Chàng sinh viên nghèo hiếu học ở bản Pà Cà
Không ngại khó khăn gian khổ, luôn phấn đấu cao vì sự nghiệp của mình, chàng sinh viên con nhà nghèo ở rẻo cao làm mọi người phải kính nể vì tinh thần và nghị lực phi thường.
Đó là Nhang Văn Ma, chàng trai dân tộc Khơ Mú, hiện học lớp K2C – Khoa giáo dục tiểu học Trường cao đẳng sư phạm Vinh (Nghệ An).
Nhang Văn Ma là chàng trai duy nhất học hết lớp 12 và cũng là chàng sinh viên duy nhất của bản Pà Cà, xã Nậm Cắn (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An). Ma là con thứ 7 trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em. Bố mẹ Ma quanh năm làm nương rẫy vất vả, khổ cực mà vẫn không đủ ăn. Anh trai đầu của Ma sau lần tai nạn đã bị tâm thần. Cứ mỗi lần anh lên cơn bệnh lại đập phá hết đồ đạc trong nhà khiến gia cảnh đã nghèo lại thêm túng quẫn. Mặc dù thế, Ma vẫn cố gắng tới trường để học cái chữ.
Sinh viên Nhang Văn Ma đang đi thực tập.
Ma kể những năm học cấp 2, nhà cách trường hơn 30 km. Mỗi ngày, em phải dậy lúc 5 giờ sáng để đi bộ tới trường. Do trời còn tối nên phải lấy cây nứa đập nát ra đốt lấy ánh sáng soi đường đi. Có những buổi sáng mùa đông rét mướt, tê tái chân tay nhưng em vẫn không bỏ học buổi nào.
Tốt nghiệp cấp 2, Ma định bỏ học vì nhà nghèo quá nhưng được sự động viên của bố và thầy cô, Ma tiếp tục tới trường. Do Ma làm thủ tục nhập học muộn nên không được ở nội trú phải thuê trọ ở ngoài. Từ đó lại thêm vất vả, khó khăn cho cậu học trò nghèo ham học.
Nhà nghèo, khi đi học bố mẹ chỉ gửi được ít cân gạo còn tiền sinh hoạt và các khoản chi phí khác, Ma phải tự lo. Hàng ngày ngoài những giờ lên lớp Ma tranh thủ thời gian đi bắt con giam, con cua để bán cho bộ đội lấy tiền ăn học, hay đi kiếm củi bán và làm một số việc nặng nhọc như bốc vác… Ma tâm sự: “Em không được giỏi lắm nhưng sẽ cố gắng để học cái chữ. Chứ cứ nghĩ mình dốt mà ngại học thì khi nào mới sáng cái dạ được”.
Ở bản Pà Cà chỉ mỗi mình Ma học hết lớp 12. Khi tốt nghiệp cấp 3, Ma cũng muốn thi vào đại học lắm nhưng nghĩ tới cảnh gia đình mình nên Ma đã quyết định đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Nhưng Ma sang đó làm được 8 tháng thì công ty bị phá sản.
Ma trở về quê với hai bàn tay trắng, sau đó bố làm hồ sơ cho Ma đi học sửa chữa ở thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Đi học được ba tháng, Ma định vào miền Nam tìm việc nhưng bố không cho đi. Ma bảo muốn đi ra ngoài cho nó sáng cái dạ chứ cứ ở mãi trong bản thì chỉ có đói nghèo thôi. Bố em thấy con trai có chí nên nhờ một thầy giáo trong bản làm hồ sơ cho Ma thi Trường cao đẳng sư phạm Nghệ An.
Ngày nhận được giấy báo đỗ, Ma vừa mừng vừa lo. Ma sợ nhà nghèo không biết lấy đâu ra tiền để học dưới thành phố. Tiếng Kinh phát âm còn chưa rõ không biết học có theo kịp các bạn ở dưới xuôi không… nhưng bằng quyết tâm, nghi lực của mình em đã vượt qua tất cả.
Chân ướt chân ráo xuống thành phố đi học, Ma gặp rất nhiều khó khăn. Bạn bè lại hay trêu chọc vì Ma trông quê mùa… Nhưng không vì thế mà Ma tự ti hay nản lòng mà luôn cố gắng học hỏi mọi người xung quanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ma đã thông thạo tiếng Kinh và bước đầu quen dần với cuộc sống sinh viên.
Video đang HOT
Gia đình khó khăn nên cuộc sống của Ma rất chật vật và thiếu thốn. Mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp cho Ma 400.000 đồng. Ma bảo: “Để có tiền đi học, bố đã phải bán hết đàn dê và vay mượn rất nhiều. Rồi gửi tiền xuống trường cho em bố lại phải mất 250.000 đồng tiền đi xe từ bản ra nơi gửi tiền”.
Do Ma học hệ trung cấp nên không được hưởng chế độ của học sinh vùng sâu đi học. Ma thở dài: “Em sợ nhất là mỗi lần lớp nhắc đóng học phí, em không biết lấy đâu ra tiền cả”.
Ma trong một giờ thực tập.
Mặc dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhưng chưa bao giờ thấy sự nản chí trên khuôn mặt khắc khổ của Ma với mong muốn sau này là học xong sẽ đem kiến thức về phục vụ bản làng. Ma bảo: “Bản Pà Cà em còn nghèo lắm, cơm chưa đủ ăn, mùa đông không có áo ấm để mặc, người không biết chữ còn nhiều lắm… Ma sẽ đem cái chữ về tận bản làng để không có ai phải bỏ học giữa chừng…”.
Để thực hiện ước mơ đó, những năm học ở trường ngoài kiến thức chuyên môn, Ma còn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau như lâm nghiệp, chăn nuôi, y tế… để về hướng dẫn và truyền đạt cho bà con trong bản.
Hiện Ma đang đi thực tập và sắp ra trường, nhưng khó khăn với em lại thêm chồng chất, khi dịp Tết vừa rồi bố và anh trai lại bị tai nạn. Hiện bố Ma vẫn phải nằm một chỗ. Ma nghẹn ngào: “Em sẽ cố gắng thật nhiều để được học, chỉ mong sẽ giúp ích được những khó khăn cho gia đình và cho bản làng khi em học xong dù còn nhiều khăn phía trước”.
Luôn chịu khó học tập để rèn luyện bản thân, sinh viên Nhang Văn Ma không ngừng vươn lên để khẳng định mình, trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo.
Theo Dân Trí
Nghị lực phi thường của cô học trò nghèo giỏi Anh văn
Không có nhiều điều kiện, vậy mà lên lớp 5 cô học trò Lê Thị Lệ Thủy đã tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 9, giành thủ khoa trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh môn Anh văn 12 và đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Tuổi thơ gian nan
Trong cái nắng gay gắt của miền Trung, gió Lào khô khốc thổi nóng ran cả mặt, chúng tôi tìm đến nhà cô học trò Lê Thị Lệ Thủy ở xóm 2, Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh. Căn nhà tranh xiêu vẹo, thấp lè tè của bố mẹ Thủy nằm khuất sau lũy tre ở cuối làng.
Thủy sinh trong một gia đình thuần nông. Bố em là ông Lê Hữu Thái (52 tuổi) bị tê liệt một chân từ khi lên 3 tuổi bởi căn bệnh thủy đậu, đi lại khó khăn. Thêm vào đó căn bệnh viêm gan và bệnh thận luôn hành hạ. "Ông nhà tôi ngày càng đau yếu dần, gia sản của cả nhà đã vớt vát hết chạy chữa khắp nơi nhưng có thấm vào đâu" - bà Huấn, mẹ Thủy tâm sự.
Vừa học bài, Thủy vừa giúp mẹ chăm sóc bố.
Kinh tế của cả nhà chỉ biết bấu víu vào 11 thước ruộng cằn cỗi. Thương con, thương chồng, bà Huấn bươn chải khắp nơi để kiếm tiền. Từ 11 năm nay chị mưu sinh bằng nghề vót đũa. "Không có vốn đâu, vật liệu phải mua chịu hết. Bà con làng trên, xã dưới thấu hiểu cho hoàn cảnh đã thương tình sẵn sàng bán lợi cho. Thu nhập cũng chẳng ăn thua gì, mỗi tháng cả gia đình lao động cật lực chỉ thu về được 400 ngàn đồng tiền lãi. Chừng ấy phải trang trải cho cuộc sống của gia đình có 6 người thật là một bài toán. Chưa kể tiền lo thuốc thang cho chồng và việc học hành cho 4 con. Thắt lưng buộc bụng, chi tiêu tiết kiệm hết mức mà vẫn không đủ phải vay mượn khắp nơi các chú ạ!" - bà Huấn cho hay.
Đang nằm liệt trên chiếc ghế tựa, ông Thái tự hào nói về các con của mình: "Được cái 4 cháu đều ngoan, cật lực lao động giúp gia đình. Ngày nào chị em Thủy đi học về ăn trưa xong là lao vào giúp bố mẹ vót đũa cho đến 19h tối mới được nghĩ, sau đó mới là giờ đèn sách của các cháu. Thế mà đứa nào cũng học giỏi".
Hằng ngày, sau giờ học ở trường, Thủy và các em cần mẫn giúp mẹ vót đũa đến tối.
Có mang được 7 tháng, bà Huấn sinh Thủy. Cất tiếng khóc chào đời thiếu tháng, ăn uống không được đầy đủ, Thủy lớn lên thấp bé, hao gầy. "Đi học về đói quá không có chi ăn chạy sang hỏi nội. Bà tôi đưa rổ khoai ra, Thuỷ và các em ăn ngon lành trừ bữa lấy sức để giúp mẹ vót đũa" - ông nội Lê Hữu Phồn nói.
Vượt lên hoàn cảnh
Thương bố mẹ, Thủy ra sức nỗ lực học tập. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Thủy có năng khiếu học môn Anh văn. "Đối với em tiếng Anh là một niềm đam mê lớn. Thần tượng của em là người chị họ Lê Thị Thái Hà đã từng đậu thủ khoa Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Những ngày chị ôn thi, em thường sang chơi và mượn sách tiếng Anh của chị. Về đọc thấy hay, em bèn bảo với bố gom góp được 4.100 đồng mua quyển sách tự học tiếng Anh về học. Em cứ mượn sách của chị về đọc thêm như thế, đến lớp 3 em đã tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 6 và lên lớp 5 tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 9" - Thủy bộc bạch về còn đường đến với tiếng Anh của mình.
Thủy luôn tranh thủ thời gian cần mẫn bên góc học tập đơn sơ.
Thủy cho biết thêm: "Hồi ấy, nhà em nuôi ngỗng, trước khi em đi chăn ngỗng, bêmm nhờ chị họ ra cho em 8 bài tập tiếng Anh và một số bài toán. Lúc nào em giải xong mới được đưa ngỗng về. Học ở cấp 2 năm nào em cũng đậu học sinh giỏi cấp huyện môn Anh và sang năm lớp 9 vinh dự đạt đạt giải khuyến khích cấp tỉnh".
Trong kì thi chuyển cấp lên lớp 10, Thủy đã thi đậu vào lớp chuyên Anh trường chuyên tỉnh. Thầy cô ai cũng quý cô học trò nhỏ nhắn mà thông minh. "Học được nửa kỳ ở trường chuyên thì bố bị tai nạn giao thông, cái chân lành lặn còn lại bị gãy đôi. Phải chạy chữa cho bố, kinh tế gia đình thêm khó khăn không thể đủ trang trải cho em tiếp tục học ở trường chuyên. Thương bố, em đành phải chuyển về học tại tại Trường THPT Hương Khê" - Thủy tâm sự, những giọt nước mắt của người con hiếu thảo cứ lăn dài trên trên hai gò má xanh xao.
Những năm tháng học dưới mái trường miền sơn cước, Thủy đạt thành tích học tập khiến nhiều bạn bè nể phục: năm lớp 10, Thủy đạt giải nhì HSG cấp tỉnh, năm 11 đạt giải khuyến khích HSG cấp tỉnh và năm 12 đỗ thủ khoa kỳ thi HSG cấp tỉnh với số điểm 16/20.
Ngoài môn Anh văn, Thủy còn học giỏi toàn diện, từng đạt giải nhất cuộc thi Rạng rỡ Hồng Lam cấp tỉnh. Ngoài ra, Thủy còn dạy kèm các em nhỏ trong xóm để kiếm thêm tiền giúp bố mẹ.
"Con bé nhỏ nhắn thế mà thông minh. Gửi con học với Thủy là chúng tôi yên tâm lắm, cháu nào cũng đạt kết quả tốt trong học tập. Thủy là con của làng này đấy!" - một phụ huynh cho biết.
Trong những năm học qua, chị em Thủy được tặng rất nhiều giấy khen.
"Trong các giờ học, Thủy đàm thoại bằng tiếng Anh với thầy một cách lưu loát, nhiệt tình giảng giải giúp các bạn hiểu cấu trúc, nghĩa của từ mới và các bài tập khó. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời đi dạy tôi mới gặp một học trò nghèo mà lại có khả năng học tiếng Anh tốt đến như vậy. Thủy là niềm tự hào của trường!" - thầy Hồ Thanh Hải, giáo viên Anh văn của Thủy cho biết.
Được biết, điều kiện học Anh văn của Thủy không được tốt như các bạn. Quỹ thời gian ít, tài liệu thiếu thốn, đến lớp 10 khi học ở trường chuyên Thủy mới được bố mua cho quyển từ điển tiếng Anh, còn lại Thủy phải mượn sách của thầy cô, bạn bè. Nhà Thủy không đủ điều kiện, Thuỷ đành mượn một chiếc đài phát thanh, thỉnh thoảng mở kênh tiếng Anh ra để nghe và tập dịch, phát âm.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Thủy đạt loại giỏi với 54 điểm. Vừa rồi, Thủy một mình khăn gói vào Sài Gòn thi vào khoa Kinh tế luật - Trường ĐH Quốc gia TPHCM. Đậu đại học rồi ra trường kiếm nghề để giúp bố mẹ nuôi ba em là giấc mơ mà Thủy ấp ủ từ lâu. Nhưng 4 năm trên giảng đường ĐH sẽ là một chặng đường đầy gian khó cho cô học trò nghèo đầy nghị lực này.
Theo dân trí
Nghị lực phi thường của chàng thủ khoa câm điếc Đoàn Phạm Khiêm, thủ khoa đầu vào khoa Hội họa Trường đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2009 là thí sinh câm điếc duy nhất tại Việt Nam trúng tuyển vào một trường đại học chính quy. Khu tập thể của Fafilm Việt Nam (số 112 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM) có một gia đình đặc biệt. Gia đình chỉ có 2 người...