Chàng mập kỹ sư 12 giờ đêm chưa ngủ vì chăm cây, con đặc sản
Xuất phát từ ý tưởng làm ra sản phẩm nông nghiệp lạ, sạch và ít “đụng hàng”, sau gần 4 năm mày mò, anh Ngô Xuân Điền (TP Cần Thơ) đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp như mong muốn: Gà đông tảo, dế, 32 loại nấm quý hiếm, đông trùng hạ thảo…
Trở thành ông chủ từ nghề “tay trái”
Anh Ngô Xuân Điền, 29 tuổi, kỹ sư điện, hiện đang công tác tại UBND phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Cách đây 4 năm vì đam mê nên anh Điền bắt đầu tìm hiểu mô hình nông nghiệp và sản phẩm đầu tiên anh chọn làm là trồng nấm linh chi. Do chưa hiểu biết gì về loại nấm này nên thời gian đầu anh gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Trồng nấm linh chi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh Điền.
“Tôi bắt đầu trồng nấm từ một người “tay ngang”, kiến thức hầu như bằng số không nên đã gặp không ít khó khăn. Có thời điểm, tôi phải đi đến những nơi làm nấm tại các khu vực lân cận để học hỏi. Nhưng cũng không được bao nhiêu, do ai cũng ngại dạy bí quyết cho người lạ nên phần lớn là tôi tự học, tự tìm hiểu qua các trang mạng, sách vở” – anh Điền bộc bạch.
Trong thời gian đầu nghiên cứu, anh Điền không có ai hướng dẫn, kinh nghiệm còn hạn chế nên nấm ra nhỏ, nhiều bệnh, bị hao hụt cao, thậm chí thiệt hại gần 100 triệu đồng (2 vụ trồng). Anh Điền vẫn không nản lòng vì nhờ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Để quay vòng vốn hằng ngày, anh còn trồng thêm nấm rơm.
Anh Điền chia sẻ: Tôi phải trồng nấm rơm (dễ trồng, nhanh thu hoạch) để có vốn đầu tư cho các loại nấm dược liệu. Sau thời gian dài mày mò, cuối năm 2015, anh đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sản phẩm của anh đã bán ra thị trường và lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Cũng trong thời gian nghiên cứu trồng nấm linh chi, anh còn nuôi gà đông tảo, làm rượu nấm, chậu linh chi cảnh, nuôi dế…Theo anh Điền, các sản phẩm của anh được sản xuất tỉ mỉ trong từng khâu, từ nguồn nước cho đến nguyên liệu, thức ăn đều phải được kiểm tra gắt gao, đảm bảo sạch và an toàn, đảm bảo chất lượng.
“Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm, trong đó toàn là những nấm “độc, lạ” có khả năng bồi bổ sức khoẻ, trị bệnh. Tôi cũng đang xây dựng nhiều nhà lạnh để tiếp tục nghiên cứu, trồng các loại nấm trên” – Anh Điền khoe khi gặp phóng viên.
Video đang HOT
Anh Điền cho biết, ngoài thời gian làm việc tại UBND phường, anh đều dành thời gian vào việc nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp “độc, lạ” trên.
“Tôi không làm một mình mà phối hợp cùng với một người bạn học chung thời đại học và những người cùng đam mê nông nghiệp đô thị ở quận Bình Thuỷ. Trung bình mỗi trang trại, tôi đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Mỗi nơi đều có người phụ trách riêng, còn tôi chịu trách nhiệm chung và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm làm ra. Từ khi đến với nông nghiệp, tôi hầu như không bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm” – anh Điền chia sẻ về công việc của mình.
Quảng bá sản phẩm từ nhiều kênh
Anh Điền tâm sự: “Với sức trẻ của mình và với đam mê nông nghiệp sạch, tôi mong muốn tạo ra thói quen mới trong sản xuất là không cần diện tích đất nhiều và sản phẩm đến người dân càng ít khâu trung gian càng tốt. Vì vậy, anh đã tận dụng mạng xã hội như Facebook để quảng bá sản phẩm”.
Anh Điền đang cho bồ câu ăn.
Để nhiều người có thể tiếp cận được các sản phẩm “độc, lạ” của mình, anh không ngại bán sản phẩm với số lượng ít. Chẳng hạn, nấm linh chi thường có giá hơn 1 triệu đồng/kg nhưng anh chấp nhận bán vài trăm gram. “Nhiều người muốn tiếp cận sản phẩm nhưng khó khăn vốn hoặc ngán tiền khi mua 1 lần với số tiền lớn nên tôi đã chia nhỏ ra bán. Đây cũng là cách tôi tiếp thị sản phẩm” – anh Điền cho hay.
Thời gian qua, anh Điền còn tổ chức những đợt tham quan mô hình, cho khách hàng đến tận trang trại để xem sản phẩm được coi là dược liệu quý trị ung thư và nhiều loại bệnh khác, những loại động vật hiếm để nhờ mọi góp ý. Nhờ nhiều cách quảng bá, đến nay, sản phẩm của anh không đủ bán.
Trước nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, Điền vừa thuê thêm 1 mảnh đất 3.000 m2 để mở rộng các mô hình. Mặc dù, anh đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm khác nhau nhưng vì để khách hàng “không quên mình”, anh chỉ cho ra mắt 5 loại mỗi năm. Cũng trong 32 loại nấm trên, chỉ có khoảng 9 loại trồng được ở khí hậu ĐBSCL. Những loại không trồng được nơi đây, anh Điền sẽ cung cấp phôi nấm cho bạn hàng, đầu mối ở các vùng miền khác cũng như chuyển giao kỹ thuật trồng.
Anh Điền còn cho biết thêm, vài tháng tới đây, anh sẽ công bố, giới thiệu loại nấm mới được anh nghiên cứu, sản xuất trong phòng thí nghiệm. Đó là nấm hoàng đế (giống mới, có trọng lượng lớn, có thể đạt hàng chục kg/chùm nấm nên được gọi là nấm khổng lồ) và nấm mối (chỉ có trong tự nhiên vào mùa mưa).
Theo tính toán, mỗi ngày, anh Điền bán được hàng chục kg nấm các loại. Nếu tính cả năm, sau khi trừ tất cả chi phí, anh có thể lời khoảng 400 triệu đồng.
Theo Khánh Tường (Báo Dân trí)
Thất nghiệp, bực mình về núi nuôi con xương đen lại thành triệu phú
Ở xã vùng cao Pú Luông, huyện Mù Cang Chải xa xôi của tỉnh Yên Bái có những nông dân người Mông như anh Vàng A Công, Thào A Khày đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn nuôi những con đặc sản như gà đen, ong rừng, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Tại bản Mí Háng Tâu, xã Pú Luông có một mô hình nuôi gà đen (gà ác) có quy mô khá lớn. Hỏi ra được biết đó là mô hình của anh Vàng A Công. Sinh ra lớn lên tại Mí Háng Tâu, anh Công luôn chịu khó học hành để mong sau này sẽ có kiến thức phục vụ quê hương. Năm 2013, Công thi đỗ và theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên...
Vợ chồng anh Vàng A Công chăm sóc đàn gà xương đen (gà ác). Anh Công cho biết, sau mỗi lứa gà xuất bán, trừ chi phí, vợ chồng anh còn lãi 50 triệu đồng.
Thất nghiệp về núi nuôi gà đen
Ra trường, không xin làm việc tại cơ quan nhà nước mà Công quyết định ở nhà cùng vợ phát triển kinh tế. Sau nhiều đêm trăn trở, vợ chồng Công quyết định đầu tư nuôi gà đen. Đất đai rộng, sẵn nguồn nước, vợ chồng Công trồng cỏ, quây khu để nuôi gà. Áp dụng những kiến thức đã học, tìm hiểu thêm sách báo và sự giúp đỡ của cán bộ thú y, Công xây dựng chuồng, làm hệ thống máng ăn, uống cho gà và cất công xuống Viện Chăn nuôi gia cầm Thuỵ Phương (Hà Nội) để mua con giống.
"Ban đầu, vợ chồng mình cũng rất lo việc vay mượn hơn 100 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại và mua con giống mà lỡ chăn nuôi không được thì biết trả nợ bằng cách nào. Nhưng nhờ áp dụng đúng kỹ thuật như: tiêm phòng dịch đầy đủ, thả gà khi trời đã tan sương, những ngày mưa hoặc thời tiết lạnh thì nuôi nhốt. Thức ăn gồm cám ngô và lúa, máng ăn uống luôn sạch sẽ nên đàn gà nhanh lớn" - Vàng A Công chia sẻ.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, ngay lứa gà đen đầu tiên, Công đã thu được trên 1 tấn gà. Với giá bán dao động từ 130 - 150 nghìn đồng/kg, đã mang về thu nhập gần 150 triệu đồng. Nhẩm tính trừ chi phí ban đầu, gia đình Công thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Thành công bước đầu đã giúp vợ chồng Công có thêm động lực tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống về nuôi.
Công cho biết thêm: "Chăn nuôi gà không mất nhiều sức lực như đi làm nương, nhưng phải chăm chỉ và tích lũy kinh nghiệm cộng với việc tìm hiểu thông tin trên đài, báo là rất cần thiết, vì hiện nay có rất nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nên nguy cơ gia cầm mắc bệnh là rất lớn. Nhà mình hai vợ chồng phải làm lán và chuồng trại nuôi gà ở xa khu dân cư; quần áo, giày dép khi vào khu vực nuôi gà phải sạch sẽ để hạn chế việc mang mầm bệnh cho gà.
Thành công từ lứa gà đầu tiên, đến lứa sau mình sẽ tăng đàn. Nhưng một điều mà hai vợ chồng mình luôn băn khoăn là hiện nay số lượng gà ít thì còn bán được cho các nhà hàng và người dân có nhu cầu. Thời gian tới, nếu mình nuôi với số lượng nhiều hơn thì đầu ra không biết sẽ ra sao? Mình mong muốn được các cấp chính quyền giúp đỡ, giới thiệu những nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định để mình yên tâm phát triển kinh tế".
Lập tổ nuôi ong rừng
Cũng như anh Công, tại bản Nả Háng Tâu, phong trào phát triển kinh tế của các bạn đoàn viên cũng được thể hiện rõ qua việc thành lập tổ nuôi ong mật với 6 thành viên và kết nối với các tư thương để có điểm tiêu thụ mật ong ổn định. Trong đó, Thào A Khày là một thành viên nuôi ong mật sớm nhất. Năm 2010, Khày tự bắt ong rừng về và đóng đõ nuôi ong, nhân đàn. Đến nay, Khày đã có trên 100 đõ và mỗi năm từ việc bán mật đã thu được 250 - 300 triệu đồng.
Nuôi ong là nghề được nhiều nông dân Mù Cang Chải, trong đó có các thành viên tổ nuôi ong bản Nả Háng Tâu, xã Pú Luông lựa chọn.
Khày chia sẻ "Tham gia nhóm nuôi ong mật, nhóm mình giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật, con giống và tiêu thụ mật. Hiện tại, thành viên ít nhất cũng có trên 50 đõ và có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm. Nhóm mình cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn nếu các bạn đoàn viên trong xã muốn nuôi ong phát triển kinh tế". Được biết, hiện nay xã Púng Luông có trên chục mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên có thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là bước khởi đầu khả quan cho những người dám nghĩ, dám làm.
Từ thành công của Vàng A Công và nhóm nuôi ong mật, một lần nữa khẳng định ý chí vượt khó để khởi nghiệp của những "ông chủ" trẻ ở xã Púng Luông là bước khởi đầu quan trọng cho việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Minh Huyền (Báo Yên Bái)
Thu nhập cao từ nuôi trồng "hàng độc": Sống khỏe với con đặc sản Chăn nuôi lợn, gà công nghiệp hay trồng lúa, rau màu... thường bấp bênh, rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Do đó, thời gian gần đây, một bộ phận nông dân đã chuyển hướng sang đầu tư chăn nuôi các loại con đặc sản, nhờ đó luôn giữ được giá bán cao, thu nhập ổn định. Đáng chú ý, việc chăn nuôi con...