chuyển sách đến cho thư viện. Mong muốn của Cừ trong tương lai sẽ lập một dự án hỗ trợ xây dựng các tủ sách dành cho người khuyết tật quản lý.
Chính hành động tử tế và khát khao được cống hiến, được làm những điều tốt cho xã hội, cộng đồng đã khiến rất nhiều người cảm phục và coi anh là tấm gương sáng cho giới trẻ noi theo. Đỗ Hà Cừ để lại ấn tượng với Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – Trần Uyên Phương khi cùng chương trình Nối trọn yêu thương đến thăm thư viện Hy vọng.
“Sách trở thành một người bạn rất là trung thành của Cừ và thông qua sách Cừ có thể đi được rất nhiều nơi, biết được rất nhiều điều. Cừ cảm thấy tự tin hơn và đang làm cho mỗi ngày của em rất có ý nghĩa”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ.
Bà Trần Uyên Phương đã gửi tặng Cừ cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” tái bản với những nét vẽ của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nữ doanh nhân và cũng là tác giả cuốn sách Chuyện nhà Dr Thanh hy vọng món quà này sẽ là một trong những bước khởi đầu để ước mơ của Cừ sẽ được lan xa thành hiện thực.
“Nối trọn yêu thương” là một chương trình do kênh truyền hình nhân đạo, Đài truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1 vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng. Chương trình giúp truyền cảm hứng về tinh thần vượt khó, về niềm tin, tinh thần lạc quan, về ý chí, bản lĩnh và nghị lực; có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng xã hội. Chương trình đồng thời truyền đi sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người.
Theo PLO
Khát vọng phát triển văn hóa đọc của những bạn trẻ
Những buổi chiều ở Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai như rộn ràng hơn bởi các lớp học phát triển văn hóa đọc do các bạn trẻ đến từ nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức
Đây cũng là chuỗi hoạt động thường xuyên của "Tôi Tập Đọc" - Dự án được sáng lập bởi một nhóm các bạn trẻ cấp THPT tại Hà Nội với mong muốn nâng cao nhận thức và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nếu ai ghé qua Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ Sao Mai những ngày này, hẳn sẽ cảm nhận được bầu không khí sôi nổi và động lực mà các bạn trẻ truyền đến những em nhỏ nơi đây từ những buổi lan tỏa văn hóa đọc.
Phạm Thị Vân Anh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN và cũng là chủ tịch dự án Tôi tập đọc chia sẻ: "Lớp học xuất phát từ mong muốn các em có hoản cảnh khó khăn, tự kỷ cũng có được cơ hội tiếp cận với văn hóa đọc để từ đó trang bị thêm cho mình kiến thức để hòa đồng hơn với xã hội".
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch của dự án chia sẻ trăn trở trước thực tế khiến mình cùng các thành viên trong nhóm muốn "trực tiếp đọc" cùng các em: "Hiện nhiều bạn trẻ tích cực tham gia vào các dự án, trong đó có cả về giáo dục như quyên góp sách, hay lập thư viện... rất tích cực song còn hạn chế khi không kiểm soát được hiểu quả của việc mình làm hay nhiều khi không biết các em đọc sách có thực sự tiến bộ lên không".
Là người đưa ra ý tưởng việc mở chuỗi lớp học cho các em nhỏ tự kỷ, Nguyễn Thế Anh - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, cũng là Phó Chủ tịch cho rằng cần một cách làm khác biệt.
Theo Thế Anh, việc tặng một quyển sách tốt rồi không biết các em có đọc, không thể hiệu quả bằng việc cùng đọc, giúp đỡ các em hiểu và hứng thú với quyển sách đó.
Ngoài dạy các kiến thức, chúng em cũng chú trọng việc định hướng đạo đức. Thông qua những lớp học, không chỉ những kiến thức trong sách báo mà còn dạy cách ứng xử với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, về đạo làm người, cách đối nhân xử thế... ", Thế Anh tâm sự mong muốn trong tương lai có thể mở ra được nhiều lớp học thế này hơn.
Để có thể triển khai được dự án, các bạn trẻ đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức ngồi lại với nhau lên ý tưởng và tính toán kỹ lưỡng cho từng bước đi. Theo Vân Anh, khó khăn nhất của nhóm là việc thuyết phục để xin ủng hộ, hỗ trợ nguồn sách từ bên ngoài.
Thế Anh cũng cho rằng dự án cũng không cần quá nhiều tài chính để "chạy" mà khó nhất vẫn là khâu thuyết phục.
"Mới đầu chúng em vô cùng khó khăn trong quá trình đi trình bày ý tưởng để thuyết phục sự hỗ trợ. Do đều là học sinh nên nhiều lần người lớn dù nghe nhưng không tin, không hiểu việc chúng em muốn làm. Em nghĩ việc kêu gọi mọi người quyên góp sách cũng là một phần của sự thành công".
Để có được nguồn sách dồi dào, các bạn trẻ đã tổ chức chương trình gây quỹ mua sách bằng việc tổ chức văn nghệ, hay bán các loại nước uống và đồ ăn tự làm trên phố đi bộ Hồ Gươm.
Tuy nhiên, thực tế không như các bạn hình dung và mong đợi. Do không có kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị tốt, hiệu quả thu lại ở những buổi đầu không đáng kể. Song sau những lần đó, điều mà các bạn trẻ học được là cách làm thế nào để thực hiện công việc một cách quả nhất. "Chúng em nghĩ trải nghiệm cũng là một yếu tố cần thiết", một thành viên chia sẻ.
Nhưng rồi với quyết tâm và sự ủng hộ của thầy cô và gia đình, sau 3 tháng, các bạn trẻ đã kêu gọi quyên góp được khoảng 200 đầu sách và đang tăng dần về số lượng.
Song có lẽ động lực lớn nhất cho các bạn trẻ đến từ sự chia sẻ và ủng hộ từ các bậc phụ huynh và xã hội.
Cô Lê Thị Tâm Hảo, giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đánh giá đây là dự án của nhóm bạn trẻ mang trong mình nhiều khát khao, hoài bão và những ý tưởng mới lạ. "Đến từ nhiều ngôi trường, dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng với ý chí, nỗ lực, sự quyết tâm, các em đã lập nên một dự án đầy ý nghĩa. Điều đó cũng cho thấy một quá trình làm việc nghiêm túc, trưởng thành, dám nghĩ, dám làm, dám nỗ lực để đạt được mục tiêu theo cách riêng của mình. Khác với những dự án khác, "Tôi Tập đọc" đi theo 1 hướng khác trong cách tiếp cận văn hóa đọc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Thay vì quyên góp sách, tặng sách... dự án muốn trẻ thực sự đọc, thực sự hiểu để rồi thực sự" yêu" sách suốt đời. Tôi tin với niềm đam mê " Đọc" cùng tấm lòng nhân ái muốn làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, dự án sẽ còn lan toả những giá trị tốt đẹp".
Nhóm bạn trẻ là các học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn Hà Nội có cùng niềm đam mê đọc sách...
Chị Nguyễn Minh Thu, phụ huynh có con đang theo học tại lớp kỹ năng 2 Trung tâm Sao Mai chia sẻ bản thân rất ủng hộ hoạt động của nhóm: "Bởi trẻ ở đây đa số khả năng tập trung rất kém, do đó khi rèn được kỹ năng này cho các con thì rất tốt. Tôi rất đồng tình và cổ vũ ý tưởng của dự án, đặc biệt là các lớp học. Hy vọng các bạn trẻ sẽ có thêm những chương trình, nhiều hình ảnh để con em được tiếp cận thêm".
...và cả khát vọng nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt cho các em nhỏ.
"Các bạn trẻ luôn có thể trở thành một phần của dự án, nếu sẵn sàng thử thách thói quen đọc của mình theo hướng tích cực hơn. Chỉ cần một quyển sách, một tờ báo cùng lòng nhiệt huyết sẵn sàng thay đổi, bạn có thể Tập Đọc cùng chúng mình từ hôm nay", nhóm bạn trẻ đưa ra thông điệp.
Thanh Hùng - Anh Phú
Theo vietnamnet
Xây dựng xã hội học tập qua khơi dậy đam mê đọc sách Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là văn hóa nghe - nhìn đang lấn dần văn hóa đọc. Vì thế, việc khơi gợi đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách vở cũng như duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, giúp xây dựng một...