Chấm thi THPT quốc gia: Sửa lỗi bài thi trắc nghiệm, có ảnh hưởng tới thí sinh ?
Có hàng ngàn bài thi trắc nghiệm bị lỗi và phải sửa trong quá trình chấm thi. Tuy nhiên, theo những người có trách nhiệm chấm thi ở các trường đại học, việc sửa lỗi không làm thay đổi kết quả bài mà chỉ phục vụ việc chấm thi đã thể hiện chính xác kết quả.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra khu vực camera tại điểm chấm thi của tỉnh Bến Tre – NHƯ HẠO
Từ nhầm số báo danh, mã đề thi đến giấy thi không chuẩn
Năm nay, Trường ĐH Khánh Hòa được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận. Tiến sĩ Phan Phiến, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết đã hoàn tất việc chấm gần 16.000 bài thi. Ông Phiến cho biết, ban đầu có lượng lớn bài thi gặp khó khăn trong khâu nhận diện. Nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của tổ phần mềm thuộc Bộ GD-ĐT thì số bài không nhận diện được chỉ còn 211 bài. Việc không nhận diện được có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do giấy bài thi không chuẩn với phần mềm.
“So với tổng số 16.000 bài thi, số bài không nhận diện được chỉ chiếm số lượng không đáng kể. Chỉ trong hơn 1 ngày, số bài thi này đã được xử lý theo đúng hướng dẫn của quy chế về chấm thi”, ông Phiến nói.
Phân tích về lỗi các bài thi, ông Phiến cho biết có nhiều nguyên nhân. Đa phần lỗi là do thí sinh (TS) tô lộn cột, sai số báo danh hoặc mã đề. Có những bài thi máy không nhận diện được do TS tô mờ, TS bỏ không tô hoặc tô xong rồi xóa chưa hết…
“Đáng chú ý, có những trường hợp 2 TS đều ghi và tô cùng một số báo danh. Trong trường hợp này, khi bài thi đã bị niêm phong, tổ chấm thi phải dò trên danh sách thu bài để tìm ra số báo danh đúng”, ông Phiến cho hay.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Bình Thuận. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh nhà trường, cho biết công tác chấm trắc nghiệm đã hoàn tất thủ tục bàn giao kết quả và bài thi cho Sở GD-ĐT để lưu trữ. Theo đó, số bài thi cần sửa lỗi khá ít, chỉ khoảng 100 trong tổng số 31.999 bài thi bị lỗi nhận dạng cần xem xét và xử lý. Các lỗi gặp phải thường do TS tô mờ, mép giấy bị gấp, ô định dạng bị mờ…
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết đã hoàn tất việc chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 7.7. Trong số 60.401 bài thi trắc nghiệm thì số bài thi phải sửa lỗi đến hơn 1.400 bài thi (chiếm khoảng 2% trên tổng số bài thi).
Theo cán bộ chấm thi một trường ĐH tại TP.HCM, bên cạnh các lỗi thông thường, trong khi quét bài thi trắc nghiệm, ban chấm thi đã phát hiện một TS có tên trong danh sách dự thi nhưng trong danh sách thu bài TS không dự thi. Bên cạnh đó, một TS vắng thi nhưng vẫn có tên trong danh sách thu bài. Tuy nhiên, các lỗi này sau khi kiểm tra phát hiện chỉ là do cán bộ coi thi quên gạch tên TS vắng thi hoặc gạch nhầm tên TS.
Có ảnh hưởng thí sinh?
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Thanh Hóa, cho biết việc soát cả 4 môn thi do máy thực hiện hoàn toàn, nhằm nhận diện các ảnh đã được quét là bài cũng để thống kê các lỗi của bài thi (nhưng bài thi đã được mã hóa) nên người soát chỉ thấy hiển thị trên màn hình phần lỗi chứ không thấy hình ảnh bài làm.
Trong tổng số hơn 102.000 bài thi ở Thanh Hóa, chỉ có 639 bài thi tô sai số báo danh và mã đề thi (chiếm tỷ lệ rất nhỏ, 0,63%). Tiếp theo là đến công đoạn sửa các lỗi đã soát được. “Sửa số báo danh tương đối dễ. Với mã đề thì phức tạp hơn một chút. Cán bộ kỹ thuật phải tra lại biên bản nộp bài thi, để biết bài thi có số báo danh đó làm mã đề thi nào”, PGS Tớp nói.
Video đang HOT
Tiếp theo là kiểm tra các bài thi mắc sơ suất tô đúp (tô nhiều hơn 1 đáp án trong 1 câu hỏi). Với những bài này, phần mềm sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo. Khi nhận được tín hiệu này, cán bộ sẽ phóng to bài thi để xem có phải TS tô đúp là do tô lại mà chưa tẩy sạch vết tô trước hay tô bừa. “Xử lý cụ thể các lỗi này thế nào Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn rất tỉ mỉ, nhưng tất cả các thao thác xử lý lỗi này đều được ghi về trên phần mềm”, ông Tớp cho biết.
Còn ông Phạm Thái Sơn cho biết sau khi quét và lưu dữ liệu bài thi để báo cáo Bộ, ban chấm thi dưới sự giám sát của thanh tra, an ninh và giám sát tiến hành sửa lỗi, toàn bộ kết quả sửa, biên bản sửa và bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm sửa được mã hóa để tiếp tục gửi về Bộ. “Việc sửa lỗi này được thực hiện theo đúng các bước trong quy chế hướng dẫn về chấm thi nhằm kiểm tra tính chính xác của kết quả chấm chứ không ảnh hưởng tới bài thi của TS”, ông Sơn khẳng định.
Ông Đỗ Văn Dũng cho biết, năm nay phần mềm báo lỗi nhanh nên cán bộ chấm thi xử lý kịp thời, không ảnh hưởng tới TS.
Công đoạn quét bài mất nhiều thời gian nhất
Hà Nội là địa phương có nhiều TS dự thi THPT quốc gia 2019 nhất cả nước, hơn 74.000 em, và có tổng số hơn 219.000 bài thi trắc nghiệm. Vì Hà Nội có số lượng bài thi lớn như thế nên Bộ GD-ĐT đã phân công 3 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (Công nghệ; Khoa học tự nhiên; Ngoại ngữ) chủ trì chấm thi trắc nghiệm. Theo Ban Truyền thông – ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 8.7, ĐH này đã hoàn thành việc chấm thi tại Hà Nội, bao gồm hơn 74.000 bài thi môn toán, hơn 65.000 bài thi môn ngoại ngữ, hơn 27.000 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và hơn 53.000 bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bố trí 12 máy chấm, 70 cán bộ được huy động tham gia chấm thi.
PGS Trần Văn Tớp cho biết trường cũng đã chấm thi xong cho tỉnh Thanh Hóa. Trong hơn 9 ngày chấm thi tại Thanh Hóa, công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất là scan (quét bài thi). Riêng công đoạn này, 26 cán bộ trường bách khoa làm mất 4 ngày; riêng ngày đầu tiên (quét bài thi môn toán), làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố danh sách thí sinh được tuyển thẳng
Ngày 9.7, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định công nhận 188 sinh viên trúng tuyển vào trường theo diện tuyển thẳng. Đây là những TS đạt giải quốc gia các môn toán, lý, hóa, tin, sinh học, tiếng Anh, giải khoa học kỹ thuật. Trong đó, giải nhất là 13 TS, giải nhì 72 TS, giải ba 103 TS.
Lý là môn có nhiều TS được tuyển thẳng nhất với 63 người. Tiếp theo là toán (51), tin (36), hóa (22), sinh (12), tiếng Anh (4) và 30 TS đạt giải khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Có 3 học sinh giỏi quốc gia môn vật lý tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc tế (1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, 1 được giấy khen).
Quý Hiên
Khâu nhập điểm thi THPT quốc gia được giám sát chặt hơn
Thời điểm này, nhiều địa phương đã hoàn thành việc chấm thi THPT quốc gia và tiến hành nhập điểm. Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết khâu nhập điểm thi THPT quốc gia năm nay Bộ cũng lưu ý các địa phương phải thực hiện chặt chẽ về quy trình. Cụ thể, phải có 2 tổ máy nhập song song, có 3 người nhập, đọc và dò điểm để tránh nhầm lẫn. Có 4 người tham gia quá trình nhập điểm trên 1 máy: 1 người đọc, 1 người giám sát đọc, 1 người nhập điểm và 1 người giám sát nhập điểm để đảm bảo không sai sót.
Sau khi nhập xong lại đối chiếu xem có chính xác không thì mới chính thức công bố kết quả. Theo ông Độ, sau khi thực hiện xong tất cả những công việc như trên, dự kiến ngày 14.7, Bộ sẽ chính thức công bố điểm thi đồng loạt trên cả nước. Muốn như vậy thì chậm nhất ngày 12 – 13.7, các địa phương phải gửi dữ liệu điểm thi về Bộ. Khi công bố điểm thi đến thí sinh, Bộ cũng sẽ công bố phân tích phổ điểm của kỳ thi trên cả nước để nhân dân biết và giám sát.
Tuệ Nguyễn
Theo Thanh niên
Hàng nghìn bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia bị lỗi
Trong quá trình chấm thi trắc nghiệm THPT Quốc gia 2019, phần mềm chấm thi đã phát hiện hàng nghìn bài thi bị lỗi.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM- đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở Đắk Lắk, thông tin có 1.600/60.000 bài thi trắc nghiệm ở cụm thi này bị lỗi.
"Bài thi trắc nghiệm năm nào cũng có lỗi. Có thí sinh tô sai mã đề, thậm chí có thí sinh sai số báo danh"- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, những lỗi sai này là bình thường chứ không phải bất thường. "Do cụm thi Đắk Lắk có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, các em tô sai mã đề, số báo danh là chuyện bình thường"- ông Dũng nhìn nhận.
Trước giờ làm bài thi THPT Quốc gia 2019 (Ảnh: Thanh Hùng)
"Cụm thi Khánh Hòa có 2.000/37.000 bài thi trắc nghiệm bị lỗi"- ông Tô Văn Phương, Trưởng Phòng đào tạo,Trường ĐH Nha Trang - đơn vị chủ trì chấm thi trắc nghiệm cụm này thông tin.
Theo ông Phương các lỗi chủ yếu trong bài thi trắc nghiệm thí sinh cụm thi này gặp phải như tô sai số báo danh, trùng số ở cột tô số báo danh hay thí sinh dùng bút chì tốt nhưng gôm tẩy thì không tốt nên khi điều chỉnh đáp án, xóa đáp án cũ vẫn còn dấu vết mờ, trong khi máy quét lại nhạy nên vẫn nhận diện, gây ra cảnh báo lỗi.
"Tổ chấm mất hơn 1 ngày để sửa lỗi cho hơn 2000 bài thi"- ông Phương nói.
Tại cụm thi Bình Thuận, năm nay Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM được giao chấm thi trắc nghiệm. Ông Phạm Thái Sơn, Phó ban chấm thi cho hay, trong số hơn 32.000 bài thi trắc nghiệm có khoảng 100 bài thi bị lỗi. Khi chấm đơn vị đã hỗ trợ sửa lỗi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Tương tư cụm thi Gia Lai do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chủ trì chấm thi trắc nghiệm cũng ghi nhận một số bài thi bị lỗi.
Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay trong số 38.000 bài thi trắc nghiệm có một số bài bị lỗi nhưng số lượng không nhiều.
"Theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chúng tôi làm đúng theo quy chế. Việc chấm thi thực hiện 4 bước, trong đó có bước sửa lỗi trước khi chấm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh còn chúng tôi không "chế biến" thêm điều gì"- ông Lý cho hay.
Trước đó, tại cụm thi Thanh Hóa, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì chấm thi trắc nghiệm, phần mềm chấm thi đã khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm. Đơn vị này đã kiểm tất cả các bài thi này và sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp. Cụm thi này cũng ghi nhận một bài thi trắc nghiệm bất thường và đã lập biên bản.
Tại sao máy chấm thi cảnh báo sai hàng chục bài như Thanh Hóa?
Tại cụm thi Thanh Hóa, phần mềm chấm thi đã khuyến cáo nên xem xét lại 11.900/102.925 bài thi trắc nghiệm nhưng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã sửa hơn 1.500 lỗi tô mờ, tô đúp.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó ban chấm thi cụm Bình Thuận, cho hay sở dĩ phần mềm cảnh báo lỗi bài thi rất nhiều như trường hợp ở Thanh Hóa, là do ở các năm trước sau khi quét phần mềm sẽ nhận dạng và chuyển file ảnh thành file dùng để chấm. Trước khi chuyển thì file ảnh nhận dạng được lưu đĩa để gửi về Bộ. Còn năm nay, công đoạn này làm xong rồi mới đến công đoạn chuyển file ảnh thành file dữ liệu chấm. Khi chuyển file ảnh thành file dữ liệu để chấm thì thì phần mềm sẽ phát hiện những lỗi không rõ ràng trong việc tô đáp án của thí sinh.
"Vấn đề này được nhận diện qua phần mềm và lưới định dạng quét dữ liệu, kiểu như các câu đáp án sẽ nằm trên một lưới quét và nếu có gì đặc biệt không khớp với lưới thì phần mềm cảnh báo"- ông Sơn giải thích.
Theo ông Sơn, sau khi phần mềm cảnh báo thì các bài thi này sẽ được lấy ra quét lại hoặc kiểm tra để sửa lỗi nhằm mục đích bài thi được nhận dạng để chuyển thành file dữ liệu chấm. Các lỗi thường xảy ra là do ô nhận dạng bị mờ, giấy thi bị cong mép, các thí sinh tô mờ hoặc tô lại nhưng ô tô lại và ô xóa đi nhìn không rõ, giấy thi bị lệch khi đưa vào máy quét.
Quy trình sửa lỗi là phải chiếu bản scan và phần mã chấm lên máy chiếu hoặc tivi màn hình lớn để cho thanh tra, giám sát, an ninh và cán bộ chấm cùng nhìn thấy để điều chỉnh. Các lỗi điều chỉnh đều được lập biên bản chi tiết về những sai sót và điều chỉnh.
"Tỷ lệ lỗi này khó nói do rất nhiều những yếu tố khách quan. Cụ thể như cụm thi có nhiều thí sinh ở vùng sâu vùng xa thường bị lỗi nhiều hơn do học sinh là vùng dân tộc thiểu số, thí sinh có trình độ thấp, thí sinh không hiểu rõ yêu cầu... dẫn đến có những lỗi sai cơ bản"- ông Sơn giải thích
Phải sửa lỗi bài thi trắc nghiệm để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh
Theo quy trình chấm thi trắc nghiệm năm 2019 được Bộ GD-ĐT hướng dẫn, việc chấm thi vẫn thực hiện 4 bước gồm quét ảnh, đọc ảnh, sửa lỗi và chấm thi. Như vậy sửa lỗi bài thi trắc nghiệm là một khâu trong chấm thi thuộc trách nhiệm của các đơn vị được giao.
Thông thường, các bài thi trắc nghiệm sẽ mắc phải một số lỗi như như không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được, trong đó lỗi tệ hại nhất là tô nhầm SBD; Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào; Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
Thậm chí, có những lỗi do quét bài như để gấp phiếu, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng... những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra.
Để tránh tình trạng gian lận thi cử như năm 2018, trong năm 2019, phần sửa lỗi này sẽ được thực hiện chỉ sau khi sinh ra đĩa CD1. Kết quả sửa cùng với biên bản (tự động) cùng với bản sao cơ sở dữ liệu tại thời điểm đó được mã hóa tạo thành đĩa CD2 gửi về Bộ GD-ĐT. Cũng như đĩa CD1 chỉ có Bộ mới có thể giải mã được đĩa CD2.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Thí sinh có biết trường đại học nào chấm bài thi của mình? Bài trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh ở các địa phương năm nay được giao cho các trường ĐH chấm. Vậy thí sinh có biết trường ĐH nào sẽ chấm bài thi của mình? Thí sinh bàn luận về bài làm sau khi thi bài khoa học xã hội - Hà Ánh Một trong các điểm mới trong kỳ...