Chàng sinh viên biến nước thải thành điện năng
Nước thải vẫn có thể sử dụng được, thậm chí mang lại nguồn lợi nhuận to lớn cho quốc gia? Điều tưởng như không thể ấy đã được Nguyễn Xuân Tuyển (SV khoa Công nghệ ô tô, Ttrường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc) hiện thực hóa bằng công trình biến nước thải thành điện năng.
Đạp xích lô lấy tiền làm mô hình
Tuyển là con thứ tư trong gia đình đông con ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, Tuyển đã “nổi tiếng” về khả năng sáng tạo và làm các mô hình khoa học. Thời gian một ngày của Tuyển được phân bổ khá rõ ràng: 60% học bài, 20% giúp bố mẹ việc nhà và 20% thời gian còn lại vùi đầu vào làm các mô hình.
Không giống nhiều bạn khác thường phải vẽ thiết kế ra giấy rồi mới làm, Tuyển suy nghĩ, tính toán, phác thảo ngay trong đầu rồi cứ thế làm. “Buổi trưa mọi người ngủ thì mình trốn trong một căn phòng nhỏ để làm mô hình, nhiều hôm trời nóng quá, mồ hôi chảy ướt hết áo mà không biết. Có những lần mình mải làm quá thức liền hai ngày đêm, quên cả ăn để hoàn thành các mô hình vì sợ quên ý tưởng” – Tuyển tâm sự.
Đam mê, muốn khám phá nên có lần Tuyển “liều lĩnh” tháo cái đầu video “xịn” của bố ra xem nó hoạt động như thế nào, xong không lắp lại được và cuối cùng là phá hỏng hoàn toàn. Tất nhiên, cậu bị bố mắng một trận “té tát”. “Nhưng đó cũng không phải lần duy nhất, mình còn làm hỏng nhiều đồ khác, bị bố mắng nhưng lại được tận dụng thiết bị hỏng đó để chế tạo mô hình” – Tuyển chia sẻ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm mô hình là phế liệu nhưng chúng cũng tốn kém không ít tiền. Nhà đông con, bố mẹ lại chỉ làm ruộng nên để có tiền mua linh kiện làm mô hình, Tuyển phải mượn xích lô đạp thuê. Tháng nào chăm chỉ, cậu kiếm được gần 1 triệu đồng. Không chỉ đạp xích lô, Tuyển còn thêm nhiều công việc khác như: Sửa chữa điện tử, bán hoa vào các dịp tết, 20/11, 8/3, Valentine, làm bồi bàn ở quán kem…
Cho đến giờ, Tuyển đã là chủ nhân của hàng loạt mô hình có tính áp dụng thực tế cao như: Xe cứu hỏa đa chức năng, gối báo thức thông minh, máy lau bảng và hút bụi phấn, máy thái chuối, máy lọc không khí, máy vớt rác trên sông, rô bốt dò tìm và thu gom bơm kim tiêm, máy cắt cỏ năng suất cao…
Mê làm mô hình là thế nhưng Tuyển không quên nhiệm vụ học tập trên lớp. 12 năm liền là học sinh giỏi, khi học cao đẳng cũng liên tiếp giành học bổng. Mọi người sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết chàng sinh viên này vốn nhiều năm liền là học sinh giỏi môn Văn cấp huyện, theo học khối C nhưng lại chọn thi vào ngành Công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Tuyển chia sẻ: “Mình là người rất yêu văn học nhưng lại đam mê công nghệ”.
Video đang HOT
Nguyễn Xuân Tuyển (giữa) cùng các cộng sự bên mô hình tái tạo nước thải thành điện năng.
Biến nước thải thành điện năng
Ý tưởng nảy ra khi một lần Tuyển đi học về qua mấy chung cư cao tầng vừa được đưa vào sử dụng. “Có một thực tế dễ nhận thấy rằng, ngày nay, số lượng nhà chung cư cao tầng ngày một tăng, tỉ lệ thuận với nó là sự gia tăng lượng nước thải sinh hoạt. Do nguồn nước thải được xả thẳng xuống, trong khi nguồn nước sạch lại phải bơm lên cao hết sức khó khăn. Nguồn nước thải lại không sinh lợi nhuận nên việc xả thải bừa bãi luôn xảy ra. Vì vậy, để tận dụng áp lực nguồn nước thải, tụi mình đã làm mô hình “Hệ thống tái tạo điện năng từ áp lực nước thải nhà cao tầng”, để tạo ra một nguồn điện tuần hoàn” – Tuyển chia sẻ.
Mô hình này sẽ tận dụng áp lực nước thải chảy xuống để làm quay tuốc bin máy phát điện và cấp điện cho máy bơm nước, bơm nước sạch lên cho ngay ngôi nhà đó hoặc cấp điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng, trong khuôn viên, hành lang tòa nhà mà không cần sử dụng nguồn điện lưới. Bên cạnh đó, nước thải đã qua xử lý được trích ra một phần nhỏ để cung cấp cho đài phun nước tạo nên một đài phun nước không sử dụng máy bơm. Ngoài ra việc sử dụng nguồn nước thải hệ thống còn có thể gom thêm nước mưa, cho vào bể chứa, thay thế một phần lượng nước thải hao hụt.
Tuyển cho biết: “Khi hệ thống được áp dụng vào thực tiễn sẽ giải quyết được ba vấn đề chính: Xử lý được nguồn nước thải sinh hoạt trước khi xả thải (vì trước khi cho vào trong bể chứa thì cần phải xử lý và lắng lọc), tạo ra nguồn điện năng sạch cung cấp cho khu nhà, tạo ra nguồn nước áp lực cung cấp cho đài phun nước trang trí cho khuôn viên khu nhà”.
Mô hình đã tham gia Chợ công nghệ và thiết bị Thủ đô 2010, Teachmart Hanoi 2010 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E và được đánh giá rất cao. “Chỉ cần có vốn và đầu tư thêm một chút thời gian chúng mình hoàn toàn có thể đưa vào sử dụng trong thực tế” – Tuyển nói.
Theo SVVN
Ghê rợn chuyện lấy nước cống để... tưới rau
Xung quanh cánh đồng rau là hàng chục điểm nắp cống bị bật tung, để lộ ra những hố nước đen sì...
Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh người dân đặt máy bơm hay gánh nước từ cống ngầm tưới ruộng rau thơm, hành ống... thì ít ai biết rằng rau ở đây đang được trồng bằng nước thải. Không chỉ Bắc Ninh, các thương lái Hà Nội cũng về đây mua rau vì giá cả được cho là khá "mềm".
Không dùng nước thải không xong?!
Múc nước thải từ cống tưới rau.
"Ngày thời tiết mát mẻ này còn đỡ, ngày nắng hạn như đợt trước họ đặt hàng chục máy bơm, bơm liên tục đến mức bọt xà phòng sùi lên, bay khắp nơi. Nhìn thấy chắc hết muốn ăn rau!". Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân sống cạnh ruộng rau Bồ Sơn, Bắc Ninh
Chạy theo quốc lộ 1A (mới) về phía Bắc Ninh đến đoạn cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km, đứng trên cầu Bồ Sơn nhìn về phía TP Bắc Ninh sẽ thấy ngay cánh đồng rau xanh mướt thuộc phường Vạn Phúc và phường Võ Cường. Đây là khu đất hàng chục hecta trồng rau nằm quanh Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, nơi được coi là nguồn cung cấp rau xanh dồi dào cho địa phương và nhiều vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên...
Xung quanh cánh đồng rau này là hệ thống cống ngầm, mương nước thải sinh hoạt của TP Bắc Ninh. Dọc theo cống ngầm này hàng chục điểm nắp cống bị bật tung, để lộ ra những hố nước đen sì, nổi lều phều những túi nilon, chai lọ, thậm chí cả băng vệ sinh, xác động vật...
Vậy nhưng, người nông dân ở đây vẫn hồn nhiên bơm, gánh nước từ nguồn nước ô nhiễm này tưới các luống rau như cải thìa, hành, su hào, cải bắp... thậm chí cả các loại rau ăn lá, cần được trồng đảm bảo vệ sinh. Đỡ tốn sức đi xa gánh nước thải, người trồng rau bật luôn nắp cống ngầm để tiện cho việc đặt máy bơm hay múc nước.
Theo người dân, thời gian này không phải là lúc "cao điểm" chăm sóc, tưới nước song lác đác trên ruộng rau ngút ngát vẫn có một số máy bơm đang hút nước cống dẫn nước vào những luống hành. Từ xa nhìn lại đã thấy những đám bọt đùn cao trắng xóa quanh các máy bơm này. Bọt bay khắp nơi lẫn mùi khăm khẳm tanh lợm của nước cống.
Anh Ngô Đức Hạnh, một người trồng rau ở phường Đại Phúc hồn nhiên cho biết: "Nhiều năm nay, khu rau này chúng tôi đều lấy nước dưới cống ngầm tưới chứ làm gì có nguồn nước khác. Bên cạnh có đầm nước nhưng cũng là nước cống dồn ra thôi. Tất cả nước thải toàn thành phố ra đây hết!".
Theo tay anh Hạnh chỉ, chúng tôi tìm đến cái đầm nước. Nói là đầm nhưng thực ra đó là một khu ruộng trũng. "Trước đây khu này dân cấy lúa, nước thải đổ ra nhiều, lúa bị sâu bệnh không phát triển, nhiều năm không được thu hoạch nên mấy năm nay dân bỏ hoang luôn. Nước thải đổ ra thành đầm nước đọng, đen sì, có chỗ còn sủi bong bóng. Nhiều hôm nước đổi màu xanh lét, rất hôi thối", bà Nguyễn Thị Minh, một người dân sống gần đồng rau nói.
Lái buôn khắp nơi lấy hàng tạ rau tại ruộng
Không chỉ bà Minh mà rất nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này cũng bức xúc về tình trạng nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm, gây mùi hôi thối ở cái đầm này. Họ cho biết, những ngày oi ả, mùi hôi từ đầm nước còn xộc vào tận nhà dân quanh vùng, rất khó chịu. Vậy mà, người trồng rau vẫn sử dụng nước này để tưới rau.
"Có ai nhắc nhở gì đâu?"
Khi hỏi về việc dùng nước thải tưới rau như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thì một số người trồng rau ở đây cho rằng "không vấn đề gì". Có lẽ tưởng chúng tôi hỏi về sức khỏe của họ khi tiếp xúc với nước thải để tưới rau nên họ giải thích thêm: "Làm lúa thì phải ngâm chân liên tục, tưới rau nước ngấm rồi lại khô ngay. Mà không lấy nước ở đây lại không có nước để tưới". Thậm chí, anh Ngô Đức Hạnh còn tỏ ra vui mừng cho rằng: "Nước này lại hợp với cây màu, các loại rau lớn nhanh trông thấy. Hơn nữa, gần chục năm nay, chúng tôi lấy nước thải này tưới rau cũng không thấy ai nhắc nhở hay khuyến cáo gì"(?!).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ nguồn nước tưới rau ở đây đều là nước thải sinh hoạt. Sau khi thu hoạch, để làm sạch đất cát bám trên lá, củ, rau còn được người trồng đem rửa trực tiếp bằng chính nước thải này. Đầm nước thải vừa đục vừa đen nhưng lại được người dân tận dụng triệt để, rau sau khi cắt, nhổ được mang ra đầm nhúng vào nước cho tươi, rồi bó thành từng bó, xếp thành đống chờ thương lái đến "ăn" hàng.
Tận mắt chứng kiến cảnh người nông dân đặt máy bơm, gánh nước cống đen sì này lên để tưới ruộng rau, rồi rửa, nhúng rau ở đây có lẽ ai cũng phát "hoảng" khi nghĩ đến việc chọn rau ăn.
Theo GiađinhNet
Đạp xích lô nuôi con đợi vợ ra tù Vợ chồng nhà thơ đạp xích lô Sỹ Thành 8 năm vợ trong tù, sống cảnh gà trống nuôi con, Nguyễn Sỹ Thành cả ngày bán sức trên những con phố, đêm về lại làm thơ đợi vợ. Có người từng nói: "Trời ơi, cuộc sống đã cơ cực còn bày đặt thơ với thẩn". Nhưng họ không hiểu, chính thơ đã khiến...