Chân dung vị trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama
Sau cuộc gặp năm 2008, Mosteller quyết định làm công việc mà ông quen thuộc nhất: trở thành cặp mắt và đôi tai của tổng thống để nhìn mọi điều qua quan điểm của ông Obama, trở thành người ủng hộ mạnh mẽ nhất của tổng thống.
Ông Brian Mosteller (phải) cùng Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng – Ảnh: Nhà Trắng
Brian Mosteller làm việc tại một căn phòng nhỏ bên ngoài phòng Bầu dục. Đối diện ông là bàn của thư ký riêng của tổng thống. Ông là nhân viên duy nhất tại Nhà Trắng có bàn làm việc có góc nhìn thẳng đến bàn của tổng thống. Ai đi vào phòng Bầu dục cũng phải ngang qua nơi ông trước.
Không nhiều người nghe biết về Mosteller, nhưng khi chú ý kỹ vào những bức ảnh chụp bên trong Nhà Trắng, có thể thường thấy ông đứng đâu đó ở rìa khung hình, theo Washignton Post ngày 15.2.
Người đứng sau mọi người
Brian Mosteller (40 tuổi) là một người đẹp trai, cao mảnh khảnh, tóc sẫm và mắt sáng. Chức vụ chính thức của ông như Nhà Trắng giới thiệu là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama và là trưởng điều hành phòng Bầu dục. Khi Tổng thống Obama ở tại thủ đô Washington, mỗi hành động, mỗi người Tổng thống Mỹ gặp, mỗi cuộc họp ông tham dự đều được ông Mosteller chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ông Mosteller biết tổng thống Obama thích đặt ly nước ở đâu và muốn ngồi cạnh ai khi ngồi tại bàn họp. Ông biết tổng thống muốn cái bục phát biểu được kê cao đến đâu. Ông nghiên cứu các loại đồ uống yêu thích của các vị lãnh đạo để tổng thống tiếp đãi. Ông chuẩn bị mọi thứ trước khi tổng thống phát biểu. Ông sẽ nói với tổng thống khi chiếc vớ bị chùn ở chân hoặc chiếc áo bị nhăn trước mỗi cuộc phỏng vấn.
Khác với các nhân viên thân cận khác của tổng thống được tận hưởng khoảnh khắc bên ánh đèn sân khấu mỗi buổi diễn thuyết, ông Mosteller luôn là người đứng phía sau hậu trường và quan sát mọi thứ.
Đồng nghiệp tại Nhà Trắng ngưỡng mộ, coi Mosteller như là người hùng thầm lặng, người đứng sau mọi người. Nếu thiếu ông, Tổng thống Obama được cho là sẽ không thể nổi danh về độ “ngầu” của mình.
Cố vấn lâu năm của tổng thống Obama, bà Valerie Jarett cho biết ông Mosteller biết rất rõ về tổng thống. “Ông ấy chú ý đến mọi thứ. Tổng thống biết Brian quan tâm ông đến mức nào. Tổng thống hoàn toàn tin tưởng ông ấy”, bà Jarett nói.
Video đang HOT
Mỗi buổi sáng, Mosteller luôn làm việc ít nhất một giờ trước khi tổng thống đến. Ông là người mở cánh cổng để Tổng thống Obama vào Vườn Hồng. Ông cũng là người châm nước cho chú chó ngoan ngoãn tên Bo tại Nhà Trắng.
Trong lúc đợi tổng thống đến, Mosteller cùng thư ký riêng của ông Obama thường mở nhạc và hát cùng nhau. Sau khi tổng thống kết thúc ngày làm việc, ông vẫn ở đó để tắt đèn, đóng cửa. Mosteller không hề bỏ lỡ khoảnh khắc nào từ lúc tổng thống bắt đầu làm việc và nghỉ nơi.
Ông Mosteller đứng ở cửa đợi Tổng thống Obama phát biểu thông điệp về việc thông qua luật hôn nhân đồng tính năm 2015 – Ảnh: Nhà Trắng
Cái duyên từ cuộc gọi bất ngờ
Mosteller đã làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, từ khi còn ngồi trên ghế đại học. Ông là nhân viên phụ trách các chuyến đi trong nước và quốc tế của tổng thống và đệ nhất phu nhân. Ông tỏ ra không hứng thú với một sự nghiệp chính trị dù từng làm việc cho đội ngũ thuộc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Al Gore, cựu phó tổng thống Mỹ. Mosteller cũng tham gia công tác tổ chức cho thành phố Salt Lake trong kỳ Olympic 2002.
Ông mua nhà tại Chicago năm 2007 và dự tính bắt đầu một cuộc sống ổn định sau nhiều năm làm công tác hậu cần cho nhiều sự kiện lớn khắp thế giới.
Tuy nhiên, ông nhận được cuộc gọi mời làm việc cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama. Mosteller chấp nhận nhưng vẫn nói rõ rằng không quan tâm lắm đến việc rời khỏi Chicago. Ông gặp ông Obama sau đó.
Mosteller cho biết không phải vì tài hùng biện của ông Obama mà ông chấp nhận tham gia. Ông cho rằng có điều gì đó vô hình khó tả, có một sự tử tế, tin cậy khiến ông muốn từ bỏ tất cả để nhận lời.
Reggie Love, người từng là vệ sĩ của ông Obama đến năm 2011 kể lại rằng có một lần tổng thống Mỹ hỏi ông cách phát âm một từ. Ông Love trả lời và ông Obama tỏ ra nghi ngờ. Tổng thống sau đó nói: “Được rồi, hãy đi hỏi Brian”.
Theo ông Love, khi nhìn vào khối lượng công việc và thời gian mà Mosteller dành ra để đảm bảo mọi thứ hoàn hảo, không có lý gì để không tin tưởng con người như vậy.
Đến thời điểm này khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sắp kết thúc, Mosteller cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng một người trong nhiều năm như vậy. Mosteller hiểu rõ tính cách, cảm nhận được tâm trạng của ông Obama.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Tổng thống thoải mái khi có Brian bên cạnh”. Mosteller là người mà Tổng thống Obama thường xuyên trò chuyện nhất, và ông cũng là người được tự do ra vào phòng Bầu dục mà không cần báo trước.
“Đó là điều gì đó vượt ra ngoài tất cả. Khả năng của một người đóng vai đằng sau hậu trường là lớn hơn con người tôi và có khả năng ảnh hưởng đến điều gì đó lớn hơn cả tôi”, Mosteller nói về niềm đam mê công việc của mình.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Người viết Thông điệp liên bang cho Tổng thống Obama
Tổng thống Barack Obama tối ngày 12.1 (giờ Mỹ) đã đọc Thông điệp liên bang cuối cùng của ông trước khi rời nhiệm sở. Tuy nhiên, ít người biết được người đã chắp bút những thông điệp như thế.
Ông Cody Keenan được Tổng thống Obama mô tả giống nhà văn Hemingway vì bộ râu rậm - Ảnh: Nhà Trắng
Cody Keenan (35 tuổi) với bộ râu rậm mà Tổng thống Obama mô tả giống nhà văn Hemingway, là người chịu trách nhiệm viết bài diễn văn cho Tổng thống Barack Obama. Ông Keenan bắt đầu sự nghiệp chính trị giữa 4 bức tường của một phòng thư tín ở thủ đô Washington. Trong suốt 13 năm, ông vẫn làm việc trong căn phòng như vậy, chỉ khác là giờ đây nó nằm tại Nhà Trắng.
NBC News cho biết ông Keenan thức đến sáng 12.1, trong căn phòng ở góc tầng hầm, hì hục viết bài, sửa lỗi để ông Obama có Thông điệp liên bang cuối cùng vào tối 12.1.
Sinh ra tại thành phố Chicago, ông Keenan làm trưởng nhóm viết diễn văn cho Tổng thống Obama từ năm 2012. Mô tả công việc thầm lặng này, Keenan nói đó là một "sự pha trộn giữa hy vọng và sợ hãi". Ông nói phải chiến đấu với những xúc cảm đó cho đến lúc cuối cùng, thường là khi trình bản thảo lên cho tổng thống - một "biên tập viên chu đáo và đòi hỏi". "Ông ấy (Tổng thống Obama) đã viết 2 cuốn sách trước khi tôi bắt đầu tập tành vào nghề, và ông ấy giỏi hơn tôi về khoản đó", ông Keenan nói.
Ông Keenan là một cổ động viên trung thành của câu lạc bộ bóng chày Chicago Cubs và ông đùa rằng sẽ không cạo râu đến khi nào đội bóng của mình thắng giải thế giới.
Người tiền nhiệm của Keenan là ông Jon Favreau, rời Nhà Trắng để theo đuổi sự nghiệp viết kịch bản truyền hình. Trong khi mọi người viết diễn văn đều cố che giấu danh tính, ông Favreau lại trở nên nổi tiếng nhờ khả năng nắm bắt những chủ đề lớn, bao quát của Tổng thống Obama. Ông Keenan thì ngược lại, nổi tiếng nhờ cách tiếp cận bình dân hơn, khơi dậy sự cuộc tranh đấu thường ngày của người Mỹ bình dân.
"Nguyên tắc chung của tôi là nếu bạn không nói điều đó cho một người bạn trong quán rượu, thì đừng để tôi viết nó trong bài diễn văn".
Ông Cody Keenan trong bộ trang phục cướp biển nói chuyện với Tổng thống Obama - Ảnh: Nhà Trắng
Bắt đầu sự nghiệp chính trị từ cấp thấp nhất, Keenan nhận một công việc không lương tại một phòng thư tín của văn phòng cố thượng nghị sĩ Edward Kennedy tại Washington. Ông rời nơi này khi làm chức phụ tá pháp lý để theo học trường quản lý hành chính John F. Kennedy tại Đại học Harvard. Trong kỳ nghỉ hè, ông thực tập dưới quyền ông Favreau trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Obama. Keenan sau đó gia nhập chiến dịch và tốt nghiệp đại học.
Khi ông Obama trúng cử, ông Keenan trở thành thành viên của tổ soạn diễn văn tại Nhà Trắng. Ông Keenan lần đầu tạo sự chú ý khi mặc bộ đồ cướp biển và nói chuyện với tổng thống Obama trong buổi dạ tiệc dành cho các nhân viên Nhà Trắng năm 2009.
Ông chỉ được công chúng để mắt đến từ tháng 1.2013, khi ông được chỉ định soạn diễn văn cho Tổng thống Obama sau vụ xả súng hàng loạt ở thành phố Tucson, bang Arizona. Những lời khen ngợi về bài nói xúc cảm trên đã khiến nhiều người tò mò về nhân vật đã soạn thảo bài diễn văn.
Ông Keenan chia sẻ, các bài phát biểu quan trọng, đặc biệt là thông điệp liên bang là kết quả hợp tác của rất nhiều nhân viên Nhà Trắng, gồm các cố vấn chính sách, nhà nghiên cứu và các cây bút khác. Người biên tập cuối cùng luôn là tổng thống.
"Khâu sợ hãi nhất là khi bấm nút gửi bài cho ông ấy. Một khi ông ấy bắt đầu đọc, tôi mới hoàn toàn nhẹ nhõm". Ông Keenan cho biết không cảm thấy thoải mái chừng nào tổng thống chưa bước lên bục nói.
Nhưng ông Keenan cũng nói rằng ước mơ của ông là giúp Tổng thống Obama viết nhiều bài diễn văn khác trước khi mãn nhiệm kỳ.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng nay, theo giờ Hà Nội, sẽ đọc Thông điệp Liên bang cuối cùng, dự kiến vạch ra những mục tiêu còn lại của ông trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi đọc Thông điệp Liên bang tại quốc hội ngày 20/1/2015. Ảnh: Reuters. Buổi đọc Thông điệp Liên bang,...