Chấn hưng người thầy
Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XII tiếp tục nêu rõ nhiệm vụ quan trọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực.
Cần xác định chấn hưng đội ngũ thầy cô giáo là động lực chính và là trung tâm của cải cách, đổi mới giáo dục – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một trong những nguồn vốn hết sức quý báu của đất nước là nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn lực tuổi trẻ. Là một nguồn lực rất lớn, rất quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh đất nước, rất nhiều người trong lớp trẻ VN hiện nay có hoài bão lớn, đoàn kết gắn bó, hướng về cộng đồng, có tinh thần và ý chí vươn lên như Bác Hồ từng kỳ vọng. Đây là ý thức chung, không chỉ thể hiện trong những người trẻ – trí thức, nghiên cứu khoa học mà còn thể hiện rất rõ trong những người trẻ – công nhân trực tiếp lao động, sản xuất.
Cùng với hoài bão lớn lao, tính linh hoạt vốn có, tuổi trẻ VN rất nhạy bén với cái mới, biết nhìn ra cái mới, có tính thực tiễn và tinh thần thực tế rất cao, không sa đà vào những mơ mộng, lý thuyết suông. Một đất nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì thực tế đòi hỏi phải đi vào công nghệ, khoa học, kỹ thuật ứng dụng cũng là một điều hợp lý.
Tiếp sức cho tuổi trẻ
Nguồn lực tuổi trẻ, những thế mạnh của tuổi trẻ VN có phát huy được lên cao hay không, theo tôi, phụ thuộc rất lớn vào quá trình bồi dưỡng, vun đắp từ giáo dục. Tuổi trẻ muốn khởi nghiệp thành công, muốn xây dựng tương lai tốt đẹp, thực hiện được ước mơ hoài bão của bản thân thì phải trải qua sự trui rèn trong môi trường giáo dục. Cùng với giáo dục của trường học, những năm qua còn có sự đồng hành, tham gia hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của đoàn thanh niên, hội sinh viên, của gia đình và cộng đồng xã hội…
Đảng đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; và một trong những nhiệm vụ trong 5 năm tới: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”. Đường hướng, triết lý giáo dục như vậy là đúng đắn, điều quan trọng là hành động với phương pháp khoa học, tiến bộ để thực hiện thành công chiến lược, mục tiêu đề ra.
Những năm qua chúng ta dồn những chương trình, đầu tư để chấn hưng người thầy còn quá ít so với những nội dung, công việc khác. Hiện, việc chăm chút để đổi mới người thầy vẫn chưa căn bản, thậm chí việc chuẩn hóa về bằng cấp vốn chỉ là một hình thức cũng chưa có chuyển biến đáng kể. Chấn hưng người thầy phải có cách làm phù hợp hơn để khôi phục vị trí người thầy trong giáo dục. Cơ sở vật chất là cái quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Người thầy giỏi sẽ tạo ra học sinh giỏi, tìm thấy cái giỏi của học sinh. Học sinh giỏi mà không có thầy giỏi để bồi dưỡng, phát huy thì học sinh phải tự bơi, rất gian nan.
Thiết nghĩ, trong văn kiện cần xác định, nói rõ hơn việc chấn hưng đội ngũ thầy cô giáo làm trọng điểm, làm đòn bẩy; là động lực chính và là trung tâm của cải cách, đổi mới giáo dục. Cần nhấn mạnh và cần tập trung đầu tư chấn hưng người thầy; chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế người thầy để có đội ngũ thầy cô giáo thật ưu tú, đủ số lượng, hùng mạnh về chất lượng. Đây chính là yếu tố quyết định, thúc đẩy nguồn lực tuổi trẻ phát triển và đóng góp nhiều hơn, vững bền hơn cho đất nước.
Theo TNO