Chẳng lẽ ông Yến “vu vạ” cho Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La?
Chẳng lẽ cấp dưới của ông Hoàng Tiến Đức lại “bốc lửa bỏ vào tay Giám đốc” của mình rồi lấy tiền nhà đi… nộp chơi?
Sau gần 1 năm điều tra, sự việc gian lận điểm thi ở Sơn La đã kết thúc giai đoạn 1 với rất nhiều thông tin khiến dư luận sững sờ.
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị cấp phó của mình là ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra là “nhờ vả” sửa điểm cho 8 thí sinh. (1).
Điều mà dư luận thắc mắc lâu nay là vì sao những thí sinh con nhà nghèo lại không được “vô tình” sửa điểm cũng đã có lời giải đáp.
Với giá trung bình mỗi thí sinh được nâng điểm là 1 tỉ đồng thì con nông dân nào đủ sức để có tên trong danh sách sửa điểm?
Ông Trần Xuân Yến (áo trắng) đã khai Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La nhờ sửa điểm cho 8 thí sinh (Ảnh: VTV.vn)
Ngay sau khi thông tin ông Trần Xuân Yến khai với cơ quan điều tra được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ Người Đưa Tin cũng đăng trả lời của ông Hoàng Tiến Đức phủ nhận: “ Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đó“.
Phải chăng cấp phó Trần Xuân yến đã vu khống cho Giám đốc Hoàng Tiến Đức?
Chuyện có hay không thì lời khai của ông Trần Xuân Yến sẽ được cơ quan điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 tới đây. Chúng ta tin, các cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời ông Hoàng Tiến Đức nói hôm nay đúng hay sai trong một ngày sớm nhất.
Nhưng, có lẽ trong lúc này đây, không có ai tin ông Hoàng Tiến Đức cũng như bao nhiêu vị quan chức có con được nâng điểm đã và đang chối bay, chối biến!
Việc một số bị can ở Sơn La đã nộp lại số tiền cho cơ quan điều tra là minh chứng rõ nhất cho vụ án “mua bán điểm” ở tỉnh này. Chẳng lẽ cấp dưới của ông Hoàng Tiến Đức lại “bốc lửa bỏ vào tay Giám đốc” của mình rồi lấy tiền nhà đi… nộp chơi?
Chúng ta biết rằng trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Sơn La có 44 thí sinh được sử và nâng khống điểm. Thí sinh được nâng cao nhất là 26,55 điểm/ 3 môn.
Số tiền đó rất lớn, đã đủ cám dỗ để làm lung lạc đạo đức của một số cán bộ quản lý ngành giáo dục Sơn La.Nếu như lời khai của các bị can, mỗi thí sinh có giá trung bình là 1 tỉ đồng thì 44 trường hợp này đã tương đương 44 tỉ đồng!
Theo thông tin từ Báo Tuổi trẻ: “ Kết quả điều tra cũng cho thấy ngoài ông Trần Xuân Yến nhận giúp 13 thí sinh, bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhận giúp 16 thí sinh.
Bị can Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu, thành phố Sơn La) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Lò Văn Huynh (trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 7 thí sinh.
Video đang HOT
Bị can Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng) nhận giúp 4 thí sinh. Bị can Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 1 thí sinh.
Bị can Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) nhận giúp 2 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh là em vợ“.
Trong số những bị can đã bị tuy tố và bắt bắt giam, chúng ta thấy chỉ có ông Trần Xuân Yến “giúp đỡ” nhiều nhất là 13 thí sinh. Các bị can khác ít hơn nhưng cũng đã bị truy tố, có người được tại ngoại, có người đã bị bắt tạm giam.
Vì thế, khi cấp phó khai ra việc ông Hoàng Tiến Đức “nhờ vả” sửa điểm cho 8 thí sinh thì có lẽ ông Đức đã…đang sợ.
Dân đen dù cho có tiền cũng rất khó tiếp cận và chơi với người có chức vụ là Giám đốc Sở. Đáp án nhiều con quan chức Sơn La có con được nâng điểm đang dần được lộ rõ.Người mà quen được Giám đốc Sở để cậy nhờ chắc chắn cũng phải là những người có vai vế, địa vị chứ không thể là dân đen.
Việc ông Hoàng Tiến Đức sợ cũng là điều dễ hiểu vô cùng. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa thôi là ông sẽ về hưu, khép lại một quá trình công tác trong ngành giáo dục.
Nếu không có sự việc này, chắc chắn ông sẽ là một nhà giáo có uy tín cả hiện tại và kể cả khi về hưu. Thế nhưng, khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì lại để xảy ra việc này.
Vì thế, tương lai của ông Hoàng Tiến Đức những tháng ngày tới đây chắc sẽ không yên ả. Công sức cống hiến cả đời cho ngành giáo dục đã bị chính ông đổ sông, đổ bể hết.
Nhưng, với 8 cấp dưới của mình đã bị truy tố, bắt giam, cấp phó đã khai ra mình “gửi gắm” 8 thí sinh thì lẽ nào ông Hoàng Tiến Đức lại chối bay chối biến một cách phũ phàng như vậy?
Có lẽ, trong lúc này thì ông Hoàng Tiến Đức đừng nên thanh minh điều gì cả bởi chuyện gì đến, ắt sẽ đến thôi.
Nếu ông bình thản đón nhận sự việc, đón nhận hậu quả mà mình gây ra thì ông sẽ thanh thản lòng mà ít ra là có người còn cảm thông, chia sẻ với ông trong thời gian tới.
Nhưng nếu như ông phủ nhận toàn bộ sự việc thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm sáng tỏ vấn đề mà lúc đó ông còn sẽ mất nhiều thứ hơn nữa!
Tài liệu tham khảo:
(1). https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Không mua được bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền!
Nếu chúng ta không trừng trị những kẻ "cướp điểm" ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, chúng ta đang làm ngơ cho gian lận thi cử...
LTS: Lời khai của bị can Trần Xuân Yến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về số tiền để nhận chạy điểm đang khiến dư luận hết sức bất bình.
Thầy giáo Sơn Quang Huyến đã có bài viết về vấn nạn mua điểm, chạy điểm trong giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một tỷ có nhiều không? Chẳng biết nhiều hay ít, trường tôi gần 40 giáo viên và nhân viên; có 14 lớp học, năm ngoái chỉ có 1,7 tỷ ngân sách; như vậy một tỷ lớn thật.
Anh B. kế toán, ngồi tính nếu lương một người đi dạy, từ khi mới ra trường đến khi về hưu chưa được... một tỷ. Một tỷ đủ để khiến "Ma quay cối, người bán mình"!
Theo lời khai của bị can Trần Xuân Yến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, chính giám đốc sở này, ông Hoàng Tiến Đức đã đưa thông tin của 8 thí sinh để nhờ tổ chấm sửa nâng điểm.
Về "chi phí" để giúp rút bài sửa nâng điểm, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỷ đồng.
Được biết, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Điểm thi không phải không mua được bằng tiền, mà mua được bằng rất nhiều tiền! Ảnh minh họa: Họa sĩ Danh
Một tỷ, người ta đã mua được cái gì?
Phần lớn các trường hợp mua điểm ở Sơn La đã nhập học khối trường Công an, Quân đội. Như vậy người ta đã "mua được" quá trình học đại học nhà nước nuôi miễn phí; một "suất công chức"; một công việc ổn định, lương cao sau khi ra trường.
Theo "dư luận", một suất công chức giáo dục ở Hà Nội đã được "rao giá" vài trăm triệu đồng với các cô giáo "hợp đồng". Như vậy "đầu tư" một tỷ cho mỗi trường hợp nâng điểm ở Sơn La quả là "đồng tiền thông thái".
Song, cái "rẻ nhất" mà họ đã mua được là cái "vô giá" mà chúng ta đã phải mất biết bao máu xương mới có được là niềm tin của nhân dân với Đảng, với nhà nước!
Trước cổng trường đại học Nam Phi có khắc câu nói nổi tiếng của Nelson Maldela về giáo dục và sự phát triển của đất nước: "Muốn phá hủy một đất nước, không cần dùng bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và làm ngơ cho gian lận thi cử".
Nếu chúng ta không trừng trị những kẻ "cướp điểm" ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, chúng ta đang làm ngơ cho gian lận thi cử; chúng ta đang tàn phá đất nước thân yêu của chính mình.
Có người bảo "Chuyện gian lận thi cử vừa rồi nhằm nhò gì. Chỉ là không may bị lộ". Chuyện thanh tra được thực hiện ở một số địa phương khác, kết quả thanh tra cho thấy không có vấn đề. Tin hay không tin tùy bạn, nhưng chúng ta mong sự thật là như thế.
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019 sắp đến, phụ huynh, học sinh đã được ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo - đưa ra cảnh báo "Thi Trung học phổ thông quốc gia 2019: Thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ chuyện gian lận!" khi trao đổi với báo chí sáng 17/5/2019.
"Lựa chọn cán bộ làm nhiệm vụ phải cẩn thận và am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ quy trình và trách nhiệm. Tập huấn kỹ càng cán bộ coi thi để đến trường thi, ai làm vị trí nào đều phải làm tốt".Về phía các công chức đảm nhận công tác thi và chấm thi, ông Trinh cho rằng:
Ông Trinh cho biết khu vực lưu trữ đề thi, bài thi có camera an ninh giám sát, công an trực an ninh 24/24 giờ.
Việc trực đêm tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại điểm thi do phó trưởng điểm hoặc thư ký là cán bộ, giảng viên của đại học, cao đẳng thực hiện. Quy trình phân công cán bộ coi thi, phát đề thi, chấm thi trắc nghiệm cũng có thay đổi so với năm 2018.
Đặc biệt, năm nay phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để ngăn ngừa việc can thiệp, gian lận. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được điều chỉnh để phát hiện gian lận, can thiệp. Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi lưu dấu vết. Chỉ người có trách nhiệm mới có thể truy cập.
Giáo viên, giám khảo trên cả nước đã có bài học "Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ"; Đà Nẵng đã chi 5 tỷ để chống gian lận, cấm chỉ đạo miệng trong kì thi Trung học phổ thông; các địa phương khác đã triển khai công tác thi Trung học phổ thông kĩ lưỡng; Bộ đã có các phương án kĩ thuật phòng chống gian lận. Những kẻ có ý đồ "cướp điểm" hãy đợi đấy!
Mong rằng kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019, không có ai có thể mua được, bán được điểm, dù bằng rất nhiều tiền!
Quả báo nhãn tiền, chẳng cần phải chờ lâu; những kẻ gian lận thi cử rồi cũng bị lôi ra ánh sáng, trừng trị trước pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở dư luận phán xét.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/thi-sinh-phu-huynh-dung-nghi-chuyen-gian-lan-20190517115359532.htm
https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Lộ diện danh sách thí sinh Sơn La được "nhờ" nâng điểm để đỗ Đại học, giá trung bình 1 tỷ đồng/trường hợp Theo lời khai của Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Giám đốc Sở này đã chỉ đạo ông để nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Theo Người Đưa Tin, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, ông Hoàng Tiến Đức đã bức xúc trả lời rằng không có chuyện ông chỉ đạo Phó giám đốc Sở...