Chậm vì thiếu kinh phí
Hà Nội hiện có 42,8% số trường học công lập đạt chuẩn, song tỷ lệ này ở cấp THPT mới chỉ đạt 28%, thấp nhất trong số các cấp học. Đây là mối lo lớn đối với các cấp quản lý và cả các nhà trường khi chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa phải nâng tỷ lệ này lên mức 50% theo kế hoạch thành phố giao. Hội nghị giao ban tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia cấp THPT do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 27-3 đã tập trung “gỡ khó” để đẩy nhanh tiến độ.
Mối lo chậm tiến độ
Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, dù tỷ lệ trường đạt chuẩn chung hiện nay là 42,8%, song lại có sự chênh lệch đáng kể giữa các cấp học. Trong đó cấp tiểu học có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất – 56%, cao gấp đôi so với cấp THPT. Điều đáng nói là xuất phát điểm xây dựng trường chuẩn của cấp THPT sớm hơn một số cấp học khác, song tiến độ lại ì ạch nhất. Năm 2013 có 3 trường THPT phải chuyển sang kế hoạch xây dựng chuẩn năm 2014 do tiến độ thực hiện một số hạng mục còn chậm.
Ảnh minh họa
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang khẳng định, công tác xây dựng trường chuẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết của Hà Nội nhằm tạo ra môi trường giáo dục đạt chuẩn để nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành GD-ĐT Thủ đô thực hiện có chất lượng đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Vì vậy, mỗi nhà trường cần nhận thức nghiêm túc về trách nhiệm trong việc xây dựng trường chuẩn để giáo viên và HS được dạy – học trong môi trường giáo dục hiện đại, coi đây là giải pháp để cải thiện chất lượng giáo dục của đơn vị mình.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy so với 3 cấp học còn lại là mầm non, tiểu học và THCS thì tiến độ xây dựng trường chuẩn của cấp THPT luôn ở vị trí đội sổ. Lý do được chỉ ra là nhận thức về việc đầu tư xây dựng trường chuẩn của các nhà trường còn hạn chế. Lãnh đạo Sở GD-ĐT dẫn chứng: Có giáo viên đã chất vấn lãnh đạo nhà trường và Sở GD-ĐT rằng sau khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì giáo viên có được nâng lương hay không. Sự thiếu quyết tâm dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải cũng là một nguyên nhân khiến cho thời gian xây dựng dự án trường đạt chuẩn kéo dài, thậm chí có nơi khi dự án hoàn thành thì tiêu chí trường chuẩn quốc gia đã thay đổi. Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm với của các nhà trường và ngành GD-ĐT. Điển hình như Trường THPT Yên Viên – một trong 14 trường thuộc danh mục đầu tư đạt chuẩn năm 2008, song đến nay vẫn chưa thể mở rộng khuôn viên trường để đáp ứng với sự phát triển quy mô HS và tương ứng với tiêu chí về cơ sở vật chất trường chuẩn. Trường THPT Việt – Đức theo dự kiến đạt chuẩn vào năm 2015 nhưng xin lùi lại tới năm 2018 vì còn vướng việc di dời 2 hộ dân trong khuôn viên trường và giải phóng một phần diện tích đất xen kẹt…
Có “vỏ” nhưng rỗng “ruột”
Theo kế hoạch thành phố giao, để đạt chỉ tiêu 50% số trường THPT đạt chuẩn vào năm 2015, Hà Nội sẽ phải có thêm ít nhất 24 trường đạt chuẩn, trong đó lộ trình từ nay tới cuối năm xây dựng 12 trường, số còn lại thực hiện vào năm 2015. Danh mục và lộ trình xây dựng đạt chuẩn của từng trường đã được công bố, song kết quả có đạt như mong muốn hay không lại đang là bài toán khó.
Ý kiến phản ánh của các nhà trường đều tập trung vào khó khăn chung hiện nay là thiếu kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học. Dù đã nằm trong dự kiến kế hoạch đạt chuẩn từ nay đến năm 2015 nhưng hầu hết các trường đều cho biết mới chỉ hoàn thiện được phần “vỏ”, tức là xây dựng được phòng, còn “ruột”, là trang thiết bị hầu như rỗng, trông chờ vào sự đầu tư của thành phố. Trường THPT Ứng Hòa B cho biết, thiết bị dạy học của trường mới chỉ đạt 1/4 so với danh mục tối thiểu của Bộ GD-ĐT quy định. Trường THPT Sóc Sơn khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất do hầu hết trang thiết bị đã hư hỏng, 50% số bàn ghế thiết kế kiểu cũ, không đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trường THPT Quang Trung, Hà Đông báo cáo cả 4 phòng học bộ môn gồm phòng tin học, vật lý, hóa học, sinh học đều rỗng “ruột”, ngoài ra trường còn chờ kinh phí để hoàn thiện phòng truyền thống và khu vệ sinh. Trường THPT Nguyễn Trãi, Thường Tín dù nằm trong dự kiến kế hoạch đạt chuẩn vào cuối năm song đến nay vẫn đang chờ được cấp kinh phí để đầu tư thiết bị phòng truyền thống, phòng máy tính và bàn ghế cho hơn chục phòng học.
Ý kiến của lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho rằng, bên cạnh một số đơn vị quyết tâm thì vẫn còn có nơi chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng trường đạt chuẩn. Thực tế kiểm tra cho thấy một số trường học còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách, chưa chủ động huy động các nguồn lực để tập trung cho mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn hoặc thiếu chủ động trong tham mưu để được đầu tư tập trung. Điển hình như Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn từ năm 2008, đến nay cơ sở vật chất, thiết bị đã xuống cấp mà vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, đây là những điều mà các trường phải điều chỉnh trong giai đoạn tới để công tác xây dựng trường chuẩn đạt đúng tiến độ và có chất lượng.
Theo Baomoi